HỒI KÝ TRONG THÀNH PHỐ
Nuôi thú cưng
Có lần lướt trên báo điện tử vnexpress.net, thấy có người di chúc tài sản lên đến vài chục tỉ đồng của mình cho chó và mèo nuôi trong nhà. Nghĩ cũng lạ, sao lại có chuyện để lại tài sản cho chó mèo nhỉ? Nếu không có con cháu hay bà con thân thuộc, tài sản có thể được giải quyết theo một cách thức khác không? Chẳng hạn: Từ thiện, nuôi trẻ mồ côi, đóng góp cho các tổ chức phúc lợi xã hội...
Chẳng mấy chốc, chuyện lạ này xem ra trở nên bình thường, bình thường ở chỗ: Giờ ra đường thấy nhiều người, phần lớn là người trẻ nuôi chó, mèo và chăm sóc, nuông chiều, chở đi cafe, spa, du lịch, bồng ẵm, tắm rửa, giao tiếp... Thậm chí là trân trọng đến độ tôn trọng thú cưng của mình còn hơn là cư xử với một con người.
Trong thành phố, nhiều người dành cả tuổi thanh xuân chỉ để.... chăm sóc chó và mèo của mình. Xa xa bên góc chợ, trước cổng bệnh viện hay trong công viên, trước cổng nhà khách, bên cạnh quảng trường... thỉnh thoảng lại thấy cảnh trẻ bụi đời, khá hơn chút là người già, người nghèo nằm chèo queo, co ro, quéo quắt trên hành lang lề đường, mặc cho dưới lòng đường, nhiều người trẻ bồng ẵm chó mèo, quần áo giày dép mũ nón cho chúng kẻo chúng lạnh.
Không lên án sở thích nuôi thú cưng, nhưng cưng đến độ nâng tầm tình cảm dành cho thú vật trở nên ngang hàng với con người, thậm chí là cao quý hơn cả con người, thì e rằng có điều gì đó bất ổn, nếu không nói là bất hợp lý trong đời sống tư duy và hành động.
Tina! Lại đây mẹ cho nè con.
Miệng gọi, trong lúc tay xé cây xúc xích tỏa mùi thơm khó cưỡng lại, quơ quơ trong không khí, trước mặt chú chó.
Vừa nghe tiếng cô gái gọi, chú chó nhỏ xíu màu trắng đang ngồi trên chiếc Honda SH vội nhảy xuống chạy đến cô gái, cùng lúc đó cô gái dang hai tay, chú chó nằm gọn trong lòng cô ta.
Cũng vừa lúc ấy một bà cụ già và đứa cháu nhỏ đi ngang qua. Một tay cụ dẫn đứa bé, còn tay kia cặp nách túi gạo chắc vừa mới được ai từ thiện cho. Còn đứa bé thì ngoái cổ nhìn chú chó đang nhai cây xúc xích trong miệng.
Liếc nhìn thanh quản chú bé chuyển động lên xuống, chắc là nuốt đỡ ngụm nước miếng cho đỡ thèm, còn chú chó thì thè lưỡi liếm vòng quanh ria mép của mình.
Biết thương yêu động vật là điều đáng quý, đáng quý vì dầu gì chăng nữa trái tim còn biết bộc lộ cảm xúc, còn hơn là khô cằn sỏi đá. Tuy nhiên, thương yêu động vật lại không đồng nghĩa với việc biết thương yêu con người.
Bởi vì thương yêu động vật là cảm xúc, còn yêu thương con người là nhân đức, mà nhân đức thì phải được rèn luyện, thực tập, nhiều lần để tạo thành thói quen dài lâu, bền vững.
Có phải chăng, đã quá lâu người ta ít chú ý đến việc rèn luyện nhân đức yêu thương con người, mà cứ nghĩ rằng: Sinh ra lớn lên là biết thương người? Đúng là Thiên Chúa ký gởi vào tâm hồn mỗi người khả năng yêu thương đồng loại của mình. Nhưng để biến khả năng này trở thành nhân đức, thành hiện thực lại là sự cố gắng thực hành và sống yêu thương nơi mỗi người.
Không phải cảm xúc nào cũng có thể chuyển hóa thành yêu thương. Đừng biện minh tôi nuôi thú cưng để rèn luyện nhân đức yêu thương, mà hãy ý thức rằng: Đồng loại với tôi, người thân cận với tôi… Luôn luôn xứng đáng xếp trên thú cưng của mình.
Lm. Pet. Trần Trọng Khương