31/03/2025
75
Năm Thánh 2025 – Cùng Thánh Giuse bước trong hy vọng










 



 

NĂM THÁNH 2025 –

 CÙNG THÁNH GIUSE BƯỚC TRONG HY VỌNG

Anrê Quốc Lộc – Phê rô Tấn Ngọc

(WGPMT)Nếu không có lòng tin, sự khiêm nhường dễ trở thành một sự chấp nhận thụ động; nhưng nếu không có khiêm nhường, niềm tin có thể chỉ còn là một sự cậy dựa vào chính mình”.

 

Thế giới hôm nay đang chứng kiến một làn sóng thế tục hóa mạnh mẽ, nơi mà con người ngày càng chạy theo vật chất, danh vọng và quyền lực. Thành công được đo lường bằng tiền bạc, và giá trị con người bị gắn chặt với những gì họ sở hữu hơn là nhân cách hay phẩm hạnh. Khi vật chất trở thành chỗ dựa duy nhất, lòng trông cậy và phó thác nơi Thiên Chúa dần bị thay thế bằng sự kiểm soát cá nhân. Con người không còn sẵn sàng bước đi trong đức tin, mà luôn đòi hỏi một sự bảo đảm chắc chắn. Nhưng nghịch lý thay, càng tìm kiếm sự kiểm soát, họ lại càng cảm thấy bất an; càng cố gắng nắm giữ, họ lại càng cảm thấy sợ hãi vì mất mát. Khi những gì hữu hình không thể khỏa lấp những khát khao sâu thẳm trong tâm hồn, con người dễ dàng rơi vào tình trạng thất vọng. Họ thất vọng khi danh vọng không mang lại hạnh phúc, khi của cải không thể mua được bình an, khi mọi tính toán của họ không thể tránh khỏi những biến cố bất ngờ.

Chính trong bối cảnh đó, Giáo Hội khai mở Năm Thánh Hy Vọng 2025 với lời xác tín mạnh mẽ: “Hy vọng không làm chúng ta thất vọng” (x. Rm 5,5). Bởi lẽ, niềm hy vọng Kitô giáo không dựa trên những gì là phù vân, mà đặt nền tảng nơi Thiên Chúa, Đấng luôn trung tín với lời hứa của Ngài. Nhưng để sống được niềm hy vọng ấy, con người cần học cách tín thác vào Chúa, để Ngài dẫn dắt cuộc đời mình. Và nơi thánh Giuse, ta tìm thấy một mẫu gương tuyệt vời của một con người hoàn toàn phó thác, không dựa vào lý lẽ riêng, nhưng để Chúa hướng dẫn từng bước đi. Qua những giấc chiêm bao, thánh Cả đã thể hiện trọn vẹn ba khía cạnh của lòng tín thác: khiêm nhường để lắng nghe thánh ý Chúa, tin tưởng để bước đi dù chưa thấy rõ tương lai, và đón nhận trách nhiệm với lòng can đảm. Ngài không đòi hỏi sự chắc chắn, cũng không trì hoãn, nhưng ngay khi nhận được sứ điệp từ Thiên Chúa, ngài lập tức hành động. Hành trình của thánh nhân là một lời mời gọi mạnh mẽ dành cho mỗi người chúng ta hôm nay: hãy sống khiêm nhường, tin tưởng và dám đón nhận trách nhiệm, vì chỉ khi để Thiên Chúa dẫn đường, con người mới thực sự tìm thấy niềm hy vọng đích thực.

Trong hành trình đức tin, khiêm nhường và từ bỏ ý riêng không chỉ là những phẩm hạnh cao quý, mà còn là hai cánh cửa rộng mở dẫn con người vào huyền nhiệm của Thiên Chúa. Chúng không song hành như hai đường thẳng tách biệt, mà đan cài, nâng đỡ nhau như hai cánh chim giúp linh hồn bay cao trong ân sủng. Chỉ khi biết cúi xuống, con người mới có thể ngước lên nhìn thấy ánh sáng trời cao; chỉ khi buông bỏ cái tôi nhỏ bé, tâm hồn mới có chỗ cho kế hoạch vĩ đại của Thiên Chúa. Thế nhưng, khiêm nhường và từ bỏ ý riêng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Chúng không phải là những chiếc áo choàng đẹp đẽ được khoác lên để tô điểm cho đời sống đạo, mà là một cuộc chiến nội tâm gay gắt, một cuộc giằng co giữa ý muốn con người và thánh ý Thiên Chúa. Chúng thách đố bản tính kiêu căng, thách đố sự bám víu vào quyền lực, thách đố cả nỗi sợ hãi trước những điều không thể đoán định. Vì thế, muốn theo Chúa, con người cần phải chấp nhận đi trong đêm tối, phải can đảm từ bỏ quyền định đoạt cuộc đời mình. Và thánh Giuse đã sống trọn vẹn tinh thần ấy. Ngài là một chứng tá sống động, một hình ảnh vĩ đại về một con người biết để Chúa làm chủ cuộc đời mình. Sự phó thác của ngài không phải là một lời nói suông, mà là cả một đời sống đắm mình trong thánh ý Thiên Chúa. 

