LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ
Divo Barsotti
Bài 2: Đức tin – Nguồn cội và nền tảng
Chúng ta hãy tiếp tục suy niệm về chức tư tế.
Ơn gọi của Chúa được quy hướng về một sứ mệnh. Chúa Kitô đã tuyển chọn chúng ta không phải để tách rời chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng để càng ngày càng nên một với Ngài, chúng ta có thể sống chính sứ mệnh của Ngài.
Nhưng sứ mệnh của Ngài là gì?
Những văn kiện của Công Đồng Vatican II, vì là một Công Đồng mục vụ, không giải thích điều đó mà trái lại, đã xem điều ấy như đã biết rồi. Thánh Tôma Aquinô cho rằng thần học về việc sai đi là một điều tối quan trọng trong tác phẩm thần học của ngài là Tổng luận thần học.
Theo ngài, sứ mệnh được sai đi, là nhiệm xuất của những Ngôi Vị Thiên Chúa được nối tiếp và kéo dài: Thiên Chúa, vốn là Đấng không ai thấu đạt và siêu việt, trở nên Thiên Chúa cho chúng ta: một Thiên Chúa tự mạc khải và thông truyền chính mình cho thế giới. Thiên Chúa đã từ bỏ sự thâm sâu vô tận của Ngài, hay đúng hơn, nhờ những nhiệm xuất của các Ngôi Vị thần linh, Ngài đã kéo mọi tạo vật vào vực thẳm của sự thân mật của Ngài. Và chính nhờ việc sai Chúa Con đi mà Chúa tự mạc khải và thông truyền chính mình cho thế giới.
Đối lại, con người phải làm gì trước những hồng ân tuyệt hảo ấy, phải chăng là dâng hiến tất cả cho Chúa? Hành động tối hậu của chương trình cứu rỗi phải chăng là sự toàn hiến tuyệt hảo của Chúa Con cho Chúa Cha, sự toàn hiến nầy kiện toàn tất cả trong vĩnh cửu. Làm sao sự hiến dâng ấy không là hành động tối hậu của các linh mục hôm nay trong trần thế? Hành động nầy diễn tả rõ rệt hơn hết sự cao cả và ích lợi của nó.
Khi chúng ta thực hiện huyền nhiệm Thánh Thể, chúng ta bao gồm tất cả sự sống của Giáo Hội trong hành động tối hậu ấy. Cuộc sống thiên quốc cũng không thêm gì vào hành động dâng hiến của Chúa Kitô, tế hiến mình cho Chúa Cha và như thế, tế hiến cả vũ trụ hiệp nhất trong Ngài.
Đúng thế, trên thiên đàng, chúng ta cũng không làm gì hơn. Nhưng ở trần gian nầy, hoạt động cao cả ấy, chúng ta phải thực hiện trong huyền nhiệm. Đức Hồng Y H. Newman nói: “Cứu cánh là đồng bạn của đường đi”, nhưng, khác với Giáo Hội thiên quốc, Giáo Hội trần gian đang còn là lữ khách. Và vì thế, trên trần gian nầy, hoạt động mục vụ là tiên quyết, mặc dù hoạt động cao cả nhất vẫn luôn thuộc phẩm cách hoàn toàn tư tế.
Các văn kiện Công Đồng không nói đến chức vụ tư tế của Chúa Kitô, là một thiếu sót. Chức vụ tư tế của Chúa Kitô độc nhất và vĩnh cửu vì được đặt trên huyền nhiệm nhập thể của Ngài như nền tảng. Chức vụ tư tế của giáo dân và chức vụ tư tế thừa tác của chúng ta chỉ là một sự thông công vào chức vụ tư tế độc nhất của Chúa Kitô mà thôi. Quả vậy, chỉ vì thông công vào chức vụ tư tế của Chúa Kitô, mà chức vụ tư tế của giáo dân không bị nguy cơ tan biến thành một chức vụ hoàn toàn có tính cách xã hội và Giáo Hội cũng không thể tan rã trong thế giới. Về chức tư tế thừa tác, chính vì nó hiện tại hóa trong thế giới, hy lễ của Chúa Kitô-Thủ lãnh, nên nó không bị điều kiện hóa bởi những hoàn cảnh lịch sử và xã hội…
Chúng ta biết rằng cự tuyển chọn của Chúa đưa chúng ta vào thế giới của Thiên Chúa và cho chúng ta sống hiệp thông với Chúa Kitô, cho chúng ta hiểu biết Chúa Cha. “Sự sống đời đời, chính là chúng biết Cha là Thiên Chúa đích thực, duy nhất, và Đấng Cha sai đến: Đức Giêsu Kitô” (Ga 17,3).
