04/11/2022
4920
Tự do tôn giáo và rửa tội cho trẻ sơ sinh














 

Hỏi: Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã được đưa vào luật pháp của nước ta. Vậy trong trường hợp những đứa trẻ sinh ra đã được rửa tội và trở thành con của Thiên Chúa trong khi chúng vẫn chưa có ý thức về tự do tôn giáo có vi phạm với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo không? Giáo Hội có bắt buộc những đứa trẻ phải được rửa tội ngay từ lúc còn nhỏ không? Và nếu để khi chúng lớn mới tự do lựa chọn tôn giáo của mình thì có được không?

 

Câu hỏi này gồm có 2 phần: tự do tôn giáo và rửa tội cho trẻ sơ sinh. Cho nên, có thể tách câu hỏi ra thành 2 câu hỏi nhỏ.

1.   Hỏi: Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo đã được đưa vào luật pháp của nước ta. Vậy, trong trường hợp những đứa trẻ sinh ra đã được Rửa Tội và trở thành con của Thiên Chúa trong khi chúng vẫn chưa có ý thức về tự do tôn giáo. Điều đó có vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo không?

Đáp:

Vấn đề tự do tín ngưỡng và tôn giáo không chỉ được ban hành thành các khoản luật trong luật pháp Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước ở Châu Âu và Châu Mỹ. Phải thành thật nhìn nhận rằng con người là một hữu thể có ý chí tự do. Nhưng đồng thời, con người cũng là một hữu thể tôn giáo. Quả nhiên, Thiên Chúa đã phú ban cho con người một ý chí tự do, và đó là một yếu tố cấu thành bên trong của chính yếu tính con người chứ không phải chỉ là một điều thêm thắt về sau.

Tuy nhiên, việc con người được Thiên Chúa phú ban một ý chí tự do không có nghĩa là hắn được làm bất cứ việc gì mình thích. Nhưng đúng ra hắn phải hành động dựa trên những mẹo mực rõ rệt đã được xác định, nếu hắn biết được những mẹo mực ấy. Vì thế ta mới thấy trong thế giới có sự hiện diện của một số đòi hỏi khiến cá nhân phải chấp hành những cách ứng xử nhất định, vì tôn trọng lợi ích chung của xã hội. Xét trong khía cạnh gia đình, ta thấy cha mẹ có quyền đòi hỏi con cái một số điều nào đó. Ở góc nhìn xã hội, mỗi quốc gia có quyền ban bố một số luật lệ rõ rệt, dầu vậy vẫn không tiêu diệt ý chí tự do của người dân. Trong những trường hợp kể trên, không có chuyện cưỡng bức hay giới hạn ý chí tự do, mà chỉ vạch ra những khoảng đất dụng võ cho nó mà thôi. Theo nhà thần học Magnus Lohrer (Giáo sư thần học tín lý tại Đại học Saint - Anselme, Rome): “Khi quyền bính không vượt quá giới hạn của mình, thì không cần phải xét lại những cung cách của nó; vì tự do con người, tự bản tính, luôn là một thứ tự do khuôn mình một bối cảnh nhất định, một thứ tự do “huống cảnh” như các triết gia thường nói.