Khiêm nhường không phải là hạ mình một cách yếu đuối, mà là nhận ra sự thật về bản thân trước mặt Thiên Chúa. Như giọt sương tan biến trước ánh mặt trời, như hạt cát nhỏ bé giữa đại dương bao la, người khiêm nhường không đặt mình làm trung tâm, không tự xem mình là chủ tể, mà ý thức rằng mình chỉ là khí cụ trong bàn tay toàn năng của Thiên Chúa. Khiêm nhường không phải là tự ti, mà là sức mạnh can trường của một tâm hồn không còn bị ràng buộc bởi cái tôi ích kỷ. Thánh Giuse chính là hiện thân của tinh thần ấy. Khi thấy Mẹ Maria mang thai mà chưa về chung sống, trái tim của thánh Cả ắt hẳn đã quặn thắt nỗi đau. Một người đàn ông bình thường có thể sẽ vội vã kết án trong cơn tức giận, và dùng lý lẽ để bảo vệ danh dự của mình. Theo luật Do Thái, ngài có quyền tố cáo Mẹ Maria, và Mẹ sẽ phải đối diện với hình phạt rất nghiêm khắc. Nhưng thánh nhân đã không hành động như vậy. Ngài không tìm cách bảo vệ thanh danh, cũng không đòi hỏi một lời giải thích. Ngài chọn con đường âm thầm, chọn rút lui trong lặng lẽ, chọn đặt tình yêu lên trên mọi lý lẽ của phàm nhân. Điều này được Kinh Thánh thuật lại như sau: “Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19). Chỉ một nét bút thôi, nhưng thánh sử Mátthêu đã khắc họa trọn vẹn con người của thánh Giuse: công chính, nhân hậu, khiêm nhu, không tìm danh lợi, không bám víu vào quyền hạn của mình. Sự khiêm nhường nơi thánh nhân không phải là sự khuất phục yếu hèn, mà là sự tự chủ tuyệt đối, tự chủ trước cảm xúc, trước áp lực xã hội, trước những cơn sóng dữ của định kiến. 

Nếu khiêm nhường là nền móng, thì từ bỏ ý riêng chính là viên đá đầu tiên đặt trên nền móng ấy. Khiêm nhường đặt Thiên Chúa lên trên hết, nhưng từ bỏ ý riêng mới là hành động cụ thể để bước theo thánh ý Chúa. Từ bỏ ý riêng không có nghĩa là từ chối suy nghĩ hay lập kế hoạch, nhưng là sẵn sàng buông bỏ những dự định của mình nếu chúng không phù hợp với đường lối Chúa. Thánh Giuse đã có kế hoạch của riêng mình: rời đi trong âm thầm để giữ gìn danh dự cho Mẹ Maria. Nhưng ngay khi thiên thần báo mộng: “Này ông Giuse, con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (x. Mt 1,20), thánh nhân lập tức thay đổi quyết định của mình. Không do dự, không chần chừ, không đòi hỏi dấu lạ hay một lần xác nhận nữa, ngài buông bỏ kế hoạch của mình để đón nhận kế hoạch của Chúa, dù kế hoạch ấy đưa ngài vào một hành trình mịt mờ, đầy thử thách.

