20/08/2024
432
Người bạn thần linh _  Bài 33: Tâm hồn đầy yêu trò chuyện với Chúa Giêsu












 





NGƯỜI BẠN THẦN LINH

Tác giả : Cha Jos. SCHIJVERS. DCCT


Bài 33
Tâm hồn đầy yêu trò chuyện với Chúa Giêsu

Ta sẽ vào ăn tối với nó và nó sẽ ăn tối với Ta (Kh 5,20)

 

1

Muốn noi gương Chúa Giêsu-Kitô, linh hồn phải tìm biết Ngài. Phải học biết đời sống và những gương lành của Đấng Cứu Chuộc mình, mê say Thân Thế của Ngài. Đúng vậy, từ sự khen ngợi nảy sinh tình yêu và từ tình yêu mới nảy sinh việc noi gương.

Nghệ sĩ nào muốn vẽ lại một bức tranh phải nhìn ngắm nó luôn cho đến khi có thể khắc ghi nó vào ký ức mình.

Linh hồn nào muốn khắc ghi hình ảnh Chúa Giêsu vào đời mình cũng phải làm như thế. Linh hồn đó phải suy gẫm, đọc sách và háo hức lắng nghe tất cả những gì nói về Chúa Giêsu và trong hạnh các thánh.

Họ nhìn ngắm Ngài lâu giờ và với tình yêu trong các huyền nhiệm của Ngài, trong thời thơ ấu, trong cuộc sống Thánh Thể của Ngài, trong cuộc khổ nạn của Ngài.

Theo diễn biến của năm phụng vụ, những thời điểm của cuộc sống của Chúa Giêsu, linh hồn sống lại trong chính mình, những tâm tình mà Thầy mình đã cảm nghiệm. Và càng sống với Ngài, linh hồn càng hiểu, đi sâu vào sự thân tình với Ngài, và càng yêu mến Ngài đậm đà hơn.

 

2

Tất cả những điều ấy được gọi là suy niệm. Nó rất cần để tiến nhanh trong đời sống thiêng liêng, nhưng một số người đã gây thêm nhiều khó khăn tưởng tượng hay bao quanh nó bằng những đòi buộc vô lý và biến việc êm đềm và hiệu quả nầy thành một việc nặng nề và vô bổ.

Hỡi linh hồn tôi, đừng để bị nhầm lẫn. Hãy suy niệm tiếp theo trong những kỳ tĩnh tâm về những nguyên lý cơ bản của việc suy niệm, theo kinh nghiệm, lẽ phải và thần học.

 

3

Khi đến gần Chúa để suy niệm, linh hồn phải trầm mình trong sự hư vô của mình. Linh hồn càng tự hạ một cách chân thành và thanh thản trước sự cao cả vô biên của Thiên Chúa thì càng được Thiên Chúa nhìn đến với tất cả tình yêu và mau mắn đến gần linh hồn.

 

4

Suy niệm đích thực chính là kết hiệp với thánh ý Chúa bằng một tình yêu say đắm và sẵn sàng cấp nhận và thi hành ý muốn của Chúa.

Mọi suy niệm như thế , dù khô khan và đầy chán buồn như tình trạng của Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, cũng vẫn tuyệt vời.

Suy niệm nào không đạt đến mục tiêu đó, dù có được nhiều an ủi và cả những lúc ngất trí, vẫn là những suy niệm thất bại.

 

5

Để đạt đến mục tiêu đó của suy niệm, các linh hồn không đi cùng một con đường.

Một số tìm thấy hứng thú và nhiều an ủi trong việc suy ngắm. Những người khác thì tìm thấy hứng thú trong những tâm tình. Một vài người gắn bó với Chúa hiện diện trong mình bằng một cái nhìn đầy yêu kéo dài và nhận lấy, nhờ việc đó, sức mạnh và sự bền bĩ cho những cuộc chiến của đời sống hằng ngày.

Mỗi tâm hồn trong lãnh vực nầy, có thể theo ý thích của mình, kết hiệp mật thiết với Chúa cách nào dễ dàng mà không so sánh với những cách khác.

Nếu, sau nầy, linh hồn phải thay đổi cách sống mà cha linh hồn có thể cho biết. Trong đời sống thiêng liêng, không nên bám vào một cái gì cả: Thiên Chúa là Chủ.

 

6

Trong mọi suy niệm, dù dưới hình thức nào, nhưng phải để một phần lớn cho việc cầu nguyện khiêm tốn. Con người không bao giờ nhận biết cho đủ sự lệ thuộc của mình vào Thiên Chúa và sự nghèo nàn tự căn của mình.

Tài khéo của chúng ta, những tư tưởng tốt đẹp, những tâm tình sốt mến, tất cả chỉ là một chiếc hoa. Nếu ân huệ có được nhờ lời cầu nguyện mà không làm cho cây sinh trái, thì hoa sẽ tàn và không thể sinh trái.

