06/05/2023
1378
Ghi chú Giáo lý về các giới hạn luân lý của  việc thao túng kỹ thuật trên thân thể con người  Ủy ban Giáo lý trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ












 




Ghi chú Giáo lý về các giới hạn luân lý của

việc thao túng kỹ thuật trên thân thể con người

Ủy ban Giáo lý trực thuộc Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ

1. Kỹ thuật hiện đại cung cấp ngày càng nhiều những phương tiện như hóa chất, phẫu thuật, di truyền, nhằm can thiệp vào chức năng, cũng như thay đổi diện mạo của cơ thể con người. Những phát triển kỹ thuật này đã cung cấp khả năng chữa trị nhiều bệnh tật cho con người và hứa hẹn điều trị nhiều bệnh tật hơn nữa. Điều này quả là một lợi ích lớn lao cho nhân loại. Tuy nhiên, kỹ thuật hiện đại không chỉ tạo ra những khả năng can thiệp hữu ích, nhưng còn tạo ra những can thiệp gây tổn hại đến sự thăng tiến thực sự của nhân vị. Cần có sự phân định luân lý thận trọng để xác định những khả năng nào nên và khả năng nào không nên được thực hiện nhằm thăng tiến thiện ích cho con người. Để thực hiện sự phân định này, cần phải thực thi các tiêu chuẩn tôn trọng trật tự tạo dựng đã được ghi khắc trong bản tính con người.

TRẬT TỰ TỰ NHIÊN

2. Một nguyên lý nền tảng của niềm tin Kitô giáo là có một trật tự trong thế giới tự nhiên đã được thiết định bởi Đấng Tạo Hóa và trật tự tạo dựng này là tốt lành (St 1,31; Tv 19,1…). Giáo hội đã luôn khẳng định sự tốt lành thiết yếu của trật tự tự nhiên và kêu gọi chúng ta tôn trọng trật tự đó. Công đồng Vatican II đã dạy: “Từ sự thật được tạo dựng, mọi vật đều mang trong mình tính bền vững, chân thật và thiện hảo cùng với những định luật và trật tự riêng của nó. Chúng ta phải tôn trọng những điều ấy, qua việc nhìn nhận các phương pháp tương hợp với các ngành khoa học và nghệ thuật khác nhau."[1] Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã giải thích rằng thế giới tự nhiên có một “trật tự sẵn có”, một “ngữ pháp” vốn “biểu lộ các mục đích và tiêu chí hầu chúng ta sử dụng khôn ngoan chứ không phải khai thác cách tùy tiện” [2]. Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo chống lại một “mô hình kỹ thuật” coi thế giới tự nhiên như là “thứ gì đó vô hình dạng, hoàn toàn có thể thao túng”[3]. Ngài nhận xét rằng con người đã luôn can thiệp vào tự nhiên,

nhưng trong một khoảng thời gian dài thì điều này có nghĩa là đang phù hợp và đang tôn trọng những khả năng do chính các sự vật mang lại. Đó là một vấn đề của việc tiếp nhận điều mà chính thiên nhiên cho phép, như thể là từ chính bàn tay của thiên nhiên. Giờ đây, trái lại, chúng ta là những người đặt bàn tay mình trên mọi sự, nỗ lực để rút lấy mọi thứ có thể từ chúng trong khi thường xuyên phớt lờ hoặc lãng quên thực tại trước mắt chúng ta.[4]

3. Điều gì đúng với toàn thể thụ tạo thì cũng đúng với bản tính riêng biệt của con người: có một trật tự trong bản tính con người mà chúng ta được mời gọi tôn trọng. Thực vậy, bản tính con người vô cùng xứng đáng được tôn trọng vì loài người có một vị trí duy nhất trong trật tự sáng tạo, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27).

Để đạt được sự viên mãn đời người, để tìm được hạnh phúc đích thực, chúng ta phải tôn trọng trật tự tự nhiên. Chúng ta không tạo ra bản tính con người. Đó là quà tặng từ Đấng Tạo Hóa nhân lành. Chúng ta cũng không “sở hữu” bản tính con người của mình như thể đó là thứ mà chúng ta có thể tự do sử dụng theo bất kỳ cách nào chúng ta muốn. Vì vậy, sự tôn trọng thực sự đối với phẩm giá con người đòi hỏi rằng những quyết định về việc sử dụng kỹ thuật phải được hướng dẫn bởi sự tôn trọng thực sự đối với trật tự tự nhiên.

4. Một khía cạnh tối quan trọng về trật tự của tự nhiên được tạo dựng bởi Thiên Chúa là sự duy nhất xác hồn nơi mỗi con người. Trong suốt chiều dài lịch sử, Giáo Hội đã phản đối các quan niệm nhị nguyên về con người vốn không coi thân xác là một thành phần nội tại của con người, cứ như thể linh hồn tự nó là đầy đủ rồi, và thân xác chỉ là một công cụ được linh hồn sử dụng.[5]  Chống lại thuyết nhị nguyên, xưa kia cũng như ngày nay, Giáo Hội luôn giữ vững lập trường rằng có sự phân biệt giữa linh hồn và thân xác, nhưng cả hai đều là yếu tố cấu thành con người, bởi vì nơi con người, “tinh thần và thể chất không phải là hai bản tính được nối kết lại, nhưng sự kết hợp của chúng tạo thành một bản tính duy nhất”[6] . Linh hồn không tồn tại độc lập bên ngoài cơ thể, và cũng không thể chuyển đổi hay di chuyển từ cơ thể này sang một cơ thể khác. Điều này có nghĩa là một linh hồn không bao giờ có thể ở trong một thân xác nào khác ngoài thân xác mà nó đã xuất hiện. Điều đó có nghĩa, là một con người nhất thiết phải bao gồm thể xác. “Con người là những hữu thể thể lý tồn tại trong cùng một thế giới với các thực thể thể lý khác.”[7]

