NGƯỜI BẠN THẦN LINH
Tác giả : Cha Jos. SCHIJVERS. DCCT
Bài 32
Chúa Giêsu, Huyền Nhiệm muôn thuở
Huyền nhiệm được giấu kín cho các thế kỷ và cho các thế hệ (Cl 1,26)
Chỉ Chúa Giêsu mới nắm giữ chìa khoá của khoa học, chìa khoá của vực thẳm. Chỉ có Ngài mới bẻ bảy ấn khoá chặt quyển sách của tương lai, đọc được những bí nhiệm và tỏ hiện chúng.
Tạo thành, trí óc và quả tim của con người, xã hội, lịch sử, Giáo Hội của Chúa Kitô, tất cả những thứ ấy là một quyển sách đầy những ẩn số. Thiên Chúa đã trao cho con người tất cả những thứ đó để tìm kiếm và bàn hỏi với nhau. Nhưng không có Chúa Giêsu, không có gì sáng rạng cả, không có gì có thể giải thích được cả.
2
Trong thiên nhiên, cái chết giả hiệu nầy kéo dài cả một mùa đông, và sự nẩy mầm, sự tan rã của hạt giống trong lòng đất để phát sinh ra cây, làm như sự sống phải thoát thai từ sự chết?
Một đám thật nhiều những sinh vật li ti, sự trào tràn những sinh lực và sự giàu sang sung mãn để tạo ra cái gì chỉ sống một khoảnh khắc thôi, một luồng không dứt những sinh vật được quăng ra không trật tự trong thế giới khả thị làm như từ sự mất trật tự sẽ nảy ra sự hoà hợp, mọi sự như thế là gì?
Và còn nữa, những bất thường nầy, những trái ngược kia và những thiếu sót đó trong việc điều khiển thế giới vật chất, và cái mục đích tính đáng kinh ngạc kia không bao giờ bị hụt hẩng, sự Quan Phòng nầy luôn luôn đầy đủ là gì?
3
Thêm nữa, làm sao giải thích được cái nhu cầu có bạn luôn quấy rối lòng người và tính ích kỷ luôn chấp nhận nó khắp nơi; sự thèm khát phổ cập của con người luôn hướng về sự đoàn kết, sự kết hợp và tình yêu, và những cuộc chiến, những cuộc cách mạng với những sự đối đầu, những chiến đấu và những hận thù kèm theo?
Cái nhu cầu không cưỡng được về công bằng và lẽ phải, và những sự chênh lệch vẫn tồn tại, những bất công rõ rệt, sự uy hiếp những người yếu ớt, những khai thác người nghèo khổ là gì?
Người ta ca ngợi sự tốt đẹp của nhân đức, người ta muốn chiếm hữu nó, và người ta bêu xấu nó và người ta bách hại nó.
Ai cũng cảm thấy cần sự thiện, và người ta khoanh tay chứng kiến sự toàn thắng của sự dữ.
4
Lịch sử chứa đầy những điều bí nhiệm. Con người tự mình quyết định mọi biến cố: họ xây đắp và phá đổ các đế quốc, tạo nên những dân tộc, cai trị một cách tự do, sắp xếp mọi sự theo ý hay tham vọng của mình.
Nhưng lịch sử của thế giới vâng theo những định luật không thay đổi. Có một bàn tay vô hình nắm lấy những sợi dây của bàn cờ đã được sắp xếp trước. Hữu thể mà người ta không thấy, mà người ta cũng không muốn thấy, mà người ta muốn loại trừ, ở khắp nơi; điều khiển theo ý mình mọi biến cố, tự điều khiển, theo ý mình, trò chơi lạ lùng của những đam mê của con người.
Trí óc con người càng cảm thấy mình tự do và độc lập, nó càng bị lệ thuộc vào những tiên kiến và những lố lăng của mình, nó càng cảm thấy cần lệ thuộc và cần những quân sư.
Nhân loại càng lạc loài trên những nẻo đường của sự lầm lạc, nó càng dễ được mang về với sự sống và nhân đức, nhờ những lầm lạc thái quá của nó.
5
Và tất cả những ngược ngạo giả tạo chỉ là những hình thức đặc biệt của vấn đề toàn cầu; mà chúng ta có thể gặp phải trong từng bước và trong thế giới hữu hình. Trong nghệ thuật, trong khoa học và trong đời sống tinh thần, gia đình và xã hội, và trong đời sống thiêng liêng của mỗi tâm hồn ngay cả trong cả Giáo Hội.
Hai yếu tố đang chống chọi nhau: phải làm sao dung hoà lại.
Chính là sự kiện thay đổi, bất thường, và định luật bất biến; chính là sự tĩnh lặng và hoạt động; vật chất và hình thể, khả năng và hành động, chính là tự do và quyền bính.
Bất cứ nơi nào mà con người tìm kiếm, trong lãnh vực thiên nhiên hay trong lãnh vực ý tưởng, trong thế giới luân lý, chính trị, kinh tế hay trong lãnh vực ơn thánh, họ sẽ gặp khắp nơi, hai nguyên lý nầy.