Sự hiểu biết ấy bắt đầu ngay từ trần gian nầy. Sự sống vinh quang nối tiếp sự sống ân sủng. Sự hiểu biết Chúa trên thiên quốc mai sau sẽ hoàn hảo hơn sự hiểu biết hiện nay, nhưng sự hiểu biết nầy, dù hèn kém thế nào chăng nữa, vẫn đòi hỏi một sự thông hiệp đích thực với Chúa, và đem chúng ta vào huyền nhiệm của Ngài. Chúa Giêsu đã quả quyết trong Tin Mừng Gioan rằng: sự tuyển chọn của Chúa vẫn nối liền với sự hiểu biết nầy. Trước khi nói: “Không phải anh em chọn Thầy, mà chính Thầy đã chọn anh em” (Ga 15,16) Ngài đã tuyên bố: “Tất cả những gì Thầy học biết nơi Cha Thầy, Thầy đều cho anh em biết” (Ga 15,15). Sự tuyển chọn của Chúa được nối kết mật thiết và bền chặt với sự hiểu biết Chúa Kitô sâu xa, thân mật và thực nghiệm. Và chính điều nầy làm cho chúng ta nên người tuyển chọn của Chúa.
Nếu ơn gọi của chúng ta biến đổi chúng ta nên nhiệm tích của sự hiện diện thần linh, sự hiện diện ấy không còn ở ngoài chúng ta nữa, mà là kết quả và là biếu thị của một sự hiểu biết đòi hỏi chiếm hữu Thiên Chúa, Đấng đã trao ban chính mình cho chúng ta.
Chúng ta phải biết Ngài, như các môn đệ đã hiểu biết Ngài. Trước khi Chúa Kitô sống trong tâm hồn họ, họ đã sống với Ngài, đã đăng trình với Ngài trên mọi nẻo đường, họ đã chia sẻ nếp sống của Ngài và nhờ đó, họ học biết Ngài.
Và chính sự hiểu biết ấy đã biến đổi họ, và đem Chúa vào thân mật của quả tim con người. Trong sự sống đức tin, chúng ta không “ở trước mặt” Chúa nữa. Chúa tự nộp mình cho chúng ta và để cho chúng ta chiếm hữu Ngài. Nếu không như thế thì con người không thể hiểu biết Thiên Chúa một cách thực sự được và chỉ có một quan niệm mơ hồ về Chúa mà thôi, và như thế, Ngài bị thu gọn vào những phạm trù của con người. Như vậy không phải Thiên Chúa biến đổi con người thành Chúa, mà Chúa bị thu hẹp vào kích thước nhỏ bé của con người. Không, không thể như thế được, vì Thiên Chúa không thể bị thu gọn lại, vì trong những điều kiện ấy, không còn gì là tri thức nữa. Một ý niệm thông thường thay thế cho Thiên Chúa hằng sống và tri thức sẽ chỉ là thờ quấy mà thôi. Tri thức đích thực về Chúa chỉ có thể là một tri thức đồng hóa chứ không là một tri thức biến Thiên Chúa thành người, nhưng là một tri thức biến con người thành Thiên Chúa. Đối với con người, chiếm hữu Thiên Chúa tức là được Thiên Chúa chiếm hữu vậy.
Và chính như thế mà chúng ta, nhờ đời sống đức tin, sẽ trở nên nhiệm tích của sự hiện diện của Thiên Chúa. “Hãy đến gần Chúa thì bạn sẽ được rọi sáng”. Những gì Chúa Kitô tuyên bố về chính mình, Ngài áp dụng cho các môn đệ. Ngài là ánh sáng thế gian; các môn đệ, sống với Ngài, cũng sẽ trở nên ánh sáng thế gian như thế. Bây giờ, trong ánh vinh quang của Phục Sinh, Ngài đã trở nên vô hình. Ngài tự tỏ mình ra qua những kẻ Ngài tuyển chọn, những nhân chứng của Ngài. Và với cách thức ấy, Ngài tiếp tục công trình của Ngài, Ngài tiếp tục mạc khải Chúa Cha.
