LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ
Divo Barsotti
Bài 9: Trước tiên, linh mục là một nhân chứng
Sứ mệnh linh mục được kiện toàn trong việc thi hành những chức vụ riêng biệt của thừa tác vụ của chúng ta. Những chức vụ ấy, Công Đồng đã nói rõ: chức vụ tiên tri, tư tế và vương đế. Nhưng chúng ta hãy biết rõ rằng những chức vụ ấy, tuy riêng biệt, nhưng không tách rời nhau; người ta không thể thi hành một trong những chức vụ ấy mà không liên can đến những chức vụ kia, mặc dù, tự nhiên một hoạt động nào đó có thể làm nổi bật một chức vụ nào đó. Chức vụ linh mục được diễn tả trong chức vụ tam diện ấy: từ trước, các nhà thần học không phân biệt rõ rệt thẩm quyền cai trị và thẩm quyền giáo huấn. Người ta chỉ phân biệt quyền thánh chức và quyền cai quản mà thôi, và quyền giáo huấn được xem như một biểu hiện rõ rệt nhất của quyền cai quản mà thôi.
Hiện nay, sự phân biệt được rõ ràng hơn nhưng không phải là tách rời ra hay phân chia. Thực vậy, làm sao thi hành chức vụ vương đế nếu không nhờ lời nói? Đàng khác, lời nói không phải lúc nào cũng dùng vào việc thi hành chức vụ linh mục theo nghĩa hẹp hay sao? Phụng vụ Lời Chúa vẫn không bao giờ tách rời ra được với phụng vụ hiến tế. Tất cả, trong chức linh mục đều quy hướng về hiến tế như một sự hoàn tất.
Dù vậy, nếu những chức vụ ấy không tách rời nhau chăng nữa, thì một trong ba cũng đi trước những chức vụ khác và đó là điều hợp lý: chính là chức vụ tiên tri. Hơn nữa, nếu kế hoạch trần thế hiện nay còn phân biệt với kế hoạch của vinh quang thiên quốc, thì chính là vì chúng ta còn sống phần nào dưới một chế độ tiên tri. Sự kiện toàn của lề luật trong việc nhập thể của Ngôi Lời đã đánh dấu trên thời đầu của lịch sử Giáo Hội, huyền nhiệm được nối dài và lan rộng ra một cách nhiệm mầu. Chính Lời Chúa kêu gọi mọi sự ra khỏi hư không. Cũng chính Lời là khởi điểm của mọi sự theo Tin Mừng Gioan. Lời sáng tạo, nhưng cũng là Lời kêu gọi mọi người theo Chúa Kytô. Chính lời mời gọi: “Hãy theo Ta” của Chúa Giêsu đã làm nảy sinh ra cộng đoàn đầu tiên của Giáo Hội với một nhóm nhỏ các tông đồ. Chính Lời đã thực hiện sự duy nhất của loài người trong Đức Kytô. Công Đồng dạy: chính Lời đã quy tụ mọi kitô-hữu. Nhờ Lời mà Giáo Hội tiếp tục được xây đắp, tiếp tục quy tụ các dân nước để làm thành Thân Thể duy nhất của Chúa Kytô.
