02/12/2024
630
Dilexit Nos: Những điểm chính cần biết















 

Dilexit Nos: Những điểm chính cần biết

Tác giả: Pedro Gabriel

Ngày 24 tháng 10 năm 2024, Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành thông điệp thứ tư của ngài, dành để nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu: Dilexit Nos (“Người đã yêu thương chúng ta”).

Sau đây là bài tóm lược các đề tài chính của Thông điệp. Bài này không nhằm thay thế việc đọc toàn bộ tài liệu, đặc biệt bởi vì thông điệp đòi phải suy niệm sâu xa và trọn vẹn, do thông điệp tập trung vào linh đạo và cảnh giác trước một đức tin mang tính quá suy lí.

Tuy nhiên, phần tổng quan này vẫn giúp hiểu các điểm nhấn của Thông điệp và nối kết các điểm ấy với các đề tài lớn khác trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô và giáo huấn của các đức giáo hoàng trước.

Lí do ban hành Thông điệp: Để giải thích tại sao biểu tượng trái tim vẫn cần thiết để diễn tả tình thương của Chúa Giêsu Kitô cho thời nay (DN 2).

Ý nghĩa của “trái tim”: Đưa ra định nghĩa về trái tim là một khó khăn, vì nghĩa của hạn từ này có thể mơ hồ và chỉ những khía cạnh huyền nhiệm nhất và thuộc bên trong bản tính con người (DN 10). Tuy nhiên, có một số phẩm chất cho phép chúng ta khám phá ra ý nghĩa của “trái tim”.

- Trái tim là nơi của ước muốn và là chỗ hình thành các quyết định quan trọng (DN 3): Trái tim nối kết những khía cạnh lí tính và bản năng của người ấy. Các tài năng ở bậc cao và các đam mê, cả hai đều đi qua trái tim.

- Trái tim là cốt lõi nằm ẩn dưới mọi vẻ bề ngoài (DN 4), ngay cả những suy nghĩ hời hợt có thể lừa dối chúng ta.

- Trái tim cũng định vị sự chân thành (DN 5): nó cho thấy những ý định thật sự của ta, vì thế không có chỗ cho sự lừa dối và ngụy trang.

- Trái tim là cư sở của tình thương (DN 21): chính nơi trái tim mà người ta trở nên con người mà họ được nhắm tới, vì mỗi con người được tạo dựng là để yêu thương và được yêu thương.

Vấn đề: Xã hội hiện đại không mấy quan tâm đến trái tim, khiến phải khẩn cấp quay về với tầm quan trọng cần thiết của trái tim:

- Xã hội hiện đại, bị thống lãnh bởi chủ nghĩa tiêu thụ, sự dễ chán ghét và kĩ thuật khiến người ta có nguy cơ đánh mất cốt lõi của mình (DN 9).

- Tuy nhiên, sự hạ thấp trái tim đã xảy ra trước xã hội hiện thời, do bị ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lí tiền Kitô giáo (Hi Lạp), chủ nghĩa duy tâm hậu Kitô giáo và chủ nghĩa tiêu thụ, dưới nhiều hình thức khác nhau. Do khó định nghĩa được trái tim, nên nhiều người, bị ảnh hưởng bởi các triết thuyết ấy, thích đánh giá cao lí trí hoặc ý chí nhiều hơn, bởi những thứ này tạo cảm giác an toàn hơn và dễ kiểm soát hơn (DN 10).

- Ngay cả trong các bản văn Kitô giáo, thần học đã từ lâu xếp thân xác và cảm xúc vào thế giới trước khi có loài người hoặc cấp dưới loài người do ảnh hưởng của triết học Hi Lạp (DN 63).

- Tuy nhiên, việc giảm giá trái tim như thế có thể làm còi cọc trung tâm cá nhân của chúng ta, bởi vì tình thương là thực tại duy nhất có thể thống nhất tất cả những thực tại khác (DN 10).

Trái tim / Tình thương là nguyên lí thống nhất: Trái tim là điều tạo nên sự nối kết.

- Nhờ xoá đi sự phân mảnh do chủ nghĩa cá nhân gây ra, trái tim hoạt động như một phương dược chữa chứng tự yêu mình và tập trung vào mình (DN 17).

- Trái tim là cách duy nhất hoà giải các suy nghĩ và ý muốn khác biệt trong cộng đoàn, giúp các cá nhân có thể đến với nhau như anh chị em. “Trái tim chúng ta, kết hợp với trái tim Chúa Kitô, sẽ có khả năng làm nên kỳ tích xã hội này” (DN 28).