Khiêm nhường và từ bỏ ý riêng không làm thánh Giuse trở thành một con người yếu đuối, mà ngược lại, biến ngài thành một con người mạnh mẽ phi thường. Nếu không có khiêm nhường, ngài có thể đã khăng khăng với kế hoạch của mình. Nếu không có sự từ bỏ ý riêng, ngài có thể đã do dự, đắn đo, chờ đợi một dấu chỉ rõ ràng hơn. Nhưng thánh nhân đã không làm thế. Ngài đã tin, đã phó thác, và đã hành động. Như hạt lúa chấp nhận vùi sâu trong lòng đất để nảy mầm sự sống, như viên đá chịu mài giũa để trở thành kim cương, thánh Cả đã chấp nhận lùi lại để Thiên Chúa bước lên, chọn thinh lặng để lời Chúa vang vọng, chọn từ bỏ để trở nên công cụ tuyệt hảo trong tay Người. Và chính trong sự lặng lẽ ấy, ngài đã trở thành một trong những nhân vật vĩ đại trong lịch sử cứu độ, một người cha thầm lặng nhưng vững chãi, một người tôi tớ bé nhỏ nhưng trung thành, một con người khiêm nhu nhưng làm nên những điều phi thường.

Nhưng liệu khiêm nhường có thể tồn tại mà không đi cùng với niềm tin? Thật vậy, khiêm nhường giúp con người cúi xuống để lắng nghe thánh ý Chúa, nhưng chỉ có sự tin tưởng mới giúp họ đủ can đảm để bước đi theo con đường Ngài đã vạch sẵn. Nếu không có lòng tin, sự khiêm nhường dễ trở thành một sự chấp nhận thụ động; nhưng nếu không có khiêm nhường, niềm tin có thể chỉ còn là một sự cậy dựa vào chính mình. Ở nơi thánh Giuse, hai nhân đức này không tách rời mà hòa quyện vào nhau cách trọn vẹn. Thánh nhân không chỉ khiêm tốn đón nhận thánh ý Chúa, mà còn vững tin vào sự hướng dẫn của Ngài, ngay cả khi phía trước vẫn còn bao điều chưa tỏ tường. Chính lòng tin ấy đã làm cho sự khiêm nhường của thánh nhân trở thành một hành trình dấn thân, không phải là một sự khuất phục trong e dè, mà là một sự phó thác mạnh mẽ, sẵn sàng để Thiên Chúa dẫn đường.

Trên con đường thiêng liêng, tin tưởng vào kế hoạch của Thiên Chúa không chỉ là một sự lựa chọn nhất thời, mà là nền tảng làm nên một tâm hồn tín thác. Đó không phải là một niềm tin mơ hồ, càng không phải là một sự phó mặc bị động, mà là một thái độ chủ động của trái tim, một sự dấn thân trọn vẹn, sẵn sàng để Thiên Chúa dẫn dắt qua mọi khúc quanh của cuộc đời. Tin tưởng không có nghĩa là hiểu rõ tất cả, mà là dám bước đi ngay cả khi phía trước còn tăm tối, mịt mù. Bởi lẽ, chỉ khi con người buông bỏ ý muốn kiểm soát, họ mới có thể để cho Thiên Chúa hành động; chỉ khi dám bước đi ngay cả khi trước mặt chỉ là màn sương dày đặc, họ mới có thể cảm nhận được bàn tay quyền năng của Ngài nâng đỡ. Nhưng tin tưởng vào Thiên Chúa không bao giờ là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi con người phải chiến đấu với nỗi sợ hãi trước điều chưa biết, phải từ bỏ những hoạch định cá nhân để đón nhận kế hoạch cao vời hơn, phải vững vàng trước giữa những thử thách mà lý trí không thể lý giải. Tin tưởng nơi Chúa không phải để tránh khỏi đau khổ, mà là tin rằng bên kia những giông bão, bầu trời vẫn xanh; bên kia thử thách, vinh quang đang đợi chờ.

Thánh Giuse chính là chứng nhân trọn vẹn của niềm tín tưởng ấy. Trong giấc mộng thứ hai, sứ thần đã hiện đến vào lúc đêm khuya mà truyền lệnh: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy” (x. Mt 2,13). Hơn ai hết, thánh nhân hiểu rằng ra đi đồng nghĩa với mất mát, mất đi sự ổn định của một mái nhà, mất đi công việc và cuộc sống yên bình, mất đi những dự tính vốn đã sắp đặt. Ai Cập không phải là miền đất hứa, mà là một nơi xa lạ, đầy hiểm nguy và bất trắc. Nhưng ngài không thắc mắc, không do dự, không đợi đến khi trời sáng để cân nhắc thiệt hơn, mà “liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai Cập” (x. Mt 2,14). Ở nơi thánh nhân, ta không tìm thấy sự phân vân, cũng không thấy những lý luận của con người; ta chỉ thấy một niềm tin tuyệt đối, một sự vâng phục không chút do dự. Giữa đêm tối của bất định, thánh Giuse trở thành ngọn đèn của đức tin; giữa sa mạc của thử thách, ngài trở thành dòng suối của lòng tín thác. Như thế, tin tưởng vào Thiên Chúa không chỉ là thinh lặng lắng nghe, mà còn là lập tức hành động theo thánh ý, ngay cả khi lý trí chưa thể hiểu thấu.

