NGỌN NẾN
Mỗi lần tham dự Thánh lễ, có mấy ai để ý đến những ngọn nến được trưng bày trên bàn thờ? Đó là những cây nến để tô điểm cho nét đẹp linh thiêng. Đó là những ngọn nến tượng trưng cho ánh sáng của Lời Chúa chiếu soi vào tâm hồn mỗi Kitô hữu, giúp chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa. Đó còn là những cây nến chấp nhận phải tiêu hao dần dần, biểu trưng cho sự quên đi cả bản thân, không còn nghĩ đến chính mình, chỉ biết xả thân và hết mình phục vụ tha nhân. Vậy đã mấy lần bạn và tôi đã có những suy tư như thế? Làm thế nào để mỗi Kitô hữu trở nên những ngọn nến lung linh, luôn cháy sáng lửa yêu thương và phục vụ, mang đến niềm vui, sự an ủi cho những mãnh đời bất hạnh trong cuộc sống thường ngày?
Một bạn trẻ, đang tham gia công tác thiện nguyện cho “Hội Quả Tim Yêu Thương”, Tp. Hồ Chí Minh, đã xác tín mạnh mẽ thế này: “Làm một ngọn nến nghĩa là phải cháy hết mình; Làm một con người nghĩa là phải sống bằng cả những khát khao.” Niềm xác tín ấy đã trở thành động lực thôi thúc bạn ấy dấn thân cho những hoạt động từ thiện như bán báo, lượm ve chai, bỏ ống heo hàng ngày để gây quỹ cho Hội, nhằm giúp những em thiếu nhi, bà con nghèo vùng sâu vùng xa, với những phần quà tuy chẳng đáng giá bao nhiêu, nhưng đầy tràn sự hy sinh và tấm lòng của một người thiện nguyện. Cuộc sống sinh viên vất vả khổ cực đủ điều, vậy mà có nhiều bạn trẻ đã vượt khó, vượt qua bản thân để nghĩ đến tha nhân. Điều này không phải một người trẻ nào cũng dễ dàng có được. Họ hy sinh thời gian, sức khỏe, tiền bạc, hay những thú vui khác để dồn tất cả cho những hoạt động thiện nguyện. Vì vậy, những bạn trẻ ấy chính là những ngọn nến tỏa sáng giữa đời thường. Những ngọn nến phải chấp nhận tiêu hao những lợi ích của chính mình để phục vụ ích lợi cho nhiều người.
Nhạc sĩ Ngọc Lễ đã sáng tác bài hát thật dễ thương: “Ba là cây nến vàng. Mẹ là cây nến xanh. Con là cây nến hồng. Ba ngọn nến lung linh. Thắp sáng một gia đình” (Bài hát Ba Ngọn Nến Lung Linh). Thật vậy, bài hát này cho thấy mỗi một thành viên trong gia đình là một ngọn nến lung linh, thắp sáng và nâng đỡ nhau. Cha mẹ yêu thương nhau và yêu thương con cái. Con cái sống tốt, học tốt, làm việc tốt, giúp đỡ và vâng lời cha mẹ. Đó là những ngọn nến thật dễ thương. Đó là những ngọn nến của tình yêu. Bạn và tôi càng khôn lớn thì cha mẹ càng già đi. Vì thế, cha mẹ xứng đáng là ngọn nến bị tiêu hao dần sức khỏe, niềm vui vì yêu thương con cái của mình. Thiết nghĩ rằng, hình ảnh những ngọn nến lung linh trong gia đình là bài học về mẫu gương hy sinh đúng nghĩa trong bối cảnh xã hội hiện nay.
Giáo xứ là một gia đình. Mỗi giáo dân là một thành viên trong gia đình giáo xứ. Giáo xứ càng vui và thành công khi có những đóng góp tích cực của nhiều người nhiệt tâm phục vụ. Người thì tham gia ca đoàn; người khác tham gia giúp lễ, dạy giáo lý, hay tham gia Thiếu nhi Thánh Thể; hay có người yêu thích với những hoạt động bác ái như thăm viếng, tặng quà cho những người già neo đơn dịp Giáng sinh hoặc Tết đến. Tất cả những đóng góp ấy cho thấy họ cũng là những ngọn nến thắp sáng lên niềm vui, hạnh phúc, và sưởi ấm cho tâm hồn của biết bao người, nhất là những mãnh đời bất hạnh cô đơn. Vâng, trong lòng Giáo hội là Mẹ hiền, mỗi Kitô hữu là những ngọn nến trong tình yêu thương ấy. Có người nến màu hồng; người khác nến màu xanh; hay có người nến màu vàng; có người là nến cao hay nến thấp, nến nhỏ hay nến to… Tựu trung lại, tất cả những ngọn nến ấy đều có những giá trị riêng, góp phần tô điểm cho nét đẹp của Tin Mừng giữa lòng thế giới hôm nay.
Tuy vậy, bất kỳ cái gì cũng đều có cái giá của nó. Tình yêu luôn đòi hỏi sự hy sinh. Có hy sinh thì tình yêu mới trọn vẹn và đích thực. Vì vậy, để trở nên những ngọn nến lung linh giữa đời thường, mỗi Kitô hữu cần phải cầu nguyện, hy sinh thật nhiều. Thánh vịnh có câu: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây phải thiệt thân.” Quả vậy, chắc hẳn không ít lần bạn và tôi gặp những khó khăn, thử thách trên bước đường phục vụ, trong quá trình làm việc với người này người kia trong giáo xứ. Nhiều người không hiểu cho rằng chúng ta đang lo chuyện bao đồng, đang lãng phí thời gian, làm những chuyện không có lợi cho bản thân mình v.v… Mỗi lần đối diện với những áp lực dư luận chia rẽ như thế, có lẽ bạn và tôi cảm thấy dễ tự ái, xuống tinh thần, không muốn làm gì nữa cả. Tuy nhiên, nhờ động lực tình yêu dấn thân, nhiều Kitô hữu đã can đảm đạp lên trên dư luận để sống, vẫn tiếp tục dấn thân vì xác tín rằng mình đang làm một điều có ý nghĩa cho người khác như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết như sau: “Có gì đẹp trên đời hơn thế. Người yêu người sống để yêu nhau.” Hay như một bạn trẻ Công giáo nọ đã chọn câu nói sau đây làm châm ngôn sống của đời mình: “Nếu bạn có một đôi mắt, một đôi tay, một trái tim; Hãy để đôi mắt được nhìn rõ điều hay lẽ phải, đôi tay được lao động miệt mài; Và trái tim được cho nhận yêu thương đến nhịp đập cuối cùng...” Vậy mỗi chúng ta cần phải làm gì để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn?
Raphael Trần Dương Tuyển