- Trái tim cung cấp một tổng hợp giữa việc biết mình với việc cởi mở cho người khác, cũng như giữa tính độc đáo cá nhân với sự sẵn sàng cho đi bản thân mình (DN 18).

- Trái tim cũng giúp mang lại sự hoà hợp cho lịch sử bản thân bị phân mảnh, bằng cách tạo ý nghĩa cho điều tưởng chừng đã mất đi không thể tìm lại bên trong chúng ta (DN 19).

- Cuối cùng, Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguyên lí thống nhất mọi thực tại, bởi vì “Chúa Kitô là trái tim của thế giới, và mầu nhiệm vượt qua – với cái chết và sự phục sinh của Người – là trung tâm của lịch sử” (DN 31).

Thánh tâm Chúa Giêsu: Dựa trên sứ vụ của Người trên trần gian, Thánh Tâm Chúa Giêsu có các đặc tính sau:

- Gần gũi, thân mật, dễ gặp: Chúa Giêsu để cho mình được các tội nhân và người ở bên lề xã hội đụng chạm tới. Ngay cả khi Người đang chữa lành, Người tiếp cận sát với những kẻ Người chữa lành (DN 34-36).

- Ánh mắt, lòng thương xót: Người nhìn vào đám đông và những kẻ tìm kiếm Người với lòng thương xót (DN 39-41).

- Lời nói, để mời gọi, nhưng cũng đầy cảm xúc: Người nói chuyện với những ai gặp gỡ Người, nhưng những lời ấy không thiếu cảm xúc (DN 43-44).

- Thánh giá: là lời yêu thương hùng hồn nhất của Chúa Giêsu (DN 46).

Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu:

- Trong khi thần học thường loại bỏ tình cảm đến độ có thể không có tính người, thì linh đạo trong thực hành đã giải quyết những gì thần học bỏ lại không giải quyết về mặt lí thuyết (DN 63). Cảm thức của người tín hữu (sensus fidelium) lấp đầy khoảng cách này, tạo nên cơ sở thần học cho lòng tôn sùng Thánh Tâm (DN 154).

- Lòng tôn sùng này không phải là cách duy nhất để gặp được tình thương của Chúa Kitô, nó cũng không thể diễn tả hết được tình thương ấy. Tuy vậy, đây là cách thế đặc thù để gặp thấy và diễn tả tình thương của Người (DN 83).

- Vì là một kiểu tôn sùng riêng tư, các tín hữu không bị bó buộc phải tin. Tuy nhiên, đây là một cách tôn sùng đem lại nhiều ơn ích. Hơn nữa, vì được tập trung vào tình thương của Chúa Giêsu trong đức tin của chúng ta, nên không thể nói sự tôn sùng này vay mượn mặc khải tư (DN 83).

- Đối tượng được thờ phượng là trái tim sống động của Chúa Kitô, chứ không phải hình ảnh đại diện trái tim ấy (DN 50).

- Việc thờ phượng không phải vì chính trái tim ấy; mà nhằm yêu mến Người và để mình được Người thương mến (DN 50).

- Thánh Tâm đã mang lấy xác thể và do đó nói về các thực tại trần thế, vì thế không nên làm cho Trái Tim ấy thành trừu tượng (DN 51).

- Hai khuynh hướng tâm linh cần song hành với nhau: Trái Tim Chúa Giêsu, đồng thời, là nguồn các bí tích và ân sủng (từ cạnh sườn Chúa Giêsu, nước của Thánh Thần tuôn chảy), và cũng là nguồn chiêm ngưỡng đem lại cuộc gặp gỡ riêng tư của tình yêu (hầu việc đón nhận ân sủng không bị xem là một kiểu ma thuật, mà đúng là một tương quan bằng hữu trực tiếp với Người) (DN 96,106,108).

- Ngoài ra, sự tôn sùng này không làm chúng ta sao lãng hay chia cắt chúng ta khỏi Chúa Giêsu và tình thương của Người, nhưng hướng về Người và tình thương ấy (DN 51).

- Sự tôn sùng Thánh Tâm không phải là di tích quá khứ, mà ngày nay vẫn cò giá trị vô song, bởi Thánh Tâm không hề ngưng yêu thương (DN 149).

