
“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)
Chuyện kể về Anh, một người nông dân nghèo làm ruộng. Anh có thói quen uống rượu nhiều. Anh uống say quên cả đường đi lối về. Nhiều lần uống say, vợ Anh phải nhờ người đi tìm và sau đó rước Anh về. Nhiều lần Anh uống say đã có những hành động, những câu nói không kiểm soát bản thân. Nhiều lần Anh uống say bị té xe, bị mất tiền và mất điện thoại. Vợ Anh rất buồn, bỏ Anh ở nhà với đứa con gái, còn Chị thì lên Sài Gòn kiếm việc làm vì không chịu đựng nổi tật xấu này của Anh.
Cứ mở mắt ra là Anh kiếm rượu. Nhiều khi chỉ có một mình nhưng Anh cũng uống để giải toả cơn ghiền. Mấy người Cô của Anh hay tin liền lên tiếng rầy la, trách móc Anh. Nhiều người thân trong gia đình không thèm nhìn mặt Anh, bỏ mặc Anh muốn làm gì thì làm. Đã có một thời gian Anh cay rượu, bỏ được vài tháng, nhưng sau đó Anh uống lại và vẫn chứng nào tật nấy bởi vì Anh bị bệnh, chứng bệnh có liên quan đến thần kinh. Đã có lần Anh đi xuống bệnh viện tâm thần Nhị Bình để lấy thuốc uống. Nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian thôi…
Câu chuyện trên đây gợi lên trong tâm trí mỗi Kitô hữu chúng ta những suy nghĩ gì? Phải chăng đó là những suy nghĩ liên quan đến việc hãy có lòng thương xót đối với trường hợp của người đàn ông trên đây? Thật vậy, Anh rất cần sự nâng đỡ, cần sự an ủi và cần lòng thương xót của những người thân và của bạn bè. Dẫu biết rằng việc Anh làm thì Anh phải chịu. Thế nhưng, đâu ai muốn và bản thân Anh cũng đâu muốn mình phải mang chứng bệnh nghiện rượu như thế. Anh cần một ý chí, một lòng quyết tâm, nhưng đồng thời Anh cũng cần lòng xót thương. Thay vì lên án, chỉ trích và nóng nảy với Anh thì có một thái độ ứng xử khác đó chính là cảm thấy Anh thật tội nghiệp, cảm thấy xót thương Anh sau những cơn say không biết gì. Lòng xót thương sẽ giúp Anh hoán cải, sẽ giúp Anh vượt qua tật xấu uống rượu nhiều. Càng xa lánh Anh, càng oán trách Anh thì cũng không giúp được gì cho Anh.
Trong Thư Mục Vụ tháng 02.2016, Đức Cha Phêrô Huỳnh Văn Hai, Giám mục Giáo phận Vĩnh Long đã giải thích thuật ngữ “lòng thương xót” rất hay: “Lòng Thương Xót là có trái tim nhạy cảm, thương hại trước những cảnh khốn khổ, trước những đau khổ đủ mọi hình thức thể xác lẫn tâm hồn của những người nghèo: thể xác sống thiếu thốn, tinh thần sống trong sự yếu đuối, trong sự nguội lạnh trễ nải và trong tội lỗi. Trái tim luôn luôn rộng lượng tha thứ cho những ai hoán cải… Trái tim gương mẫu trong loại này là Trái tim của Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn thương xót con người vì con người sống trong những giới hạn của mình, trong sự yếu đuối của mình.”
Như vậy, nếu đem áp dụng thuật ngữ này vào hoàn cảnh của người đàn ông nghiện rượu trong câu chuyện trên đây xem ra rất là phù hợp. Quả thế, Chúa muốn mỗi Kitô hữu chúng ta hãy có lòng xót thương nhau. Để có được lòng xót thương này, mỗi chúng ta cần chiêm ngắm trái tim của Chúa Giêsu. Đó là trái tim tình yêu, là trái tim của lòng thương xót. Để có được lòng xót thương nhau, mỗi chúng ta cần cầu nguyện thật nhiều bởi vì lòng xót thương nhau chính là hồng ân mà Chúa ban cho mỗi Kitô hữu chúng ta. Trái tim thương xót của Chúa Giêsu đã cảm hoá được một người thu thuế như thánh sử Matthêu, đã cảm hoá được tâm hồn của người phụ nữ bị bắt gặp phạm tội ngoại tình. Điều này cho thấy, trái tim biết xót thương người có thể làm thay đổi lòng người, làm biến đổi cuộc đời của con người, nhất là những người yếu đuối, sai lầm và tội lỗi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5,7)
Raphael Trần Dương Tuyển
Gp. Mỹ Tho