Chức vụ đầu tiên của thừa tác vụ linh mục là rao giảng. Điều đầu tiên chúng ta phải làm nếu chúng ta muốn thực hiện sự thánh thiện linh mục, là phải tìm cách thánh hoá mình trong thừa tác vụ của chúng ta. Vì quả thực, chúng ta không thể tách rời nỗ lực thiêng liêng của linh mục và việc thừa hành chức vụ. Việc thi hành chức vụ tiên tri của chúng ta có ý nghĩa gì đối với đời sống thiêng liêng và sự thánh thiện của tôi? Chắc chắn chúng ta không phải chỉ nói mà thôi. Có một bổn phận khác đi trước lời nói, như Công Đồng đã dạy một cách kín đáo: trước khi rao giảng, phải lấy đời sống mình làm chứng tá. Sắc lệnh về đời sống linh mục đã nói: “Chớ gì các linh mục nêu lên chứng tá của một đời sống gương mẫu trước mặt dân mình…” Trước khi rao giảng, chúng ta hãy là Lời đã. Linh mục không phải là một máy phát thanh mà là một người. Chúng ta luôn luôn trở về với một nguyên tắc: trong tay Chúa, con người vẫn là con người và luôn luôn chịu trách nhiệm về những hành động của mình, cũng như vẫn có thể tự do hiến thân cho Chúa. Linh mục phải phục vụ Chúa với mọi khả năng của mình, để Chúa sử dụng tuỳ ý Ngài. Nhưng làm sao được như thế nếu lời loan báo đi ngược lại với cách sống của người nói lời ấy? Trước khi lên tiếng, linh mục phải Tiếng Nói đã.
Thực ra như thế là đòi hỏi quá đáng. Lời Chúa mà chúng ta phải loan truyền luôn luôn vượt xa chúng ta, vì đó là Lời Chúa.
Quả quyết rằng chúng ta phải đồng hoá với Lời mà chúng ta loan báo là vô lý và phạm thượng, nhưng dù sao chúng ta không thể hoàn toàn đồng hoá với Lời ấy, ít ra cũng phải làm sao cho Lời ấy đáng tin.
Thực ra, rất đơn giản: Lời mà chúng ta loan báo cần có một dấu hiệu để người ta có thể tin theo. Tự nó, Lời ấy không rõ rệt, và nếu muốn được chấp nhận, nó phải tự tỏ ra là Lời Chúa. Để Lời ấy được chấp nhận, phải có tư cách khả tín, và sự khả tín của một lời nói tuỳ thuộc vào người loan báo lời ấy. Người ta có thể nói rằng dấu hiệu khả tín ở nơi Giáo Hội đã sai phái chúng ta. Nhưng đối với người nghe ta, Giáo Hội là ai, phải chăng là chúng ta, là những người đang nói? Phải chăng chính chúng ta làm cho Giáo Hội hiện diện trong hành động rao giảng của chúng ta? Chắc chắn, Lời vẫn đích thực, mặc dù chúng ta không là những bậc thánh, nhưng nó sẽ không còn xác thực đối với những người nghe chúng ta.
Thiên Chúa không liên kết một cách vĩnh viễn sự hữu hiệu của chức thánh với sự thánh thiện cá nhân của người thi hành chức vụ ấy, và một linh mục có thể làm thành sự một bí tích mặc dù đang ở trong tình trạng tội lỗi. Nhưng về phần chức vụ tiên tri và việc giáo huấn, Chúa không hứa cho Giáo Hội cái gì khác ngoài đoàn sủng bất khả ngộ. Sự bất khả ngộ là một điều cao cả : mặc dù hôm nay, người ta đã phản kháng điều ấy, chúng ta vẫn không có quyền hồ nghi vì Chúa đã muốn ban cho Giáo Hội một bảo đảm như thế. Dù ơn bất khả ngộ không bảo đảm sự hữu hiệu cũng như sự hợp thời. Chúa không hứa ban sự hữu hiệu cho lời nói của các linh mục của Ngài. Công Đồng cũng có thể trở nên vô hiệu, mặc dù đã mở ra một kho tàng giáo thuyết hết sức phong phú, nếu không có những người thánh để làm cho sứ điệp của Công Đồng có tính cách khả tín trước mặt thế giới. Sự hữu hiệu của Công Đồng Triđentinô không do những sắc lệnh mà ra, vì những sắc lệnh không là sự sống. Chính Công Đồng Triđentinô đã mang lại sự canh tân cho Giáo Hội vào thế kỷ XVI, nhưng Công Đồng đã nhờ các đấng thánh mà tìm được dấu hiệu khả tín làm cho người ta chấp nhận Công Đồng.
Đối với Giáo Hội hôm nay, đó là một vấn đề hệ trọng. Tôi không hiểu chúng ta có ý thức không. Công Đồng chung như Vatican II, tự bản chất, đòi hỏi nơi chúng ta một sự thánh thiện vượt bậc. Công Đồng Triđentinô làm nổi dậy cả một trào lưu thánh thiện đang làm choá mắt chúng ta: chúng ta hãy nghĩ đến các thánh như Carôlô Bôrômêô, thánh Phanxicô Saviê, Inhaxiô Loyola, Têrêxa Avila, Gioan Thánh Giá, và bao nhiêu đấng thánh khác. Và bây giờ, Công Đồng Vatican II, không chờ đợi một trào lưu thánh thiện mới để Giáo Hội được canh tân sao? Thực ra, Công Đồng không định tín thêm một tín điều nào, cũng không lên án một bè rối nào, nhưng có phải đó là một lý do để bảo rằng Công Đống Vatican II không có tham vọng như Công Đồng Triđentinô sao? Tổng số các văn kiện được công bố, những đề tài được đề cập đến, ngôn ngữ thần học mới cũng đủ chứng minh ngược lại.
Luật lệ không làm nảy sinh sự sống. Bộ Giáo Luật chứng thực một Giáo Hội sống động, nhưng không làm cho Giáo Hội sống. Vậy thì không phải chỉ những người loan truyền Lời Chúa mới bị buộc sống thánh thiện, mà tất cả Giáo Hội, hơn lúc nào hết, có nhiệm vụ sống thánh thiện để Lời được khả tín, và Lời nầy chính là canh tân, là hy vọng và là sự sống của thế giới. Tôi tin rằng Công Đồng có thể canh tân thế giới với những điều kiện là sự thánh thiện của Giáo Hội phải thế nào để sứ điệp của Công Đồng được khả tín và hữu hiệu. Tại sao sau Công Đồng, chúng ta không chứng kiến một mùa xuân mới, một lễ Hiện Xuống mới mà là một cơn khủng hoảng ghê sợ? Phải chăng đó là là dấu hiệu Chúa đã lên án chúng ta là đã muốn cứu vớt thế giới chỉ vì chúng ta đã công bố nhiều Hiến Chế và sắc lệnh? Có lẽ chúng ta đã ảo tưởng đã thi hành sứ mệnh của mình bằng cách thiết lập những luật lệ mà không hoàn toàn dấn thân, từ người trên đến người dưới, vào một sự thánh thiện tuyệt vời.
Nếu tiếng nói của chúng ta không nhờ sự thánh thiện của mình mà nên khả tín, thì chúng ta càng nói, những tiếng nói của chúng ta càng vô hiệu. Tiếng nói chỉ nối tiếp tiếng nói mà thôi. Nhiều lời chỉ chứng mình sự trống không và sự cằn cỗi của nó mà thôi, và nó trở nên một sự trống không ghê rợn. Tiếng nói không hấp dẫn người khác vào môt sự vâng phục trong sáng hơn hay vào một tình yêu say nồng hơn, sống động hơn; nó tự đủ cho mình, nó chỉ còn là một trò biện chứng mà thôi. Nếu Lời Chúa không được thực hiện trong chính bản thân chúng ta, nếu nó không nhập thể vào vào trong chính đời sống chúng ta, chính nó sẽ xét đoán chúng ta, và việc rao giảng của chúng ta trở nên án phạt cho chúng ta.
Một vấn đề đáng sợ! Vì phần rỗi của chúng ta và của thế giới mà chúng ta được sai đến liên can ở đây. Chúng ta phải là Lời. Việc “nhập thể” của Lời trong ta là một dấu hiệu bảo đảm chân lý của Lời ấy. Phải, Lời là thật; sau Tin Mừng, biểu hiện của quyền giáo huấn của Giáo Hội là Lời cao cả nhất mà con người có thể có được ở trần gian này. Nhưng chính vì lẽ ấy, chính vì sự tôn kính đối với Lời ấy và vì ý nghĩa của trách nhiệm của chúng ta đối với thế giới, chúng ta phải là dấu hiệu để Lời ấy có thể tin được. Thực ra, không phải sự thánh thiện của chúng ta có thể làm cho Lời Chúa được hữu hiệu, nhưng chính sự nghèo nàn thiêng liêng của chúng ta làm cho nó què quặt, tê liệt đi và trở nên vô nghĩa. Chắc chắn rằng , ít ra sự hữu hiệu thực tiển của lời nói được liên kết với sự thánh thiện của người nói. Vì thế, dân chúng không tin vào những bài diễn văn chải chuốt, những lời nói sâu xa, mà chỉ tin vào sự thánh thiện. Không có một giám mục nào lừng danh vào thế kỷ qua ở nước Pháp đả làm ích lợi cho người ta bằng Cha sở họ Ars. Ngài không có khoa ăn nói. Trong những năm đầu đời linh mục của ngài, ngài đã dạy nhiều điều sai lạc, nhưng tiếng nói nghèo hèn của ngài đủ để hoán cải các tâm hồn và canh tân lương tâm con người.
Điều kiện đầu tiên để được tôn phong tiến sĩ Hội Thánh là sự thánh thiện. Giáo Hội chỉ phong tiến sĩ cho các đấng thánh mà thôi. Chính nhờ sự thánh thiện mà Lời Chúa được loan báo trong thế giới. Đó là những chân lý có thể làm cho chúng ta hoảng sợ, nhưng chúng ta không có quyền làm thinh. Vì điều này liên can đến phần rỗi của cả Giáo Hội và của cả thế giới. Nổ lực lớn lao của Giáo Hội trong Công Đồng Vatican II vừa qua có thể chìm sâu vào hư vô nếu chúng ta không là thánh, và nếu nhờ sự thánh thiện của chúng ta, chúng ta không đem lại cho Lời Chúa ánh sáng và sức mạnh có thể làm cho nó nên hữu hiệu. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại: không phải chúng ta làm cho Lời Chúa nên hữu hiệu. Lời Chúa, tự nó đã hữu hiệu rồi, nhưng sự bất toàn của chúng ta có thể làm cho quyền năng vô biên của Chúa bị tê liệt vì Chúa đã muốn dùng chúng ta như dụng cụ của Ngài. Không phải chúng ta đem lại cho Lời Chúa sức hữu hiệu, nhưng chính chúng ta có thể làm cho nó không thể sinh kết quả. Trách nhiệm đang đè nặng trên chúng ta thật lớn lao, trong giờ phút nghiệm trọng này của Giáo Hội.
Nhưng sự thánh thiện nào có thể làm cho Lời Chúa được khả tín? Tôi tưởng rằng sự thánh thiện mà chức vụ tiên tri đòi buộc phải có gồm hai đặc tính: Thứ nhất là lòng khiêm nhượng. Chúng ta đã nói ở trên, Lời Chúa mà chúng ta loan báo luôn luôn vượt xa chúng ta ngàn trùng. Chúng ta phải chấp nhận để cho Lời chúng ta loan báo lên án chúng ta.
Khi chúng ta ngỏ lời với người khác, trước tiên, chúng ta phải cảm thấy như Lời ấy đoán xét và lên án chúng ta. Chính vì Lời Chúa vượt xa chúng ta, chúng ta không thể nào nhìn thấy được sự chênh lệch giữa những gì chúng ta loan báo và đòi buộc của kẻ khác và sự thật của chính con người chúng ta. Chính lúc chúng ta cảm thấy bị đoán xét như thế, mà sự bất hảo của chúng ta không gây thiệt hại cho Lời Chúa. Điều mà Lời Chúa thực hiện trước hết, trong con người loan báo là gây một cảm tưởng thật sâu xa về chính sự bất xứng của mình. Chỉ người khiêm nhượng mới không chiếm lấy địa vị của Lời Chúa, và chỉ có người ấy mới có thể là dụng cụ của Lời Chúa. Con người kiêu căng chỉ nói về mình, chỉ nói nhân danh chính mình. Nhưng đúng vì lý do đó mà lời người ấy loan báo mất đi quyền năng của Chúa, và thay vì gây nên sự hoán cải trong tâm hồn người nghe, lại gây nên sự chống đối và tạo nên một phản ứng từ chối.
Nhưng không phải chỉ có lòng khiêm nhượng. Một tính các khác của sự thánh thiện linh mục mà ông Nietzsche, triết gia nghịch mạng nhất đối với Kytô-giáo đã nêu lên: Chúng ta nhớ câu nói của ông: “Làm sao chúng tôi có thể tin những sứ gỉả của ơn cứu rỗi, ngỏ lời với tôi trong vẻ mặt âu sầu phiền não? Trước hết phải tỏ ra được cứu thoát do lời cứu rỗi mà họ muốn loan báo cho người khác!”
Và đây chính là những gì chúng ta phải trưng ra như một bằng chứng cho thế giới: lời cứu rỗi ấy phải cứu rỗi chúng ta trước, nếu chúng ta tỏ ra băn khoăn và bối rối, nếu chúng ta không có sự bình an trong tâm hồn và sự tự do trong tâm trí, nếu chúng ta không biết đến sự đơn sơ của cuộc sống, nếu chúng ta không sống trước sự hiện diện của Chúa trong một niềm tin trong sáng, Lời Chúa chưa cứu thoát chúng ta. Vậy làm sao chúng ta có thể thuyết phục kẻ khác rằng Lời Chúa có thể cứu họ khỏi những âu lo, sợ sệt và tội lỗi của họ? Niềm vui của sứ giả! Trong một tác phẩm về các nhà thần bí của nhà giáo phụ học lừng danh, ông Hausher, ông đã quả quyết rằng chính niềm vui của những kitô-hữu đầu tiên đã phá đổ sự chống đối của thế giới ngoại đạo đối với sứ điệp Tin Mừng. Một niềm vui vọt lên từ con tim. Đức tin kitô-giáo được tỏ hiện như một sức mạnh có thể vượt thắng nỗi tuyệt vọng của thế giới thời bấy giờ. Con người thời ấy tìm kiếm một các vô vọng một lối thoát để quên đi nỗi lo âu, sự trống trải của đời họ. Sự chết luôn ám ảnh họ. Con người hôm nay cũng ở trong tình trạng tương tự như thế. Thế giới đã mất đi niềm vui. Hình như không còn một lối thoát nào, không một cuộc giải phóng nào để hy vọng sau cuộc đời này. Đi lên cung trăng có nghĩa lý gì? Có lẽ chỉ là một lý do tạm bợ để quên đi sự đốn mạt của con người.
Nếu chúng ta có thể mang lại niềm vui cho thế giới! Nếu chúng ta có thể nói với thế giới rằng: “Tôi đã thấy Ngài, tôi loan báo cho anh em Đấng mà tôi đã thấy tận mắt. Đó chính là Thiên Chúa, là Tình Yêu, là Niềm Vui, là Sự Sống vĩnh cửu. Sự sống vĩnh cửu là hôm nay; chúng ta hãy chiếm lấy nó ngay từ bây giờ và chứng minh bằng niềm vui thanh thoát của chúng ta. Và đó là điều mà Lời Chúa đang mong đợi nơi chúng ta để được loan báo và được chấp nhận: chớ gì chúng ta là thánh, nghĩa là những người được “cứu thoát”, những người mà Lời Chúa đã giải phóng rồi. Lúc ấy, việc rao giảng của chúng ta tìm lại được sức mạnh và sự khả tín của nó.
Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