Chắc chắn chúng ta phải thận trọng khi áp dụng những thí dụ như thế vào trường hợp Giáo Hội. Trong Tuyên Ngôn Về Mối Liên Hệ Của Giáo Hội Với Các Tôn Giáo Ngoài Kitô Giáo (Nostra Aetate), Công Đồng Vaticanô II đã khẳng định minh bạch rằng: “Giáo Hội phản bác mọi hình thức kỳ thị hoặc đàn áp con người do phân biệt chủng tộc, màu da, giai cấp hay tôn giáo, vì đây là thái độ đi ngược lại tinh thần của Đức Kitô.” (Nostra Aetate, số 3). Hơn nữa, trong Tuyên Ngôn Về Tự Do Tôn Giáo (Dignitatis Humanae), Công Đồng Vaticanô II cũng nhấn mạnh:Do đó, công quyền không được dùng bạo lực, cách thức hăm dọa hay những phương thế khác để ép buộc người dân phải tin theo hay chối bỏ bất cứ tôn giáo nào, hoặc ngăn cản không cho họ gia nhập hay rời bỏ một cộng đồng tôn giáo.” (Dignitatis Humanae, số 6). Theo Công Đồng, quyền tự do tôn giáo này tiên vàn phải xuất phát từ phẩm giá của một con người có ý chí tự do (x. Dignitatis Humanae, số 2). Trong chiều hướng đó, vấn nạn trên đã được giải đáp rõ ràng: phẩm giá cao quý, ý chí tự do của con người không ngăn cản Giáo Hội chu toàn sứ mạng của mình; tuy nhiên, nó đòi hỏi Giáo Hội, khi thực hiện sứ mạng đó, phải khước từ mọi hình thức cưỡng bức và bạo lực bên ngoài cũng như mọi thứ tuyên truyền không đi đôi với phẩm giá ấy. Lời rao giảng của Giáo Hội là một lời gởi đến sự tự do của lương dân trong niềm tôn trọng hoàn toàn ý chí tự do cá nhân của họ. Ngược dòng lịch sử, ta phải thành thật nhận rằng nhiều khi nguyên tắc tự do tôn giáo không được tôn trọng, và bộ trường thiên lịch sử truyền giáo cũng có rải rác đó đây vài trang rất đen tối. Tuy nhiên, mặt khác ta đừng quên rằng: xét đoán những hành động trong quá khứ theo những nguyên tắc chỉ vừa mới được đưa ra ánh sáng trong những tháng năm gần đây là một việc rất dễ nhưng lại đi ngược với tinh thần sử học.

Như thế, ta có thể an tâm kết luận rằng sứ mạng của Giáo Hội chắc chắn không hề mâu thuẫn với phẩm giá và tự do của con người. Giáo Hội chu toàn sứ mạng đó, không phải vì khao khát quyền uy mà chỉ vì Đức Kitô đã giao cho mình trách nhiệm ấy, và khi thực thi nó, Giáo Hội không hề nhằm biến con người thành nô lệ: Giáo Hội mang lại cho con người sứ điệp Tin Mừng, một sứ điệp nhằm đem đến cho họ sự tự do đích thực của Đức Kitô, và mời gọi họ đến dự tiệc Thiên Chúa đã dọn sẵn cho tất cả mọi người. Mọi dân tộc cũng như mọi cá nhân đều có tự do chấp nhận hay từ khước lời mời gọi này, họ chịu trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa về sự chọn lựa ấy. Lại nữa, khi chu toàn sứ mạng đã được trao phó, Giáo Hội bị bó buộc phải luôn vâng lời Đức Kitô là Chúa của mình. Nó phải hoàn tất sứ mạng ấy như là một sự phục vụ và trong tinh thần phục vụ nhân loại được mời gọi đến ơn cứu độ nhờ tin vào Đức Kitô. Dĩ nhiên, việc Thiên Chúa cũng có thể ban ơn cứu độ cho những kẻ không nhận biết sứ điệp của Chúa Kitô nhưng không phải do lỗi của chính họ, chắc chắn không phải là một điều bất khả.

Vì vậy, trong trường hợp, những đứa trẻ sinh ra đã được Rửa Tội và trở thành con của Thiên Chúa trong khi chúng vẫn chưa có ý thức về tự do tôn giáo không hề vi phạm quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo.

 

2. Hỏi: Giáo Hội có bắt buộc những đứa trẻ phải được Rửa Tội ngay từ khi còn nhỏ không? Và nếu để khi chúng lớn mới tự do lựa chọn tôn giáo của mình thì có được không?

