
Tiếng chuông chiều ngân vang…
Lời nguyện trầm hương tỏa bay lên: Kìa, Thiên Chúa của con đang ôm lấy con trong bầu trời vô tận, xin cho con đừng quá đặt nặng lý trí trong khi con đi tìm kiếm Ngài, nhưng xin cho con ý thức được sự hiện diện sống động của Ngài ở ngay bên con bằng con mắt của đức tin. Ví như đôi mắt xác thể hư hèn này giúp con nhìn thấy mọi sự vật hữu hình, thì xin Ngài cũng mở con mắt đức tin trong sáng tâm linh con, để con nhận ra sự hiện diện sống động của Ngài ở ngay trong cuộc sống của con. Xin hãy cho con luôn hạnh phúc và tự tin trước những sóng gió của cuộc đời, vì có Ngài luôn ở bên để nâng đỡ và đồng hành cùng con.
…king koong… king koong…
Ai muốn bảo vệ sự hiện hữu của Thiên Chúa thì phải bảo vệ bằng chính đức tin với đôi mắt sáng vô tư của mình. Vì ngôn ngữ chỉ là công cụ bất toàn, hữu hạn và hay đổi thay. Tuy nhiên, nếu tâm hồn được thể hiện được cuộc “đối thoại” với Thiên Chúa thì Ngài sẽ đến ngay bên. Từ xưa nay, con người có nhiều quan điểm khác nhau về Thiên Chúa, từ đó mở đường cho rất nhiều những luận chứng xoay quanh vấn nạn này, kể cả trong thời đại hôm nay của chúng ta. Xung đột sắc tộc và địa – chính trị cũng tìm cách quy chiếu và nhân danh sự “hiện hữu hợp lý” nơi phe nhóm mình mà dùng súng ống, truyền thông để “tiễu trừ” những kẻ “vô đạo”. Ai đúng ai sai, ai nào có biết…
Trước hết, nhiều người không nhất trí về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Dầu sao những điều đó cũng vẫn nói lên cách vô hình chung câu trả lời cho những người “khờ dại” với quan điểm cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu. Nỗ lực để chống lại quan điểm Thiên Chúa hiện hữu trớ trêu thay lại là một luận chứng cho thấy Thiên Chúa có thật. Nếu không có Thiên Chúa nào cả thì chống ai? Chống cái gì? Kẻ tự xưng vô thần là kẻ chạy trốn chứ không phải kẻ nắm được chân lý hiện hữu của Thiên Chúa. “Hữu thần” hay “vô thần” chẳng qua chỉ là một cách chọn lựa chủ quan. Thiên Chúa ở bên ngoài sự chọn lựa ấy, Ngài vẫn là Ngài đó thôi!
Khoa học không thể bàn đến vấn đề Thiên Chúa theo các định lý và quy tắc vật lý hóa học và sinh giới, từ đó không thể “ngồi trên tòa” quả quyết có Thiên Chúa hay không, vì Thiên Chúa mãi mãi không là “đối tượng” vật chất hữu hình khả dĩ nghiên cứu chạm đến được bằng thí nghiệm sinh hóa. Vũ trụ bao la vô hạn. Khoa học chỉ giúp chúng ta hiểu rõ các hiện tượng và sức chuyển động trật tự của mọi vật trong đó.
Những người “vô thần” hay thực hành cuộc sống theo tuýp “vô thần” khó có thể xác định được. Những cuộc thăm dò ý kiến về tôn giáo và tín ngưỡng có thể đưa tới định nghĩa khái niệm “vô thần” không giống nhau hoặc có sự phân biệt khác nhau giữa vô thần, các đức tin phi tôn giáo, tôn giáo phi thần và các đức tin tâm linh. Ngoài ra, dân chúng ở một số vùng trên thế giới không nhận mình là người vô thần để tránh bị xã hội kì thị, phân biệt đối xử và đàn áp. Một cuộc thăm dò năm 2005 công bố tại từ điển Encyclopædia Britannica cho thấy số người không theo tôn giáo chiếm 11,9% dân số thế giới và số người vô thần chiếm khoảng 2,3%.
Cuộc sống xã hội với xác tín “duy vật” và chủ nghĩa hư vô đã dần đi đến thực hành ngầm: “Ý niệm Thiên Chúa đã ‘làm phiền’ tôi nhiều. Thiên Chúa là gì mà sao phải mất nhiều thời gian, sự chú ý và nghị lực để thực hành khi không thể chứng minh thuyết phục theo nguyên tắc bất biến như khoa học tự nhiên? Tại sao phải thực hành làm vậy?”. Kẻ thực hành đức tin vào một Thiên Chúa vô hình vô ảnh nào đó là những người ảo tưởng tội nghiệp chăng? Cho nên, xã hội cần giảm bớt nói về Thiên Chúa đi, để giúp họ nhận ra rằng niềm hy vọng của họ được thiết lập là yếu kém hoàn toàn.
Cuộc sống luôn luôn thử thách những người tin Thiên Chúa. Ai cũng rất tò mò xem Thiên Chúa là thế nào mà có những người trí thức cho đến nông dân thất học, kẻ giang hồ hoàn lương cho đến quan chức cao quý, già trẻ trai gái đều dám sống chết cho niềm tin cách vô tư vậy. Cho đến nay, nhân loại vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho những thắc mắc về Thiên Chúa. Cũng không ai đủ lý chứng để phá hủy niềm tin và chỉ cho các tín đồ minh nhiên rằng họ sai. Bởi vậy, cách tốt nhất để phủ nhận Thiên Chúa hiện hữu trong thời quay cuồng này là thanh thản sống và hạn chế tối đa nói về Thiên Chúa.