5. Tính thân xác con người có mối liên hệ nội tại với sự phân biệt giới tính. Cũng giống như mỗi người nhất thiết phải có một thân xác, thì thân xác con người, cũng giống như các loài động vật có vú khác, được phân biệt về mặt giới tính là nam hay là nữ: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27) [8]. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc nhở chúng ta rằng, trong Sách Sáng Thế cho biết rằng “Con người được tạo dựng ‘từ lúc khởi đầu' là nam, và là nữ: cuộc sống của toàn thể nhân loại—dù là của các cộng đồng nhỏ hay của toàn xã hội—được đánh dấu bởi hai phái tính nguyên thủy này.” [9] Sách Giáo lý của Giáo hội Công giáo khẳng định: “Người nam và người nữ đã được tạo dựng, nghĩa là do ý định của Thiên Chúa: một mặt, hoàn toàn bình đẳng như những nhân vị; mặt khác trong bản thể tương ứng của họ là người nam hay người nữ. ‘Là nam’ hay ‘là nữ’ là một thực tại tốt lành và được Thiên Chúa muốn.”[10]

Giống như thân xác là một khía cạnh cơ bản của hiện hữu con người, thì việc “là người nam” hay “là người nữ” cũng là một khía cạnh cơ bản của sự hiện hữu là một con người, thể hiện mục đích kết hợp và sinh sản của một người. Bộ Giáo lý Đức tin nhấn mạnh rằng

cần ghi nhận tầm quan trọng và ý nghĩa của sự khác biệt giới tính, như một thực tại đã ghi khắc nơi người nam và người nữ. “Tính dục đặc trưng cho người nam và người nữ không chỉ về mặt thể xác mà còn về mặt tâm lý và thiêng liêng, ghi dấu ấn nơi tất cả biểu hiện của họ”. Nó không thể bị giảm thiểu thành một dữ kiện sinh học thuần túy và tầm thường, mà đúng hơn “là một thành phần cơ bản của nhân cách, một trong những cách thức hiện hữu, biểu hiện, tương giao với người khác, cảm nhận, diễn tả và sống tình người”. Khả năng yêu thương này – phản ánh hình ảnh của Thiên Chúa Đấng là Tình Yêu – được bộc lộ nơi đặc tính phu thê của thân xác, trong đó nam tính hay nữ tính của con người được biểu lộ.[11]

6. Trong xã hội đương đại của chúng ta, có những người không có quan niệm về con người như vậy. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc đến một ý thức hệ cổ súy cho “bản sắc cá nhân và sự thân thiết thuộc cảm xúc mà hoàn toàn tách rời khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ,” trong đó “căn tính con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một sự lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian.”[12] Đáp lại điều này, Đức Thánh Cha Phanxicô khẳng định:

Cần nhấn mạnh rằng “người ta có thể phân biệt, nhưng không thể tách rời giới tính sinh học (sex) và vai trò văn hóa-xã hội của giới (gender)”… Thông cảm với sự yếu đuối của con người hay sự phức tạp của cuộc sống là một chuyện, còn chấp nhận những ý thức hệ  muốn tách biệt hai khía cạnh vốn không thể tách biệt của thực tại lại là chuyện khác. Chúng ta đừng sa vào tội cả gan thay thế Đấng Tạo Hóa. Chúng ta là những thụ tạo, chúng ta không toàn năng. Công trình tạo dựng có trước chúng ta và phải được đón nhận như một quà tặng. Đồng thời, chúng ta được mời gọi bảo vệ nhân tính của mình, và điều đó trước hết có nghĩa là đón nhận nhân tính ấy và tôn trọng nó như nó vốn đã được tạo dựng nên.[13]

NHỮNG CAN THIỆP KỸ THUẬT

7. Con người, thân xác và linh hồn, là nam hay nữ, đều có một trật tự và cùng đích nền tảng mà tính toàn vẹn của chúng phải được tôn trọng. Bởi vì trật tự và cùng đích này, nên không ai, bệnh nhân, bác sĩ, nhà nghiên cứu hay bất kỳ ai khác, có quyền vô hạn trên thân thể; tất cả đều phải tôn trọng trật tự và cùng đích được ghi khắc nơi thân xác con người. Đức Giáo Hoàng Piô XII đã dạy rằng bệnh nhân “không phải là chủ tuyệt đối của chính mình, của thân thể và của tâm trí. Anh ta không thể tự ý quyết định chính thân thể mình như ý anh muốn.”[14] Liên quan đến các bộ phận và quyền hạn của bản chất con người, Đức Giáo Hoàng Piô XII tiếp tục khẳng định rằng bệnh nhân “là người sử dụng, chứ không phải là chủ sở hữu” và do đó, “không có quyền lực vô hạn để thực hiện các hành vi gây ra việc cắt bỏ một phần thân thể hoặc phá hủy một phần chức năng thân thể.”[15] Thân xác không phải là một đối tượng, một công cụ đơn thuần phục vụ cho linh hồn mà mỗi người có thể tùy ý sử dụng theo ý muốn của mình, nhưng thân xác là một phần cấu thành của chủ thể người; đó là một món quà phải được đón nhận, được tôn trọng và được chăm sóc như một phần thiết yếu của con người. Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng khẳng định: “Việc đón nhận thân xác của chúng ta như một món quà từ Thiên Chúa là điều sống còn để hoan nghênh và chào đón toàn bộ thế giới như một hồng ân từ Chúa Cha và từ ngôi nhà chung của chúng ta, trong khi những suy nghĩ rằng chúng ta có toàn quyền làm chủ thân xác, thường dễ dàng dẫn đến suy nghĩ chúng ta có quyền tuyệt đối trên công trình sáng tạo.”[16]