Thêm vào đó, trong lúc suy niệm phải lắng tai nghe lời Chúa, im lặng và một đôi khi, mời Chúa lên tiếng và dạy dỗ mình.

Chúa Giêsu rất tốt và là bạn của con người nên nếu ai lắng nghe Ngài một cách khiêm nhượng, Ngài sẽ không từ chối tự liên hệ với người ấy.

Ô! Lúc suy niệm sẽ trọn vẹn biết bao nếu chính Chúa Giêsu khởi xướng. Phải mời gọi Ngài, thúc hối Ngài và thường xuyên nói với Ngài: lạy Chúa xin dạy con cầu nguyện. (Lc 11,1).

 

7

Chúa Giêsu đến viếng thăm linh hồn trong lúc suy niệm, đôi khi giữa những lúc bận rộn, bằng những tâm tình bất chợt, bằng những luồng ánh sáng, bằng một cảm tưởng sâu đậm, bằng một cảnh báo, bằng một tiếng nói lắng sâu trong tâm hồn, bằng một hình ảnh nào đó trong trí tưởng tượng.

Khi những tâm tình ấy thật bình an và khiến chúng ta làm việc bổn phận và khiêm tốn, thì đó là do Thiên Chúa.

Không ai có thể gợi nên hay giữ lại lâu hơn, hay gợi lại khi nó qua đi rồi, hay có thể biết trước là nó sẽ trở lại. Đó chính là dấu hiệu cho biết nó không do linh hồn tạo ra.

 

8

Khi những cảm nghĩ ấy, thay vì rất hiếm và chóng qua, trở nên thường xuyên, suy niệm trở nên phú bẩm.

Lúc ấy Thiên Chúa cho suy niệm theo ý Ngài và linh hồn chỉ lãnh nhận với lòng tri ân những biểu hiệu của lòng thương của Chúa và nhờ đó, để trở nên trung thành hơn, khắc khổ hơn và khiêm tốn hơn.

Linh hồn phó thác cho Chúa thì không xin những hồng ân ấy. Nó sẽ như một phiến đá đợi chờ; nó không đòi hỏi phương tiện nầy hay phương tiện khác để nên thánh. Tất cả những ước mong của nó chỉ nhắm tới chính là thời cuối cùng, tình yêu Chúa mà thôi. Chính Chúa Giêsu định đoạt những gì hữu ích cho nó thôi.

 

9

Việc thực thi việc suy niệm, dù là phú bẩm hay không, thường bị cắt đứt bởi thời gian khô khan, tăm tối, cám dỗ.

Linh hồn không để mình bị hướng dẫn bởi tình cảm, yên bình bền bĩ trong cố gắng, ngay trong những lúc không thấy kết quả nào. Ý chí, nhờ việc thực hành nầy, trở nên mạnh mẽ khác thường và dâng cho Chúa bằng chứng rất thành thực của tình yêu.

Vậy phải kiên trì, trong những hoàn cảnh khó khăn đó, vẫn giữ đúng thời gian suy niệm và kết hiệp với Chúa Giêsu trong vườn cây dầu.

Linh hồn nào trung thành trong những chia trí, khô khan và những đau khổ nội tâm đã vượt qua một trong những khó khăn lớn nhất của đời sống thiêng liêng.

Trong những thử thách đó, không nên than phiền với Chúa Giêsu về sự bất lực của mình, nhưng hãy lặp đi lặp lại bằng ý chí những lời quen thuộc về tình yêu, phó thác và lời nguyện khiêm tốn. Dù trong hoàn cảnh nào miễn là Chúa Giêsu được vui lòng thôi.

 

10

Việc suy niệm được hiểu như thế ở trong tầm tay mọi người thiện chí và trong mọi hoàn cảnh khó khăn.

Mọi tâm hồn nào được ơn Chúa giúp – và ơn Chúa không bao giờ thiếu – có thể kết hiệp một cách chặt chẽ với Chúa bằng một hành động đơn giản của ý chí.

Mọi tâm hồn, bằng một lời nguyện khiêm tốn, có thể kết hiệp càng sâu đậm hơn với Chúa bằng cách sử dụng ý chí tự do của mình tuỳ theo từng cấp bậc.

 

11

Nếu Hoàng Thượng tối cao muốn cho bạn lên đỉnh bằng cách đi chân và qua những con đường cầu nguyện khô lạnh, chính vì Ngài tìm thấy trong con đường nầy nhiều bảo đảm cho lòng khiêm nhường của bạn và nhiều vinh quang cho sự Quan Phòng của Ngài.

Ngài có thể nâng bạn trong vòng tay của Ngài, nhưng Ngài sẽ không hưởng được hạnh phúc nhìn thấy sự bền tâm anh hùng của bạn. Ngài sẽ mất đi nguồn vui thâm thuý được nâng bạn lên khi bạn sa ngã, yên ủi bạn khi bạn nản lòng và tha thứ những lỡ lầm của bạn.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