Nhưng hành trình đức tin chưa bao giờ là một con đường dễ dàng. Hành trình sang Ai Cập không chỉ là một cuộc di cư thể lý, mà còn là một hành trình nội tâm, hành trình của một con người chấp nhận đánh đổi tất cả để bước theo thánh ý Chúa. Giữa sa mạc hoang vu, giữa nỗi lo sợ bị truy đuổi, liệu thánh nhân có phút giây nào nao núng? Liệu có giây phút nào ngài muốn quay lại để tìm kiếm sự an toàn của cuộc sống cũ? Nhưng nếu có, thánh nhân đã không để những nỗi lo ấy ngăn cản bước chân mình. Như thế, Người tín thác không phải là người không biết sợ hãi, mà là người không để nỗi sợ làm chủ cuộc đời mình. Nếu biển cả mênh mông khiến con người chùn bước, thì tin tưởng vào Thiên Chúa chính là con thuyền vững chãi đưa họ vượt sóng cả. Nếu bóng tối mịt mù khiến con người hoang mang, thì tin vào Thiên Chúa chính là ngọn đèn nhỏ, đủ để soi sáng từng bước chân trên hành trình dài. Thánh Giuse đã không cần một bản đồ rõ ràng để bước đi, cũng không cần một lời bảo đảm để vâng phục. Ngài chỉ cần một điều duy nhất: lòng tin. Lòng tin ấy đã biến những bước chân lặng lẽ của ngài thành một phần của công trình cứu độ, đã làm cho thánh nhân từ một con người bình dị trở nên cột trụ chở che cho Con Một Chúa Trời.

Tin vào Thiên Chúa không có nghĩa là chỉ phó thác rồi chờ đợi trong tĩnh lặng. Thế nhưng lòng tin ấy phải đi kèm với sự đón nhận trách nhiệm với lòng can đảm. Thánh Giuse không chỉ tin rằng Thiên Chúa sẽ dẫn đường, mà còn sẵn sàng đảm nhận sứ mạng mà ngài được trao. Vì thế, ngài đã không chọn con đường dễ dàng, nhưng đã dám gánh vác trách nhiệm với tất cả sự kiên định và trung thành. Với thánh nhân, tin tưởng không phải là chờ đợi phép màu, mà là dám hành động vì sứ mạng Chúa trao. Qua đó, ta hiểu được rằng đón nhận trách nhiệm không phải là một hành động nhất thời, mà là một hành trình bền bỉ đòi hỏi lòng dũng cảm sắt son. Đó không chỉ là việc thực thi một bổn phận, mà còn là sẵn sàng đối diện với thử thách, từ bỏ sự an toàn của bản thân để chu toàn sứ mạng được trao. Nếu như khiêm nhường giúp con người cúi xuống để lắng nghe thánh ý Thiên Chúa, thì dũng cảm lại giúp họ đứng lên để hành động theo thánh ý ấy. Giữa dòng đời đầy thử thách, người có trách nhiệm không phải là kẻ chùn bước trước sóng gió, mà là người dám cầm chắc tay lái, dám đưa con thuyền vượt qua bão tố, dẫu chẳng biết phía trước là trời yên hay biển động. Giấc mộng cuối cùng của thánh Giuse sẽ giúp ta hình dung rõ hơn về chân dung của một con người tận tụy với sứ mạng được trao.

Sau bao tháng ngày lánh nạn ở Ai Cập, có lẽ thánh Giuse đã nghĩ rằng thử thách đã lùi xa, rằng gia đình nhỏ của ngài cuối cùng cũng tìm được một chốn bình yên. Nhưng khi thiên thần báo mộng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi” (x. Mt 2,20). Ngài lại phải một lần nữa lên đường, một lần nữa rời bỏ sự ổn định để vâng phục thánh ý Chúa. Nếu hành trình đến Ai Cập là một cuộc chạy trốn đầy vội vã, thì hành trình trở về lại là một chuyến đi ngập tràn trăn trở. Bởi lẽ, ra đi khi nguy hiểm cận kề đã khó, nhưng từ bỏ sự an toàn để quay về một vùng đất chưa rõ yên bình hay biến động còn khó hơn gấp bội. Không ai có thể đảm bảo rằng quê hương đã thực sự bình yên. Hêrôđê tuy đã chết, nhưng ai dám chắc bóng tối của bạo quyền cũng biến mất theo ông? Những kẻ kế vị ông có tiếp tục truy sát Hài Nhi không? Thánh Giuse không có câu trả lời cho những băn khoăn ấy, nhưng ngài có một điều chắc chắn: Thiên Chúa đã lên tiếng, và ngài sẽ bước đi. Nếu như một chiến binh ra trận với vũ khí sắc bén, thì thánh nhân lên đường với một thứ vũ khí duy nhất là một niềm tin không lay chuyển vào Đấng Quan Phòng.

Con đường hồi hương mà thánh Giuse đã đi không phải là một con đường thẳng tắp, mà là một lối mòn đầy bụi bặm, nắng cháy ban ngày, lạnh buốt ban đêm giữa sa mạc mênh mông. Từng bước chân của ngài là từng bước của sự phó thác; mỗi dấu chân in trên cát là mỗi dấu ấn của lòng trung thành với Thiên Chúa. Thế nhưng khó khăn không chỉ nằm trên con đường trở về, mà còn ở tương lai bất định đang chờ phía trước. Bởi lẽ, giờ đây, quê hương không còn là nơi rộng vòng tay đón chào gia đình của thánh Cả, mà là nơi thánh nhân phải bắt đầu lại từ con số không - không nhà cửa, không sự bảo đảm, chỉ có gia đình nhỏ bé mà ngài cần bảo vệ. Giữa cảnh tha hương, ngài không chỉ là một người đàn ông đi từ nơi này sang nơi khác, mà là một người cha gánh trên vai bổn phận nặng nề - bổn phận bảo vệ, nuôi dưỡng và dẫn dắt gia đình.

Nhìn lại toàn bộ hành trình, có thể thấy rằng thánh Giuse không bao giờ chọn con đường dễ dàng. Ngài đón nhận trách nhiệm như một người lính trung kiên, thực thi sứ mạng như một người tôi trung tín trung, bảo vệ gia đình như một người cha mẫu mực. Chính nhờ sự dũng cảm ấy, kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện cách trọn vẹn. Không phải nhờ những điều lớn lao, không phải nhờ những kỳ công hiển hách, mà nhờ từng bước đi thầm lặng, từng lần trỗi dậy trong đêm tối, từng khoảnh khắc chấp nhận để Thiên Chúa dẫn dắt. Và cũng chính trong sự thinh lặng ấy, thánh nhân đã trở thành một tấm gương sáng ngời cho những ai được trao phó những sứ mạng lớn lao - sứ mạng của một người cha, một người lãnh đạo, một người tận hiến trọn vẹn cho thánh ý Thiên Chúa.

Nhìn lại hành trình của thánh Giuse, ta thấy rằng tin tưởng, khiêm nhường và đón nhận trách nhiệm nơi ngài không phải là những phẩm chất tỏa sáng trong khoảnh khắc, mà là một thái độ sống bền bỉ, được thể hiện qua từng quyết định, từng bước đi. Ngài không đòi hỏi một con đường rõ ràng, cũng không chờ đợi mọi thứ trở nên thuận lợi, nhưng luôn sẵn sàng hành động ngay khi thánh ý Chúa tỏ lộ. Những giá trị ấy không chỉ có ý nghĩa trong thời đại của thánh Giuse, mà vẫn còn nguyên vẹn giá trị cho mỗi con người ngày hôm nay. Cụ thể, khi con người đứng trước những thử thách bất ngờ, những ngã rẽ không định trước, liệu họ có vững tin để bước đi, có đủ khiêm nhường để lắng nghe, có đủ can đảm để đón nhận trách nhiệm? Có lẽ câu trả lời với nhiều người là “Không dễ chút nào!”

Thật vậy, trong một thế giới mà con người được dạy rằng phải giành lấy mọi thứ bằng nỗ lực cá nhân, thì khiêm nhường dường như trở thành một món đồ cổ - trông thì đẹp đấy, nhưng chẳng ai thực sự muốn dùng. Người ta đua nhau thể hiện bản thân, tranh nhau chỗ đứng, hơn thua nhau từng chút một, và chính vì thế họ sợ phải cúi xuống, sợ phải nhường bước, sợ phải nhẫn nhịn. Khi thử nhìn vào cuộc sống hằng ngày, ta sẽ thấy đầy rẫy những nghịch lý. Người ta sẵn sàng nhẫn nhịn khi đứng trước cấp trên, nhưng lại nóng nảy, gắt gỏng với cha mẹ già yếu ở nhà. Người ta ca ngợi sự khiêm tốn trên môi miệng, nhưng trên mạng xã hội lại cố gắng chứng minh mình đúng bằng mọi giá. Người ta nói rằng bản thân sống vì người khác, nhưng lại không chịu từ bỏ một chút tiện nghi của mình để giúp đỡ những người thực sự cần. Vậy nên, nếu thánh Giuse sống trong thời đại này, có lẽ ngài sẽ bị gọi là “quá hiền lành”, “quá cam chịu”, hoặc thậm chí “không biết bảo vệ bản thân”. Nhưng thật ra họ lại không biết rằng khiêm nhường không phải là yếu đuối, mà là sức mạnh của một người biết kiềm chế cái tôi. Như thế, trong khi thế giới ngày càng phát triển, thì lòng khiêm nhường lại ngày càng bị xem nhẹ. Và hệ quả là gì? Một xã hội mà ai cũng muốn nói, nhưng chẳng ai muốn lắng nghe; ai cũng muốn đòi hỏi, nhưng chẳng ai muốn dấn thân; ai cũng muốn hơn người, nhưng chẳng ai muốn lớn lên trong nhân đức.

Nếu như xưa thánh Giuse đã không cần một bản đồ rõ ràng để bước đi, thì con người hôm nay lại rất khác. Mọi người đều dường như muốn biết chắc kết quả trước khi dấn thân, muốn thấy hết con đường trước khi cất bước. Tin tưởng vào Thiên Chúa không còn là sự tín thác đơn thuần, mà đã trở thành một cuộc “thương lượng” đầy tính toán. Hàng loạt những câu nói nảy sinh trong lòng họ: “Chúa ơi, con sẽ tin Chúa, nhưng trước hết, Chúa có thể cho con một dấu lạ được không?” Hay là “nếu mọi chuyện thuận lợi, con sẽ tin rằng Chúa quan phòng, còn nếu khó khăn, có lẽ con phải tự lo vậy”. Thậm chí là “con xin theo Chúa, nhưng con mong rằng con đường ấy không có thử thách, không có gian truân, và nhất là không ảnh hưởng đến kế hoạch cá nhân của con”. Con người vẫn nói rằng mình tin vào Thiên Chúa, nhưng lại sống như thể tất cả phải nằm trong tầm kiểm soát của bản thân. Thế nên, khi gặp thử thách, nhiều người đã không cầu nguyện với lòng phó thác, mà cầu nguyện với sự đòi hỏi. Họ muốn một đức tin “được bảo hành”, nơi mà Thiên Chúa đảm bảo mọi thứ sẽ diễn ra theo mong muốn của họ. Nhưng tiếc thay, Chúa không phải là nhà cung cấp dịch vụ, và đức tin không phải là một hợp đồng bảo hiểm! Nếu thánh Giuse cũng đòi hỏi một lời đảm bảo trước khi bước đi, có lẽ Hài Nhi Giêsu đã không được bảo toàn. Và nếu chúng ta cứ mãi chờ đợi sự chắc chắn, có lẽ cuộc đời ta cũng sẽ chỉ mãi giậm chân tại chỗ.