8. Truyền thống luân lý của Giáo hội nhìn nhận hai trường hợp chính yếu trong đó những can thiệp kỹ thuật trên thân thể người có thể hợp luân lý: 1) khi những can thiệp này nhằm sửa chữa một khuyết điểm trong thân thể; 2) khi việc hy sinh một phần của thân thể là cần thiết cho ích lợi chung của toàn thân. Những loại can thiệp kỹ thuật này tôn trọng trật tự nền tảng và cùng đích cố hữu của con người. Tuy nhiên, cũng có những can thiệp kỹ thuật khác không nhằm mục đích sửa chữa khiếm khuyết trong thân thể, cũng không hy sinh một phần thân thể vì lợi ích chung của toàn thân, mà là nhằm thay đổi trật tự nền tảng của thân thể. Những can thiệp như vậy không tôn trọng trật tự và cùng đích được ghi khắc trong con người.

PHỤC HỒI KHIẾM KHUYẾT TRONG THÂN THỂ

9. Phần lớn thực hành y khoa liên quan đến việc sử dụng kỹ thuật sẵn có để sửa chữa các khiếm khuyết trong thân thể, thường là khi nó bị ảnh hưởng bởi một số chấn thương hoặc bệnh tật.[17] Ý định sửa chữa những khiếm khuyết trong thân thể cho thấy sự tôn trọng trật tự nền tảng của thân thể, điều này rất đáng khen ngợi. Thực vậy, mỗi chúng ta đều có bổn phận chăm sóc cho thân thể của mình. Các Chỉ thị về Đạo đức và Tôn giáo đối với các Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Công giáo khẳng định rằng “mọi người buộc phải sử dụng các phương tiện thông thường [18] để bảo vệ sức khỏe của mình.”[19] Tuy nhiên, nghĩa vụ này không còn tồn tại khi lợi ích của việc can thiệp không còn tương xứng với gánh nặng liên quan.[20] Do đó, việc đánh giá liệu một can thiệp y khoa có tính sửa chữa có hợp pháp về mặt đạo đức hay không đòi hỏi phải xem xét không chỉ đối tượng của hành động và ý định thực hiện hành động đó, mà còn cả những hậu quả của hành động, điều này sẽ bao gồm việc đánh giá về khả năng mang lại lợi ích rõ rệt cho người đó và so sánh lợi ích mong đợi với gánh nặng dự kiến. Đôi khi những lợi ích mong đợi (chẳng hạn như sức khỏe hoặc chức năng được cải thiện) sẽ lớn hơn gánh nặng dự đoán (chẳng hạn như chi phí hoặc đau đớn thể lý liên quan đến thủ thuật), nhưng đôi khi chúng không hẳn là như vậy.

10. Một phân tích tương tự liên quan đến việc xem xét tính luân lý của các can thiệp được thực hiện để cải thiện thân thể không phải về chức năng của nó mà là về vẻ bên ngoài, vốn có thể liên quan đến việc phục hồi hoặc cải thiện vẻ bên ngoài. Về vấn đề này, Đức Giáo hoàng Piô XII thừa nhận rằng vẻ đẹp thể chất của một người “tự nó là một điều tốt, mặc dù phụ thuộc vào những điều khác cao hơn nhiều, và do đó là quý giá và đáng mơ ước.”[21] Ngài cũng tiếp tục chỉ ra rằng vẻ đẹp hình thể “không ở đỉnh cao của bậc thang giá trị, vì nó là một điều tốt đẹp không phải là tinh thần cũng không phải là thiết yếu”; thật vậy, nó là “một điều tốt, nhưng là một điều tốt thể lý... Giống như một món quà tốt lành đến từ Thiên Chúa, nó phải là được quý trọng và quan tâm, tuy nhiên, không đòi hỏi phải sử dụng đến các phương tiện ngoại thường như một nghĩa vụ.”[22] Bởi vì phân tích luân lý đòi hỏi những lợi ích mong đợi của một thủ thuật phải tương xứng với gánh nặng và rủi ro dự kiến, một mức độ gánh nặng và rủi ro cao hơn có thể được biện minh trong trường hợp một người tìm cách phục hồi các khiếm khuyết để đạt được diện mạo bình thường hơn là trong trường hợp một người đã có ngoại hình bình thường, và người tìm kiếm, như Giáo hoàng Piô XII đã nói, "sự hoàn hảo của diện mạo của mình."[23] Tuy nhiên, cả hai điều này đều có thể hợp pháp về mặt đạo đức, nếu được thực hiện với mục đích đúng đắn và trong những hoàn cảnh phù hợp.[24]

SỰ HY SINH MỘT BỘ PHẬN VÌ LỢI ÍCH TOÀN THỂ

11. Vị tiền nhiệm của Đức Giáo Hoàng Piô XII là Đức Giáo Hoàng Piô XI cũng đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tôn trọng trật tự nền tảng của thân xác. Ngài khẳng định rằng, như một quy luật, người ta không được phép “phá hủy hoặc cắt bỏ” các bộ phận của cơ thể mình. Tuy nhiên, đồng thời ngài khẳng định rằng có thể có những trường hợp ngoại lệ khi lợi ích của toàn bộ thân thể đang bị đe dọa.