Chiều kích Ba Ngôi: Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu cũng phải được đọc trong ánh sáng Chúa Ba Ngôi:

1. Chúa Cha:

Thánh Tâm Chúa Giêsu hướng về Abba (lối diễn tả thân mật dành cho “cha”), vì Người thương mến Chúa Cha và ngược lại cũng nhận tình thương của Ngài (DN 72-74).

2. Chúa Con:

- Tôn sùng Thánh Tâm không phải là tôn kính một bộ phận riêng lẻ tách rời Ngôi Vị của Chúa Giêsu, mà là thờ phượng trọn vẹn Chúa Giêsu Kitô, hữu thể sâu thẳm của Người và tình thương của Người, cả nhân tính lẫn thiên tính (DN 48). Việc thờ phượng ngôi vị của Chúa Kitô không bị chia cắt, bao hàm cả thiên tính và nhân tính của Người (DN 68).

- Tình thương của Chúa Kitô không chỉ nói về tình thương của Thiên Chúa, mà cả tình cảm nhân loại (DN 61).

- Chúng ta không dừng lại ở các tình cảm của Chúa Giêsu mà nên chiêm ngắm tình thương vô cùng của Thiên Chúa (DN 65).

- Tình thương của Chúa Giêsu có ba chiều kích (nhắc đến tông thư Haurietis Aquas [HA] của Đức Piô XII, cũng nói về Thánh Tâm Chúa Giêsu).

- Trái tim ấy là biểu trưng của tình yêu thần linh mà Người có chung với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần (HA 55).

- Trái Tim ấy là biểu trưng của tình thương nồng cháy thấm đẫm trong hồn Người, làm cho ý chí nhân loại của Chúa Kitô nên phong phú (HA 56).

- Nó cũng là biểu trưng cho tình yêu khả giác, bởi thân xác của Chúa Giêsu Kitô, do Chúa Thánh Thần tạo nên trong lòng Trinh Nữ Maria, có đầy đủ sức mạnh của tình cảm và nhận thức.

- Ba tình thương này không chia cắt nhưng hoạt động đồng thời với nhau (DN 66).

3. Chúa Thánh Thần:

- Trái tim Chúa Giêsu là “kiệt tác của Chúa Thánh Thần”, vì lửa Thánh Thần tràn ngập Trái Tim Chúa Giêsu và lôi kéo Người đến với Chúa Cha (DN 75).

- Chúa Thánh Thần cũng hoạt động trong chúng ta, khiến chúng ta cũng kêu lên Abba (Cha ơi) (DN 76).

- Do đó, Chúa Giêsu không muốn chúng ta chỉ ở lại trong Người, mà còn, nhờ Chúa Thánh Thần thúc đẩy, chúng ta làm cho Chúa Cha được tôn vinh “nhờ Người, với Người và trong Người” (DN 77).

Trái tim của Mẹ Maria:

- Đức Mẹ là gương mẫu, vì Mẹ luôn suy đi nghĩ lại mọi sự trong lòng (DN 19).

- Lòng sùng kính Trái Tim Đức Mẹ không làm giảm việc thờ phượng chỉ dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu, mà lại còn làm gia tăng sự thờ phượng ấy (DN 176).

Những đóng góp cho sự phát triển lòng tôn sùng Thánh Tâm trong lịch sử:

a) Các Giáo hoàng:

- Các Giáo hoàng trước Công đồng: DN 79.

- Thánh Gioan Phaolô II: DN 75, 77, 80, 101, 147, 149.

- Bênêđictô XVI: DN 81.

b) Các Thánh:

- Các Giáo phụ: DN 62.

- Các thánh nữ thời trung cổ: DN 110.

- Thánh Ignatiô Loyola: DN 24, 145.

- Những lần hiện ra với thánh Margarita Maria Alacoque: DN 119-124.

- Thánh Claude de la Colombière: DN 125-128.

- Thánh Charles de Foucauld: DN 130-132.

- Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: DN 133-142, 195-199.

Những cạm bẫy tiềm tàng:

Đức Phanxicô cảnh giác chúng ta rằng khi “trở lại với trái tim” phải tránh một số sai lầm mà ngài vẫn nhắc nhở trong suốt triều giáo hoàng của ngài, đó là thuyết tân ngộ đạo và tân Pêlagiô (xin xem tông huấn Hãy vui mừng hoan hỉ - GE 36-62).