Nếu họ bỏ đi một, trên phương diện triết học, sẽ xảy ra một sự sai lầm, trên bình diện thần học hay luân lý, một sự rối đạo, trong lãnh vực chính trị hay kinh tế, một sự xáo trộn, trong lãnh vực thiên nhiên, một sự khó khăn hay một tai hại.
Sự cạnh tranh vô giới hạn, trên phương diện vật chất, sẽ sinh ra sự tự do quá trớn về kinh tế; sự can thiệp thô bạo của Nhà Nước sẽ sinh ra thuyết xã hội.
Sự tự do không giới hạn, trên bình diện chính trị sẽ nảy sinh sự vô kỷ luật; quyền bính không hạn chế sẽ nảy sinh sự độc tài.
Sự tự do không giới hạn, trên bình diện luân lý, chính là sự buông thả; quyền bính mà không bị giới hạn bằng tự do, chính là sự nghiêm ngặt.
Từ nhiều thế kỷ, các nhà thần học, các triết gia, những nhà chính trị, những nhà kinh tế học, những bậc thầy trong các khoa học tự nhiên đều tách ra thành những môn phái đối nghịch nhau để giải quyết vấn đề nầy, để dung hoà hai yếu tố luôn đối nghịch nhau trên lãnh vực nào đó.
6
Và vấn đề này đều nảy ra trong cuộc sống thiêng liêng của mỗi con người.
Làm sao dung hoà sự yếu đuối tận căng của tâm hồn, những sa ngã thường xuyên của họ với sự tiến bộ không ngừng nghỉ của họ. Sự bất lực đối với sự lành của họ, với sự anh hùng không ngừng nghỉ của đời sống; những bất trung luôn lặp đi lặp lại của họ với sự âu yếm bất khả chiến bại mà Thiên Chúa đã tỏ ra với họ: định luật cho tâm hồn là làm mọi sự tuỳ thuộc vào mình. Với tâm thức mà tâm hồn phải có là, tự mình họ không làm được việc gì; sự mất tin vào chính mình và sự tin cậy rằng mình sẽ đạt đến sự thánh thiện; sự nhỏ bé của mọi công việc mình làm, sự bất toàn của cuộc sống mình, những yếu đuối trong chiến đấu và sự tự tin rằng sẽ được một phần thưởng cao quý; những đau khổ vật chất và tinh thần làm hao mòn thân xác, và sự chắc chắn rằng sự chết đó sẽ trổ sinh sự sống cho các linh hồn khác; sau cùng, những lỗi phạm nội tâm, những sai lầm thường xuyên trong sa mạc của đời sống thiêng liêng, và sự tin cậy của tâm hồn rằng nó sẽ sớm kết cuộc trong đất hứa?
7
Và trên tất cả những sự việc đó còn có một huyền nhiệm lớn lao hơn nữa, huyền nhiệm nầy bao trùm cả một sự kiện duy nhất trong lịch sử là huyền nhiệm của Giáo Hội Công giáo.
Giáo Hội luôn luôn bị chống đối, cả trong giáo thuyết của nó và cả trong luân lý của nó, và trong sự cai quản của nó nữa… và luôn luôn đứng vững.
Giáo Hội luôn không thay đổi trong những tín điều của mình, và luôn thích nghi với những nhu cầu của thời đại, luôn khít khao và luôn dẻo dai, luôn đau khổ và luôn chiến thắng, luôn bị bại hoại và luôn tìm thấy chính trong sự tàn phế của mình sức mạnh và sự dẻo dai.
Giáo Hội luôn bị ghét bỏ nhưng luôn được nể sợ, bị khinh miệt và bị bỏ quên một cách cố ý nhưng luôn đứng đầu trong những mối bận tâm của thế giới.
Giáo Hội đeo đuổi một mục tiêu thiêng liêng và tạo hạnh phúc và sự thoải mái vật chất cho con người.
Giáo Hội bị xem như kẻ thù của mọi nền văn hoá và lại mang theo với mình nền văn minh.
Giáo Hội đề nghị những tín điều không thể tưởng nổi và nắm dưới tay mình những tinh hoa của mọi trí tuệ; ban hành cho các đệ tử của mình sự từ bỏ và thập giá và luôn được lắng nghe và vâng phục.
Giáo Hội vẫn luôn kiên vững sau nhiều cuộc bách hại, luôn đổi mới trong lúc chiến đấu và đau khổ, luôn tái sinh trong máu của chính con cái mình.
Giáo Hội xem ra yếu ớt hơn các đế quốc chung quanh và thực ra vẫn tồn tại.
Giáo Hội bất lực, không có ai nâng đỡ, bị tước đoạt, bị xiềng xích, không chế ngự thân xác người nào, nhưng mạnh mẽ, tự do và thống lãnh quả tim con người.
8
Sau cùng, đến Chúa Giêsu, chúng ta tìm thấy tất cả các vấn đề lan tràn khắp tạo thành, trong quả tim và trí óc con người, trong xã hội và lịch sử, trong toàn thế Giáo Hội hoàn vũ.
Chúa Giêsu là vấn đề thiết yếu nhất. Những ai hiểu được Người thì tìm thấy câu giải đáp cho mọi vấn đề khác. Ngài là huyền nhiệm mà Thiên Chúa đã cất giấu từ tạo thiên lập địa và Ngài đã để lại những dấu vết trong toàn thể tạo thành.
Và huyền nhiệm ấy là gì?
Đó chính là sự hiệp nhất trong Chúa Giêsu, của cái có hạn và cái vô hạn, của nhân loại với thần linh, của sự yếu đuối với sức mạnh, của sự chết với sự sống, của sự nghèo khó với sự giàu sang, của sự vâng phục và tự do, của sự đau khổ vô biên với hạnh phúc vô bờ.
Chúa Giêsu, Con Người-Chúa, hiệp nhất mọi sự trong một tổng thể huy hoàng, Khoa Học với Đức Tin, nguyên lý bất biến và sự áp dụng phong nhiêu của nó, sự tĩnh lặng với sự tiến bộ, những định luật vĩnh cửu và những sự kiện riêng biệt.
Ngài dung hoà cái có giới hạn với vô giới hạn, sự thống nhất trong sự phân biệt, tự do hoàn toàn của con người với lãnh vực đặc quyền của Thiên Chúa, trách nhiệm của tạo vật và sự phát động toàn năng của Nguyên Lý Đầu Tiên, công nghiệp và sự tiền định, quyền lợi của con người và vinh quang Thiên Chúa, những quyền lợi của công bình và những cảm thông của lòng thương xót.
Chỉ một mình Chúa Giêsu dung hoà trong Ngài lòng tôn kính có hạn mà tạo vật dâng lên Đấng Tạo Thành và sự đòi buộc của một vinh quang vô hạn; nhu cầu yêu thương vật chất với nhu cầu yêu thương một cách tuyệt đối Vẻ Đẹp thiêng liêng; nỗi khát khao hạnh phúc vô biên đang làm con người đau đớn và khả năng có hạn của quả tim con người, ước vọng đến sự không thay đổi, đến việc nghỉ ngơi, đến cuộc sống vô biên với vấn đề của đau khổ và sự chết.
Chúa Giêsu ở khắp nơi, Ngài soi sáng tất cả. Ngài ở trung tâm của thế giới tạo thành và không tạo thành; Ngài đáp lại tất cả những nhu cầu của tâm hồn. Ngài sống trong tất cả tạo thành đang tiên hiện và thể hiện sự sống, sự chết và sự phục sinh của Ngài.
Ngài là linh hồn của xã hội, Ngài là chìa khoá của lịch sử, Ngài là Đầu của Giáo Hội đang tiếp nối nơi thế gian nầy sự sống bị hạ nhục và đồng thời chiến thắng của Ngài. Ngài sống trong mọi tâm hồn, Ngài kiện toàn trong các tâm hồn cuộc khổ nạn của Ngài và công cuộc Cứu Rỗi.
9
Và, có điều rất lạ lùng là Ngài soi sáng mọi huyền nhiệm nơi dương thế, nhưng lại không giải thích một huyền nhiệm nào cho dứt khoác cho chúng ta.
Ngài chỉ cho chúng ta dự đoán chiều sâu của chúng thôi, Ngài giúp chúng ta suy đoán trong Ngài, những lời giải đáp, nhưng trong những huyền nhiệm ấy, Ngài không tỏ lộ một huyền nhiệm nào cả. Ngài để chúng ta trong bóng tối của Đức Tin; Ngài vén bức màn nhưng không xé nó ra. Ngài cho chúng ta sự chắc chắn nhưng không phải là sự hưởng kiến; Ngài cho chúng ta hưởng thụ nhưng không giảm suy công nghiệp; Ngài đưa chúng ta vào thế giới thần linh, mà không đưa chúng ta khỏi trái đất.
Và vấn đề trên hết là chìa khoá của mọi sự, sự phối hợp giữa cái có cùng và cái vô cùng chỉ trong một người thần linh mà thôi, vấn đề nầy vẫn mù mờ hơn tất cả, khó hiểu hơn cả trong trời đất này.
10
Lạy Chúa Giêsu! Huyền nhiệm của mọi thời, con tôn thờ Chúa, con yêu mến Chúa. Con nghiêng mình trước sự cao cả của Chúa và con trốn tránh, tin tưởng, trong Thánh Tâm Chúa.
Nét uy nghi thần linh đó được pha lẫn với một sự âu yếm vô cùng, sự thánh thiện tinh sạch được phối hợp với một lòng thương xót không mỏi mệt đối với sự yếu hèn của nhân loại, chính là huyền nhiệm mà con gặp thấy khắp nơi, làm cho con mê mẫn trong Chúa, trong đời tạm nầy và sẽ là sự tôn thờ bất diệt của con trên trời.
Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