.jpg)
Con người vận dụng trí thông minh và kinh nghiệm để chế tạo ra các công cụ khác nhau phục vụ cho nhu cầu chiếm hữu. Khó có thể đặt vạch giới hạn nhất định cho khuynh hướng này, và bao nhiêu thì gọi là đạt được mục đích của mình? Khoa học công nghệ cao có thể được sử dụng để phục vụ đời sống tốt hơn đồng thời bị lạm dụng cho các cuộc chiến xâm lược, tàn phá cân bằng sinh thái và hủy diệt nhân sinh. Thành tựu khoa học vừa biểu dương trí tuệ, lại vừa tiềm ẩn hoài vọng chinh phục và chiếm hữu.
Đời là một cuộc chiến đấu không phải vì sự hư không, chiến đấu để có, để sống và để hưởng. Nhưng khi nói tới cuộc sống mà chỉ nghĩ đến đời sống vật chất sẽ là sự mất cân bằng lớn.
Năm 1987, Hội đồng Quốc gia Hoa Kỳ đặc trách giáo dục, đã thực hiện một cuộc phỏng vấn các sinh viên sắp mãn Đại học về mục đích cuộc đời của họ trong tương lai: Họ muốn gì? Họ nhằm điều gì trước hết? Kết quả như sau: 75% trong số 200.000 sinh viên được hỏi ý kiến đã trả lời cho biết: “Mục đích cuộc đời tương lai của họ là làm sao kiếm được thật nhiều tiền”. Các sinh viên này cho biết: “Sau khi học xong, họ muốn có một việc làm tốt với đồng lương cao để sống thoải mái”.
Chiến tranh và hòa bình, bất công và công bằng, nô lệ và tự do như dòng chảy liên miên tiếp nối trong lịch sử của cõi nhân sinh một khi ngọn lửa đam mê thể – vật – danh vẫn còn đó và cháy mãi không thôi.
Chẳng điều gì trên đời là một bảo đảm bất tận cho cá nhân được. Tham vọng vô biên làm giảm phẩm giá của chúng ta, phẩm giá được Tạo Hóa đặc cách ban riêng cho nhân loại. Tham vọng phá vỡ, làm suy đồi, và cũng là gốc rễ của chiến tranh - sự hủy hoại nhân sinh làm đánh mất sự bình an nội tâm. Có quá nhiều cuộc chiến tranh trong thế giới ngày nay, bởi vì lòng tham quyền lực và của cải mà ra. Tất cả những cuộc chiến hình thành từ tính xấu căn bản muốn “có”, rồi muốn “có hơn” mà ra. Hành trình dẫn đến xung đột trên nhiều mức độ đều vì lợi, khao khát muốn thu tích của cải và thống trị kẻ khác.
Đối diện với chính mình trong cõi thâm tâm, tìm ý nghĩa cuộc đời, suy gẫm sự sống và cái chết, chiêm nghiệm lẽ đời, lẽ người, lẽ trời, với những thăng trầm khác nhau trong đời người con người sẽ thảng thốt: Tôi là ai? Tôi sống ở đời để làm gì? Tôi sẽ đi về đâu? Những gì “tôi có” ích lợi gì cho tôi khi tôi giã từ cuộc sống? Có người thành công, có kẻ thất bại trong mức độ chiếm hữu vật chất và danh lợi. Khi đối diện với chính mình, nhiều khi dư đầy của cải danh vọng mà sự buồn thảm vẫn xâm chiếm tâm hồn. Mất đi sự bình an, tự do vô ưu vô lo.
Triết gia tôn giáo hay phi tôn giáo cũng đều nghiệm thấy bận tâm thế tục sẽ mang lại đau khổ và thất vọng. Vật chất như tia chớp vụt sáng qua bầu trời đêm cuộc đời một con người đâu lưu tồn đến hơn bách niên. Vật chất, thú vui, danh lợi xoay chuyển tâm hồn làm điên đảo nhân tâm và luân lý xã hội.
Khi chiến đấu cho của cải, và thế lực, nhân loại tin rằng nó sẽ trường tồn mãi mãi nhưng tự bản chất, những điều đó buộc phải thay đổi. Vì thế, có quá thiệt thòi khi quá bận tâm về chúng đến quên thời gian, quên điều thật sự làm cho mình bình an, tự do.
