NGƯỜI BẠN THẦN LINH
Tác giả : Cha Jos. SCHIJVERS. DCCT
Bài 31
Chúa Giêsu, Trung Tâm của lịch sử
Chúa Kytô hôm qua và hôm nay, và mãi mãi (Kh 13,8)
1
Lạy Chúa Giêsu của con, xin soi sáng con, xin làm cho con biết Chúa. Chúa là mầu nhiệm của các thế kỷ; Chúa là Thiên Chúa ẩn thân; Chúa ở nơi ánh sáng không ai đạt tới. Xin hãy soi sáng tâm hồn con để con biết và yêu mến Chúa.
Khi Chúa sống ở trần gian, người Do thái tự hỏi Chúa là ai; các bạn hữu của Chúa cũng nài xin Chúa tự mạc khải cho họ; các tông đồ, ngay lúc Chúa sắp chết, hình như cũng chưa biết được Chúa là Đấng nào.
Và bây giờ, lạy Chúa Giêsu! Chúa đã lên trời rồi, bây giờ Chúa ngự trong nhà tạm dưới hình thức một tấm bánh, ai sẽ nghĩ đến Chúa?
Nhìn thấy thế gian đang sống và tung hoành, nhìn thấy những người quyền thế sắp xếp những biến cố lịch sử, bải bỏ hay dựng thêm những ranh giới, người ta nghĩ rằng Chúa chẳng có giá trị gì trong thế giới nầy nữa.
2
Và, tuy nhiên, Chúa là trung tâm của mọi sự, Chúa hôm qua, hôm nay và Chúa sẽ mãi mãi trong thời gian.
Khi Chúa định tạo nên vũ trụ, chính là để tỏ rõ vinh quang của Chúa. Tạo vật chỉ là hình bóng của vẻ đẹp của Chúa mà thôi, một bóng hình của ánh sáng Chúa, một vết nhỏ của sự hoàn hảo của Chúa.
Chúa là Trưởng Tử trong tất cả các tạo vật; trong tư tưởng của Chúa Cha, thế giới chỉ hiện hữu cho Chúa mà thôi.
Các thế hệ đã chuẩn bị cho Chúa đến, các dân tộc chỉ dọn đường cho Chúa thôi.
Chúa là sự trông đợi của những đồi núi vĩnh cửu (St 49, 26). Các tổ phụ và các tiên tri đã mong chờ Chúa đến. Các ngài đã mong ước nhìn thấy khuôn mặt đáng tôn thờ của Ngài trước khi từ bỏ thế gian lưu đày này (Mt 13,17).
Chúa đã phân tán dân được tuyển chọn giữa các dân tộc là để dọn đường cho Chúa đến; Chúa đã cho dân Rôma quyền lực trên khắp thế giới là để xác định ngay tại trung tâm của thế giới quyền uy thiêng liêng của Ngài. Tất cả Cựu Ước đều đầy dẫy Chúa Giêsu.
Mọi sự càng đi vào vô định, mắt trong sạch càng nhìn thấy nơi đó ý định cao cả là dọn đường cho Đức Vua hằng hữu, khi Ngài đến đặt nền móng của vương quốc Ngài.
3
Chúa Giêsu hôm qua, Ngài vẫn là hôm nay. Từ khi Ngài đến trong trần gian, Ngài thống trị tại đó dù các thù địch của Ngài vẫn đầy dẫy.
Nghèo nàn và không ai biết đến, sinh bởi một người phụ nữ vô danh, trong một ngôi làng không mấy ai biết, bị đồng bạn ganh tị, khinh dể và hận thù, Ông Giêsu đó đã chuẩn bị một cách yên lành lịch sử của Tân Ước, cho đến tận thế.
Bên bờ hồ, một buổi chiều yên lành, Ngài loan báo cho một vài ngư phủ rằng Ngài sẽ thiết lập Giáo Hội của Ngài và nền tảng của Giáo Hội đó sẽ là một trong những người đó, Phêrô, người đã chối Ngài ba lần! Giáo Hội đó sẽ lan tràn khắp thế giới và cửa hoả ngục không chống lại được.
