11/12/2022
580
Linh mục của Chúa Kitô_ Bài 17: Chức vụ vương giả của chức tư tế




 

 






 

LINH MỤC CỦA CHÚA KITÔ

Divo Barsotti

Bài 17: Chức vụ vương giả của chức tư tế

Chúng ta hãy suy niệm về chức vụ vương giả của chức tư tế.

Việc thi hành chức vụ mục tử chỉ có thể là một việc yêu thương: yêu Chúa Kytô và yêu các linh hồn. Có lẽ không cần phải nhắc lại rằng, nơi các giáo phụ, chức vụ mục tử được gồm trong ánh sáng của chương 21 của Tin Mừng thánh Gioan. Trong quyển thứ hai của sách đề cập đến chức linh mục của thánh Gioan Kim Khẩu, trong các diễn từ của thánh Âu-gu-ti-nô nhân ngày kỷ niệm tấn phong Giám Mục của ngài đã giải thích câu nói của Chúa Giêsu khi trao cho Phêrô quyền ưu việt: “Ximon, con ông Gioan, con có yêu mến thầy hơn những người này không?’ Không thể thi hành hoạt động mục vụ nếu không yêu mến Chúa Kytô. Chính quyền bính và hiệu năng của quyền bính ấy bắt nguồn từ tình yêu ấy. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” Tình yêu nào được đòi buộc? Thánh Âu -gu-ti-nô đã nhấn mạnh và giải thích. Hãy suy ngắm chăm chú những gì kèm theo ba lần Phêrô đã tuyên xưng tình yêu của mình với Chúa Kytô: việc loan báo tử đạo. Không phải một thứ tình yêu nào cũng được, một người mang lấy nhiệm vụ chăn chiên phải yêu và yêu đến chết vì Chúa. Vì tình yêu của mục tử là tình yêu của một người ban mạng sống cho đoàn chiên. Như thế, việc loan báo cái chết của thánh Phêrô bao gồm đòi hỏi phải bắt chước Chúa Kytô, cho đến chết.

Dù vậy, việc tử đạo của Giám mục không chỉ là tình yêu của ngài đối với Chúa mà thôi. Có một bức thư tuyệt hảo của thánh Âu-gu-ti-nô gửi cho một giám mục của một thành phố bị quân Vanđan vây hãm. Giám mục ấy viết thư hỏi thánh Âu-gu-ti-nô có nên bỏ thành để tránh cái chết không, vì nếu chết thì đàn chiên sẽ bơ vơ. Thánh Âu-gu-ti-nô trả lời: cái chết không đáng kể, điều đáng kể là sự hiệp nhất của chủ chăn với đàn chiên mình: chủ chăn phải ở lại với đàn chiên, dù phải liều mạng. Nói cách khác, Giám mục không có trách nhiệm gì đối với bản thân nữa, vì ngài không còn thuộc về mình nữa. Nếu một người tín hữu có bổn phận không được liều mình chết tử đạo vì như thế là thử thách Chúa, nhưng một Giám mục không được làm như thế, vì Giám mục không chịu trách nhiệm về mình nữa mà về dân mình. Giám mục không được trốn tránh, cũng không được ước ao chết tử đạo: như thế là tìm mình. Ngài cũng không được ao ước chết tử đạo như một bằng chứng của tình yêu ngài đối với Chúa Kytô. Vì tình yêu của ngài đối với Chúa Kytô không tách rời khỏi tình yêu ngài phải có đối với tín hữu. Ngài đã tự hiến cho Chúa rồi trong khi tự hiến cho Giáo Hội, ngài không có quyền lấy lại của Giáo Hội với lý do là cho Chúa Kytô. Nhiệm vụ của ngài là sống hoàn toàn việc tự hiến cho Giáo Hội và chia sẻ thân phận của Giáo Hội.

Tình yêu đối với Chúa Kytô mà một mục tử phải có là một tình yêu thiết thực, không chỉ là tình cảm, vì Chúa gọi ngài vào một thừa tác vụ ràng buộc ngài đến chết và huy động tất cả mọi khả năng của ngài, lý trí và ý chí ngài, kể cả thân xác ngài, vì thân xác ngài cũng phải chấp nhận mọi nhọc mệt kham khổ.