- Quá dựa vào trí năng có thể dẫn tới thuyết Tân ngộ đạo, còn quá dựa vào ý chí dẫn tới thuyết Tân Pêlagiô. Chúng ta phải ý thức điều này, bởi vì, như chúng ta đã thấy, xã hội đương đại, các triết thuyết ngoài Kitô giáo, và thậm chí thần học Kitô giáo dường như nghiêng về trí năng và ý chí đến độ làm tổn hại trái tim.

- Trở lại với trái tim không có nghĩa là cậy dựa quá mức vào các khả năng riêng của chúng ta. Trái tim tự nó không đủ, mà còn mong manh và bị tổn thương nữa. Trái tim đã có phẩm giá, những cũng phải cố gắng sống một cuộc đời có phẩm giá hơn nữa (DN 30).

- Để sống xứng hợp với phẩm giá của trái tim, việc biết Phúc Âm mà thôi (Tân ngộ đạo) hoặc thực thi cách máy móc các đòi hỏi của Phúc Âm (Tân Pêlagiô) vẫn chưa đủ. Thay vào đó, chúng ta cần tình thương của Thiên Chúa trợ giúp (DN 30).

- “Suy nghĩ và ý chí phải được đặt dưới ‘quy tắc quản trị’ của trái tim” (DN 13).

- Ví dụ, đỉnh cao của linh đạo I-Nhã là dâng hiến trí hiểu và ý chí của mình cho Thánh Tâm, nguồn mọi sự tốt lành (DN 145).

i) Thuyết Tân ngộ đạo: là “một đức tin hoàn toàn chủ quan, chỉ bận tâm đến một kinh nghiệm nào đó hoặc một tập hợp các lập luận và tri thức được cho là có khả năng đem lại an ủi và soi sáng, nhưng rốt cuộc chỉ giam hãm con người trong nội tại những lý lẽ hay tình cảm của mình mà thôi” (GE 36).

- Đức tin nằm trong trí năng, nhưng nhằm tạo nên tình cảm. Sự hiểu biết tình thương của Chúa Giêsu không dừng lại ở kiến thức mà phải trở thành tình thương (DN 26).

- Lạc giáo Giansenit trong lịch sử đã chống lại lòng tôn sùng Thánh Tâm, bởi vì nó là một hình thức linh đạo nghiêm khắc và phi xác thể, không lưu tâm gì đến lòng thương xót của Chúa (DN 80). Đức Phanxicô cảnh giác về thuyết Giansenit hiện đại và xem nó là một thuyết ngộ đạo bùng nổ trở lại (DN 87).

ii) Tân Pêlagiô: “chỉ tin vào năng lực của bản thân và coi mình hơn những người khác, bởi vì họ chu toàn một số quy luật hoặc kiên định trung thành với một lối sống Công giáo nào đó” (GE 49).

- Tình cảm của chúng ta, vốn bị khống chế bởi những lạc thú, vẫn có thể được biến đổi và giải thoát, không phải bằng sự tuân theo cách mù quáng một lệnh truyền, mà là bằng cách đáp lại tình yêu tuyệt vời của Chúa Kitô (DN 177).

- Thậm chí khi tôn sùng Thánh Tâm, chúng ta cũng tránh tập trung quá vào việc tích luỹ các hi sinh và việc thiện. Đúng hơn, chúng ta được mời gọi nhận biết rằng tín thác vào Chúa là lễ vật làm vui lòng Người nhất (DN 138).

- Không phải là làm nhiều hay cho đi nhiều, mà là biết cách đón nhận từ nơi Chúa (DN 139).

iii) Các cạm bẫy khác:

- Rủi thay, “trái tim” và “tình thương” không phải lúc nào cũng đi với nhau, bởi vì sự ghen ghétthờ ơ cũng có thể ngự trị trong trái tim (DN 59).

- Mỗi người chúng ta cần thay đổi trái tim vì những sự mất cân bằng đang ảnh hưởng đến thế giới hôm nay thực ra là triệu chứng của sự mất cân bằng sâu xa hơn bắt nguồn từ trái tim con người (DN 29).

Các tín hữu đáp lại tình thương của Thánh Tâm bằng cách nào?: Lòng tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu đòi các tín hữu đáp trả bằng ba cách: (1) thống hối; (2) đền bù; (3) sứ vụ.

1) Thống hối:

- Ao ước an ủi Chúa Kitô chịu đau khổ là điều tự nhiên. Từ đây nổi lên câu hỏi làm sao để an ủi Người, khi Người đã ở trong vinh quang. Nhưng hỏi như vậy là không hiểu tình thương (DN 155). Hơn nữa, không thể nào chia cắt quá khứ khỏi hiện tại (DN 156).

