03/12/2015
783

LINH MỤC, NGƯỜI CHUYÊN NGHIỆP

THEO THẦY GIÊSU KITÔ

 

Khi còn học tại Đại Chủng Viện thánh Giuse Saigon, đọc được bản tin: ngày 15 tháng 10 năm 2008, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI bổ nhiệm Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm làm Giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh, hiệu toà Trofimiana. Tôi lúc đó không biết nhiều về ngài. Chính khẩu hiệu Giám mục của ngài là "Hãy theo Thầy" đã làm gợi cho tôi những suy tư, cho đến hôm nay, 3 tháng 12 năm 2015, tôi mới có dịp trình bày suy tư ấy nhân ngày lễ thánh quan thầy của mình, Nhà truyền giáo lừng danh Đông Á, Thánh Phanxicô Xaviê: Theo Thầy được Thiên Chúa, còn gì khiến con chùn bước không theo?

Ngày ấy, Đức tân Giám Mục Phêrô đã chia sẻ: “Hãy theo Thầy!” là lời nhắc nhớ rằng dù làm linh mục hay làm giám mục, vẫn chỉ là một tiếng gọi mà thôi, có chăng là tiếng gọi ấy thôi thúc hơn và mạnh mẽ hơn. Đó cũng là lời nhắc nhớ rằng điều quan trọng trong đời dâng hiến không phải là đi đâu và làm gì, mà là đi với ai. Đi theo Thầy Giêsu thì dù làm gì và ở đâu cũng là đi trên đường sự thật và là đường dẫn đến sự sống. “Hãy theo Thầy!” là lời nhắc nhớ rằng muốn làm người lãnh đạo thì trước hết phải làm môn đệ, và càng sống tư cách môn đệ tốt bao nhiêu thì càng có hi vọng lãnh đạo tốt bấy nhiêu… Theo Thầy không chỉ là theo bằng trí, mà là theo bằng tâm; cho nên theo Thầy là để tâm mình gắn bó với tâm của Thầy, để mang trong lòng mình những tâm tư của Thầy (x. Pl 2,5).

Lần giở lại những trang Tin Mừng của Chúa, lời mời gọi: “Hãy theo Thầy!” là những trang rực sáng nhất. Chính nhờ ánh sáng của Thầy Giêsu Kitô mà người môn đệ đi đến cùng sự thật và sự sống. Đi trong ánh sáng Thiên Chúa, không ai sẽ lạc lối. Tiếng gọi của Chúa Giêsu luôn để lại những âm vang làm chuyển biến cuộc đời. Những ngư phủ đã trở thành Tông đồ, những kẻ chuyên nghề đánh bắt cá đã trở nên người chuyên nghiệp bủa lưới các tâm hồn.

Một hình ảnh luôn soi rọi hành trình tu trì của tôi, đó là hình ảnh của Phêrô theo Chúa. Từ khi được Chúa gọi, Phêrô đã liên tục theo Chúa. Chúa đã tỏ ra là yêu thương Phêrô cách riêng nên trong tất cả các biến cố của cuộc đời Chúa: vui, buồn, lo âu, thất vọng Chúa đều cho Phêrô tham dự vào cách tích cực nhất. Phêrô đã tỏ ra mẫn cán trong sự thương yêu này. Có những cuộc theo Chúa rất đáng khen như trường hợp khi Chúa tuyên bố về bánh hằng sống thì có một số đông các môn đệ đã bỏ Chúa mà đi, trong khi đó Chúa đã hỏi nhóm 12 là: “Còn các con, các con không bỏ Thầy sao?” Phêrô đã tỏ ra rất ngoan ngùy và can đảm thưa với Chúa: “Bỏ Thầy con biết theo ai vì chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống”. Nhưng cũng có những lần vấp ngã trong việc theo chân Chúa như trong cuộc thương khó của Chúa. Kinh Thánh trong trường hợp này đã diễn tả việc theo chân Chúa một cách rất tiêu cực của Phêrô. Chỉ với lời hỏi han về mối liên hệ với Chúa, Phêrô cũng đã chối phắt đi là không quen biết Ngài, không phải là một lần mà tới ba lần. Cả sau này nữa, khi Phêrô xác nhận được Thầy mình đã sống lại, nhưng trước những cơn bách đạo dồn dập khốc liệt ông đã quyết định bỏ thành Rôma để ra đi, và chính Chúa phải hiện ra buộc ông trở lại để theo chân Chúa đến cùng. Như vậy, cuộc hành trình theo chân Chúa chẳng đơn giản chút nào. Rất nhiều chướng ngại và thử thách đang chờ đợi người tông đồ. Vậy để có thể theo chân Chúa cho trọn vẹn, người tông đồ cần phải có những chặng đường nào?