Chúng ta không được hiến dâng nửa chừng. Đây chính là một tình yêu cá biệt, một tình yêu kén chọn: “Con có yêu Thầy hơn những người này không?” Đây là một tình yêu vượt trên mọi tình yêu khác. Yêu đàn chiên không thay thế được việc yêu Chúa Kytô; nó giả thiết tình yêu ấy. Điều này áp dụng cho mọi người, nhưng đặc biệt là cho chúng ta. Và như thế, Giám mục bị ràng buộc trước hết với Chúa Kytô trong một mối tình thâm sâu và sống động. Trước khi sai các môn đệ, trước khi trao cho họ trách nhiệm cai quản Giáo Hội, Chúa Giêsu đã giữ họ kề bên Ngài, đến nỗi trước khi chịu nạn, Ngài có thể nói: “Chúng con đã ở với Thầy luôn trong mọi thử thách” (Lc 22,28). Giữa các môn đệ với Chúa, có một tình nghĩa êm đềm, tế nhị và liên tục liên kết họ với Chúa Kytô. Chúng ta không thể thi hành chức vụ mục tử đối với đàn chiên Chúa, nếu chúng ta không yêu Ngài một cách đặc biệt: nếu không như thế, chúng ta chỉ là những công chức hay người làm mướn mà thôi. Chắc chắn, điều đó có thể xảy đến cho một Giám mục hay một linh mục, và như thế là phản bội! Chúa đã muốn rằng không một linh mục nào có thể thi hành chức vụ mục tử một cách hiệu năng nếu không vì yêu. Ngài phải yêu Chúa mình và là Thầy mình để có thể yêu đàn chiên đã được trao phó cho Ngài, vì đàn chiên ấy là đàn chiên của Chúa Kytô.

Nếu linh mục không muốn phản bội Giáo Hội, ngài phải yêu mến Chúa Kytô với một tình yêu cá biệt và tuyệt đối. Ngài phải nhìn thấy sự tín nhiệm và tình yêu bao la của Chúa Kytô đối với ngài. Chúa Kytô đã yêu đàn chiên Ngài hơn chính mình Ngài, vì Ngài đã liều mạng cho nó và chính đàn chiên ấy, Chúa Kytô đã trao lại cho linh mục của Ngài! Làm sao chúng ta có thể hiểu những điều ấy mà không cảm thấy phải đền đáp một tình yêu thành thật đối với Chúa Kytô và bằng một tình yêu thiết thực đối với đàn chiên được trao phó cho chúng ta?

Hãy yêu mến Chúa Giêsu. Hãy yêu thương dân của mình.

Chức tư tế của Chúa Giêsu là độc nhất, quyền giáo huấn cũng độc nhất, nhưng chúng ta tham dự vào đó bằng cách hiện thực nó cho thế giới. Tình phụ tử của Chúa cũng độc nhất, nhưng chúng ta được dự phần vào đó, tình yêu ấy trở nên hữu hình nơi chúng ta. Chớ gì tình yêu phụ tử của Ngài được hiện thực nơi chúng ta! Tình yêu của một linh mục đối với những người Chúa đã trao phó cho mình là một tình yêu tham dự vào tình yêu của Chúa Kytô. Hơn một tình bằng hữu, nó là tình yêu phụ tử, tình yêu của một người cha. Tình yêu này thông truyền sự sống, và không bao giờ thiếu kém, ngay khi con cái – như đứa con hoang trong Tin Mừng – lìa bỏ cha mình. Tình yêu trung thành, tình yêu lan rộng đến mọi người và hơn hết, đối với những người yếu kém, những người nghèo cực túng thiếu, những người mà thế giới loại trừ ruồng bỏ.

Như thế, việc kết hiệp với Chúa Kytô cho chúng ta thông phần vào tình yêu của Ngài đối với mọi người.

Chúng ta phải yêu thương mọi người và tình yêu ấy đòi buộc chúng ta phải biết họ.Chúa Giêsu đã nói trong chương 10 của Tin Mừng Gioan: mục tử nhân lành biết từng con chiên một và kêu chúng bằng chính tên của chúng. Không có sự hiểu biết ấy, tình yêu như trở thành trừu tượng mông lung. Nó không đạt đến từng người trong sự cá biệt của họ, trong những điều kiện thực tế của cuộc sống họ, nó không đáp ứng lại những vấn đề của họ.Đàng khác, chính tình yêu làm cho chúng ta hiểu biết thực sự. Vì tình yêu không thể bằng lòng với một sự hiểu biết khách quan và bề ngoài, nhưng đạt đến tận thâm tâm của con người.

