VẤN ĐỀ HỘI NHẬP TRƯỚC CƠN LỐC LỊCH SỬ
Nguyễn Thái
Sống là thích nghi và nhập cuộc, hay nghệ thuật sống là nghệ thuật thích nghi, người xưa thường nói vậy. Câu nói có vẻ “cải lương” đó thật sự hàm chứa một nội dung sâu xa và phong phú, có thể áp dụng vào rất nhiều lãnh vực của cuộc sống cá nhân cũng như tập thể.
Thật vậy, xét theo phương diện sinh vật học, định luật cương yếu của một cơ thể sống và lành mạnh, là khả năng tiếp thu và biến hóa những chất liệu nhận được từ bên ngoài. Nếu một cơ thể không có một khả năng tiêu hóa thức ăn để biến thành xương máu và da thịt của mình... là triệu chứng hiển nhiên đang bị bệnh hoạn hay đã quá già nua.
Văn hóa, tôn giáo, chính trị... cũng không đi ra ngoài định luật sống đó. Những xung đột giữa hội nhập, hiện đại hóa với chủ trương bảo thủ, phi hội nhập, cũng như những giằng co giữa cũ-mới và già-trẻ có thể nói là một hệ luận tất nhiên của một thân phận làm người ở đời và là hành trang cần thiết cho cuộc hành trình thăng tiến của nhân loại.
Ta thử lật lại tập hồ sơ vài vụ án nệ cổ trong thế hệ trước đây làm như bàn đạp để nói chuyện hội nhập hôm nay, trước một hiện tại ngổn ngang xáo trộn và đầy hứa hẹn.
1. Bản cáo trạng vụ án nệ cổ
Nếu muốn tìm lại những bản cáo trạng, những lời buộc tội trong cuộc xung đột giữa cũ và mới tại Việt Nam ở giai đoạn trước thế chiến thứ hai, thiết tưởng chẳng khó khăn bao nhiêu. Chỉ cần đọc lại một số bài báo Phong Hóa chẳng hạn, đặc biệt của những bài Tứ Ly, Nhất Linh, Nhị Linh, Tú Mỡ, Lê Ta... trong các mục : "Từ nhỏ đến nhớn”, “Bàn ngang”, “Từ cao đến thấp”, “Giòng nước ngược”... ta sẽ có một khái niệm khá đầy đủ về vụ án trên. Lập trường của tờ Phong Hóa, cũng như của nhóm Tự Lực Văn đoàn thật rõ rệt, dứt khoát. Họ thẳng tay với tất cả những gì họ coi là cũ, thủ cựu, lạc hậu... Lắm khi không ngần ngại đập phá tất cả những gì cản trở con đường đổi mới. Tuy nhiên, Phong Hóa ít khi đánh thẳng vào lập trường của phe đối lập. Lối phê bình của họ thường khi có tính cách châm chọc, chế diễu đời tư của các thành phần cũ và những tập tục, quan niệm sống, lễ nghi, luân lý mà họ cho là thủ cựu, lạc hậu. Bên cạnh những con người cũ, hủ lậu, mê tín, trọng nam khinh nữ... cần được gột rửa như bà Phán, Thân hay lão Phú hộ, nhóm Tự Lực Văn đoàn cũng giới thiệu những con người mới như Loan, Mai, Lộc, Huy... trong Đoạn tuyệt và Nửa chừng xuân.
Nhưng muốn tìm những cuộc bút chiến thực sự vê vụ án nệ cổ, có lẽ phải nói đến chủ trương của Phan Khôi, và nhóm Phụ Nữ Tân văn. Từ năm 1930, Phan Khôi và nhóm biên tập của ông bắt đầu tấn công phái cựu học, tố khổ Nho giáo, kết án chế độ đại gia đình, phê bình kịch liệt tam cương ngũ thường, yêu cầu "giải phóng" phụ nữ. Trong ba số báo Phụ Nữ Tân văn (54, 63 và 64), Phan Khôi đòi đặt lại một số vấn đề trong Nho giáo như vấn đề trung quân, vấn đề Trung dung và còn tỏ ra hơi tàn nhẫn với học gia Trần Trọng Kim. Nói chung, Phan Khôi nhân danh khoa học để kết án nền cựu học. Ông chê Khổng-Mạnh thiếu tinh thần khoa học. Theo ông, lối giáo dục từ chương và "cái huyền học của Khổng-Mạnh trái với khoa học", nên cần thẳng tay loại bỏ.
