21/02/2014
9217

Làm việc bác ái

 

Trong xã hội ngày nay, chúng ta thấy có nhiều công việc bác ái, và nhiều người làm việc bác ái. Vậy mục tiêu cốt lõi của những việc làm bác ái là gì? Người Kitô hữu chúng ta phải làm việc bác ái như thế nào mới đúng nghĩa và hiệu quả như lòng Chúa ước mong?

Ở những ngôi chùa, các nhà sư thường xuyên làm việc từ thiện. Họ tổ chức phát gạo, phát nhu yếu phẩm cho những người nghèo khổ, già cả và bệnh tật. Họ sẵn sàng nhận những trẻ nhỏ mồ côi hay những cụ già cô thế cô thân vào chùa để chăm sóc, nuôi dưỡng v.v… Họ tổ chức nấu những bữa cơm, bữa cháo đi đến các bệnh viện phát miễn phí cho các bệnh nhân và thân nhân. Vâng, họ làm những việc từ thiện như thế vì cái Tâm, vì lẽ từ bi hỉ xả như đức Phật đã dạy.

Trên truyền hình, chúng ta chứng kiến biết bao chương trình từ thiện. Chẳng hạn như chương trình “Ngôi Nhà Mơ Ước” “Vượt Lên Chính Mình”, “Bếp Yêu Thương” trên kênh HTV7. Hay chương trình “Chuyến Xe Nhân Ái”, “Thắp Sáng Niềm Tin” trên đài truyền hình Vĩnh Long hàng tuần. Những chương trình ấy đã mang lại niềm vui, sự ấm áp và tình yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh và khó khăn.

Đối với người Công giáo, chúng ta dễ dàng chứng kiến nhiều việc làm bác ái. Đó là những chuyến viếng thăm người cùi ở các trại phong; Đó là những đợt thăm viếng và tặng quà những cô nhi viện hay những viện dưỡng lão; Đó là những chương trình xây dựng giếng nước ngọt phục vụ miễn phí cho bà con nông dân nghèo; Đó là những chương trình hội xuân, hội Noel, hội Trăng Rằm vui tươi đặc sắc kèm theo những phần quà hấp dẫn của nhiều nhà hảo tâm v.v… Có những nhóm bạn trẻ tổ chức lượm rác mỗi Chúa Nhật hàng tuần, đem đi bán, lấy tiền giúp đỡ người nghèo v.v… Tất cả đều xuất phát từ lời dạy của Chúa Giêsu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Vậy, chúng ta phải yêu thương, phải làm việc bác ái như thế nào mới đúng nghĩa và hiệu quả như lòng Chúa ước mong?

Chúa Giêsu dạy: “Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo” (Mt 6,2-3). Như vậy, điều cốt lõi của những việc làm từ thiện, bác ái là âm thầm. Nguyên tắc của người làm từ thiện là phải nhắm đến người được hưởng lợi ích của những việc làm ấy, chứ không phải quy về chính bản thân mình. Nếu những việc làm từ thiện, bác ái quy về bản thân thì sẽ không ích lợi gì và cuối cùng cũng chỉ vì háo danh, cũng chỉ vì “hữu danh vô thực” mà thôi.

Tóm lại, làm từ thiện bác ái là rất tốt. Tuy nhiên phải làm đúng tinh thần và nguyên tắc thì mới sinh ích lợi và mang lại hiệu quả như lòng Chúa mong ước. Làm từ thiện bác ái đòi hỏi bản thân mỗi người phải có một quả tim yêu thương bao la, một tinh thần hy sinh mạnh mẽ, nhất là một ngọn lửa dấn thân quyết liệt dành cho những người nghèo khổ, bất hạnh trong cuộc sống này. Có như vậy, cuộc sống mới trở nên tươi đẹp nhờ bàn tay chia sẻ yêu thương của những con người dấn thân thiện nguyện; Có như vậy nét đẹp Tin mừng mới thật sự nở hoa rực rỡ giữa lòng thế giới đang thiếu vắng tình Chúa và tình người!

Raphael Trần Dương Tuyển