Mục tử sống cho các linh hồn mà Chúa đã trao phó cho mình. Ngài biết mỗi con chiên từng tên một và yêu thương mỗi con trong những đặc tính cá biệt của nó. Nếu chúng ta thương nhau, chúng ta sẽ chấp nhận rằng những người khác không giống y như chúng ta: đó là cái gì khó nhất, nhưng đó mới là cần thiết, vì đó chính là điều kiện của tình yêu. Chúng ta đừng nói rằng người khác giống chúng ta, vì lúc ấy chúng ta sẽ yêu mình và sẽ sống cô đơn một mình.

Khi người ta sợ người khác, người ta đòi hỏi người khác phải giống mình, lúc ấy, chúng ta chỉ có quanh mình những người cộng sự vô dụng mà thôi. Trong Giáo Hội, Chúa đã muốn cho Đức Bênêđitô XV kế vị Đức Piô XI, và Gioan XXIII kế vị Đức Piô XII. Các Giáo Hoàng ấy chỉ có chung một điều là tình yêu Chúa Kytô và việc phục vụ Giáo Hội, nhưng chính trong sự khác biệt của tính tình, và nhưng ân huệ của Chúa mà Giáo Hội được phục vụ nhiều hơn. Khốn cho ai muốn cho mọi người giống y như chính mình. Ai không biết nhìn người khác là người khác thì không thể phục vụ Giáo Hội. Phải chấp nhận người khác với những ân huệ riêng của họ, không đòi hỏi họ phải suy nghĩ với đầu óc của ta hay hành động với những thể cách của ta, khi họ đều sống trong cùng một đức tin vững mạnh và một tình yêu thanh trong đối với Giáo Hội. Chớ gì mỗi người đều lớn lên tuỳ theo ân huệ Chúa ban cho họ. Muốn cho mọi người đều được đóng ấn như nhau tức là phế bỏ sự cộng tác của nhiều tài năng phong phú nhất và mãnh liệt nhất, là dập tắt tài năng của những người yếu kém và làm cho họ nên bất lực để phục vụ thật sự. Phải biết chấp nhận kẻ khác là kẻ khác, như thế họ cảm thấy được yêu thương và được tín nhiệm và họ sẽ tỏ ra xứng đáng với sự tín nhiệm ấy. Nếu chúng ta đòi hỏi họ phải được đúc theo một khuôn mẫu duy nhất, họ sẽ không cảm thấy là con cái nhưng là nô lệ, và họ chỉ mơ mộng một ngày nào đó đẩy chúng ta đi.

Tất cả các chủ chăn đích thực đều biết chấp nhận tha nhân, nhưng phải nhìn biết nơi họ những gì là thiện hảo, thiết thực, những gì có thể phong phú cho Giáo Hội. Những người tuỳ thuộc chúng ta phải vâng lời chúng ta, nhưng sự vâng phục của họ sẽ càng phong phú nếu nó là một sự tự hiến thong dong và quảng đại và trong sự vâng phục ấy, họ có thể sống và thực hiện ơn gọi của họ. Tất cả những điều ấy rất hệ trrọng.

Nhưng chúng ta phải có một tình yêu quảng đại, biết tha thứ. Chính tình yêu Chúa phải có trong ta. Như Chúa đã đối xử với chúng ta thế nào, chúng ta phải đối xử với mọi người như thế. Tất cả chúng ta đều thiếu sót, và chúng ta cũng lầm lỗi, tại sao chúng ta lại đòi buộc những người khác phải trọn lành? Tại sao chúng ta không giúp họ lấy lại  tự tin và giúp họ đứng dậy và bước tới? Sự nghiêm ngặt không là đức tính của một vị chủ chăn hay đúng hơn, vị chủ chăn chỉ nghiêm ngặt đối với mình mà thôi. Đó là điều mà tôi luôn thán phục nơi Đức Hồng Y Dalla Costa, một cựu Tổng Giám Mục Giáo Phận Florence. Bên ngoài xem ra rất nghiêm nghị, Ngài giống như một vị tiên tri thời Cựu Ước, nhưng Ngài có một tâm hồn hết sức dịu dàng, và Ngài tôn trong mọi người. Ngài nhút nhát, nhưng khi Ngài nói chuyện với ai, Ngài hết sứ tế nhị và tín nhiệm người Ngài giao tiếp. Ngài biết chấp nhận và tôn trọng mọi người đến với Ngài. Trước mặt Ngài tôi cảm thấy  mình nhỏ bé, nhưng tôi cảm thấy được yêu thương.