Giáo lý Kitô giáo xác định, và ánh sáng của lý trí con người làm cho điều đó trở nên thật rõ ràng, rằng các cá nhân không có quyền nào khác đối với các bộ phận cơ thể của họ ngoài quyền tuân theo mục đích tự nhiên của chúng; và họ không được tự do phá hủy hoặc cắt bỏ các bộ phận thân thể của mình, hoặc bằng bất kỳ cách thức nào khác làm cho chúng trở nên mất chức năng tự nhiên của chúng, trừ khi không có cách nào khác để đảm bảo lợi ích của toàn bộ cơ thể.[25]

Giáo huấn này đã được phát triển thêm bởi Đức Giáo Hoàng Piô XII, ngài giải thích rằng:

Mỗi cơ quan cụ thể đều phụ thuộc vào thân thể như một toàn thể và phải nhượng bộ cho sự toàn thể đó trong trường hợp có xung đột. Do đó, người được trao quyền sử dụng toàn bộ thân thể thì có quyền hy sinh một cơ quan cụ thể, nếu việc duy trì hoặc sự hoạt động của nó gây ra tác hại đáng kể cho toàn bộ thân thể, mà sự tác hại này không thể tránh khỏi bằng cách nào khác.[26]

12. Đức Giáo hoàng Piô XII đặt ra ba điều kiện cần phải đáp ứng để một sự can thiệp y khoa “bao gồm việc cắt bỏ về mặt giải phẫu hoặc chức năng”, được cho phép về luân lý:

Thứ nhất, việc giữ lại hoặc sự hoạt động của một cơ quan cụ thể trong toàn bộ thân thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thân thể hoặc tạo thành một mối đe dọa.

Thứ hai, sự thiệt hại này là không thể tránh được, hoặc ít nhất là giảm đi đáng kể, nếu không bằng cách cắt bỏ đang được đề cập và hiệu quả của việc cắt bỏ được đảm bảo chắc chắn.

Cuối cùng, có thể trông đợi một cách hợp lý rằng tác động tiêu cực, tức là sự cắt bỏ và hậu quả của nó, sẽ được bù đắp bằng tác động tích cực: loại bỏ mối nguy hiểm cho toàn bộ thân thể, giảm bớt đau khổ ...[27]

Những điều kiện này đảm bảo sự tôn trọng đúng đắn đối với trật tự nền tảng của con người. Trong đó các điều kiện xác định rằng sự hy sinh của một phần thân thể tự nó không phải là điều được tìm kiếm, nhưng nó chỉ được chấp nhận khi thực sự là phương sách bất đắc dĩ cần thiết cho lợi ích của cơ thể, khi không có lựa chọn nào khác để đảm bảo lợi ích của toàn bộ thân thể.

NHỮNG CỐ GẮNG THAY ĐỔI TRẬT TỰ NỀN TẢNG CỦA THÂN THỂ CON NGƯỜI

13. Trong khi hai loại can thiệp kỹ thuật nói trên coi trật tự nền tảng của con người như là một trật tự được trao ban và không có ý định thay đổi nó, thì có một loại can thiệp khác coi trật tự này là không thỏa đáng theo một cách nào đó và đề xuất một trật tự đáng ước ao hơn, một trật tự được thiết kế lại. Một số đề xuất về kỹ thuật di truyền thuộc dạng này là: những kỹ thuật không nhằm sửa chữa một số khiếm khuyết, mà là những kỹ thuật thao túng không mang tính điều trị đối với chất liệu di truyền của con người. Bộ Giáo lý Đức tin đã giải thích rằng “các quy trình được sử dụng trên tế bào thân (somatic cells) cho các mục đích nghiêm ngặt điều trị về nguyên tắc là hợp pháp về mặt luân lý” vì các quy trình này “tìm cách khôi phục cấu hình di truyền bình thường của bệnh nhân hoặc để giải quyết thiệt hại gây ra do bất thường di truyền hoặc do những vấn đề liên quan đến các bệnh lý khác.”[28] Ngược lại, kỹ thuật di truyền “cho các mục đích khác ngoài điều trị y khoa” là không được chấp nhận về mặt luân lý.[29] Ở đây, ý hướng là thay thế trật tự tự nhiên bằng thứ được tưởng tượng là một trật tự mới và tốt hơn. Bộ GLĐT cảnh báo rằng “trong nỗ lực tạo ra một kiểu loại người mới, người ta có thể nhận ra một yếu tố mang tính ý thức hệ trong đó con người cố gắng chiếm vị trí của Đấng Tạo Hóa”.[30] Theo cách tương tự, một số đề xuất về “tăng cường điều khiển học” cũng nhằm mục đích tái thiết kế trật tự nền tảng của con người và tạo ra một kiểu loại người mới bằng cách thay thế một số hoặc tất cả [31] cơ quan thân thể bằng các thiết bị nhân tạo. Những loại can thiệp kỹ thuật này, trong hầu hết các trường hợp, hiện đang trong giai đoạn phát triển hoặc đang được xem xét về mặt lý thuyết.

