02/04/2025
80
Hình Ảnh Người Đàn Ông Đứng Thẳng  Nơi Tấm Khăn Liệm Thành Turin












 




Hình Ảnh Người Đàn Ông Đứng Thẳng

Nơi Tấm Khăn Liệm Thành Turin

Zelda Caldwell

 

Suốt mùa Chay năm nay, Đền thánh Gioan Phaolô II tại thủ đô Washington DC, Hoa Kỳ, sẽ triển lãm tấm Khăn liệm thành Turin. Tấm vải cho thấy một quan sát đáng kinh ngạc: Dấu vết in trên tấm khăn, mà truyền thống vẫn cho là khăn liệm xác Chúa Giêsu, cho thấy hình ảnh một “người đàn ông đứng thẳng”, lơ lửng giữa không trung.

Triển lãm này một phần dựa trên nghiên cứu và phân tích của tiến sĩ Gilbert Lavoie, tác giả quyển sách Tấm Khăn Liệm Chúa Giêsu: Và Dấu Hiệu Mà Thánh Gioan Đã Khéo Léo Giấu Đi, được phát hành bởi nhà xuất bản Sophia Press vào năm 2023.

Theo tiến sĩ Lavoie, những quan sát của ông về các vết máu và hình ảnh trên tấm khăn không chỉ xác nhận về tính xác thực của thánh tích, mà còn cho thấy đây là “dấu chỉ” kỳ diệu đã được nhắc đến trong Tin mừng thánh Gioan.

Việc tổ chức triển lãm tấm Khăn liệm thành Turin tại Đền thánh Gioan Phaolô II là hoàn toàn phù hợp vì Đức cố Giáo hoàng đã có nhiều đóng góp trong việc đề cao sự khả tín của tấm khăn liệm, như một biểu tượng đáng được tôn kính.

Trong chuyến viếng thăm thành phố Turin năm 1998, vào dịp tấm khăn được trưng bày công khai, Đức Giáo hoàng đã khuyến khích khách hành hương đến miền Bắc nước Ý để chiêm ngưỡng tấm khăn liệm. Đức Thánh cha gọi tấm khăn này là “tấm gương phản chiếu Tin mừng”, “dấu chỉ độc nhất hướng về Chúa Giêsu”, và ca ngợi đức tin của những ai tôn kính tấm khăn, nhưng không đưa ra một tuyên bố chính thức nào về tính xác thực của vết máu được in trên chiếc khăn.

Tuy nhiên, Đức Thánh cha Gioan Phaolô II nói thêm rằng tấm khăn liệm là một “thách thức đối với trí tuệ của chúng ta” và mời gọi các nhà khoa học tiếp tục tham gia vào việc xác định cách nghiêm túc về thánh tích này.

Triển lãm tại Đền thánh gồm có một bản sao của tấm khăn liệm, một bức tượng ba chiều của Chúa Giêsu dựa trên hình ảnh in trên tấm khăn, bảng thông tin về lịch sử và nghiên cứu khoa học về thánh tích, bao gồm cả nghiên cứu của tiến sĩ Lavoie về “người đàn ông đứng thẳng.”

Dưới đây là cuộc phỏng vấn tiến sĩ Gilbert Lavoie về những điều đã ông phát hiện và ý nghĩa của nó:

Câu hỏi: Cuộc triển lãm mới đây tại Đền thánh Gioan Phaolô II trình bày những phân tích khoa học của ông về các vết máu và hình ảnh in trên tấm khăn, cho thấy Chúa Giêsu đang đứng thẳng khi dấu ấn được tạo ra. Xin ông giải thích về phát hiện này và ý nghĩa của nó?

Trả lời:

Trong suốt nhiều năm, tôi đã nghĩ rằng hình ảnh trên tấm khăn miêu tả một người đàn ông được chôn trong tư thế nằm. Thế nhưng, khi nghiên cứu kỹ hơn về kỹ thuật giải phẫu từ hình ảnh này, tôi nhận ra mình đã nhầm. Trái ngược với các vết máu, vốn cho thấy một người chết bị đóng đinh, được hạ xác xuống trong tư thế nằm ngửa và được đặt vào trong mộ, hình ảnh trên tấm khăn lại cho thấy một người trong tư thế đứng, như thể đang được nâng lên giữa không trung.

Bằng chứng này đến từ cả mặt trước lẫn mặt sau của hình ảnh in trên tấm khăn. Chẳng hạn, tóc của người này xõa xuống vai và lưng. Tóc xõa theo hướng của lực hấp dẫn và tương thích với hình ảnh một người trong tư thế đứng thẳng. Phần lưng của hình ảnh còn tiết lộ nhiều hơn. Dù là tử thi hay người sống trong tư thế nằm ngửa, nửa lưng trên, mông và chân dưới xếp thành hình phẳng.