Phan Khôi còn viết thêm một số bài nghị luận. Trong bài cái cười của "Con Rồng Cháu Tiên" chẳng hạn, ông đả kích cái dân tộc tự xưng là "Con Rồng Cháu Tiên" mà quá khả ố, man rợ trong cái cười. Đặc biệt, bài "Tống Nho với Phụ nữ", họ Phan phê phán gay gắt quan niệm của phái Tống Nho về phụ nữ, đặc biệt việc cấm phụ nữ tái giá. Hai bài trên có những lời lẽ, tư tưởng quá mới mẻ và táo bạo, đến độ làm thi sĩ Tản Đà "nổi dóa". Trong một loạt bài trả lời đăng trên bốn số mới Anam tạp chí (26, 29, 36 và 37) . Tản Đà đã dùng đủ mọi thứ lý luận để kết án xử trảm Phan Khôi về tội mạ lỵ cả dân tộc, tổ tiên và giang sơn đất nước.
2. Câu chuyện nệ cổ ở Trung Hoa
Không riêng gì ở Việt Nam, tại Trung Hoa cũng xảy ra những cuộc xung đột tương tự ở buổi giao thời Đô Tây. Cả một thế hệ thanh niên Trung Hoa lúc ấy hết sức căm phẫn Khổng Tử, cho ông là nguyên nhân tình trạng thảm hại và trì trệ mọi phương diện của Viễn Đông. Theo họ, điều kiện tiên quyết để có thể theo kịp các nước Âu Mỹ là phải hạ bệ Khổng Tử và phản công lại những lời tuyên dương, phỉnh nịnh Khổng học của các học giả Tây phương, với chủ đích ru ngũ người Đông phương an tâm với cuộc đời chậm tiến lạc hậu.
Chính vì vậy, họ đã thẳng tay loại bỏ nhiều giá trị cổ truyền, cương quyết đoạn tuyệt với quá khứ, giũ sạch mọi ràng buộc với nền cựu học, với đạo lý thánh hiền... Thậm chí có những người đã không ngần ngại tuyên bố : "Khổng khưu nghiết phẩn chi học" , cái học của họ Khổng là cái học ăn c...
Những lời tố cáo trên dĩ nhiên quá đáng, nhưng không phải hoàn toàn vô căn cứ và thiếu cơ sở lịch sử. Lý do chính có lẽ tại các nho gia không chịu thích nghi với thời đại, cứ cố chấp ôm ghì những cơ chế và quan niệm lạc hậu. Ngay từ thời Chiến Quốc và đầu đời nhà Tần đã có những bản cáo trạng tương tự.
Hàn Phi Tử chẳng hạn, phản đối chủ trương "Pháp tiên vương", nghĩa là lấy Nghiêu-Thuấn làm kiểu mẫu trị nước. Ông viết : "Thời đổi mà pháp không đổi thì loạn... cho nên bậc thánh nhân trị nước phải tùy thời mà đổi pháp, không thể căn cứ vào Nghiêu-Thuấn hai, ba ngàn năm về trước mà trị dân". Theo ông, Nghiêu-Thuấn không phải là gương mẫu điển hình vĩnh viễn cho tất cả các thế hệ. Mỗi thời đại và mỗi hoàn cảnh lịch sử luôn có những vấn đề riêng, đòi hỏi những giải đáp mới mẻ, thích hợp với hoàn cảnh đặc biệt của thời đại. Do đó, bậc thánh nhân phải biết tùy thời mà ứng dụng cái đạo trị nước, theo đúng tiêu chuẩn của kinh Dịch : "Thế dị tắc sự dị, sự dị tắc dị biến", thời thế biến đổi tất sự việc cũng đổi thay, và sự việc đổi thay tất nhiên đường lối dự phòng cũng phải linh động theo.