14. Tuy nhiên, vấn đề đang thực hành rộng rãi ngày nay , và đáng quan tâm nhiều, là phạm vi các can thiệp kỹ thuật  được cổ súy bởi số đông trong xã hội chúng ta như là điều trị cho cái gọi là “sự chán ghét giới tính” hoặc “không tương hợp giới tính"[32]. Những can thiệp này liên quan đến việc sử dụng các kỹ thuật phẫu thuật hoặc hóa chất nhằm thay đổi các đặc điểm giới tính của thân thể bệnh nhân thành các đặc điểm của giới tính ngược lại hoặc để mô phỏng chúng. Trong trường hợp các trẻ em, việc thay đổi các đặc điểm giới tính được chuẩn bị bằng cách sử dụng hóa chất ngăn cản dậy thì làm ngưng tiến trình dậy thì tự nhiên và ngăn chặn sự phát triển của một số đặc điểm giới tính ngay từ đầu.

15. Những can thiệp kỹ thuật này không được biện minh về mặt luân lý như là nỗ lực sửa chữa khiếm khuyết trong thân thể hoặc là nỗ lực hy sinh một phần thân thể vì lợi ích của toàn bộ. Trước hết, họ không sửa chữa một khiếm khuyết trong thân thể: không có rối loạn trong thân thể cần được giải quyết; các cơ quan cơ thể là bình thường và khỏe mạnh. Thứ hai, các can thiệp không hy sinh một phần của cơ thể vì lợi ích của toàn thể. Khi một phần của cơ thể được hy sinh một cách hợp pháp vì lợi ích của toàn bộ cơ thể, cho dù bằng cách loại bỏ toàn bộ hoặc tái cấu trúc phần lớn một cơ quan thân thể, việc loại bỏ hoặc tái cấu trúc lại cơ quan thân thể được miễn cưỡng chấp nhận như là cách duy nhất để giải quyết mối đe dọa nghiêm trọng đối với thân thể. Ngược lại, ở đây, việc loại bỏ hoặc tái cấu trúc một bộ phận là được ước ao cho chính nó.[33]

16. Đáng lẽ, thay vì sửa chữa một khiếm khuyết nào đó của thân thể, hoặc hy sinh một bộ phận thân thể vì lợi ích của toàn thân, những can thiệp này nhằm mục đích biến đổi thân thể làm cho nó càng giống hình thể của giới tính ngược lại càng tốt, trái ngược với hình dáng tự nhiên của thân thể. Chúng là những cố gắng thay đổi trật tự nền tảng và mục đích của thân thể, và thay thế nó bằng một thứ gì khác.

17. Có nhiều loại can thiệp được sử dụng cho mục đích này, tương ứng với nhiều phương thức khác nhau mà sự khác biệt giới tính ảnh hưởng đến các bộ phận khác nhau của cơ thể. Hiện nay, không phải tất cả những ai tìm kiếm loại “điều trị” này cũng đều trải qua tất cả các can thiệp hiện có, bởi họ không thể làm thế hoặc họ chọn không làm như vậy vì một số lý do; thay vào đó, họ thường lựa chọn giới hạn một số trong các can thiệp hiện có. Những can thiệp này khác nhau về mức độ tạo ra những thay đổi trong thân thể. Tuy nhiên, chúng đều giống nhau ở cùng một mục đích cơ bản: đó là biến đổi các đặc điểm giới tính của thân thể thành những đặc điểm của giới tính ngược lại.

18. Do đó, những can thiệp như vậy là không tôn trọng trật tự nền tảng của con người như một duy nhất nội tại của thân xác và linh hồn, với một thân thể được phân biệt giới tính. Thân xác là một khía cạnh nền tảng của sự hiện hữu con người, và sự khác biệt về giới tính của thân thể cũng vậy. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công giáo không được thực hiện các can thiệp, dù là phẫu thuật hay hoá chất, nhằm mục đích biến đổi các đặc điểm giới tính của thân thể con người thành các đặc điểm của giới tính ngược lại hoặc tham gia vào việc phát triển các loại quy trình như thế. Họ phải dùng tất cả các nguồn lực thích hợp để giảm bớt sự đau khổ của những người đang chiến đấu với sự không phù hợp về giới tính, nhưng các phương tiện được sử dụng phải tôn trọng trật tự nền tảng của thân thể con người. Chỉ bằng cách sử dụng các phương tiện phù hợp luân lý, các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ mới thể hiện sự tôn trọng đầy đủ đối với phẩm giá của từng con người.

