16/04/2024
205
Người bạn thần linh _  Bài 27: Chúa Giêsu chết cho chúng ta












 





NGƯỜI BẠN THẦN LINH

Tác giả : Cha Jos. SCHIJVERS. DCCT


Bài 27
Chúa Giêsu chết cho chúng ta

 

1

Không có một dấu hiệu tình yêu cao cả nào bằng tình yêu chịu đau khổ vì đối tượng của tình yêu. Chúa Giêsu còn thêm: “Không ai có tình yêu cao cả hơn người dám hiến mạng vì người yêu (Ga 15, 13).

Thánh Phaolô ghi rằng, lạy Chúa Giêsu, chính Chúa đã cho chúng con bằng chứng lớn lao hơn khi dám chết cho chúng con khi chúng con là kẻ thù của Chúa.

Chúa Giêsu luôn tốt lành đối với loài người trong suốt cuộc đời của Ngài. Nhưng đến ngày cuối cùng của đời Ngài, Ngài đã cho những bằng chứng khiến cho trời đất phải kinh ngạc. Để cứu vớt con người tội lỗi và để chứng minh tình yêu của Ngài, Ngài muốn đắm chìm trong một đại dương khiêm nhường và lo âu.

Để hiểu phần nào về sự dồn dập không tưởng của những đau buồn bên trong và bên ngoài, trước hết phải suy nghĩ đến những lý do thâm sâu của cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

 

2

Chúa cứu chuộc đáng yêu của chúngg ta, là Đầu của Thân Thể mầu nhiệm mà chúng ta là thành phần, muốn một mình chịu mọi nỗi buồn đau, những nhục nhã, những lo âu mà một ngày kia sẽ làm khổ cho con cái Ngài và từng người.

Chính Ngài muốn cảm thấy trước, trong tất cả cường độ của nó, sự cay đắng mà một ngày kia sẽ đến trong tim của anh em Ngài, để nhờ đó xoa dịu bớt cho anh em Ngài.

Chúng ta hãy nghĩ đến những đau đớn, những lo âu mà một con tim loài người có thể chịu đựng được, quả tim của một bà mẹ đứng bên giường bệnh của con mình đang quằng quại, quả tim của một trẻ mồ côi bên nấm mồ của cha và mẹ mình.

Chúng ta cứ nhân lên nỗi đau đó và thêm vào tất cả những nỗi đau khác mà một quả tim con người có thể chịu đựng: đó chỉ là một bóng mờ của nỗi đau mà Chúa Giêsu phải gánh chịu một mình, trong quả tim Ngài.

 

3

Hơn nữa, Chúa Giêsu muốn chịu một mình, trong thân xác Ngài, tất cả những đau đớn thể xác mà, theo thời gian, sẽ lan tới mọi con người.

Chúng ta có thể mường tượng những đau đớn, bệnh tật mọi thứ, những vết thương, những khối u mà các bệnh viện trên thế giới chất chứa, và phải thêm những sự tàn ác, những sự giết chóc trên chiến trường, những khổ hình của hàng triệu người tử đạo, những móc sắt, những kềm kẹp, dao  và roi đòn, thú dữ , nước sôi!

Chúa Giêsu muốn một mình chịu tất cả những hình khổ mà sau nầy mỗi người được tuyển chọn phải chịu.

 

4

Hơn nữa, Chúa Giêsu phải đền trả trong cuộc tử nạn của Ngài mọi tội trọng, tội nhẹ của mỗi người sống trên trần gian nầy: Tất cả những bất công, những nhơ bẩn, những tàn ác, vô ơn, tất cả mọi xúc phạm và mọi gương mù.

Ngài phải đền tất cả những xầu xa của mỗi tội đó. Vậy, sự xấu xa đó lại vô biên. Tội lỗi là một xúc phạm đến Thiên Chúa, một sự xúc phạm của một con giun đối với Vua muôn vua.

Cái núi tội lỗi ấy, với sự ác của chúng là vô biên, đè nặng lên Trái Tim của Đấng Cứu Chuộc. Ngài phaaải đền cho mọi người một cách nghiêm túc và trong từng chi tiết.

 

5

Hơn nữa, Ngài phải chịu mọi khốn khổ do khối tội ấy. Ngài phải đền hết mọi tội đó. Ngài phải đền mọi tội mà không cần đến ai.

Làm sao một con người, dù là Người - Chúa, có thể đau đớn trong tâm hồn và trong thể xác để đền lại một cách trọn vẹn những đòi buộc của sự công thẳng của Thiên Chúa?

Điều đó là một huyền nhiệm đối với chúng ta. Không ai, kể cả Đức Maria, có thể đo được vực thẳm đau khổ của cái chết của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ biết rằng Ngài đã chết trong đau thương, thế thôi.