Con người cũng là một dạng vật chất phải chịu biến đổi trong từng khoảnh khắc trôi qua. Tiến trình biến đổi từng giây phút, trưởng thành rồi tàn lụi, trẻ tới lúc già nua, rồi chết đi. Quan điểm, tư tưởng và kế hoạch của một đời người ít khi được hoàn tất, nó luôn bị sự tiêu diệt và hư không đe dọa…
Cuộc đời phù du như một hạt sương trên đầu ngọn cỏ. Nỗi thống khổ về được mất của đời mà ta phải đối diện không ngừng tác động làm hao mòn trí tâm. Sự quan tâm quá mức về những công việc tầm thường của cuộc đời này chiếm phần lớn thời gian cuộc đời ta. Ta thường bắt đầu một ngày bằng cách phát khởi ước muốn đạt được điều gì đó. Vào buổi tối, ta xem xét tất cả những gì ta đã làm trong ngày, và cân nhắc những điều đã được và mất…
Không phải mọi sự đều ổn trong quỹ đạo ta đã vạch sẵn, như một số người cảm thấy. Nhưng cũng không phải mọi sự đều thất bại, tệ hại. Ở vào một thời kỳ khủng hoảng như thời chúng ta, nhất thiết phải đón nhận sự thách đố và sự thật: vật chất, thành tựu và cả súng ống hiện đại không thể mở đường cho nhân loại tiếp cận sự bình an để nhìn thẳng nội tâm mình, đánh giá đúng mình cần gì. Tình trạng của đời người trong thời hiện nay thách thức mỗi cá nhân đảm nhận tương lai mình với tinh thần tự trách nhiệm của một người trưởng thành. Và tự trả lời: Tôi cần gì? Tôi là ai?
Đảm nhận thách đố làm rõ sự thật, với sự thanh thản và tinh thần trách nhiệm.
Đảm nhận thách đố ấy cách thanh thản, với tinh thần trách nhiệm và với một óc thực tế lành mạnh sự kiện chúng ta đang sống một tình trạng khủng hoảng, một thời kỳ khủng hoảng của sự sở hữu “vừa có đó rồi mất đó” để quyết định can đảm, dù không phải luôn được tán thành. Đọc thấy đâu đó có trích Antonio Machado một câu thật chí lý: “Khi ta đang đi, không có con đường, nhưng con đường hình thành dưới bước chân ta” (Viandante, non c’è strada, si fa strada camminando).
Cuộc đời là một hành trình dài, hành trình chập chững những bước khai phá từ hoang hóa. Đi vào sự bình an từ chính sự khai hóa, diệt đoạn tham vọng chóng qua. “Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý.” (x. Phil 4,8) Làm thế nào để chúng ta có một cuộc sống tự do, không bị ràng buộc trong của cải danh vọng? – Giữ tâm bình an, tự do không có nghĩa là xa lìa thực tế đời sống, giũ bỏ sự thật là ta cần vật chất để sống. Con đường bình an, tự do là con đường rèn luyện nội tâm đòi hỏi sự nhẫn nại và chuyên cần.
Thiên Chúa không dập tắt ngọn lửa dục vọng trong lòng ta đâu, Người ban Thánh Thần như dòng nước dập tắt như Chúa đã phán với thiếu phụ Sa-ma-ri-a (x. Ga 4,14). Chúa đã ban cho ta có thân xác với đam mê, tham vọng để ta có cơ hội thao luyện thân – tâm – ý để khiêm nhường biết mình yếu đuối bé bỏng và biết kêu xin Chúa, như con trẻ kêu mẹ chúng giúp thoát khỏi cơn nguy hiểm đày đọa của tham vọng và dục vọng.
An nhiên, tự do nội tâm thì quan trọng hơn giàu sang hoặc nghèo khó. Bình an của Chúa đáng chiếm hữu hơn là của cải danh vọng. Lão Tử đã nhận định: “Tri túc chi túc, hà thời túc; tri nhàn chi nhàn, hà thời nhàn” (Biết đủ là đủ, tức là đủ; biết nhàn hạ là nhàn hạ, tức là nhàn hạ đích thật).
Như vậy mới là bình an, là tài sản đáng chiếm hữu nhất – sự bình an cần thiết.
Lm. FX Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho