
Người Công giáo được phép
thụ tinh trong ống nghiệm không?
Câu hỏi:
Con đang gặp tình huống khó xử về mặt luận lí. Con là người Công giáo và chồng của con là người Chính thống giáo. Chồng con sắp 40 tuổi, con sắp bước sang 35. Chúng con kết hôn với nhau đã gần bốn năm. Chúng con được bác sĩ báo cho biết là chỉ có 1% cơ hội thụ thai tự nhiên, do vấn đề vô sinh nam (tinh trùng di chuyển chậm). Vợ chồng con đã thử giải pháp phẫu thuật và sử dụng vitamin để cải thiện khả năng sinh sản, nhưng kết quả cải thiện khá chậm chạp. Chúng con cũng đã thử phương pháp Creighton, nhưng phương pháp này chủ yếu giải quyết vấn đề vô sinh ở phụ nữ, không phải nam giới.
Giải pháp y tế duy nhất có thể có con từ chính vợ chồng con là thụ tinh trong ống nghiệm (in-vitro fertilization - IVF), sử dụng công nghệ tiêm tinh trùng vào tế bào trứng (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI), trong đó chỉ một tinh trùng được tiêm vào tế bào trứng (khắc phục tình trạng di chuyển chậm của tinh trùng). Giáo huấn của Giáo hội Chính Thống không phản đối IVF, và trên thực tế, Giáo hội còn khuyến khích thực hiện trong những hoàn cảnh như chúng tôi. Rất ít linh mục Công giáo khẳng định cách thẳng thắn về lập trường của Giáo hội Công giáo. Do khao khát được làm mẹ nơi con thật mãnh liệt, nên con đã tìm đến với phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Với giải pháp này, con sẽ dùng trứng của mình và tinh trùng của chồng, không hề qua người hiến tặng, và chúng con không sàng lọc di truyền để loại bỏ bất kỳ phôi thai nào.
Con thừa nhận rằng mình chưa thấy thoải mái 100% với giải pháp thụ tinh nhân tạo và đã tham khảo ý kiến từ một số linh mục quen biết, nhưng họ nói mình không phải là chuyên gia về thần học luân lí và không thể giúp tư vấn chi tiết về giáo huấn của Giáo hội. Liệu cha có thể cho con lời khuyên sớm được không? Con đã lấy hẹn để bắt đầu quy trình thụ tinh nhân tạo đầu tiên vào ngày 5 tháng 6. Thế nên, nếu có thể, con mong nhận được phản hồi từ cha trước lịch hẹn.
Trả lời:
Tôi muốn bắt đầu phần trả lời bằng lời xin lỗi đến bạn, thay mặt cho Giáo hội Công giáo, cách riêng cho những giám mục, linh mục và giáo lí viên mà bạn đã hỏi ý kiến nhưng chưa được giải đáp phù hợp. Tôi thực sự rất lấy làm tiếc vì điều đó đã khiến bạn cảm thấy nghi ngờ và khó tiếp nhận chân lí nơi giáo huấn của Giáo hội Công giáo. Xin bạn vui lòng đọc phần phản hồi của tôi trong tâm tình cầu nguyện.
Thực ra, tình huống khó xử về những điều bạn trình bày xoay quanh một câu hỏi đơn giản: Liệu có hợp nguyên tắc luân lí hay không khi tạo ra một sinh mạng mới, không qua hành vi giao hợp thông thường giữa vợ chồng? Nếu câu trả lời là có, thì rõ ràng hoàn cảnh của bạn - hai vợ chồng Kitô hữu nhân đức và trung thành đang đối mặt với vấn đề vô sinh nam - có thể nhận được sự cảm thông nào đó khi sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhưng theo thẩm quyền Giáo hội, câu trả lời được lặp đi lặp lại và không hề thay đổi là “Không”. Tôi đang nói điều này với bạn bằng tất cả tình thương và sự đồng cảm sâu sắc nhất. Tôi xin lỗi, nhưng không hề có bất kỳ một ngoại lệ nào. Và bất cứ ai nói với bạn theo hướng ngược lại, cho dù là linh mục hay giám mục, đều không hiểu rõ giáo huấn này, hoặc đang lừa dối bạn và phản bội giáo huấn của Giáo hội Công giáo.
Lời giải thích về giáo huấn này có lẽ sẽ hữu ích cho bạn.
Thụ tinh nhân tạo là kỹ thuật hầu như còn mới mẽ. Chỉ nửa sau Thế kỷ XX, Giáo hội Công giáo mới có đôi điều bàn luận về vấn đề này. Một trong những giáo huấn có thẩm quyền đầu tiên về việc hỗ trợ sinh sản - vẫn có tầm ảnh hưởng nhiều cho đến bây giờ - là Huấn thị Donum Vitae (Phẩm Giá Con Người), của Bộ Giáo lí Đức tin, được soạn thảo bởi Đức Hồng y Joseph Ratzinger (sau này là Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI) năm 1987 theo yêu cầu của Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II.
Trong phần II, huấn thị giải thích lí do tại sao việc sinh sản con cái luôn là “hoa trái của hôn nhân” (nghĩa là chỉ xảy ra trong hành vi giao hợp giữa vợ chồng).
Huấn thị nói rằng việc sinh sản con cái “phải là hoa trái và dấu chỉ từ sự trao tặng lẫn nhau của đôi vợ chồng, của tình yêu và lòng chung thủy”. Huấn thị cho rằng điều này tiếp nối giáo huấn của Đức Giáo hoàng Phaolô VI trong Thông điệp Humanae Vitae (Sự Sống Con Người). Thông điệp khẳng định: có một mối dây liên kết không thể phân li, do Thiên Chúa thiết lập và con người không được tự ý phá vỡ, giữa ý nghĩa nên một và sinh sản từ hành vi giao hợp vợ chồng; cả hai đều gắn liền với hành vi hôn nhân (số 12).
Ý nghĩa nên một của hành vi hôn nhân là thế này: người nam và người nữ sau khi kết hôn với nhau sẽ trở nên “một xương một thịt”. Tất nhiên, bản văn cũng nhắc đến cả hành vi quan hệ vợ chồng. Theo Thông điệp Sự Sống Con người, đây là mối dây liên kết không thể phân li giữa sự trao ban của hai vợ chồng qua việc quan hệ tình dục và sinh sản con cái.
Vì như chúng ta biết mối tương quan giữa quan hệ vợ chồng và sinh sản con cái là không thể phân li về mặt thể lí (không thể phá vỡ, cho đến thời điểm này), nên việc không thể phân li phải là một nguyên tắc luân lí. Thực ra, nguyên tắc này đích thực là những gì thông điệp hướng dẫn: nơi phán đoán của chính mình, người nam có lẽ không (và không thể) phá vỡ xương của mình. Thế nên, không bao giờ là hợp luân lí khi tách rời giữa việc sinh sản con cái với hành vi tình dục.
Đức Giáo hoàng Piô XII đã nói đến nguyên tắc này từ năm 1956 khi nhấn mạnh về khả năng ngày càng gia tăng của việc tách rời mối dây liên kết này. Ngài tuyên bố: “Không bao giờ được phép tách rời hai khía cạnh này đến mức loại bỏ hoặc về ý định sinh sản hoặc về quan hệ vợ chồng.”
Từ đó, chúng ta rút ra hai kết luận:
1. Quan hệ tình dục không bao giờ được xem là đúng đắn khi loại bỏ khả năng sinh sản (sử dụng biện pháp tránh thai)
2. Việc sinh sản không bào giờ được coi là đúng đắn nếu đặt bên ngoài hành vi quan hệ tình dục.
Huấn thị Donum Vitae kết luận rằng việc thụ tinh chỉ hợp pháp khi đó là kết quả của hành vi quan hệ vợ chồng. Hành vi này, tự bản chất, thích hợp với việc sinh sản con cái mà đời sống hôn nhân hướng đến và qua đó vợ chồng trở nên “một xương, một thịt” (Giáo luật, Điều 1061).
Giáo huấn này đã được lặp lại nhiều lần trong 30 năm qua. Chẳng hạn, theo sách Giáo lí của Giáo hội Công giáo: “Các kỹ thuật liên quan đến đôi vợ chồng như thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm… không được chấp nhận về mặt luân lí.”
Các phướng pháp này tách biệt tình dục khỏi hành động truyền sinh” (Giáo luật, Điều 2377).
Có lẽ bạn đặt câu hỏi: Mối tương quan bất di bất dịch giữa hành vi vợ chồng và sinh sản con cái bắt nguồn từ đâu? Trong hoàn cảnh rất đặc biệt như chúng con, tại sao chúng con không thể có ngoại lệ? Xét cho cùng, chúng con không có ý đòi phải chấp nhận những tội ác rộng hơn liên quan đến thụ tinh trong ống nghiệm như tạo ra thật nhiều phôi, loại bỏ một số phôi, đông lạnh để giữ lại những phôi khác, giảm phôi cách có chọn lọc trong trường hợp mang đa thai…
Con nhận thấy rằng: việc chọn lựa thụ tinh trong ống nghiệm của vợ chồng con - hoàn toàn không có ý định giết hại, thử nghiệm hoặc đông lạnh phôi thai, nhưng có ý tích cực khi đón nhận bằng tình thương và nuôi dưỡng những đứa trẻ sống sót cách khỏe mạnh, gia tăng đời sống đức tin cho các cháu - là một lựa chọn tốt hơn nhiều so với đa số những người khác đang tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm ngày nay.
Thế nhưng, hành động này vẫn là sai và sai nghiêm trọng. Tại sao vậy?
Bởi vì trẻ em không chỉ có quyền được lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, mà theo Giáo hội, các cháu có quyền được đến với thế giới này thông qua những cửu chỉ và hành vi yêu thương của cả cha lẫn mẹ. Những phôi thai mà bạn đang cân nhắc để tạo ra chính là những con người. Trong toàn bộ vũ trụ được tạo dựng, không có gì tuyệt vời, quý giá và cần được tôn trọng - thậm chí cả các thiên thần - hơn con người. Do đó, phôi thai đương nhiên có quyền đến với thế giới theo cách hoàn toàn phù hợp với phẩm giá của mình, theo cách thế đầy cảm xúc từ sự cam kết bằng tình thương; và chúng ta có trách nhiệm phải tôn trọng quyền đó cách nghiêm túc.
Chỉ có một hành động duy nhất qua đó con người thể hiện đầy đủ tình yêu này là quan hệ tình dục của đôi vợ chồng. Khi những đứa trẻ được sinh ra từ hành động yêu thương và tự hiến, chúng thực sự được sinh ra trong tình yêu và bởi tình yêu.
Ngược lại, những đứa trẻ được tạo ra bởi thụ tinh trong ống nghiệm, kể cả khi chúng thuộc về những người tốt lành như bạn, đều không phải được sinh ra trong tình yêu. Chúng là sản phẩm của một quy trình từ phòng thí nghiệm, nơi các thành phần được trộn vào nhau dưới sự giám sát của kỹ thuật viên, ở nhiệt độ được kiểm soát, được đưa vào những chiếc khay ấm và được quan sát dưới kính hiển vi cho đến khi sẵn sàng cấy ghép. Những đứa trẻ này không đến với thế giới nhờ hành động yêu thương, nhưng nhờ công nghệ trong phòng thí nghiệm. Theo cách này, chúng bị đối xử như sản phẩm.
Thực ra, dù cho cha mẹ có ý định nuôi dưỡng cho các cháu lớn lên trong đức tin, thì họ cũng không thể và không xóa bỏ được sự thật này: ngay từ những khoảnh khắc dễ tổn thương đầu tiên, các cháu đã bị đối xử cách phi nhân; đã bị xúc phạm; đã bị xâm hại.
Thế thì bạn nên làm gì? Điều đầu tiên mà bất kỳ ai trong chúng ta phải làm khi cân nhắc là loại bỏ những phương án sai trái về mặt luân lí. Do đó, bạn nên hủy lịch hẹn vào ngày 5 tháng 6. Điều này thật khó khăn. Nhưng đó là việc làm đúng đắn.
Nếu đến cuối cùng bạn vẫn không tìm thấy cách nào hợp pháp để có con, thì giống như tất cả những đau khổ nặng nề và không thể tránh khỏi mà con người phải đối mặt, bạn nên cố gắng đón nhận tình trạng vô sinh như thánh giá mà Chúa Giêsu mời bạn gánh vác, ít nhất là trong thời điểm này. Bạn không nên trốn tránh thánh giá. Làm vậy sẽ dẫn đến hậu quả tệ hại cho bạn và những người bạn thương mến.
Chuyển ngữ: Phan Định
Nguồn: ncregister.com