Những ai nhận ra ánh sáng thiêng liêng thì đã nhận ra vấn đề Thiên Chúa luôn đeo đẳng lấy thần trí mình, vì Thiên Chúa thôi thúc theo cách của Ngài không ai biết được. Ánh sáng thiêng liêng chiếu mạnh vào tâm hồn đến nỗi đôi mắt thấy Thiên Chúa như thể Ngài đã từ lâu ở đó. Ngài đã tạo dựng, đã thôi thúc tâm trí với ý định là con người sẽ biết Ngài. Ngài vây quanh không gian và thời gian của con người với chứng cớ là chính Ngài. Vấn đề Ngài hiện hữu không còn là nan đề ngôn ngữ và tranh luận trí tri mà Ngài đi thẳng vào tâm hồn bằng sự đối thoại huyền bí linh thiêng. Điều đó làm cho tâm hồn Ngài yêu không thể không nghĩ về tính khả dĩ của Ngài – Thiên Chúa viếng thăm.
Thiên Chúa không hề ép buộc ai tin Ngài, dù Ngài có thể làm vậy. Nhưng tự Ngài đã đưa ra đủ bằng chứng về sự hiện hữu của Ngài để tâm hồn tự nguyện đáp lại. Ai là người chịu nhận biết Ngài thì sự ám ảnh trong tâm trí luôn muốn tâm hồn đi đến xác định Thiên Chúa có hiện hữu trong chính hiện hữu của mình và sẵn sàng để Thiên Chúa được nhận biết qua ánh sáng từ tâm hồn mình.
Trong công trình tạo dựng, vũ trụ thành hình, và chính Thiên Chúa cũng kiến tạo linh hồn trong một sự hiện hữu mới bằng cách ban tặng cho nó một kiểu thức mới khi đi vào tương quan ánh sáng với Ngài, tức ân sủng; và chính ánh sáng mới này được linh hồn tiếp nhận vào mình.
Nhiệm hiệp với Thiên Chúa là đưa toàn thể vào trong con tim được phủ lấp bởi ánh sáng bởi vì chỉ có một trái tim và một trung tâm: Thiên Chúa Tình Yêu. Niềm tin đưa người ta đi vào trong sự hiệp thông với “Đấng Hiện Hữu” chân thật nhất. Ngài là Đấng duy nhất có thể dẫn chúng ta đến với tình yêu trong Thánh Thần, làm cho chúng ta được chia sẻ đời sống của thần linh, bởi vì “trong Người cất giấu mọi kho tàng của sự khôn ngoan và hiểu biết” (x. Cl 2,3). Trong một nghĩa nhất định, những yếu tố quan trọng của Đức Tin được khơi nguồn từ kho tàng trái tim Thiên Chúa. Vì thế, trái tim là dấu chỉ và biểu tượng đặc biệt của tình yêu đưa tình yêu đến với tình yêu và dẫn đức tin đi vào hiệp thông với Đấng Hiện Hữu.
Thiên Chúa nhân lành và khôn ngoan đã muốn mặc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết chính Ngài để con người được thông phần bản tính của Thiên Chúa. Trong việc hiện diện vị tha này, với tình thương chan chứa của Ngài, Thiên Chúa vô hình ngỏ lời với loài người như với bạn hữu. Ngài đối thoại với họ để mời gọi và đón nhận họ hiệp nhất với Ngài. Công cuộc mặc khải này được thực hiện bằng các hành động và lời nói liên kết với nhau.
Thiên Chúa vẫn không ngừng hiện hữu cho con người và tiếp tục nói với nhân loại qua mọi thời đại. Lời thiêng sẽ còn vang lên mãi cho những ai biết chân thành lắng nghe và khao khát đón nhận. Cần có một tâm hồn khiêm tốn để đón nhận Thiên Chúa. Phải vượt qua vực ảo tưởng cho mình là lớn, là thông thiên đạt hải để đi tới hữu thể đích thực của ta, con người thật của ta. Con người thường có hai “cuộc đời”, một cuộc đời thật, một cuộc đời tưởng tượng. Cuộc đời tưởng tượng xây dựng bằng ý kiến của mình hay dư luận của người khác. Chúng ta thường cố làm đẹp và gìn giữ con người tưởng tượng và làm ngơ với con người thật. Nhưng Thiên Chúa lại tìm đến ngỏ lời với con người thật mà thôi.
Thế nên, tìm kiếm sự khiêm tốn là tìm kiếm cho chính hữu thể, tìm kiếm sự trung thực. Ðây là nơi Thiên Chúa hẹn con người – sự khiêm tốn.
Triết gia Nietzsche, người Ðức, hăng hái đả kích luân lý Kitô giáo, vì luân lý này rao giảng sự khiêm tốn. Ông đã đụng chạm đến một trong những ân huệ đẹp nhất mà luân lý Kitô giáo đem đến cho thế giới. Và, vô tình hay hữu ý, xóa sạch điểm hẹn với Thiên Chúa. Pascal viết: “Sự kiêu ngạo cắm sâu trong lòng con người, đến nỗi một người lính, một tên đểu cáng, một người làm bếp, một phu khuân vác cũng kiêu ngạo, muốn có người thán phục mình, ngay cả các triết gia cũng muốn điều đó.” Và, thực tế, nhiều người viết nhiều, nói nhiều, căng khẩu hiệu nhiều để bênh vực hay đả kích, phủ nhận Thiên Chúa, mà chưa ai thật sự “gặp gỡ” Ngài trong sự khiêm tốn, thinh lặng! Họ đã nói dối…
Lm FX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho