23/12/2024
194
​Mừng Năm Thánh
 


Mừng Năm Thánh

Mỗi khi Giáo hội mở Năm Thánh, người tín hữu lúc nào cũng mang trạng thái tâm lý hoan hỉ, vui mừng, hớn hở. Sở dĩ như vậy là vì: Năm thánh thường có ân xá, với những điều kiện đi kèm, chẳng hạn như: Hành hương nơi được chỉ định, xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha...

Chắc có lẽ, có lẽ thôi, không dám khẳng định: Trong sự hiểu biết, và chuẩn bị cho năm thánh của người giáo dân cũng chỉ tới mức như vậy – Năm thánh là được hưởng các ân xá, và cố gắng giữ các luật chỉ định để hưởng ân xá. Sự hiểu biết và chuẩn bị như vậy là không sai, nếu không nói là chính xác. Bởi vì, tìm hiểu lại ý nghĩa của Năm Thánh vẫn là nhằm mục đích ân xá.

Danh từ Năm Thánh “jubilé” bắt nguồn từ tiếng Do Thái (Hipri): “יוֹבֵל” (yôvēl hay Jôbel), hạn từ này có nhiều nghĩa khác nhau và cũng được hiểu theo nghĩa là “cừu đực”. Trong Kinh thánh, sừng cừu đực (Shophar) được dùng làm “tù và”, để thổi vang lên khi thông báo Năm Ân xá của người Do Thái. Thuật ngữ này được dịch sang tiếng Latinh là jubilæus (từ jubilare, “hân hoan” theo bản Vulgata).

Như vậy, bắt nguồn từ tiếng Do Thái, Jôbel (thổi kèn tù và báo hiệu Năm Đại xá), Năm Thánh trong Giáo hội Công giáo có nền tảng khởi đi từ Kinh thánh Cựu ước. Năm hồng ân hay Năm Thánh là một biến cố, hay nói đúng hơn là một thời kỳ hồng ân, mà qua đó Thiên Chúa ban ơn đặc biệt khi con người mở lòng để canh tân, thống hối và đón nhận ân sủng Chúa ban. Theo nguyên ngữ Latinh: Annum Jubilaei được hiểu là Năm Hồng Ân hay Năm Toàn Xá. Tuy nhiên, từ Năm Thánh 1475, tên gọi Năm Thánh (Annus Sanctus – Latinh, Anno Santo – Ý, Année Sainte – Pháp, Holy Year – Anh) được sử dụng phổ biến và mang ý nghĩa hơn trong Giáo hội Công giáo, so với danh từ Năm Ân xá (Annum Jubilæi hay Jubilaeum) có nguồn gốc và ý nghĩa của Cựu ước và Do Thái giáo hơn. (Web Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, bài viết: Ý NIỆM, TÊN GỌI, CÁC THỂ LOẠI VÀ CHU KỲ NĂM THÁNH. Tác giả: Lm. Phêrô Nguyễn Thanh Tùng, Đăng ngày 07.12.2024)

Vậy cho nên, việc mừng năm thánh, là một cử hành song song hai chiều kích: Đón nhận ân sủng và canh tân đời sống. Nếu cử hành năm thánh chỉ nhấn mạnh đến thời gian ân xá, là chu kỳ, là biến cố qua đó Chúa ban Ân sủng của Người cho nhân loại. Nếu cử hành Năm thánh với ngữ nghĩa như vậy, xem ra khá bị động. Bị động ở chỗ: Chỉ cử hành  và đón nhận ân sủng mà quên mất, năm thánh còn là thời gian canh tân, đổi mới đời sống trở nên thánh thiện hơn, với nhiều thiện chí thống hối, sửa đổi đời sống cho xứng hợp với danh xưng Kitô hữu.

Với ngữ nghĩa này, thiết nghĩ: Năm thánh cần có những hoạt động canh tân đời sống, song hành với việc chú ý đón nhận ân sủng, ân xá. Năm thánh 2025 với tên gọi: Những Người Hành Hương Của Hy Vọng. Ngay trong tên gọi của Năm thánh diễn tả nỗ lực: Rời đi và vươn lên.

Hành hương ở đây không chỉ là đi đến những nơi được chỉ định, nhưng hàm ý sâu xa của hoạt động hành hương là rời đi, loại bỏ, lìa xa những gì là chưa phù hợp, không phù hợp, xung khắc, trì trệ... Làm ảnh hưởng tiêu cực và sai lệch đến đời sống đức tin và luân lý của người tín hữu. Nói cách khác là: Ra khỏi chính mình. Có thể tôi tham gia nhiệt tình các cuộc hành hương, nhưng tôi vẫn là tôi, vẫn nếp sống cũ, thói quen cũ, suy nghĩ cũ... Vẫn y như cũ. Chỉ khác ở chỗ: Đời sống cũ được đặt trong một không gian mới và thời gian mới.

Ra khỏi chính mình để vươn lên một nấc thang mới trong đời sống tâm linh tinh thần, một tầm cao mới trong suy nghĩ và hành động, một trạng thái tâm lý mới nơi cung cách sống... Đó là cả một quá trình dài lâu cho hoạt động sửa đổi bản thân, canh tân đổi mới đời sống trong tương tác với tha nhân và trong những tâm tình với Chúa. Quá trình và hoạt động canh tân này, đòi hỏi nhiều yếu tố và sự cố gắng của mỗi cá nhân, cũng như sáng kiến mục vụ nơi các bậc hữu trách.

Ở đây xin đề nghị một sáng kiến nhỏ: Trong năm thánh này, các bậc cha mẹ dành một ít thời gian trong tuần để đọc sách giáo lý của con em mình đang học, và giải thích lại cho con cái những gì mình đã hiểu, đã tin, đã sống, đã giữ. Nhờ vậy mà có thời gian gần gũi, tâm tình với con cái mình nhiều hơn, và bản thân cũng vững vàng hơn trong đời sống đạo.

Năm thánh sẽ trọn vẹn nếu chúng ta biết sống hai chiều kích: Chiều kích đón nhân ân sủng của Chúa và chiều kích canh tân đời sống bản thân.

Lm. Pet. Trần Trọng Khương