15/01/2023
509
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 22: Lời kết




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 22: Lời kết
 

Chính sự cao cả của chức vụ linh mục của chúng ta phải đem lại cho chúng ta niềm tin cậy: chức vụ càng nặng nề, chúng ta càng chắc chắn về sự trợ giúp của Chúa. Chúa càng phải có mặt trong đời sống chúng ta.

Tại sao chúng ta lại bối rối lo sợ trước sứ mệnh vô giới mà Chúa đã trao phó cho chúng ta? Bối rối tức là tưởng rằng, một khi đã chọn chúng ta vào giúp việc cho Ngài, Ngài bỏ mặc chúng ta. Trái lại, việc Chúa kêu gọi bao giờ cũng là một bảo đảm cho một sự trợ lực, là một hứa hẹn sẽ đem lại sự trợ giúp. Đàng khác, giữa con người được Chúa chọn và sứ mệnh được trao phó, không thể có một mức độ chung nào cả, cũng vậy, giữa công việc Chúa đang mong đợi nơi chúng ta và khả năng của chúng ta để làm công việc ấy. Một mình chúng ta chỉ tuyệt vọng mà thôi, và bị đưa vào thất bại, và thất bại càng bi đát khi ước muốn thành công của chúng ta càng nhiều. Giữa sự yếu hèn của chúng ta và những gì Chúa đòi hỏi, có một vực thẳm, và chính vực thẳm ấy làm cho chúng ta yên lòng.

Chúa lặp lại với chúng ta những gì Ngài đã nói với tất cả các tiên tri trong Cựu Ước và những tín hữu trung thành với Ngài trong Tân Ước: “Ta ở với ngươi”. Trong một hoàn cảnh bi thương của Giáo Hội giống như hoàn cảnh chúng ta đang sống đây, thánh Inhaxiô đã nghe một tiếng nói: “Ta ở với con”. Chúng ta hãy đi như chiên giữa sói, hãy đi với bàn tay không, không vũ khí nào ngoài tình yêu của chúng ta. Chúng ta đừng sợ thiếu thốn để chúng ta hoàn toàn mong manh và dễ bị thương tích. Chúng ta sẽ đau khổ. Chúng ta sẽ là nạn nhân của hận thù của thế giới, nhưng chúng ta sẽ không bại trận bao giờ. Chúa sẽ ở với chúng ta. Tôi không muốn hùng biện, tôi chỉ muốn nhắc anh em đến đức tin, vì không có đức tin, chúng ta không thể tiếp tục sứ mệnh của chúng ta. Nói rằng có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa và những mong đợi của thế giới, nếu chúng ta không mang lấy quyền lực của Chúa là một kiểu ngây thơ. Nhưng kém tin cũng không là thực tế - lượng giá những vấn đề, phán đoán về sự nghiêm trọng của hoàn cảnh – nhưng là một sự kém tin vào Đấng đã kêu gọi chúng ta.

Không cần phải khôn ngoan lắm để hiểu rằng sự chênh lệch thật vô biên. Nhưng nếu chúng ta tự nguyện phục vụ Chúa không phải vì chúng ta tin cậy vào sức riêng của chúng ta, hay vào sự khôn ngoan thông suốt của chúng ta, hay vào một quyền lực nào khác, dù là quyền lực chính trị, kinh tế hay văn hoá. Chúng ta chỉ là bất lực mà thôi. Nếu Chúa không kêu gọi chúng ta, chúng ta có quyền nghi ngờ, nhưng khi chúng ta là linh mục của Ngài, khi Ngài đã trao phó sứ mệnh của Ngài cho chúng ta, không thể do dự gì nữa. Hoài nghi, chán nản là đắc tội. Và không có tội nào trọng hơn tội đó.

Phải phó thác cho Đấng đã chọn chúng ta: phải để cho Ngài chiếm hữu và sử dụng chúng ta theo ý Ngài. Dụng cụ không đáng kể, điều đáng kể là Quyền Năng tuyệt đối. Có thể Chúa đưa chúng ta ngang qua nhưng thất bại, vào một con đường không lối thoát, Chúa đòi hỏi chúng ta tin vào Ngài mà thôi. Hoài nghi là bằng chứng của sự kiêu căng. Chúng ta không thể hoài nghi Chúa được, chúng ta chỉ hoài nghi về mình mà thôi: và như thế, làm sao chúng ta dám cam đoan có thể đáp ứng những đòi hỏi của Chúa bằng chính sức riêng chúng ta? Thực vậy, nếu Chúa đã chọn tôi, Chúa sẽ sử dụng tôi để thực hiện chương trình của Ngài; nhưng Ngài chỉ cần một điều là tôi tin Ngài. Chúng ta đã dâng cho Chúa sự nghèo hèn và yếu đuối của chúng ta: chính nhờ những yếu tố đó mà quyền lực của Chúa sẽ hành động. Khi chúng ta tin cậy vào sức riêng mình, lẽ đương nhiên là Chúa sẽ để chúng ta hành động một mình. Nhưng sự yếu hèn của con người, dù đến mức độ nào chăng nữa, cũng không ngăn cản thánh J.M. Vianney, cha sở xứ Ars, góp phần, có lẽ hơn cả các giám mục thời bấy giờ, đem lại cho nước Pháp của thế kỷ vừa qua, một linh hồn Kitô giáo. Đúng thế, chính vị linh mục nhỏ bé đó đã đem lại một khuôn mặt đạo đức cho cả một quốc gia, đang nghiêng ngữa vì cuộc cách mạng.

Và cũng không cần phải có một đức tin tương đối với sứ mệnh của chúng ta, vì đức tin Kitô giáo không có mức độ: mức độ của nó chính là đối tượng của nó là Thiên Chúa.

Không bao giờ chúng ta tin đủ được. Chúng ta cần phải nhìn nhận rằng chúng ta vẫn không đủ niềm tin. Và chúng ta hãy nhớ rằng, nếu đức tin của chúng ta bất toàn hay kém khuyết, Chúa sẽ bị ngăn trở không thể cứu giúp chúng ta được, vì chính đức tin của chúng ta sẽ đo hiệu năng của công việc chúng ta làm.

Chúng ta lại phải lên đường, nhưng trong tin cậy và thành thật, vì Chúa ở cùng chúng ta.

Tôi nhớ một bài diễn văn của Đức Gioan XXIII vào những tháng đầu của triều giáo hoàng của Ngài, Ngài nói: “Nhiều người muốn làm tôi hốt hoảng. Đó là những tiên tri báo hoạ. Nhưng tôi không tin vào những vị tiên tri ấy, tôi tin vào Chúa. Chúng ta là Đa-vit chống lại Gô-li-át. Nhưng chỉ cần một nạng ná và tên khổng lồ bị hạ ngay”. Phải, chỉ cần một nạng ná là đủ. Hãy có đức tin đi đã, và đức tin sẽ biến đời sống chúng ta thành nơi Chúa dụng võ.Thánh Francoise Cambrini đã viết cho các chị dòng của Ngài: “Khó khăn! Khó khăn! Trò đùa trẻ con !”. Tâm hồn chỉ cần phó thác cho Chúa và để Ngài hoạt động. Việc cộng tác của chúng ta, chính là phó thác một cách khiêm nhường, đơn thành và vui tươi cho quyền năng vô biên của Chúa. Chúng ta hãy đi tới, đừng lo âu bối rối gì cả: Đấng đã kêu gọi chúng ta vẫn đi trước chúng ta. Chúng ta đừng nhìn lại sau lưng hay quanh ta. Chúa đã một lần gọi chúng ta, Ngài vẫn tiếp tục gọi chúng ta mãi. Nếu chúng ta lắng nghe lời Chúa, chúng ta sẽ nhận đủ sức mạnh để tiếp tục con đường của chúng ta một cách tự do và mau mắn.

Bây giờ ta phải nói gì với Chúa ?

“Nếu là Thầy, xin truyền cho con đến với Thầy trên mặt nước”. Và Chúa Giêsu nói: “Đến đây!” (Mt 14,28).

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