Người xưa có câu: “Làm trai cho đáng nên trai / Xuống đông, đông tĩnh, lên đoài, đoài yên” nhưng có lẽ câu nói này không hợp với thời đại ngày nay chút nào. Khi quan sát bên ngoài xã hội, ta dễ dàng nhận ra rằng có những người mang trên vai bổn phận nhưng lại xem đó như gánh nặng, chỉ làm cho xong mà chẳng bao giờ thực sự dốc lòng. Cũng có những người được giao trách nhiệm nhưng chỉ làm qua loa, chỉ cần một chút khó khăn là lập tức tìm cách rút lui. Tệ hơn là có những người sợ thất bại đến mức chẳng bao giờ dám thử sức, sợ bị tổn thương đến mức chẳng bao giờ dám yêu thương, sợ thay đổi đến mức chẳng bao giờ dám bước ra khỏi vùng an toàn. Thánh Giuse thì ngược lại. Ngài không hỏi Chúa “tại sao con phải chịu trách nhiệm này?” mà chỉ đơn giản là “Chúa muốn, con sẽ làm”. Ngài không bỏ chạy trước khó khăn, không viện cớ để thoái thác, không tìm cách đùn đẩy trách nhiệm sang người khác. Nếu ngài sợ hãi mà không hành động, Hài Nhi Giêsu sẽ ra sao? Nếu ngài trì hoãn và chờ đợi một hoàn cảnh thuận lợi hơn, kế hoạch cứu độ có lẽ đã gặp nguy hiểm. Và nếu chúng ta cứ mãi chờ đợi “thời điểm thích hợp”, có lẽ chúng ta sẽ chẳng bao giờ thực hiện được điều gì có ý nghĩa.

Con người ngày nay không thiếu cơ hội để thành công, nhưng lại thiếu lòng khiêm nhường để học hỏi. Không thiếu phương tiện để tính toán, nhưng lại thiếu đức tin để phó thác. Không thiếu sức mạnh để đấu tranh, nhưng lại thiếu can đảm để chấp nhận trách nhiệm. Chúng ta có thể học rất nhiều từ thánh Giuse, nhưng câu hỏi là: chúng ta có dám sống như ngài không? Dám sống khiêm nhường giữa một thế giới tôn thờ bản ngã? Dám tin tưởng ngay cả khi mọi thứ dường như không theo ý mình? Dám gánh vác trách nhiệm thay vì tìm cách né tránh? Một lần nữa, câu trả lời có lẽ sẽ là “không dễ dàng”, nhưng cũng chính vì thế, nó mới thực sự có giá trị. Nếu thánh Giuse đã có thể bước đi trong đức tin mà không đòi hỏi sự chắc chắn, thì hôm nay, mỗi chúng ta cũng được mời gọi để tiến bước. Không ai biết ngày mai sẽ ra sao, nhưng chỉ cần tin, ta sẽ thấy rằng giữa bao biến cố thăng trầm, bàn tay Chúa vẫn đang âm thầm sắp đặt mọi sự trong yêu thương.

Xã hội hôm nay có thể không hoàn hảo. Nó có thể đầy rẫy những mâu thuẫn, nhưng đồng thời cũng không thiếu những con người âm thầm làm nên điều tốt đẹp. Nếu có những người chạy theo hư danh, vẫn có những tâm hồn khiêm nhường đang lặng lẽ cống hiến. Nếu có những kẻ hoài nghi và lo sợ, vẫn có những trái tim biết tín thác. Nếu có những kẻ thoái thác trách nhiệm, vẫn có những con người ngày ngày sống hết mình vì người khác. Những giá trị cao đẹp chưa bao giờ biến mất. Chúng chỉ không ồn ào, không tìm cách phô trương, nhưng vẫn bền bỉ thắp sáng cuộc đời. Cụ thể, trên những con đường khuya vắng, có những cô chú lao công lặng lẽ quét dọn từng góc phố. Họ không cần ai khen ngợi, cũng chẳng mong được chú ý, nhưng nhờ có họ, thành phố mỗi ngày đều khoác lên mình tấm áo sạch đẹp, tinh tươm. Không ai bảo họ làm nhiều hơn, nhưng họ vẫn tận tụy, vì họ hiểu rằng những điều nhỏ bé cũng có thể mang lại sự đổi thay. Hay trong những phòng thí nghiệm vắng lặng, có những nhà khoa học miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, thất bại rồi lại tiếp tục. Danh tiếng không phải điều họ theo đuổi, mà là những khám phá có thể giúp ích cho nhân loại. Họ kiên nhẫn tìm kiếm lời giải cho những bài toán còn dang dở, không phải vì lợi ích trước mắt, mà vì niềm tin rằng tri thức có thể thay đổi cuộc sống con người. Gần gũi hơn là dưới những mái nhà bình dị, có những bậc cha mẹ ngày ngày chắt chiu từng đồng từng cắc, gác lại giấc mơ của riêng để vun đắp cho tương lai cho con mình. Họ không tính toán thiệt hơn, không mong cầu báo đáp, chỉ mong con mình được trưởng thành, được hạnh phúc. Dù có bao khó khăn, họ vẫn kiên trì, vì họ tin rằng tình yêu thương và trách nhiệm là điều không thể từ bỏ.

