27/04/2023
687
Hoa trái của sứ vụ truyền giáo nơi vùng biên giới














 








HOA TRÁI CỦA SỨ VỤ TRUYỀN GIÁO NƠI VÙNG BIÊN GIỚI

Phaolô Kiều Tấn Thành

 

Tháng năm, chúng ta bước vào tháng hoa kính Đức Mẹ. Nếu như mỗi người chúng ta cùng dâng lên Mẹ những sắc hoa tươi màu là sản phẩm công trình tạo dựng của Thiên Chúa; thì hiểu theo một cách nào đó, sứ vụ truyền giáo cũng là một trong những sắc màu riêng biệt để từng người Kitô hữu chúng ta thực hiện mà dâng lên Thiên Chúa, đó chính là thao thức của Chúa Giêsu, của Mẹ Giáo hội và của từng người chúng ta.

Khi nhắc đến sứ vụ truyền giáo, chúng ta đều biết rằng đây là lệnh truyền của Chúa Giêsu: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế (Mt 28, 19-20). Và các Tông đồ đã thi hành lệnh truyền ấy bắt đầu từ Giêrusalem cho đến tận cùng thế giới. Cũng thế, mỗi người chúng ta đều mang lấy lệnh truyền ấy, là đem Tin Mừng của Chúa đến với mọi người trên khắp thế giới. Thiết nghĩ rằng đầu tiên, chúng ta cần phải có lòng thao thức về truyền giáo, luôn đặt nhiệm vụ truyền giáo là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Truyền giáo cũng chính là thao thức của Chúa Giêsu. Chính vì thế, Giáo hội luôn xác định truyền giáo là bản chất của mình. Chúa Giêsu Phục sinh đã nói với các tông đồ: Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con” (Ga 20, 21). Đây là sứ điệp phát xuất từ Thiên Chúa gửi đến hết mọi người; nghĩa là việc truyền giáo không dành riêng cho bất kỳ người nào, giới nào, thân phận nào, nhưng là ơn gọi cao quý của tất cả mọi Kitô hữu. Nếu chúng ta mất đi yếu tố này, thì chúng ta không còn là một người Công giáo đúng nghĩa nữa. Thánh Phaolô đã nói lên khao khát và thao thức của ngài rằng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9, 16). Còn rất nhiều người ngoại giáo cảm nhận được rằng có một khát vọng cứ cháy lên trong tâm hồn họ, mà không một điều gì có thể khỏa lấp được. Chính vì vậy, người Kitô hữu phải có trách nhiệm đem Chúa đến cho họ. Vì chỉ có Chúa mới khỏa lấp được nhng mong chờ, khắc khoải trong tâm hồn họ.

Nhìn lại việc truyền giáo tại Giáo phận Mỹ Tho. Ðức cha Phêrô thường xuyên nhắc nhở, định hướng phát triển việc truyền giáo và thúc đẩy quý cha đi đến “vùng ngoại biên”. Để tiếp nối thao thức của vị cha chung Giáo phận, nhiều giáo xứ đã và đang nhấn mạnh đến việc truyền giáo, nhất là những giáo xứ vùng biên giới Campuchia. Dẫu biết rằng linh mục chánh xứ vẫn là người tiên phong, các ngài vẫn từng bước thúc đẩy người giáo dân của mình tham gia vào công cuộc truyền giáo tại giáo xứ, thành lập các nhóm truyền giáo, hướng dẫn và sai họ đi truyền giáo theo cách thế: làm quen, thăm viếng, nối kết tình thân tương trợ trong tình bác ái. Mỹ Tho là Giáo phận miền Tây sông nước - người Nam bộ, người dân sống tập trung thành từng khu, từng xóm, sống thân thiện và cởi mở. Họ dễ đón nhận nhau cũng như lấy chân thành mà đối xử. Chính tính cách dễ gần, phóng khoáng của con người miền Tây đã là yếu tố hàng đầu rất thuận lợi cho việc truyền giáo.

 

  Giáo phận Mỹ Tho có nhiều giáo xứ truyền giáo tại vùng biên giới. Sau nhiều năm không có linh mục, không có nhà thờ, đời sống đạo của bà con rất bấp bênh, khô khan, nguội lạnh, mê tín dị đoan, các em nhỏ không được học giáo lý, không được lãnh các Bí tích. Mà muốn đi lễ nhà thờ thì phải lặn lội đường xa 20km – 30km. Giáo dân thì xa nhà thờ, người dân thì không biết gì về đạo Công giáo, không biết linh mục là người như thế nào. Và rồi những năm gần đây, nhờ ơn Chúa giúp, sự chung tay của bà con giáo dân và sự giúp đỡ của chính quyền địa phương mà nhiều ngôi nhà thờ khang trang đã được dựng lên, bắt đầu sinh hoạt tôn giáo trở nên sinh động. Khi sắc màu của những ngôi nhà thờ hiện ra thì nhiều giáo dân đã trở về với Chúa, cùng đồng hành và hiện diện liên lỉ với cha sở. Họ là những người đã được rửa tội, vẫn duy trì đức tin và đang sống đức tin của mình một cách bình thường, dù cho suốt một khoảng thời gian dài vắng bóng linh mục và nhà thờ. Bây giờ, họ có điều kiện để thể hiện niền tin của mình nơi cộng đoàn giáo xứ, trong gia đình và xóm làng. Họ đi đến với những anh chị em đã được rửa tội, nhưng nay họ đã quên hoặc không còn sống niềm tin vào Chúa, không đến nhà thờ nữa, có khi họ đã rời bỏ Giáo hội. Phần lớn đó là những anh chị em Việt Kiều Campuchia, vì đời sống khó khăn nơi đất khách, nay họ “len lén” trở về quê hương và sinh sống tại ranh biên giới. Họ rất cần được tiếp tục tái truyền giáo, nhờ đó họ mới trở lại sống niềm tin của mình vào Thiên Chúa. Và rồi, anh chị em giáo dân còn đi đến với những người chưa biết Chúa và Tin Mừng, họ là những người không có tôn giáo nào, hoặc thuộc về một tôn giáo khác, nhưng chưa nhận biết Tin Mừng và chưa tin vào Thiên Chúa, họ là những người lương dân sống bên cạnh chúng ta. Rất nhiều anh chị em đã hăng hái lên đường đi tìm chiên lạc và giới thiệu Chúa cho mọi người, bằng đời sống yêu thương, những việc thiện lành, bằng cuộc sống hòa thuận,… Các anh chị em Việt Kiều Campuchia đã trở về, và nhiều người đã xin theo đạo. Và dấu chỉ của hoa trái trong việc truyền giáo tại vùng biên giới này là nhiều giáo điểm đã được hình thành, có những giáo điểm đã được phép sinh hoạt tôn giáo; mọi thứ như báo hiệu một sức sống mới đang bừng dậy trong lòng Giáo phận. Đó là niềm vui cho Giáo phận. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả của công việc truyền giáo ấy, thì cầu nguyện luôn được xem là một cách thức để truyền giáo và để truyền giáo tốt nhất. Vì chính khi cầu nguyện, chúng ta liên hệ mật thiết với Thiên Chúa. Qua lời cầu nguyện, Thiên Chúa tuôn đổ ân sủng của Ngài xuống trên hành trình truyền giáo của từng người chúng ta. Chúng ta không có thể làm gì được nếu không nhờ vào ân sủng của Thiên Chúa. Giáo hội luôn nhắc nhở mỗi người Kitô hữu phải luôn siêng năng cầu nguyện cho sứ vụ truyền giáo của Giáo hội. Thế nên, hiệu quả của sứ vụ truyền giáo thì không thể thiếu việc cầu nguyện được.

Vậy, truyền giáo là sứ vụ của mỗi người Kitô hữu vì đó là lệnh truyền trực tiếp của Chúa Giêsu, là bổn phận và trách nhiệm của từng người Kitô hữu. Giáo phận Mỹ Tho đang hướng đến việc truyền giáo cho tất cả mọi người. Để truyền giáo tốt và hiệu quả đòi hỏi người Kitô hữu phải luôn cầu nguyện, sống chứng tá cho Tin Mừng. Cùng với Mẹ Maria trong tháng năm này, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa những sắc hoa truyền giáo đang chớm nở nơi Giáo phận; đồng thời cùng bước theo Chúa Giêsu trong hành trình đức tin, có Mẹ Maria đồng hành và dẫn chúng ta đến với Chúa và dạy chúng ta đem Chúa đến cho tha nhân. Ước mong công việc truyền giáo trong Giáo phận Mỹ Tho mỗi ngày được nhiều sắc hoa hơn.