KẾT LUẬN: NHỮNG GIỚI HẠN LUÂN LÝ ĐỐI VỚI VIỆC THAO TÚNG KỸ THUẬT TRÊN THÂN THỂ CON NGƯỜI

19. Việc sử dụng kỹ thuật để thao túng thế giới tự nhiên có một lịch sử bắt nguồn từ việc sử dụng các công cụ thời xưa. Điều khác biệt trong thời đại của chúng ta, đó là những khả năng mở rộng to lớn mà kỹ thuật hiện đại mang lại và sự phát triển nhanh chóng của những khả năng luôn mới mẻ này. Vì ranh giới của những khả năng kỹ thuật tiếp tục mở rộng, điều bắt buộc là phải xác định các tiêu chuẩn luân lý để hướng dẫn việc sử dụng kỹ thuật của chúng ta . Vì phạm vi những gì chúng ta có thể thực hiện luôn mở rộng, chúng ta  phải đặt câu hỏi: điều gì chúng ta nên làm hay không nên làm. Một tiêu chí không thể thiếu trong việc đưa ra quyết định như vậy, là trật tự nền tảng của thế giới thụ tạo. Cách thức chúng ta sử dụng kỹ thuật phải tôn trọng trật tự này.

 

20. Chắc chắn, nhiều người đang chân thành tìm kiếm cách thức đáp trả với các vấn nạn thực tế và sự đau khổ thực sự.[34] Một số cách tiếp cận mà không tôn trọng cái trật tự nền tảng lại tỏ ra cung cấp nhiều giải pháp. Tuy nhiên, việc dựa trên các cách tiếp cận đó để tìm các giải pháp là một sai lầm. Một cách tiếp cận không tôn trọng trật tự nền tảng sẽ không bao giờ thực sự giải quyết vấn đề theo quan điểm; cuối cùng, nó chỉ tạo ra nhiều vấn đề hơn nữa. Truyền thống Hippocrates trong y khoa kêu gọi tất cả các nhân viên y tế, trước hết và trên hết là “không làm hại ai.” Bất kỳ sự can thiệp kỹ thuật mà không phù hợp với trật tự nền tảng của nhân vị là sự duy nhất hồn và xác, bao gồm sự khác nhau về giới tính được ghi khắc trong thân xác, cuối cùng không giúp được gì, nhưng đúng hơn là gây hại cho con người.

 

21. Việc chăm sóc đặc thù nên được áp dụng để bảo vệ cho trẻ em và thanh thiếu niên là những người đang trong giai đoạn trưởng thành và không có khả năng đưa ra sự đồng ý một cách có hiểu biết. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã dạy, cụ thể đối với người trẻ

cần được giúp đỡ để chấp nhận chính thân thể của chúng như nó được tạo dựng, “vì nghĩ rằng chúng ta hưởng thụ quyền lực tuyệt đối trên thân thể của chính chúng ta, thường là một cách tinh tế, biến thành suy nghĩ rằng chúng ta hưởng  thụ quyền lực tuyệt đối trên công trình tạo dựng… Một sự trân quý thân thể của chúng ta, là nam hay nữ cũng cần thiết cho việc tự nhận thức của chính chúng ta trong cuộc gặp gỡ với những người khác với chúng ta. Bằng cách này chúng ta có thể vui tươi đón nhận những món quà đặc biệt của người nam hay người nữ khác, công trình của Thiên Chúa – Đấng Tạo Hóa, và tìm thấy sự phong phú lẫn nhau.”[35]

22. Công cuộc tìm kiếm những giải pháp đối với các vấn đề đau khổ nhân loại phải tiếp tục, nhưng điều ấy nên được hướng tới những giải pháp thực sự thúc đẩy sự triển nở của con người trong sự toàn vẹn thân thể của người nam và nữ. Khi những cách thức điều trị mới được phát triển, chúng cũng nên được đánh giá theo những nguyên tắc luân lý chắc chắn được đặt nền tảng trong thiện ích của con người như là một chủ thể với sự toàn vẹn của riêng mình. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo được mời gọi để đưa ra một mẫu thức thăng tiến sự thiện chân thực của nhân vị. Để hoàn thành nghĩa vụ này, tất cả những ai cộng tác trong sứ vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo phải cố gắng hết sức, sử dụng tất cả các phương tiện phù hợp có được, để cung cấp việc chăm sóc y khoa tốt nhất, cũng như sự đồng hành thương xót của Đức Ki-tô, hướng tới tất cả các bệnh nhân, bất kể họ là ai hoặc họ đang phải chịu đựng trong tình trạng nào. Sứ mạng của những dịch vụ chăm sóc sức khỏe Công Giáo không gì khác hơn là thi hành sứ vụ chữa lành của Chúa Giê-su, đem lại sự chữa lành ở mọi cấp độ, thể lý, tinh thần, và thiêng liêng.[36]

 

Chuyển ngữ: BS Trần Như Ý Lan, Dòng Đức Bà

và học viên lớp Thần II, Học Viện Dòng Tên

 

Committee on Doctrine, United States Conference of Catholic Bishops:

 “Doctrinal Note on the Moral Limits to Technological Manipulation of the Human Body”

20/03/2023


[1] Công đồng Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, s. 36; trong Decrees of the Ecumenical Councils, ed. Norman P. Tanner, S.J. (Washington, D.C.: Georgetown University Press, 1990).

[2] Đức Thánh Cha (ĐTC) Benedict XVI, Thông điệp Caritas in Veritate (2009), s. 48 (https://www.vatican.va/ content/benedict-xvi/en/encyclicals/documents/hf_ben-xvi_enc_20090629_caritas-in-veritate.html).

[4] ĐTC Phanxicô, Laudato Si’, s. 106.