Vậy con người hôm nay làm thế nào để có thể tiếp nối và thắp sáng hơn những nhân đức ấy? Từ những mẫu gương trên, ta biết rằng câu trả lời không nằm ở việc thực thi những điều lớn lao, mà trong chính những điều giản đơn trong cuộc sống hằng ngày. Trước hết, sống khiêm nhường không có nghĩa là hạ thấp bản thân, mà là biết đặt người khác lên trên cái tôi của mình. Trong gia đình, đó là sự lắng nghe và thấu hiểu thay vì áp đặt. Trong công việc, đó là sẵn sàng học hỏi thay vì luôn cho mình là đúng. Trong đời sống, đó là biết phục vụ thay vì chỉ tìm kiếm lợi ích riêng. Kế đến, sống trong niềm tin tưởng không có nghĩa là phó mặc, mà là biết phó thác trong những gì con người không thể kiểm soát. Khi đối diện với thử thách, thay vì lo lắng hay chùn bước, hãy tin rằng nếu ta làm hết sức mình, Thiên Chúa sẽ lo liệu phần còn lại. Như thánh Giuse không biết điều gì chờ đợi phía trước nhưng vẫn bước đi, con người hôm nay cũng cần học cách tin tưởng, tin vào tình yêu, vào sự quan phòng, và vào con đường mà Chúa đã đặt để cho mình. Cuối cùng, đón nhận trách nhiệm không phải là gánh nặng, mà là một lời đáp trả với tình yêu. Một người cha có trách nhiệm không chỉ là người lo cho gia đình đầy đủ, mà là người dành thời gian để dạy dỗ con cái. Một người làm việc có trách nhiệm không chỉ là hoàn thành công việc, mà là làm bằng cả tâm huyết. Một người có trách nhiệm với chính mình là người không trốn tránh khó khăn, nhưng sẵn sàng đối diện và kiên trì đến cùng.

Từ hành trình của thánh Giuse, chúng ta nhận thấy rằng lòng tín thác không phải là một hành động thụ động hay một sự chờ đợi đơn thuần, mà là một thái độ sống chủ động, dấn thân, và kiên trì. Ngài đã sống trọn vẹn niềm tin vào Thiên Chúa qua từng quyết định, từng bước đi, thể hiện qua ba khía cạnh quan trọng: khiêm nhường, tin tưởng và đón nhận trách nhiệm với lòng can đảm. Chính những đức tính ấy đã giúp thánh Giuse hoàn thành sứ mạng của mình trong sự vâng phục tuyệt đối vào kế hoạch của Thiên Chúa.

Trong xã hội ngày nay, khi mà những giá trị vật chất và chủ nghĩa thực dụng đang chiếm ưu thế, việc sống khiêm nhường, tin tưởng và có trách nhiệm dường như càng trở nên khó khăn. Tuy nhiên, Năm Thánh Hy Vọng 2025 mở ra cho mỗi người một cơ hội quý báu để quay về với cội nguồn đức tin, để đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa, để tìm lại sự bình an và sự hướng dẫn trong cuộc sống. Chính trong niềm tin và lòng tín thác, chúng ta có thể vượt qua những thử thách, không chỉ bằng lý trí mà còn bằng một trái tim biết phó thác. Chúng ta có thể học hỏi từ tấm gương của thánh Giuse để áp dụng những nhân đức ấy vào cuộc sống hằng ngày. Chỉ khi chúng ta khiêm nhường lắng nghe, tin tưởng và đón nhận trách nhiệm với lòng can đảm, chúng ta mới thực sự sống trọn vẹn trong ân sủng và kế hoạch của Thiên Chúa. Niềm hy vọng ấy sẽ không làm chúng ta thất vọng, vì Thiên Chúa luôn hiện diện và dẫn dắt chúng ta qua mọi thử thách trong đời.

 

THƯ MỤC THAM KHẢO

1. Kinh Thánh trọn bộ. Bản dịch của Nhóm phiên dịch Các giờ Kinh Phụng vụ, 2011.