Hàn Phi Tử còn sử dụng lối biện chứng để đòi đặt lại vấn đề căn bản : Có chăng nhân vật Nghiêu-Thuấn ? Nếu không chứng minh được lịch sử tính của hai nhân vật Nghiêu-Thuấn, dĩ nhiên tất cả những gì xây dựng trên chủ trương "Pháp tiên vương" đều là ảo tưởng. Sau khi Hàn Phi Tử mất, Lý Tư đã áp dụng học thuyết của ông tại nước Tần chống lại Thuần Vu Việt, đại diện cho Nho học. Không may cho Khổng Mạnh là Nho học thời này lại gặp phải một đại diện quá hương nguyện, hủ nho và bảo thủ. Thật vậy, Thuần Vu Việt quả quyết rằng: "Việc làm không theo cổ mà thành công và trường tồn, ắt chưa thấy bao giờ". Thế rồi ông nhân danh đạo lý thánh hiền, chống lại chế độ trung ương tập quyền và mọi hình thức đổi mới.
Pháp gia Lý Tư chụp ngay lấy cơ hội để quật ngã Thuần Vu Việt và cái Nho giáo hủ lậu, mà Việt là biểu tượng. Chung cục đau thương là lệnh đốt sách do Tần Thủy Hoàng ban hành, rồi sau đó lại thêm cái vạ chôn nho sĩ nữa.
Ôn lại những chuyện cũ đó là để dự phóng tương lai, theo đường hướng "ôn cố tri tân" của Khổng Tử.
3. Trước cơn lốc của thời đại
Kitô giáo thường bị phê phán là ngoại lai với dân tộc và không chịu hay không thể hội nhập vào nền văn hóa Á đông. Thật vậy, khác với Phật giáo, Kitô giáo vẫn khư khư bảo lưu và phát triển những nét đặc thù "Tây phương" trên mảnh đất Á châu này. Nói chung, Kitô giáo đã thiếu sót trong vấn đề hội nhập và giới trí thức Á châu, kể cả những trí thức Kitô giáo, đã phê phán Kitô giáo như một tôn giáo xa lạ với nền văn học Á châu.
Không thể phủ nhận những phê bình trên, nhưng nếu nhìn sâu hơn sẽ thấy sự phức tạp của vấn đề. Trước hết là yếu tố thời gian : Hai, ba trăm năm tuy dài thật, nhưng so với chiều dài của lịch sử vẫn còn quá ngắn để một tôn giáo mới có thể đi sâu vào văn hóa dân tộc. Ngoài ra, cái bất hạnh cho Kitô giáo là đã du nhập vào Đông Nam Á trong buổi giao thời khủng hoảng của vùng đất này, làm cho người Á đông không còn khả năng đồng hóa và biến đổi thành xương thịt mình những yếu tố từ bên
ngoài đưa vào. Cuối cùng, đối với riêng Kitô giáo, phải nhìn nhận rằng giai đoạn tiền và hậu công đồng Tridentino là một giai đoạn bảo thủ khép kín và bất bao dung nhất về mặt đối thoại và hội nhập.
Nếu một trong những điểm căn bản của Tin mừng Kitô giáo là Nhập Thể và nhập thế, đi vào lòng đời và làm người với mọi người, ở mọi thời và mọi nơi, thì phải thành thật nhìn nhận rằng Kitô giáo tại Á đông chưa thể hiện đúng đắn sứ vụ của mình. Về mặt cơ cấu, Kitô giáo được địa phương hóa với việc thành lập hàng giáo phẩm bản xứ, một số cơ sở tôn giáo được kiến trúc theo kiểu Á đông và còn có thêm một số người bản xứ được phong thánh. Tuy nhiên, xét về mặt văn hóa, vẫn chưa có một nền thần học có khả năng suy tư và diễn đạt niềm tin với những chất liệu và tâm tình của người Việt Nam. Tin mừng vẫn chưa thực sự "nhập thể" vào văn hóa Việt Nam. Chúng ta cần tiếp thu bài học trên để dự phóng tương lai.
Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang ở vào một giao điểm lịch sử quan trọng và kỳ diệu. Những cơn lốc và bước ngoặt lịch sử đang biến vùng Đông Nam Á thành “điểm nóng” của thế giới hôm nay, với một thực tế ngổn ngang xáo trộn nhưng đầy hứa hẹn. Cả một vùng đất rộng lớn đang được nhào nặn, căng kéo, lôi ghì dưới sức ép của truyền thống và những tác động gay gắt của quá trình hiện đại hóa.
Một số người cho rằng quá trình hiện đại hóa do Tây phương "Kitô" giáo đem đến, đã bén rễ thành công tại Đông Nam Á. Người Á đông hôm nay, dù ý thức hay không, đã bổ sung vào thế giới quan và nhân sinh quan của mình những quan niệm mới mẻ về khoa học và kỹ thuật, cách tổ chức xã hội, mô hình sản xuất... nghĩa là ngầm thừa nhận lý trí và tư duy "Tây phương" như một trong những mẫu mực của cuộc sống.
Cái cũ, cái mới, tâm và trí, Đông và Tây, khuynh hướng
trực giác hay khuynh hướng khoa học, hoài vọng quá khứ hay lạnh lùng nhìn thẳng tương lai... đang tranh giành nhau để khẳng định vai trò chủ động. Một cơn sốt vỡ da đang tiến ra, với nhiều lo âu và hứa hẹn.
Xem ra xu hướng hiện đại hóa trang thắng thế và đầy xác tín. Cho dù sống trong một hoàn cảnh khó khăn như ở Việt Nam hôm nay, Hà Sĩ Phu dám khẳng định : "Chỉ có sự tích lũy và gia tăng không ngừng của Trí tuệ, chỉ có sự cạnh tranh, cọ xát của Trí tuệ mới làm cho xã hội trở nên văn minh hơn (...). Chỉ cần nhận thức chính xác một điều ấy thôi, thì mọi chuyện đều thay đổi hết : Đã là Trí tuệ, thì phải kế thừa, tích lũy tiệm tiến chứ không thể dùng đột biến cách mạng để xóa bỏ, thay thế. Phải là hoạt động của những đầu óc cá nhân trong sự hài hòa mở rộng với nhân loại chứ không phải vấn đề giai cấp, không phải là sự đối kháng giữa hai phe”.
Dĩ nhiên, ở thời đại vệ tinh và nền văn minh tin học này, không ai có thể nhắm mắt trước một nhân loại ngày càng mở rộng, và những vấn đề có tính thời đại. Càng không thể không chấp nhận khoa học kỹ thuật và kinh tế thị trường, vì phủ nhận nó là tự đặt mình ra ngoài quy luật tiến hóa của nhân loại và chối từ điều kiện sống còn của dân tộc. Tuy nhiên, kinh nghiệm đau thương của Tây phương, cũng yêu cầu ta đừng đi vào vết xe đổ của họ. Trái lại, với chiều sâu tâm linh và truyền thống văn hóa, Đông Nam Á cần khai mở cho nhân loại một con đường mới, trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, kỹ thuật và những giá trị văn hóa, tâm linh.
Đây là một cơ hội tốt để Giáo hội Công giáo, từ vị thế đặc biệt của mình, đóng góp cho dân tộc trong cố gắng tìm kiếm và chọn lựa một con đường phát triển phù hợp với những giá trị tinh thần và văn hóa. Làm sao đáp ứng được những đòi hỏi của đất nước trong giai đoạn chuyển mình này ? Làm sao sống Đạo và rao giảng Tin mừng trong viễn tượng năm 2000 ?
Hình như một vài nơi trong Giáo hội đang chuẩn bị cho năm 2000. Nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy người ta hoặc chỉ bận tâm đến những chuyện nội bộ cục diện, như việc tổ chức hành hương hay rước Đức Mẹ La Vang; hoặc đang muốn làm sống lại những cái cũ, đã bị chôn vùi từ lâu, mà lãng quên những thách đố lớn lao có chiều kích lịch sử thuộc phạm vi văn hóa, hội nhập, phát triển... Tôi sợ rằng, lại một lần nữa Kitô giáo bỏ mất cơ hội ngàn vàng và rồi mai sau lại một lần nữa sẽ phải hối hận !
( Nguồn: Đaminh Việt Nam)