[5] Trong thời Trung cổ và cổ đại, tư tưởng thuyết nhị nguyên một cách đặc trưng diễn tả với các từ linh hồn và thân xác (soul and body); trong tư tưởng hiện đại, nó thường được diễn tả trong các từ tâm trí và thân xác (mind and body).

[6] Giáo lý Hội thánh Công giáo (GLHTCG), s. 365 (https://www.vatican.va/archive/ENG0015/__P1B.HTM): “sự duy nhất hồn và xác sâu xa đến độ linh hồn phải được coi là ‘mô thể’ của thân xác, nghĩa là chính vì linh hồn thiêng liêng mà thân xác, vốn được tạo thành từ vật chất, trở thành một thân xác nhân linh, sống động; tinh thần và thể chất, không phải hai bản tính hiệp nhất, nhưng đúng hơn, sự hiệp nhất của chúng tạo thành một bản tính duy nhất.”

[7] Ủy ban Thần học Quốc tế, Hiệp thông và tính quản lý: Con người được Tạo dựng theo Hình ảnh của Thiên Chúa (2002), s. 26 (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_con_cfaith_doc_20040723_communion-stewardship_en.html).

[8] Những người bị rối loạn phát triển giới tính không nằm ngoài hai loại nam và nữ, nhưng họ có biểu hiện mơ hồ hoặc bất thường về sự khác biệt giới tính, do đó giới tính của cơ thể họ rất khó xác định, mặc dù không phải là không thể đối với y học hiện đại, và các kỹ thuật di truyền.

[9] Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, “Thư gửi các Gia đình”  (1994), s. 6 (https://www.vatican.va/content/john-paul-ii/en/letters/1994/documents/hf_jp-ii_let_02021994_families.html). Xem GLHTCG, số 2333.

[10] GLHTCG, số 369.

[11] Bộ Giáo Lý Đức Tin (GLĐT), Thư về sự hợp tác giữa người nam và người nữ trong Giáo hội và trên thế giới (2004), số. 8 (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20040731_collaboration_en.html); các trích dẫn từ Bộ Giáo dục Công Giáo, Hướng dẫn giáo dục về tình yêu thương con người: Đại cương về giáo dục giới tính (1983), số 5 và tương ứng với số 4.

[12] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia (2016), số 56; trích dẫn từ the Relatio Finalis của Thượng Hội Đồng về Gia Đình (2015), số 8 (https://www.vatican.va/content/francesco/en/apost_exhortations/documents/papa-francesco_esortazione-ap_20160319_amoris-laetitia.html).

[13] ĐTC Phanxicô, Tông Huấn Amoris Laetitia, số 56; trích dẫn từ Relatio Finalis, số 58.

[14] ĐTC Piô XII, “Diễn văn gửi các tham dự viên Hôi nghị quốc tế về Mô bệnh học của hệ thống thần kinh” 14/09/ 1952 (https://www.vatican.va/content/pius-xii/fr/speeches/1952/documents/hf_p-xii_spe_19520914_istopatologia.html). Xem thêm Pius XII “Diễn văn tại Hội nghị lần thứ 8 của Hiệp hội Y khoa thế giới,” 30/09/1954 (https://www.vatican.va/content/pius-xii/fr/speeches/1954/documents/hf_p-xii_spe_19540930_viii-assemblea-medica.html).

[15] ĐTC Piô XII, “Diễn văn” 14 /09/1952.

[16] ĐTC Phanxicô, Laudato Si’, s. 155. Trong cùng đoạn văn, ĐTC Phanxicô trích lại khẳng định của ĐTC Benedict XVI: “Con người cũng có bản tính tự nhiên mà người ấy buộc phải tôn trọng và không thể thao túng theo ý muốn” “Thư gửi Quốc hội liên bang Đức (Bundestag)”, 22/09/ 2011 (https://www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/speeches/2011/september/documents/hf_ben-xvi_spe_20110922_reichstag-berlin.html).

[17] Đôi khi kỹ thuật được sử dụng không phải để mang cơ thể trở lại tình trạng trước đó nhưng là để bù trừ cho vài thiếu sót của sự phát triển bình thường trong cơ thể.

[18] Sử dụng các phương tiện ngoại thường là không bao giờ bắt buộc về mặt luân lý. X. ĐTC Piô XII, “Diễn văn của ĐTC  Piô XII trả lời ba câu hỏi về tính luân lý y khoa liên quan việc hồi sức,” 24/11/ 1957 (https://www.vatican.va/ content/pius-xii/fr/speeches/1957/documents/hf_p-xii_spe_19571124_rianimazione.html); Bộ GLĐT, “Bình luận về việc trả lời một số câu hỏi của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) liên quan đến việc cung cấp dinh dưỡng và nước bằng đường nhân tạo,” 01/08/ 2007 (https://www.vatican.va/roman_ curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20070801_nota-commento_en.html).

[19] USCCB, Chỉ Dẫn Đạo đức và Tôn giáo cho Việc Chăm sóc Sức khỏe Công giáo, ấn bản thứ 6,

 (2018), s. 32 (https://www.usccb.org/about/doctrine/ethical-and-religious-directives/upload/ ethical-religious-directives-catholic-health-service-sixth-edition-2016-06.pdf); X. s. 56. Xem thêm  Bộ GLĐT, “Tuyên ngôn về Gây chết êm dịu”  (1980), Pt. IV (https://www.vatican.va/roman_curia/ congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_19800505_euthanasia_en.html).

