16/12/2024
775
Hồi Ký Trong Thành Phố: Giao thông trong thành phố


 



HỒI KÝ TRONG THÀNH PHỐ

Giao thông trong thành phố

Còn nhớ lúc thực hành môn giảng thuyết khi còn học ở Đại Chủng viện, có anh kết thúc bài thực hành giảng của mình bằng câu kết có vẻ theo kiểu lấy râu ông này cắm cằm bà nọ: Yêu Chúa là giữ luật giao thông. Cứ nghĩ, phải kết thúc bằng câu: Yêu Chúa là giữ các điều răn, yêu Chúa là sống bác ái, yêu Chúa là bắt chước Chúa.... Đàng này, yêu Chúa là tuân giữ luật giao thông. Nghe hơi lạ lạ, nếu không nói là chướng tai.

Bây giờ mang xe ra đường chạy, mới thấy giao thông trong thành phố phải được giáo dục ý thức: Bác ái trong khi tham gia giao thông, ý thức thực hành kiến thức giao thông khi tham gia giao thông, đặt ích lợi của người tham gia giao thông lên trên lợi ích của cá nhân khi tham gia giao thông... Bấy nhiêu đó cũng đủ để gọi là: Yêu mến Chúa rồi, bởi vì ai yêu mến Chúa thì lẽ đương nhiên phải yêu mến cả con người nữa.

Phải nhìn nhận chạy xe trong thành phố MT rất hồi hộp. Việc chấp hành đèn xanh đèn vàng đèn đỏ, thì nơi nào cũng có những cá nhân hay vi phạm lỗi vượt đèn. Nhưng giành đường, vượt ẩu, lấn làn đường, ép xe, cúp đầu, băng ngang, xẻ dọc, luồn lách... Nhất là không hề có ý thức nhường đường, hay giảm tốc độ, mà thay vào đó là cứ hết ga, ai xin qua đường cũng chẳng cần biết, cứ đường thẳng mà phang. Người qua đường, xe xin đường... Mạnh ai cứ chạy cứ xin, không cần để ý cứ rồ máy mà chạy, họ xin đường thì họ phải tránh ta, ta cứ đâm thẳng tới không ai nhường ai, không ai chịu giảm tốc độ, có gì thì cứ đạp thắng là xong.... Chạm mặt nhau rủa nhau vài tiếng rồi chạy tiếp...

Nguyên nhân sâu xa không phải là không biết luật giao thông, nhưng nằm ở ý thức chấp hành luật giao thông khi tham gia giao thông. Nhìn ở góc độ tâm lý, có thể thấy chạy ẩu thể hiện tâm lý khinh người, xem thường mạng sống người khác và của chính mình. Có người nói: Nhìn cách chạy xe là biết trình độ tri thức và bản sắc văn hóa của người đó đang ở cấp độ nào, ý thức thể hiện văn hóa đến đâu.

Có lần đang chạy thật chậm trên đường, suýt tí nữa là toi đời, cũng bởi vì chiếc 4 chỗ đỗ bên lề, tự dưng mở cửa ra mà chẳng xem trước sau gì, tí nữa thì án mạng xảy ra rồi.

Lần khác đến ngã tư đèn đỏ, dừng lại, hết đèn đỏ xe bắt đầu di chuyển, có anh bóp kèn vượt lên rồi quẹo phải. Chợt nhớ: Lúc học luật giáo thông ghi rằng: Không được vượt mặt ở ngã tư đường, đường giao nhau, hoặc lúc lên cầu.

Xém tí nữa thì đụng vào anh ta. Tự nhiên phản xạ miệng thốt ra câu: Chúa bà ơi!

Anh ngoái cổ lại phán cho câu xanh rờn: Biết luật giao thông không cha nội?

Có cảm giác giao thông trong thành phố theo kiểu văn hóa: Mạnh mồm thì luật giao thông luôn đứng về phía người đó. Hổ báo cáo chồn trong tác phong giao thông, thì mọi người phải nhường đường.

Nhất là khi đến các ngã tư, ngã ba giao nhau mà không có tín hiệu đèn xanh vàng đỏ, thì nơi đó.... Xe ai bóp kèn lớn thì đi trước, qua đường, vượt mặt. Còn nếu bạn chờ người khác giảm tốc độ, hoặc nhường cho bạn, thì đừng có mơ, đứng đợi mãi đi cưng, đợi đến tết Công Gô luôn. Chỉ còn cách: Cứ đâm vào dòng xe đang chạy... Rồi tự khắc có kẻ hở để lòn lách, bởi vì sẽ có người thắng gấp và thế là.... Kẽ hở trên đường mở ra và mình nhập vào dòng xe giao thông.

Nghĩ cũng ghê thật, mạng sống không biết rời đi lúc nào.

Thế mới thấm thía bài giảng mẫu của anh bạn khi còn học ở nhà trường: Yêu mến Chúa là tuân giữ luật giao thông.

Lm. Pet. Trần Trọng Khương