Nếu vua Auguttô kiêu căng kia, vua của đế quốc Rôma, có thể nghe được những điều này, có lẽ ngài sẽ mỉm cười thương hại, cũng như những tên độc tài hôm nay, đang nắm quyền trên thế giới. Và tuy nhiên, Giáo Hội đó đã được thành lập. Những cuộc bách hại, những bè rối, những lạc giáo, những chia rẽ hay những việc bỏ đi của đám con cái của Giáo Hội, cũng không làm nó sụp đổ hay làm suy giảm sức sống mãnh liệt của nó.
4
Một lần kia, chính Giêsu đó, người thợ mộc sinh ra trong một làng vô danh, đã nói rằng một ngày kia, khi được treo lên khỏi đất, sẽ kéo mọi người đến với Ngài.
Các môn đệ không hiểu tí gì về câu nói lạ lùng đó, và Chúa Giêsu cũng không giải thích thêm gì vè tư tưởng của Ngài. Ngài chỉ cần viết lịch sử của thế giới thôi.
Sau đó ít lâu, bi kịch của đồi Canvê kết thúc trong máu. Kẻ thù của Chúa Kytô đắc thắng. Họ đã quyết tiêu diệt Ngài khỏi mặt đất của người sống để không còn ai nhắc đến tên Ngài nữa (Gr 11,19). Không những họ tiêu diệt Ngài mà còn phủ lên Ngài một khối lầm lạc và khốn nạn. (Gr 1,15).
Và con người đó vinh quang bước ra khỏi mồ nơi tên tuổi Ngài sẽ bị chôn vùi và này Thập Giá trên đó Ngài thở hơi cuối cùng trở nên sáng rạng vinh quang. Và từ tận cùng thế giới, những đám đông những người cảm động và thống hối tuôn đến. Và hàng triệu người già có, phụ nữ có, những đứa trẻ yếu ớt cũng có, tự mình chịu thiêu đốt trong lò lửa, chịu gươm chém hay thú dữ xé thây để chứng minh rằng họ yêu Đấng đã chịu đóng đinh vào thập giá.
Những tay quyền thế ở trần gian nầy xúc động khi nhìn thấy làn sóng kính thờ này đi ngang qua lãnh vực của họ để đi về đỉnh đồi Canvê. Họ ngăn cấm tôn vinh, tôn thờ và yêu mến Chúa Giêsu.
Nhưng càng đổ máu các vị tử đạo, giòng máu càng trở nên mạnh mẽ và làn sóng tình yêu càng mãnh liệt cho đến nỗi có thể cuốn phăng các thành trì và phá sập các nền tảng kiên cố trần thế của họ.
5
Chúa Giêsu đã nói: “Ai không theo Ta, người ấy chống lại Ta” (Mt 12,38). Ngài đã tuyên bố những lời nầy trước mặt một đám phụ nữ, những người tội lỗi và những người lao công. Những ông pharisêu và những ký lục khinh khi không bao giờ xen vào những đám này.
Những nhà khoa học, những triết gia của thành Atêna thông thái và Rôma kiêu hãnh không nghĩ rằng mình có thể ủng hộ một ông tiên tri vô danh khiến họ trở nên đối thủ của ông. Nhưng Chúa Giêsu vẫn viết lịch sử của những thế hệ mai sau.
Không lâu, giáo thuyết của Ngài, đầy tình yêu và bỏ mình lan tràn khắp châu Á và châu Âu. Vài năm sau khi người xứ Galilê qua đời, những câu nói của Ngài được giảng và chấp nhận trong nhiều vùng của thế giới. Chính trong triều đình của vua Rôma cũng đầy người tin Chúa, và càng tiêu diệt họ bao nhiêu thì họ càng tăng thêm bấy nhiêu.