[20] USCCB, Chỉ Dẫn Đạo đức và Tôn giáo, s. 32: “…không ai bị đòi buộc phải theo cách thức chữa trị mà người ấy, với một lương tâm tự do và có đủ thông tin, thấy rằng có quá nhiều rủi ro và gánh nặng hoặc chi phí quá tốn kém cho gia đình và cộng đoàn trong khi chỉ có được ít hy vọng về lợi ích mang lại”.

[21] ĐTC Piô XII, “Diễn văn gửi các tham dự viên tại Hội nghị Quốc gia của Hội Phẫu thuật Tạo hình của nước Ý” 04/10/1958, III (https://www.vatican.va/content/pius-xii/it/speeches/1958/documents/hf_p-xii_spe_1958 1004_chirurgia-plastica.html).

[22] ĐTC Piô XII, “Diễn văn  4 /10/ 1958, III.

[23] ĐTC Piô XII, “Diễn Văn,” 4 /10/ 1958, III

[24] ĐTC Piô XII đưa ra vài ví dụ về ý hướng sai trái, như là gia tăng sức quyến rũ của người đó, hay bảo vệ một tội phạm khỏi bị bắt. Ngài cũng cho ví dụ về can thiệp thẩm mỹ không hợp luân lý khi điều này có thể gây tổn hại cho chức năng bình thường của các cơ quan thân thể”  (“Diễn văn,” 4 /10/1958, III).

[25] Đức Piô XI, Thông điệp Casti Connubii (1930), số 71 (https://www.vatican.va/content/pius-xi/en/

encyclicals/documents/hf_p-xi_enc_19301231_casti-connubii.html).

[26] ĐTC Piô XII, “Diễn Văn gửi các Tham dự viên tại Hội nghị lần thứ 26 tổ chức bới Hội Niệu khoa của nước Ý,” 8/10/1953, I (https://www.vatican.va/content/pius-xii/fr/speeches/1953/documents/hf_p-xii_spe_ 19531008_congresso-urologia.html). Xem Thomas Aquinas, Summa theologiae II-II, câu hỏi. 65, a. 1; I-II, câu hỏi. 90, a. 2.

[27] ĐTC Piô XII, “Diễn văn,” 8/10/1953, I.

[28] Bộ GLĐT, Huấn thị về một số vấn đề đạo đức sinh học (Dignitas Personae), (2008), số 26 (https://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/documents/rc_con_cfaith_doc_20081208_dignitas-personae_en.html). Bộ còn nêu thêm các điều kiện là không được đặt bệnh nhân vào tình huống

“những rủi ro đối với sức khỏe hoặc sự toàn vẹn thể lý của họ cách quá mức hoặc không tương xứng với mức độ nghiêm trọng của bệnh lý cần được chữa trị” và phải có sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

[29] Bộ GLĐT, Hướng dẫn về một số vấn đề đạo đức sinh học (Dignitas Personae), số 27.

[30] Bộ GLĐT, Huấn thị về một số vấn đề đạo đức sinh học (Dignitas Personae), số 27.

[31] Một số người thậm chí còn nghĩ tới việc chuyển những gì họ hình dung là bản chất của con người từ bộ não sang máy tính, theo cách ấy họ có thể hoàn toàn bỏ qua sự tồn tại của cơ thể.

[32] Từ ngữ  “chán ghét giới tính” (gender dysphoria)  được giới thiệu năm 2013 trong sách Cẩm Nang Chẩn đoán và thống kê  về các Rối loạn Tâm thần, ấn bản thứ 5,  (Arlington, VA: Hiệp hội Tâm Thần Hoa Kỳ, 2013), tr. 452-53. Từ ngữ  “giới tính không phù hợp” (gender incongruence) được giới thiệu năm 2022 trong Bảng Phân loại Quốc tế các loại bệnh, chỉnh sửa lần thứ 11 phát hành bởi Tổ Chức Y tế thế giới  WHO  (https://icd.who.int/browse11/l-m/en#/http%3a%2f%2fid.who.int% 2ficd%2fentity%2f411470068).

[33] Với vài tiến trình trong phạm vi này, sự cắt bỏ cơ quan được nhắm đến trực tiếp để cho phép sự thay thế nó bằng một sự mô phỏng của cơ quan tương ứng của giới tính ngược lại; trong vài quy trính khác, sự cắt bỏ cơ quan được ước muốn trực tiếp bởi vì sự vắng mặt của cơ quan đó là một đặc tính của giới tính ngược lại. Còn nữa, sự tái cấu trúc hình dạng  của cơ quan được nhắm đến cách trực tiếp để làm cho cơ quan đó giống càng nhiều càng tốt cơ quan tương ứng của giới tính ngược lại.

[34] Đối với những người xác định là chuyển giới (transgender) hoặc chưa xác định giới tính (non-binary), có nhiều vấn đề mục vụ cần được bàn thảo, nhưng điều đó không được nói đến trong tài liệu này.

[35] ĐTC Phanxicô, Tông huấn Amoris Laetitia, số 285; trích dẫn từ Thông điệp Laudato
Si’, số 155.

[36] X. USCCB, Những Hướng dẫn Đạo Đức và Tôn Giáo dành cho các Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Công Giáo, Giới thiệu chung.