Ngài biết tôn trọng tự do của các linh mục của Ngài và giữa Ngài với các linh mục, một sự hiệp nhất rõ ràng đã được thiết lập. Khác biệt lẫn nhau, họ cảm thấy như một, vì họ đã ý thức được tính cách duy nhất của chức vụ linh mục của họ. Ngài dễ làm cho người khác lánh xa Ngài vì dáng vẻ kín đáo và nghiêm nghị đối với chính mình Ngài, nhưng mọi người đã yêu kính Ngài. Và tất cả mọi người, giáo dân cũng như linh mục dưới sự hướng dẫn của Ngài, đã xả thân cho việc phục vụ Giáo Hội trong khiêm nhượng đầy hiệu năng.

Biết thông cảm và chấp nhận người khác, biết tha thứ, không đòi hỏi nơi người khác những gì họ không thể làm được. Phải, chúng ta có thể đòi hỏi nơi mình tất cả, nhưng đối với người khác, chỉ những gì họ có thể cho mà thôi, không đòi hỏi quá khả năng của họ. Nhưng ước gì lòng yêu mến của chúng ta và sự tín nhiệm của chúng ta giúp họ cố gắng hơn; vì tình thương và tính nhiệm chữa lành sự chán nản, khích lệ can đảm, mở rộng các tâm hồn cho niềm vui.

Chớ gì tình yêu của chúng ta giúp họ lớn lên. Phải, chính tình yêu làm phát triển các tâm hồn. Vị chủ chăn phải phục vụ con chiên chứ không phải con chiên phải phục vụ chủ chăn. Tin Mừng đã dạy như thế. Không phải được vinh danh mà Thánh Thần đã chỉ định chúng ta điều khiển Giáo Hội Chúa, không phải vì danh lợi mà chúng ta được gọi để cộng tác vào việc cai quản dân Chúa: đây là một dịch vụ đòi hỏi chúng ta phải hoàn toàn hiến thân, trong một tình yêu trung thành và trong sáng tuyệt vời. Chớ gì đời sống của chúng ta được tế hiến từng ngày, trong khiêm nhượng và đơn sơ. Đừng đợi những dịp trọng đại, phải là gương mẫu của đàn chiên Chúa. Đừng tưởng mình không cần học hỏi thêm, và hãy cầu nguyện để được ơn tự canh tân mỗi ngày trong yêu thương…

Chớ gì tình yêu của chúng ta được trung thành, và sự trung thành được tạo nên bằng nhẫn nại. Hãy biết chờ đợi, hãy biết cậy trông. Tình yêu của Chúa đã tự mạc khải một cách tuyệt hảo trong cuộc tử nạn của Chúa Kytô. Các giáo phụ kêu mời chúng ta noi gương Chúa Kytô trong cuộc khổ nạn. Nếu tình yêu luôn luôn nhập thể trong sự khiêm nhường, việc nhập thể tối hậu của tình yêu được thể hiện trong đức nhẫn nại: nhẫn nại khi chúng ta không thấy kết quả của hoạt động của mình, vì lúc ấy phải chờ đợi một cách đơn sơ và không nản chí; nhẫn nại đối với mọi người; một sự nhẫn nại thường là đau khổ: không những vì con người không hiểu, chậm chạp và bất toàn, nhưng lắm khi vì họ không thành thật và đanh ác, thay vì họ giúp cho Nước Chúa Kytô được hiển trị, họ lại gây nên những chướng ngại và chống lại sự phục vụ khiêm tốn và lòng yêu mến Giáo Hội bằng những tham vọng đê hèn của họ. Ai được kêu gọi vào việc cai quản Giáo Hội Chúa cần phải sẵn sàng chịu đau khổ.

Tóm lại, việc thi hành chức vụ vương giả của việc cai quản thường kèm theo một việc tập luyện nhẫn nại khó khăn…nhưng dù sự chết cũng không giá trị bao nhiêu nếu chúng ta biết chết với yêu thương và vì yêu thương, như Chúa Giêsu đã chết.

Lm. Trầm Phúc chuyển ngữ