25/11/2024
181
Hồi Ký Trong Thành Phố: Công Viên Bờ Kè


 



HỒI KÝ TRONG THÀNH PHỐ

Công Viên Bờ Kè

 

Nhiều năm qua chính quyền thành phố quy hoạch công trình bờ kè lấn Sông Tiền, với mong ước là điểm nhấn, nâng tầm thành phố, hướng đến thành phố văn minh, hiện đại, sạch, xanh, đẹp... Nhìn bản đồ quy hoạch, có cảm giác không khác gì các thành phố đáng sống khác ở châu Âu: Có khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, hội họp, bến du thuyền, công viên, đại lộ, nhà hàng, khách sạn cao cấp...

Nhìn bản đồ quy hoạch là vậy, thực địa lại có điểm khác biệt. Nhiều căn hộ cao cấp, nhưng chưa phủ đầy người ở, con đường dọc theo bờ kè phần lớn là quán nhậu, quán ốc, cà phê nhỏ lẻ, một số tàu đánh cá neo đậu. Hoành tráng nhất chắc là bến du thuyền, với chuỗi nhà hàng, phòng ốc trông cũng tráng lệ ra phết.

Có lẽ điểm khác biệt nhất là ban đêm. Khác biệt ở chỗ: Người bán vé số tấp nập, mà phần đông là người cao tuổi, người già. Ở cái tuổi đáng lý ra phải được an dưỡng trong gia đình, sum vầy, đề huề bên con cháu, vậy mà mỗi tối lại phải rong rủi suốt con đường ngang dọc công viên bờ kè để mưu sinh.

Bà ơi! Bà lấy con mấy tờ vé số.

Bà có cặp ba sáu không? Ba sáu là tuổi của con đó!

Cặp giờ mười ba vé nha cậu. Gần tết sổ cặp mười ba vé, qua tết lại trở về mười hai.

Con cháu bà đâu? Không chăm sóc bà, để bà đi bán cực khổ vậy? Miệng vừa nói, tay tôi vừa lựa tìm vài số ưng ý.

Ba đứa con đứa nào cũng nghèo khổ cậu ơi! Tôi đi bán vầy, về còn cho tiền lại chúng nó.

Không có ba sáu, con lấy sáu ba. Sáu ba còn mười tờ hà, chắc có ai lấy ba tờ rồi!

Con đưa bà một trăm năm mươi ngàn, bà khỏi thối tiền lại con!

Cám ơn cậu!

Đang loay hoay cất mấy tờ vé số vừa mua vào túi.

Ngước mặt lên, một bà cụ già nữa: Cháu mua giúp già vài tờ!

Dạ con mới mua! Thốt lên lời từ chối, trong lúc ánh mắt thoáng nhìn bà từ đầu đến chân. Như một phản xạ, tôi nói: Thôi con cho cụ năm mươi ngàn, con không lấy vé số.

Trời Phật ơi! Chưng hửng vài giây, bà cất vội tờ 50 ngàn vào túi, vừa nói cám ơn nghe khàn khàn giọng, rồi vội vã rời đi.

Đưa mắt nhìn một vòng, thấy toàn người trẻ ngồi ăn nhậu, vui chơi, cà phê... Trên đường tiếng xe mô tô rú ga của bọn trẻ trâu nào đó gây sự chú ý, đánh võng, nẹt pô, vô tư lạng lách trên đường.

Ngoài phía bờ kè ven sông, nam thanh nữ tú dập dìu, kẻ đi bộ, người chạy thể dục, lại có người dẫn thú cưng dạo mát công viên… Xa xa, những cụ già nghèo khổ, với xấp vé số trên tay, vẫn ngược xuôi, xuôi ngược giữa hai đầu công viên.

Liếc nhìn đồng hồ trên tay, giờ đã gần 23 giờ khuya. Trời bắt đầu lất phất mưa.

Cởi con xe trở về nhà xứ, bên tai vẫn còn văng vẳng bài hát “Thảo Hiếu” vừa nghe lúc sáng nay: Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi! Ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng.

- Hỡi kẻ làm con hãy gánh lấy tuổi già của cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống.

- Hỡi kẻ làm con hãy yêu mến và tùng phục cha ngươi, thế là làm đẹp lòng luôn cả mẹ ngươi.

- Ngươi còn trẻ trai hãy tôn kính rộng lượng cùng cha ngươi, chớ đành lòng hẹp hòi khi người tuổi tác.

- Kính thảo mẹ cha sẽ vui sướng tuổi già cạnh con ngươi, sẽ hằng được nhận lời khi cầu khẩn Chúa.

- Lễ vật tặng cha được ghi mãi vào sổ trời cho ngươi, chút quà mọn tặng mẹ cũng đẹp lòng Chúa… Và này: Ai yêu mến cha mình thì đền bù tội lỗi! Ai thảo kính mẹ mình thì như tìm thấy kho tàng.

Lm. Pet. Trần Trọng Khương