Thánh Phaolô coi trọng ơn gọi là môn đệ Chúa Kitô đến độ thánh nhân sẵn sàng đổi mọi sự trên trần đời để có được điều đó như chính lời ngài đã thốt lên: “những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người, được thông phần những đau khổ của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết.” (x. P1 3,7-10)

Ngày 3.12, Giáo Hội mừng lễ Thánh Phanxicô Xaviê, một nhà truyền giáo vĩ đại, người tiên phong cho cuộc truyền giáo thời đại mới. Đọc lại tiểu sử để thấy cuộc đời ngài được dệt bằng những tiếng gọi “Hãy Theo Thầy!”. Nét đẹp trong tinh thần “theo Thầy” của Thánh Phanxicô phải kể đến trước hết, đó là thái độ từ khước danh vọng trần thế để được nhận lãnh gia tài vĩnh cữu, nhờ việc hoán cải những tâm hồn. Vì thế, Ngài đã nghiệm thấu lời vàng từ người bạn thân là Thánh Inhatio Loyola: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn nào ích lợi gì?”. Khi đã chiến thắng được tham dục, ngài không ngừng sám hối theo Tin Mừng để diệt trừ tính kiêu căng trỗi dậy nên ngài đã khuất phục trước cuồng vọng của xác thịt. Đây chính là bước khởi đầu quan trọng giúp Thánh nhân có thể tập trung, chú tâm tới việc cộng tác đắc lực trong việc cứu rỗi các linh hồn, làm cho Nước Chúa được rộng lan. Trong vòng 2 năm (1549-1551), ngài đã thành lập một cộng đoàn tín hữu ở Nhật Bản. Trước khi ra đi, ngài trao lại cho một linh mục Bồ Đào Nha; 20 năm sau, cộng đoàn này đã lên đến 30 ngàn người. Thánh Phanxicô Xaviê qua đời ngày 3.12.1552, được Đức Thánh Cha Grêgôriô XV phong thánh cùng với thánh Ignatiô vào năm 1622 và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền giáo. (x. Phụng vụ chư thánh tập 2, Lm. Augustin Nguyễn Văn Trinh).

Đức Giêsu hỏi: "Có lợi ích gì nếu được cả thế gian mà mất sự sống?" (Mt 16,26a). Chúa Giêsu đã nói không thể làm tôi hai chủ, cả Thiên Chúa và thế gian. Người nói các con không thể làm hài lòng cả hai bên: Thiên Chúa và thế gian cùng một lúc được. Cho cố gắng thế nào đi nữa, sẽ không bao giờ thành công. Lý do là chúng hoàn toàn trái ngược nhau trong tư tưởng, ước muốn và hành động. Những gì Thiên Chúa đòi buộc thì rất trái ngược với những gì thế gian hứa hẹn; Thế gian hứa hẹn cho chúng ta thụ hưởng mọi thứ chúng ta có thể mong ước ở đời này (mặc dù nó thường hứa nhiều hơn những gì nó cho); cùng lúc thế gian cũng che giấu chúng ta những đau khổ đang chờ đợi chúng ta ở đời sau. Còn Chúa Giêsu không hứa hẹn với chúng ta những điều này. Câu hỏi trên của Thầy Chí Thánh đã trở thành lời tâm niệm của một giáo sư triết trẻ tuổi, với một tương lai đầy hứa hẹn trong giới kinh viện mà sự thành công, uy tín và vinh dự đang chờ đón.