Hai phe được hình thành trong thế giới: những người theo Chúa Kytô và những kẻ thù của Ngài. Tất cả mọi quyền lợi, chính trị, nghệ thuật, khoa học đều lu mờ trước câu hỏi: Bạn có đạo không? hay bạn có chống lại Chúa Kytô không?
6
Và các thế kỷ sau này chỉ đào sâu thêm cái hố ấy giữa những người theo Chúa Giêsu và những người chống lại.
Hôm nay, sau hai mươi thế kỷ, sau hai mươi cuộc cách mạng chính trị, kinh tế và giáo thuyết, sau làn sóng phong trào bao dung, nghi hoặc và vô cảm đã đi qua đi lại trên thế giới, vấn đề tôn giáo vẫn nằm trên bình diện nhạy cảm nhất của thế giới.
Mọi dân tộc đều chú tâm đến Chúa Kytô, đến Vị Đại Diện của Ngài, đến những mối liên hệ phải thiết lập hay bỏ qua với cụ già ở Vatican, vì Chúa Giêsu đã nói: Ai không cùng với Ta là chống lại Ta”.
7
Lạy Thầy đáng tôn thờ! Con đã tưởng rằng Ngài chỉ bận lo cho việc tiến triển của linh hồn con. Con tưởng rằng nước Ngài chỉ hoàn toàn thiêng liêng không ngờ rằng hoạt động của Ngài lan rộng ra và trải rộng đến vô biên, và mọi người, bạn cũng như thù đều lo lắng cho Ngài, và rằng Ngài là trung tâm vũ trụ và là trung tâm của lịch sử. Và đúng thế, Ngài là Vua và là Đấng Cai quản thế giới.
8
Sau khi vẽ ra một vài nét của lịch sử nầy bằng chính những lời của Chúa, Chúa đặt một môn đệ, thánh Gioan, loan báo cho các thế hệ mai sau tất cả những gì sẽ xảy ra cho đến khi mọi sự kết thúc, Ngài cho ông kể ra trong quyển Khải Huyền của ông, những thế lực khác nhau nối tiếp nhau cho đến tận thế, những cuộc chiến giữa các thế lực và chống lại Giáo Hội của Ngài. Ngài mô tả trước chiến tranh mà kẻ thù của loài người sẽ gây ra, những thành công tạm thời mà Ngài sẽ ban cho sự hận thù của nó và sự sụp đổ cuối cùng của nó.
Ô! Nếu con mắt chúng ta trong sạch đủ, chúng ta sẽ có thể đọc trong quyển sách nầy lich sử đang được viết dưới mắt chúng ta, việc quy tụ đang sắp diễn ra của hai thế lực đang đối đầu với nhau vào lúc kết thúc mọi sự, thế lực của đạo công giáo thuần tuý và sự vô đạo tuyệt đối, nghĩa là của thuyết duy lý với tất cả những hậu quả kèm theo trên bình diện ý tưởng, chính trị và kinh tế.
Chúng ta sẽ thấy Thành Babylon vĩ đại kia, người mê hoặc các dân là ai. Chúng ta sẽ thấy con vật có bảy đầu và mười sừng nhục mạ Thiên Chúa và bách hại các thánh là ai. Chúng ta sẽ chiếm ngắm với thánh Gioan tầng trời mở ra và Con Thiên Chúa xuất hiện, cặp mắt sáng ngời, đầu đội một vương miện và giết chết tên Phản Kytô bằng một hơi thở từ miệng mình.
9
Đúng thế! Chúa Giêsu Kytô sống và hiển trị muôn đời. Ngài là Vua các vua, đấng hiển trị trên mọi đấng hiển trị. Ngài có từ hôm qua , hôm nay và muôn đời. Ôi! Ngài lớn lao thật, Đức Giêsu, Đấng yêu thương tôi, tôi tựa đầu vào Tim Ngài mỗi ngày. Ngài nói bên tai tôi những huyền nhiệm của Ngài, Ngài giơ tay đỡ tôi kẻo tôi vấp phải đá. Ngài thật lớn lao, Ngài tốt vô song. Tôi yêu mến Ngài hết lòng.
Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