Đáp:

Bí Tích Rửa Tội, giống như sự sống tự nhiên của con người, nhưng nằm trong một chiều kích rộng lớn hơn, cũng là một ân huệ Thiên Chúa tự do ban cho ta, một ân huệ biến ta trở nên con cái Người. Vậy, cũng như việc Thiên Chúa đã dựng nên chúng ta mà không cần hỏi ý kiến chúng ta trước không thể được coi như một hành động bất công, thì cũng thế, việc Người kêu gọi chúng ta làm con cái Người ngay sau phút giây ta vừa mở mắt chào đời cũng phải được xem như là một quyền hành động tuyệt diệu của tình yêu Người. Dĩ nhiên, Người muốn có những người con tự do và ý thức cái hạnh phúc bao la ấy; và đó chính là lý do - trừ trường hợp hài nhi lâm cơn nguy tử - khiến Người không cho phép Giáo Hội rửa tội cho những trẻ em và những thiếu niên nào mà cha mẹ hay người giám hộ của chúng không chịu lãnh trách nhiệm cung cấp cho chúng một nền giáo dục Kitô giáo để giúp chúng ý thức được thực tại Bí Tích Rửa Tội.

Tiếc thay, có nhiều người đã được rửa tội, nhưng hầu như không biết gì về những điều mà bí tích ấy tác thành nơi họ. Tuy nhiên, phương dược chữa trị tình trạng đáng buồn này không phải là triển hạn việc rửa tội cho các trẻ em sinh ra trong một gia đình Kitô giáo, đợi đến lúc nào chúng có đủ khả năng hiểu biết thực tại bí tích ấy. Đúng ra, cách chữa trị nằm trong một nỗ lực tập thể và sự cộng tác của tất cả những người liên hệ.

Sau đây là vài đề nghị cụ thể từ Benard Haering, giáo sư thần học luân lý tại Đại học Saint - Anselme, Rome:

1/ Bí Tích Rửa Tội phải được phân tác trước mặt cộng đoàn các tín hữu của giáo xứ. Mọi người đều phải biểu lộ niềm vui trước việc hài nhi ấy được trở nên con Thiên Chúa; mọi người đều phải hát hoặc đọc kinh Tin Kính, và lặp lại những lời hứa khi chịu phép Rửa Tội bằng cách ý thức ý nghĩa hành động mình đang làm: Do việc tham dự này, họ cam kết trước mặt Thiên Chúa và các thánh sẽ chăm sóc việc giáo dục đức tin cho linh hồn ấy, ngay từ khi đương sự đến tuổi khôn, và không phải chỉ chăm sóc bằng môi miệng, mà con bằng cách hướng dẫn nó qua gương mẫu của một đời sống đức tin đúng nghĩa.

2/ Việc canh tân phụng vụ đã làm cho nghi thức Bí Tích Rửa Tội trở nên dễ hiểu hơn. Và như thế, kể từ nay, cả đến những em bé mới 5, 6 tuổi cũng sẽ có thể tham dự vào lễ nghi phân tác bí tích ấy, và hưởng được ơn ích, bằng cách nhìn nhận và cảm nghiệm ngày càng sâu xa hơn nguồn vui cũng như vinh dự vì biết mình đã được rửa tội và đã được nên con cái Chúa.

3/ Còn cha mẹ và gia đình của hài nhi thì có bổn phận tham dự cách đặc biệt vào nghi thức, và phải cố gắng thấu hiểu kho tàng vô giá Chúa ban tặng cho em bé sơ sinh ngay từ lúc còn nằm trong nôi ấy. Như thế, càng ngày họ sẽ càng ý thức hơn rằng tổ ấm của họ và sự giáo dục họ sẽ mang lại cho con cái, ngay từ lúc này, phải quy hướng về một mục đích duy nhất, là bảo vệ và làm cho kho tàng ấy tăng trưởng dần dần cho đến khi thành thục.

4/ Không được nhìn và trình bày Kitô giáo, tiên vàn, như một lề luật, hay một tổng hợp những lề luật; nhưng phải nhìn và phải trình bày nó như một sự sống trong Chúa Kitô. Làm thế ta sẽ dễ bắt gặp được bộ mặt đích thực của luật Chúa Kitô, tức là một sứ điệp mừng vui: Vì chúng ta là con cái Chúa.

 
Lm. Phaolô Nguyễn Văn Xuyên

 

Những thắc mắc của quý độc giả xin gửi về

 Văn Phòng Truyền Thông Giáo phận Mỹ Tho
23 Lý Thường Kiệt, Phường 6, Tp Mỹ  Tho, Tiền Giang

Email: vpttxhgpmt@gmail.com

         ttxhgpmt@yahoo.com