“GIẢ NHÂN”
Hai từ “giả nhân” có lẽ gợi lên trong tâm thức mỗi Kitô hữu chúng ta những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. Tiêu cực bởi vì phải đề cập đến những mặt trái về sự thật con người của mình. Nói về giả nhân khác hơn nói về Thành Nhân. Nói Thành Nhân thì dễ nhưng nói về giả nhân không dễ chút nào. Vậy “giả nhân” nghĩa là gì? Để khám phá những khía cạnh “giả nhân”, chúng ta cần phải làm gì?
Nhiều người bình dân bảo nhau: “Cái thằng đó, con đó, hay ông đó, bà đó giả nhân giả nghĩa.” Hay ngôn ngữ nhà Phật có câu: “Khẩu phật tâm xà.” Những câu nói như thế cũng phần nào gần giống với định nghĩa về hai từ “giả nhân”. Vậy “giả nhân” nghĩa là một người sống hình thức bên ngoài, chứ trong lòng không phải như thế. Họ không dám đối diện với sự thật về con người của mình, cố tình che đậy những lỗi lầm, khuyết điểm của bản thân. Nhìn bên ngoài họ rất tốt, vui vẻ và thân thiện với mọi người, nhưng trong lòng đầy dẫy những bất an và toan tính. Thế thì ý nghĩa cốt lõi của hai từ “giả nhân” nằm ở chữ “giả”. Ai cũng là con người, nhưng sống sao cho ra người, sống sao cho đáng sống, hay sống đúng với con người thật của mình là điều không dễ chút nào. Nguyên nhân cốt lõi cũng khởi đi từ bản thân chúng ta. Chúng ta sợ dư luận phê bình, chỉ trích; sợ bản thân bị đánh giá thấp; sợ xã hội lên án, cười chê. Chúng ta cố tình đóng kịch, cố ép mình để người khác được hài lòng, nhưng bản thân thật sự không có một động lực và ước muốn hành động như thế.
Đọc lại Tin mừng, mỗi chúng ta sẽ bắt gặp rất nhiều lần Chúa Giêsu khiển trách những người Pharisêu. Ngài gọi họ là những kẻ “mồ mả tô voi”, những người đạo đức giả, ăn mặc rườm rà, đọc kinh lâu giờ, cầu nguyện ở hàng ghế đầu, thích ngồi những chỗ nhất trong các bữa tiệc cốt để người ta để ý, khen ngợi. Bên ngoài những người biệt phái hay các kinh sư là như thế, nhưng trong lòng họ chỉ có Chúa mới hiểu hết mà thôi. Chúa Giêsu biết họ đang nghĩ gì, muốn gì, biết thực tế đời sống của họ như thế nào. Bởi vậy, Ngài mới kết luận họ như thế. Nếu dùng ngôn ngữ của người bình dân hôm nay thì có thể xếp họ vào top những người “giả nhân”, dù họ chưa đến mức độ “ác nhân”, làm hại người khác một cách công khai, nặng nề. Ngược lại, Chúa Giêsu đề cao thái độ thật lòng và thành tâm của người thu thuế. Ông ta không dám quỳ ở hàng ghế đầu cầu nguyện vì thấy mình bất xứng trước mặt Chúa. Ông ấy chọn quỳ ở hàng ghế sau cùng, đấm ngực, cúi đầu, than khóc và sám hối tội đời. Đó là thái độ của một người Thành Nhân khiêm tốn, không phải là kiểu ứng xử của một người giả nhân tự cao.
Giữa đời thường, chúng ta cũng bắt gặp những con người “giả nhân”. Có người ngọt ngào nơi đầu môi chót lưỡi nhưng thâm tâm toan tính ích kỷ, bất chấp những cử chỉ, lời nói, và hành động gây hại đến uy tín, danh dự của nhiều người; có nhiều hoa hậu chân dài, tổ chức những chuyến từ thiện rình rang, đình đám trên các phương tiện truyền thông, để hy vọng chiếm được cảm tình của nhiều người, để được trở thành người nổi tiếng, kiếm được thật nhiều tiền. Động lực họ làm bác ái từ thiện không phải vì người khác, nhưng sâu xa cũng quy về chính mình. Vì thế, trong Tin mừng, Chúa Giêsu giáo huấn các môn đệ rằng: khi làm những việc bác ái hảo tâm thì tay mặt làm đừng cho tay trái biết. Những người thành tâm thật lòng tuy làm việc trong âm thầm, nhỏ bé, nhưng tấm lòng của họ thật sự lớn lao. Họ làm bác ái không muốn cho người khác biết đến. Họ làm bác ái vì động lực yêu Chúa và yêu thương thật lòng.
Giữa đời sống xã hội, mỗi Kitô hữu chúng ta phải đối diện với rất nhiều cám dỗ. Cám dỗ về quyền lực, danh vọng, địa vị hay tiếng tăm; cám dỗ về của cải, tiền bạc và sắc đẹp; cám dỗ về những toan tính vụ lợi cho bản thân, lợi dụng người khác để thỏa mãn nhu cầu cho chính mình… Những cám dỗ ấy dần dần khiến chúng ta có những hành xử của một người “giả nhân”. Bất cứ sự che đậy nào đến một lúc nào đó cũng lộ ra thôi. Sự thật mãi mãi là sự thật. Một con người “giả nhân giả nghĩa”, hình thức bên ngoài, hay đạo đức giả… sớm muộn gì cũng lộ ra chân tướng của họ. Vì thế, những lợi ích do lối sống “giả nhân” chỉ đồng hành với con người trong một khoảnh khắc nào đó thôi. Chỉ có sự thật mới bền vững trong cuộc đời này. Bởi vậy, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II mới chọn câu Kinh Thánh mà ngài yêu thích nhất: “Sự thật sẽ giải thoát các con”.
Thế nhưng, không phải ai cũng dễ nói thật và sống thật. Nhiều người ngại nói sự thật, thích nói dối, sống giả dối. Cám dỗ này khiến mỗi Kitô hữu chúng ta luôn phải đấu tranh giằng co giữa điều tốt và điều xấu, giữa điều Chúa muốn và điều mình muốn. Vậy để không là người “giả nhân”, bạn và tôi cần phải cầu nguyện, kiên nhẫn rèn luyện bản thân, can đảm rút kinh nghiệm và trải nghiệm đời sống mỗi ngày.
Raphael Trần Dương Tuyển