Không có mạc khải nào ngoài Chúa Kitô. Khi Chúa Cha ban Chúa Kitô cho chúng ta, Ngài không ban cho chúng ta mọi sự nơi Người hay sao? Và khi Ngài tự mạc khải qua Đức Kitô, Ngôi Lời của Ngài, Ngài đã chẳng tỏ hiện tất cả huyền nhiệm của Ngài hay sao? Không ai có thể đi xa hơn nữa, ngoài Chúa Kitô, không có con đường nào khác.
Nhưng nếu việc mạc khải đã chấm dứt rồi, nghĩa là chúng ta không thể nghĩ đến một cách mạc khải nào khác nữa, mỗi người chúng ta phải đặt mình trước mạc khải đó. Nếu Chúa không còn mạc khải nữa, thì con người không thế biết Chúa nữa. Nơi đây, chính là lúc đức tin bắt đầu hoạt động để thay thế sự nghèo nàn của ngôn ngữ và của ý niệm trong trong việc chuyển thông tri thức về Chúa. Lịch sử của việc mạc khải đã chấm dứt, nhưng sự kiện mạc khải vẫn còn. Cũng như tạo thành vẫn là một dấu hiệu của sự hiện diện của Chúa – vì tạo thành là việc mạc khải đầu tiên mà Chúa tỏ mình ra như bức thư Rôma đã nói – thì Chúa Kitô cũng hiện diện với chúng ta, những Kitô-hữu như thế.
Tôi phải thấy Chúa, tôi không thể không nhìn thấy Ngài. Tôi phải nghe lời Ngài, tôi không thể không nghe lời Ngài được. Tôi phải được Ngài chạm đến, chiếm hữu. Kinh nghiệm của các Tông đồ xưa kia trở nên sống động trong chính kinh nghiệm của chúng ta về Chúa. Chúa Kitô đã trở nên hữu hình cho chúng ta. Ngài hành động nhờ chính bản tính nhân loại bần hèn của ta. Có lẽ chúng ta đừng nên xem ấn tính của phép truyền chức là một dấu hiệu sẽ tồn tại muôn đời: đứng trước vị tư tế duy nhất và vĩnh cửu, chức tư tế của chúng ta sẽ không còn nữa; phải công nhận rằng ấn tính của phép truyền chức là một cách Ngôi Lời chiếm hữu bản tính nhân loại của chúng ta và ngày nay. Ngài sử dụng nó như khi xưa Ngài đã sử dụng bản tính nhân loại mà Ngài đã nhận từ cung lòng Trinh Nữ Maria, mẹ Ngài, để thực hiện việc cứu rỗi chúng ta và thông truyền chân lý cho nhân loại.
Đó chính là bản tính nhân loại, nhờ đó, Ngài trở nên hữu hình và tiếp tục huyền nhiệm của Ngài. Không phải Ngài tiếp tục là vì đã bỏ dỡ công việc của Ngài, nhưng để hiện diện và trở nên hữu hình cho thế giới. Chúng ta phải là dấu hiệu và là nhiệm tích của sự hiện diện của Chúa. Đúng thế, nếu đó là nhiệm vụ của chúng ta với tư cách là Kitô-hữu, và hơn nữa, là linh mục, thì công việc đầu tiên chúng ta phải làm là sống trước uy nhan Chúa.
Chúng ta chỉ có thể là “ánh sáng” khi chúng ta được soi chiếu bởi Ánh Sáng vĩnh cửu mà thôi. Chính khi chúng ta đứng trong ánh sáng mặt trời, chúng ta mới được rọi sáng cho kẻ khác. Ánh sáng của chúng ta, cũng như ánh sáng của Giáo Hội, là như ánh sáng của mặt trăng: đó là một hình ảnh, được các giáo phụ nhắc đi nhắc lại. Mặt trăng chỉ như một bức gương soi, phản chiếu ánh sáng mặt trời mà thôi, và nó soi sáng đêm tối của trần gian. Ánh sáng của chúng ta cũng chỉ là ánh sáng phản chiếu: Chúa Kitô phản chiếu nơi chúng ta để trở nên hữu hình cho thế giới; muốn như thế, chúng ta phải sống trước uy nhan Ngài. Cái gì phân biệt chúng ta trong hạng sinh vật? Chính là do cái nhìn của chúng ta về sự vật. Và cái gì phân biệt chúng ta với tính cách con người? Ánh sáng của lý trí: là Kitô-hữu, là linh mục, cái gì phân biệt chúng ta? Đức tin.
Làm người, nghĩa là sống theo lý trí; làm người Kitô-hữu là sống nhờ đức tin. Sống đức tin là thở một bầu không khí mới, là sống trong một thế giới mới, thế giới của Thiên Chúa. Chắc chắn là tôi vẫn còn sống trong thế giới vật chất, nhưng thế giới nầy không thể giam hãm tôi như một ngục tù, nó không cắt đứt tôi khỏi Thiên Chúa được. Mỗi tạo vật trở thành dấu hiệu, mỗi biến cố trở thành sứ điệp; thực vậy, mọi vật đều dẫn tôi vào thế giới của Chúa. Điều làm cho đời sống tinh thần của tôi trở nên đặc sắc, là chính sự kiện tôi sống với Chúa bằng những liên hệ thực tiễn rõ ràng. Đối với một Kitô-hữu, những tạo vật, những biến cố ở trần gian chỉ là ngưỡng cửa đưa họ vào huyền nhiệm của Chúa mà thôi. Nhưng cánh cửa đích thực là Chúa Kitô. Tất cả các tạo vật là dấu hiệu của Chúa nhưng chúng chỉ loan báo huyền nhiệm từ xa thôi. Chỉ ở trong Chúa Kitô, con người mới đi sâu vào huyền nhiệm của Thiên Chúa mà thôi.
Đời sống đức tin là cả một cái gì cao cả! Và chúng ta phải biết thở cái không khí bao la của Thiên Chúa, dù chúng ta đang ở trong nơi chật hẹp nầy, chúng ta phải biết thở bầu không khí vĩnh cửu của Chúa trong khoảnh khắc đang trôi qua và như muốn cuốn hút chúng ta về với nó.
Sống trước uy nhan Thiên Chúa! Và sự hiện diện của Chúa là Đức Kitô, Chúa chúng ta. Việc mạc khải tối hậu trước khi mạc khải vinh quang thiên quốc là khuôn mặt của Chúa Kitô: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”.
Từ cuộc sống tự nhiên, con người bước sang cuộc sống siêu nhiên như thế nầy là: con người không sống một liên hệ nào đó với sự vật mà thôi, mà xuyên qua sự vật, liên hệ với một người khác. Trong đời sống siêu nhiên, con người không là tù nhân của thế giới vật chất. Trong mối liên hệ với Đức Kitô, con người thở lấy sự tự do của cuộc sống thần linh. Sự thực tiển của thế giới mới mà đức tin mang lại cho chúng ta là sự thông hiệp trong tình yêu. Mối liên hệ của chúng ta với Chúa Kitô, được kết thúc trong chính Ngôi Vị thần linh của Ngôi Lời, trong một Thiên Chúa có bản vị, Đấng đã yêu thương chúng ta trước.
Làm chứng cho Đức Kitô có ý nghĩa gì với chúng ta? Và làm sao chúng ta có thể là những nhân chứng của Ngài? Dù vậy, đó chính là điều Ngài đòi hỏi chúng ta trước hết. Chính Ngài đã nói với các môn đệ trước khi lên trời và trở về trong sự vô hình của Ngài: “[…] Anh em hãy là nhân chứng cho Thầy” (Cvtđ 1,8). Nhưng làm sao làm nhân chứng cho Ngài được khi chúng ta không biết, cũng không thấy Ngài? Như thế, chúng ta tự đắc biết bao khi chúng ta chấp nhận là được sai đến với anh em chúng ta đang sống trong bóng tối sự chết và họ không biết Chúa!
Cái nhìn của người Kitô-hữu, của một nhân chứng của Chúa Kitô, thực lạ lùng! Trong một thế giới như thế giới hôm nay, một thế giới mù tối và chìm sâu trong một cuộc sống không ánh sáng và không niềm tin, vì vắng Chúa, chỉ có nhân chứng của Đức Kitô có thể dẫn đường vào sự sống, vào tự do, bằng cách loan báo rằng Thiên Chúa yêu thương loài người, và, trong muôn vàn thế giới bao la, Thiên Chúa đã tuyển chọn họ và đã muốn đem họ về với Ngài. Người ấy biết rằng Giáo Hội không là kết quả của một nền văn mình nào đó, mà là nhiệm tích của Thiên Chúa hằng sống, là cộng đoàn những kẻ được cứu thoát. Chắc chắn chúng ta thấy được những gì người khác không thấy, bước vào một thế giới mà người khác không thể biết. Chúng ta sống một nếp sống cao đẹp hơn, trong sáng hơn, sáng sủa hơn những người không niềm tin. Chúng ta cũng là người như mọi người, dù vậy, giữa chúng ta là những kẻ tin và những kẻ không tin như có một vực thẳm vô biên. Theo thánh Phaolô, tin là một tạo thành mới. Sứ điệp có đáng tin hay không, là do người mang sứ điệp. Và chứng tá có đích thực và được người đời công nhận như thế hay không là do người loan báo có thấy, có biết rõ những gì mình loan báo hay không.
Chúng ta phải là những nhân chứng, và để thành nhân chứng, chúng ta phải thấy đã. Chúng ta hãy mở mắt đức tin chúng ta ra, nhờ đó, mọi tạo vật trở nên trong suốt trước huyền nhiệm và tất cả trở nên dấu hiệu của một Hiện Diện. Những biến cố của cuộc sống sẽ chuyển đạt cho chúng ta sứ điệp của tình yêu Thiên Chúa, và chúng ta sẽ không cảm thấy bị giam hãm trong tù ngục của một thế giới mù tối và điếc lác trước nỗ lực của chúng ta nữa. Chúng ta thắng được nỗi cô đơn của chúng ta và chúng ta sống trong sự hiệp thông của tình yêu.
Việc “cứu rỗi” được đồng hóa với việc giải phóng con người và cả với sự tự do của con người nữa. Con người không niềm tin là nô lệ và cô đơn, với đức tin họ được tự do và được yêu thương. Họ không cảm thấy bị thời gian nghiền nuốt họ nữa, cũng không bị tù hãm trong thế giới vật chất nữa; họ không còn bị điều kiện hóa bởi một cái gì nữa cả; họ thở chính sự tự do của Thiên Chúa.
Chúng ta không thể tự hào là những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô, nếu chúng ta không biết Ngài, không sống với Ngài, nếu chúng ta không sống đời sống đức tin làm cho chúng ta vững lòng, đang lúc mọi sự đều đổ nát, và chúng ta đang sống trong một thế giới tự do và bình an ; không phải để chúng ta trở nên khác lạ với người khác, chiếm hữu một thiện hảo mà người khác không có, nhưng là để chúng ta cảm thấy bị ràng buộc phải dấn thân truyền đạt tự do và bình an ấy cho những kẻ mà sự chết đang đe dọa. Làm sao người ta tin được sứ điệp của chúng ta nếu chính chúng ta không cảm thấy bị liên hệ gì với mọi người khác trong cùng một cảnh huống điêu tàn và chết chóc? Và thân phận con người hôm nay là thế đấy.
Trong tiểu thuyết nổi tiếng của văn hào Nga Dostoievski: “những kẻ bị quỷ ám”, Kirilov, một nhân vật trong đó, cho rằng con người đã tìm cách chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa là để khỏi bị dồn ép phải quyên sinh. Rốt cùng, sự mất đức tin, chắc chắn, không là sự chết của Thiên Chúa mà là sự chết của con người. Khi loại Chúa ra khỏi cuộc sống mình, con người mất đi chính bản thể đích thực của mình. Lý trí của họ chỉ biến họ thành một thành phần hay là một nô lệ của cả một guồng máy khổng lồ mà họ không thể tìm thấy ý nghĩa. Sự tự do của họ trở nên trò hề giả dối, mặt nạ của bản năng mù lòa. Con người nào không là hình ảnh Thiên Chúa, không còn là con người nữa. Con người hôm nay không còn biết tại sao và vì ai họ sống. Họ không thể chấp nhận thân phận của họ nữa. Không có Chúa, cuộc sống không thể sống nổi. Người ta nói rằng thế giới nầy đã trưởng thành, nó không cần đến Chúa nữa. Thật là một điều quả quyết đáng sợ! Tự cho là không cần Thiên Chúa, phải chăng là bất hạnh? Trong một thế giới mà con người không còn thấy Chúa nữa, thì không khác gì hỏa ngục. Tôi không hiểu họ muốn nói gì khi nói rằng con người hôm nay trưởng thành rồi, không cần đến Thiên Chúa nữa. Đúng thế, người ta có thể không cần đến một thứ Thiên Chúa từ máy móc, nhưng đó không phải là Thiên Chúa đích thực. Còn tôi, thà bị Chúa phạt hay đè nặng trên tôi tất cả sự công thẳng của Ngài thì tốt hơn là không cần đến Thiên Chúa hằng sống. Thà bị phép công thẳng Chúa trừng trị hơn là hoàn toàn không biết Ngài.
Hỏa ngục chính là đó: là không biết đến Thiên Chúa nữa, sống sự vắng mặt của Chúa. Thân phận của những người khốn nạn trong hỏa ngục, phải chăng là thân phận của con người hôm nay? Chúng ta đã nói, đời sống đức tin cho chúng ta nếm được nếp sống thiên đàng ngay ở trần gian nầy, thì con người hôm nay đã không muốn cần đến Chúa nữa, phải chăng là nếp sống hỏa ngục đã có ngay từ bây giờ rồi? Nhưng đức tin đưa chúng ta vào sự thông hiệp với Đấng Vĩnh Hằng, vô biên và là Tình Yêu, nhờ đó, chúng ta được tự do và được cứu rỗi. Tự do nầy, sự cứu rỗi nầy, chúng ta không giữ cho riêng mình, nhưng là để loan báo cho mọi người, và người đời càng dễ dàng tiếp nhận sứ điệp ấy, khi họ càng nhìn thấy nơi chúng ta, những con người mới, những kẻ được cứu thoát.
Đức bác ái mà con người đang cần, quà tặng mà họ mong chờ nơi chúng ta, trước hết, là nếp sống của chúng ta phải thế nào để sứ điệp chúng ta loan báo có thể tin được. Sứ điệp lạ lùng thật, nhưng là sứ điệp duy nhất có thể đem lại cho thế giới niềm hy vọng: Chúa hiện hữu và Chúa thương chúng ta.
Con người có thể không cần cơm bánh, nhưng không thể không cần đến Thiên Chúa. Đa số giới trẻ hôm nay đã từ chối những gì mà nền văn minh hiện nay đã cống hiến cho họ để đi tìm những gì họ chưa biết. Hơn bất cứ hoạt động từ thiện bác ái nào, thế giới đang mong đợi chúng ta một điều: chúng ta hãy chứng minh Thiên Chúa cho họ; Thiên Chúa hiện hữu vì chúng ta đã biết Ngài nơi Chúa Kitô. Tâm hồn chúng ta phải tràn đầy Chúa mới có thể tuôn trào vào thế giới tình yêu duy nhất có thể cứu vớt họ, vì đó không là một tình yêu nhân loại. Tình yêu nhân loại không thể hữu hiệu được, vì nó chỉ giúp chúng ta liên đới với người khác trong lao khổ của họ, và giúp chúng ta liên đới, chia sẻ nỗi thống khổ và sự chết của họ thôi. Tình yêu ấy càng thành thật, càng đau thương nhờ kinh nghiệm về sự bất lực của mình. Nhưng chúng ta là dụng cụ của tình yêu Chúa Kitô, của tình yêu duy nhất có thể cứu thoát. Tình yêu ấy có thể đem cho mọi người, cũng như cho chúng ta, sự sống và bình an.
Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