 

6

Đàng khác, chúng ta biết rằng Chúa Cha đã ban cho Con của Ngài một thân xác và một quả tim được tạo nên để chịu đau đớn, rằng Ngài ban cho thân xác và quả tim đó một sự nhạy cảm và một sự tế nhị đến độ nỗi đau có thể đạt đến tầm mức mà sự công thẳng của Ngài đòi hỏi.

Sau cùng, chúng ta biết rằng, trong sự công thẳng của Ngài, và hoả ngục, trong nỗi điên khùng của nó, đã nhân lên tối đa những khổ hình và thay đổi một cách đáng sợ đến nỗi nạn nhân khốn khổ kia chìm ngập trong cơn bão đau thương: con bị lún sâu xuống chỗ sình lầy (Tv 68,3).

 

7

Ngài bị trói, kéo lê, bị vã mặt. Thân xác Ngài bị rách nát vì những móc sắt. Đầu Ngài bị gai nhọn đâm thủng. Mặt Ngài bị khạc nhỗ gớm ghê; hai vai ngài bị trầy nát vì khúc gỗ của thập giá; tay chân Ngài bị nhiều mũi đinh đâm thâu; tay chân Ngài bị kéo giản ra, gân cốt bị đứt ra, miệng Ngài khô héo vì khát nước, mắt Ngài bị máu đông lại, và lỗ tai Ngài nghe những lời nhực mạ kinh hồn.

Trong vườn Cây Dầu, Ngài bị quân lính đánh đập, Ngài bị tố cáo là tiên tri giả trước mặt thầy cả Anna, bị tố cáo là giả danh và láo lếu trước mặt Philatô, bị Hêrôđê xem là khờ dại, bị đám đông xem là đáng khinh trước tên giết người Baraba, bị dân chúng xem như đáng phải chết, bị bọn lính bày ra như một vị vua trên sân khấu, bị những người đầu đảng của Hội Đường Do thái, đám dân, những đầy tớ và tên giết người bị đóng đinh cùng với Ngài nhạo cười.

Và tất cả mọi người, bạn hữu và kẻ thù đều đồng ý cho cuộc hành hình này: Cha trên trời, trong sự công thẳng của Ngài, hoả ngục với cơn điên loạn của nó, Giudà bằng sự phản bội của nó, các môn đệ với sự hèn nhát của họ, Phêrô với sự bất trung của ông, những đầy tớ với sự hỗn láo của chúng, mấy tên lính với sự độc ác của họ, các đầu mục thầy cả với sự phản phúc của họ, Philatô với sự hèn nhát của ông, đám đông với sự vô ơn của họ, mấy người nữ với sự thông cảm vô ích, và bà mẹ với sự đau thương không thể ủi an của ngài.

 

8

Sau cùng, điều làm cho mọi hình khổ gia tăng đến tột đỉnh chính là sự bỏ rơi của Cha Ngài mà bản tính loài người thánh thiện của Ngài đã cảm nghiệm, làm cho Ngài phải kêu lên một tiếng não nuột, làm cho trái tim của Mẹ Maria phải tan vở: “Lạy Chúa, lạy Chúa Con, tại sao Ngài lại bỏ Con?” (Mt 27,46)

Ôi Chúa Giêsu đáng yêu của con! lòng trí hèn mạt của con như bị đè bẹp dưới khối khối đau khổ này.

 

9

Linh hồn tôi ơi! hãy suy nghĩ thật lâu và từng chi tiết những khổ hình của Chúa Giêsu của ngươi; ngươi sẽ không bao giờ hiểu được chiều sâu của vực thẳm này. Hãy tự hỏi mình xem tại sao có nhiều hình khổ như thế?

Chỉ vì phải đền những tội lỗi ngươi và chinh phục tình yêu của ngươi.

Vậy hãy sợ tội, sợ không giới hạn và hãy cương quyết mang lại cho Chúa Giêsu những gì Ngài mong ước nơi bạn một cách hăng say: hãy cho Ngài quả tim của bạn.

Ôi Chúa Giêsu! Con là gì mà Chúa thương con đến thế? Tình yêu của con có là gì mà Chúa đã muốn chết và chết một cách đau đớn như thế thay vì thấy con hư mất?

Những nhịp đập của tim con có là gì mà Chúa sẵn sàng chịu đau đớn để biết rõ điều đó?

Sức mạnh nào đã ảnh hưởng lên Chúa với những lời đơn sơ này: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa! để Chúa sẵn sàng làm lại cuộc tử nạn của Chúa, nếu sự ấy có thể được, để lắng nghe tiếng nói yêu thương ấy do một linh hồn nào nữa?

Lạy Chúa Giêsu, Con yêu mến Chúa! Con yêu mến Chúa. Con sẽ lặp đi lặp lại không ngừng: nó sẽ là khởi đầu, khúc giữa và là đoạn cuối của đời sống tâm hồn con.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