Phanxicô Xaviê lên Paris theo đuổi khoa bảng, dùi mài kinh sử để thăng tiến thanh danh. Sinh viên xuất sắc ấy cuối cùng trở thành giáo sư môn Triết học. Tưởng đời sẽ cho giấc mộng êm đềm, cho đời thăng hoa êm thắm. Ai biết đâu, trên đỉnh cao danh vọng ấy, trong một lần tiếp cận Tin Mừng, gặp được câu: “Lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn liệu ích gì?” Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là không có nước mắt và đau khổ. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là được mọi may mắn trên cõi đời này. Hạnh phúc đối với Chúa Giêsu không có nghĩa là thành công trong cuộc sống này. Cuộc đời đã có một hướng đi, nhưng là hướng đi có định hướng rõ ràng là Thiên Chúa. Cuộc đời đã có một ý nghĩa, và đó chính là nguồn hạnh phúc đích thực của con người. Không có Thiên Chúa thì dù ở trên đỉnh vinh quang, quyền uy tột bậc, gia sản kếch xù phỏng óc ích lợi gì sau khi lìa cõi thế vào chốn thinh lặng nghìn thu?

Câu hỏi đó xoáy vào tâm tư của vị giáo sư tài giỏi đầy hứa hẹn Phanxicô Xaviê khiến cho giáo sư ấy đã suy nghĩ lựa chọn lại định hướng đời mình sao cho có lợi cho đời sống Thiên Chúa. Phanxicô Xaviê không muốn dừng lại hưởng thụ cuộc sống đầy đủ muốn gì được nấy, nhưng luôn được kích thích bởi ước vọng vươn lên; không muốn một cuộc đời chật hẹp gò bó dù luôn có kẻ hầu người hạ, mà lại thích vất vả khai phá lên đường; Lời Chúa ở đây quả là lựa chọn, đã trở thành sức mạnh giúp thánh nhân định hướng đời sống.

Thánh Ignatiô đã thêm vào nghị lực cho Phanxicô Xaviê khi khẳng định dứt khoát: “Chỉ có vinh quang Thiên Chúa mới xứng với khát vọng khôn cùng”. Thiên Chúa có cách kêu gọi của Ngài. Phanxicô Xaviê đã nghe theo tiếng gọi “hủy mình ra không” (x. Pl 2,6-11) của Chúa Giêsu. Ngài đã rũ bỏ tất cả công danh sự nghiệp đang rực rỡ, tìm đến với ơn gọi thánh hiến và đã vinh dự lãnh nhận chức Linh mục hiến tế của Chúa Kitô. Phanxicô tập luyện đời sống tâm linh dưới sự hướng dẫn của Cha Ignatiô, rồi sau đó, cùng với Ignaxiô, thành lập Dòng Tên với khẩu hiệu “cho vinh danh Chúa hơn”. Năm 1534, ngài gia nhập cộng đoàn nhỏ bé của Cha Ignatiô (là Dòng Tên thời tiên khởi). Tại Montmartre, các ngài khấn sống khó nghèo, khiết tịnh và hoạt động tông đồ dưới sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng.

Thánh Phanxicô viết: “Tôi không sợ ai ngoại trừ Thiên Chúa, chỉ sợ Người phạt vì chểnh mảng trong việc phục vụ Người, vì vụng về và vô dụng trong việc truyền bá danh Chúa Giêsu giữa những kẻ chưa biết Người” (Bt 78,2). Nói một cách khác, ở đâu có vinh quang Thiên Chúa, Phanxicô Xaviê sẵn sàng lên đường. Mỗi một tâm hồn chinh phục được là một niềm vui cho vinh quang Thiên Chúa, mỗi một hao mòn trong thân xác là “một vốn” bỏ ra để có “bốn lời” cho cuộc sống mai hậu. Mỗi một thời khắc sống cho Tin Mừng, cũng chính là một cách đong đầy cho khát vọng cống hiến tìm Vinh Danh Chúa.

Thánh Phanxicô Xaviê được mệnh danh là Phaolô thế kỷ XVI. Thánh nhân có tinh thần truyền giáo cao độ. Ngài luôn hướng tới Chúa và yêu mến các linh hồn. Phanxicô đi mãi tới các nước Châu Á. Ngài đến với Á Châu, đến với những con người chưa biết Chúa. Ngài luôn mang trong mình Ngài hai tình yêu đã nên một: tình yêu Ðức Giêsu Cứu Thế và tình yêu các linh hồn. Thánh Phanxicô đã miệt mài với sứ mạng loan báo Tin Mừng. Ðâu đâu Ngài cũng nghe tiếng thúc bách của các linh hồn: Ấn Ðộ, Macao, Nhật Bản, Trung Hoa cũng nằm trong trí óc và hiện ra trước mắt Ngài. Ngài đi mãi, đi hoài không mệt mỏi, không lo âu, sợ sệt và do dự. Mười một năm ròng rã loan báo Tin Mừng, cuộc đời thánh nhân là một cuộc hành trình dài không ngừng. Ngài lúc nào cũng được thúc bách bằng tấm lòng nồng cháy các linh hồn. Ngài đã đem không biết bao người về với Chúa, với Giáo Hội.

Người môn đệ Chúa là người có tâm tình và ý muốn của Chúa. Nói theo tu đức: Hồn đầy lửa mến Chúa. Hồn đầy lửa thương người. Lửa đó là lửa từ trái tim Chúa chia sẻ ra. Lửa đó được chia sẻ cho những hồn khiêm tốn, từ bỏ mình, thiện chí muốn gieo trồng sự thiện. Lửa đó là lửa thanh luyện, lửa cầu nguyện, lửa canh thức, lửa thương cảm, lửa cháy trong thánh giá.

Con người thời đại, nhất là người Việt Nam thời nay không còn dễ tin vào những người nói mạnh nói khéo. Nhưng họ tin vào những người có cái tâm yêu thương, chân thành, khiêm tốn, vừa sâu về đời sống thiêng liêng, vừa cởi mở thông cảm về phía con người.

Xã hội hôm nay không giống thời các Tông đồ, không như thời đại thánh Phanxicô Xaviê, mà nó đang tiến vào chuyên môn hóa, và hình thức hóa, thiếu chiều sâu nội tâm. Mặt khác xã hội cùng rất dửng dưng trước lời mời gọi của Tin Mừng. Người biết Tin Mừng thì biết hời hợt và không đủ mạnh dạn loan báo bằng chính cuộc sống của mình. Chính các Linh mục cũng tiến vào chuyên môn hóa của mình là theo Chúa Kitô. Họ đáp lại lời mời gọi của Chúa là đến gặp Ngài, học biết về Ngài và theo chân Ngài. Làm thế nào để họ làm chứng cho mọi người thấy là họ theo Chúa một cách triệt để, trọn vẹn và quyết liệt. Cái thời mà Charles David tưởng là xã hội đang chờ đợi một sự lột mình và theo chân Chúa bằng cách cải tổ cơ cấu hay cải tổ đường lối không còn hợp thời, như lời Cha Anthony De Melo đã nói: Ngày nay người ta cần những người môn đệ Chúa biết biểu lộ tình thương, để hướng về người nghèo, để sống chan hòa với người một cách “Giêsu Nazareth”. Một mẫu Linh mục sống giản dị dễ thương đối với mọi người đúng là dấu chỉ của những người theo chân Chúa. Hình dáng một Linh mục biểu lộ một chiều sâu của đời sống cầu nguyện, sống cho sự trao ban, và sống đáp trả với những nhu cầu thiết yếu của con người thật đáng hấp dẫn. Cuối cùng, một cuộc sống theo chân Chúa thực đó là cuộc sống làm cho cả giáo xứ, cả cộng đoàn tràn ngập niềm vui.

“Lòng anh em đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy…” (Ga 14,1)

Lm FX. Nguyễn Văn Thượng

Gp. Mỹ Tho