Tôi đã nhận thấy như vậy trong lần đầu tiên tham gia lớp giải phẫu tại trường y. Tôi vẫn nhớ mình đã thấy bất ngờ khi lật một tử thi lên. Tư thế và lực hấp dẫn quyết định hình dạng cơ thể. Trái ngược hoàn toàn, phần lưng từ hình ảnh của người đàn ông trong khăn liệm không hề phẳng, mà ở dạng hình tròn, phù hợp với một người trong tư thế đứng thẳng. Người này trong tư thế đứng thẳng nhưng không phải đang đứng trên mặt đất. Chân của ông ấy bắt chéo nhau, trông như thể ông ấy đang lơ lửng giữa không trung. Điều này hàm chứa ý nghĩa gì? Khi nhận ra rằng hình ảnh này cho miêu tả một người đàn ông đang đứng thẳng, đối với tôi, đó là sự giác ngộ - giúp tôi hiểu rằng hình ảnh này phản chiếu khoảnh khắc Phục sinh.

Câu hỏi: Ông lập luận rằng tấm khăn đã xuất hiện trong Tin mừng thánh Gioan. Vậy, xin ông giải thích về mối liên hệ giữa trình thuật của thánh Gioan và bằng chứng được trưng bày trong cuộc triển lãm?

Trả lời:

Việc phát hiện ra hình ảnh người đàn ông đứng thẳng khi nói về Chúa Giêsu là chìa khóa mở ra những hiểu biết mới mẽ về Tin mừng thánh Gioan. Khi mới quan sát hình ảnh này, tôi đã không hiểu tại sao ông ấy lại được nâng lên giữa không trung. Tôi biết rằng việc nghiên cứu y học và pháp y sâu xa hơn cũng sẽ không cho tôi câu trả lời. Vì thế, tôi đã quyết định chuyển hướng sang các sách Tin mừng và tìm hiểu xem liệu có manh mối nào về hình ảnh người đàn ông được nâng lên trên tấm khăn không. Và tôi đã rất kinh ngạc khi đọc những lời sau đây của Chúa Giêsu trong Tin mừng thánh Gioan: “Khi Tôi được giương cao lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên với Tôi” (Ga 12,32).

Câu Tin mừng này mô tả chính xác về những gì tôi thấy được trên tấm khăn. Thế nhưng, đó chỉ là bước khởi đầu. Theo thời gian, tôi nhận ra rằng thánh sử Gioan đã không thể trực tiếp viết về hình ảnh trên tấm khăn liệm trong Tin Mừng của ngài vì, với tư cách là một người Do Thái, ông biết rằng hình ảnh con người đã bị coi là đối tượng của việc tôn thờ ngẫu tượng, sẽ bị người ta phát hiện và thiêu hủy. Thay vào đó, thánh Gioan đã khéo léo kết nối câu chuyện về ngôi mộ trống, cái chết của Chúa Giêsu, và trình thuật về việc thanh tẩy đền thờ. Tất cả đều phản ánh những gì ông đã thấy trong ngôi mộ: hình ảnh Chúa Giêsu được nâng lên, in trên tấm khăn.

Câu hỏi: Những phát hiện mới này đóng góp thế nào vào cuộc tranh luận về tính xác thực của tấm khăn?

Trước hết, tất cả các vết máu trên tấm khăn hoàn toàn phù hợp với những gì thánh Gioan đã viết về cuộc tra tấn, đóng đinh, cái chết và việc mai táng Chúa Giêsu theo nghi thức Do Thái. Do đó, những điểm tương đồng này cung cấp thêm bằng chứng rằng thánh Gioan đã thực sự thấy hình ảnh Chúa Giêsu được nâng lên, in trên tấm khăn trong ngôi mộ. Tất cả những chi tiết này đều được trình bày trong quyển sách của tôi Tấm Khăn Liệm của Chúa Giêsu: Và Dấu Hiệu Mà Thánh Gioan Đã Khéo Léo Giấu Đi.

Những gì chúng ta gọi là phép lạ hay sự kiện siêu nhiên thì thánh Gioan gọi là dấu chỉ, và Chúa Giêsu gọi đó là công việc của Chúa Cha. Thánh Gioan nhấn mạnh rằng các dấu chỉ này rất quan trọng với ông ấy, với thế hệ của ông và các thế hệ mai này. Theo chứng từ của thánh Gioan, các việc Chúa Giêsu đã thực hiện là bằng chứng trực quan, chứng cứ thể lý, cho thấy Chúa Giêsu chính là hiện diện của Thiên Chúa nơi trần gian. Đôi lần, trong Tin mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu nói rằng Người làm các điều đó để mọi người có thể nhận biết rằng Người được Chúa Cha sai đến, Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người. Thế nên, Người chính là Con Thiên Chúa.

Vậy đâu là dấu chỉ thánh Gioan đã khéo léo giấu đi? Đó là hình ảnh của Chúa Giêsu được nâng lên, in trên tấm khăn mà thánh Gioan đã thấy trong ngôi mộ. Đó là dấu chỉ mà Chúa Giêsu đã tiên báo cách đây 2.000 năm tại Đền thờ Giêrusalem và để lại trên tấm khăn liệm xác Người. Dấu chỉ hữu hình mà chúng ta có thể thấy ngày nay minh chứng với thế giới rằng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Việc thánh Gioan đã nhìn thấy tấm khăn góp phần quan trọng vào việc xác định rằng tấm khăn liệm là thật.

Chuyển ngữ: Phan Định

Nguồn: ncregister.com