- Chúa Giêsu khao khát tình thương của chúng ta nhưng, theo như một lần hiện ra với thánh Margaritta Alacoque, Người buồn vì Người không nhận được gì ngoại trừ sự  hững hờ (DN 165-166).

- Khi đau buồn do chiêm ngắm những điều Chúa Giêsu đã chịu đựng vì chúng ta, chúng ta nhận biết tội lỗi mình (DN 158).

- Thống hối không phải là cảm giác tội lỗi hay tự thương hại mình, mà là một kinh nghiệm có sức thanh tẩy trong đó chúng ta mở lòng ra trước các hoạt động của Chúa Thánh Thần (DN 158. Nó không phải là nguyên do để gây lo lắng, mà là sự chữa lành cho linh hồn (DN 161).

- Sau khi được an ủi, chúng ta được kêu gọi ra đi và an ủi người khác (DN 163). Giống như Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trở thành nguồn nước hằng sống, trái tim của chúng ta cũng thế, nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành nguồn giải khát cho tha nhân (DN 174).

- Sự thống hối biến đổi tình cảm của chúng ta từ tức giận và trách móc những sai hỏng của anh chị em mình sang biết khóc vì tội lỗi của họ. Có một sự đảo ngược, trong đó khuynh hướng tự nhiên là nhân nhượng bản thân và cứng cỏi với người khác sẽ bị đảo ngược, để nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta trở nên nghiêm khắc với bản thân và biết xót thương người khác (DN 190).

2) Đền bù:

- Đền bù cho Thánh Tâm có nghĩa là cộng tác với Người khôi phục lại sự tốt lành cho thế giới, xây dựng nền văn minh tình thương là nước của Người (DN 182).

- Chúng ta phải ý thức rằng mọi tội lỗi, đặc biệt những tội hại đến người thân cận, đều ảnh hưởng đến Hội Thánh và cả xã hội, là tội xã hội (DN 183). Xin xem quan niệm của thánh Gioan Phaolô II về “cơ cấu tội lỗi” trong Sollicitudo Rei Socialis (Quan tâm đến vấn đề xã hội) số 36[1].

- Sự hoán cải con tim và đáp lại tình thương của Chúa Giêsu đặt ra một bổn phận phải cố gắng sửa đổi các cơ cấu tội lỗi đó (DN 183).

- Đền bù bên ngoài thôi thì không đủ. Đền bù đòi chúng ta sửa lại trái tim bị tổn thương của chính mình (DN 185).

- Cũng vậy, chỉ có ý định tốt thôi thì không đủ. Sự biến đổi nội giới phải được diễn tả ra bằng hành động bên ngoài (DN 187).

- Một phần của tinh thần đền bù là xin tha thứ, nhờ đó chữa lành các tương quan, mở lại cuộc đối thoại và tái lập các mối giây bác ái (DN 189).

- Vì Chúa Giêsu tôn trọng ý chí tự do của chúng ta, Người tự hạn chế tình thương của Người trên trần gian này để chúng ta được tự do cộng tác. Do đó, đền bù cũng có thể có nghĩa là cất đi cản trở chúng ta đặt phía trước hướng mở rộng tình thương của Chúa Kitô trên thế giới do chúng ta thiếu tin tưởng, lòng biết ơn và hi sinh bản thân (DN 195).

- Mặc dù sự đền bù đòi phải mong muốn bồi thường những xúc phạm đã gây ra cho Chúa Giêsu (DN 200), nhưng không nên xem nó là cách chủ yếu để thoả mãn công lí của Thiên Chúa. Đúng ra, sự đền bù chính yếu được xem là việc để cho tình thương của Chúa Giêsu được trải rộng cách tự do (DN 195). Hành động dâng hiến của thánh Têrêsa không phải dâng hiến cho công lí, mà cho tình yêu thương xót của Người (DN 198).

3) Sứ vụ:

- Tình thương của chúng ta dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu phải mang chiều kích truyền giáo (DN 205).

- Lòng tôn sùng này không phải là nơi ẩn náu cho các tư tưởng đạo đức, để người ta chỉ hài lòng với một cảm nghiệm đạo đức riêng tư mà bỏ qua những hệ quả của lòng tôn sùng này đối với xã hội (DN 205).

- Mặt khác, chúng ta không được làm lu mờ cảm hứng tôn giáo nơi các công việc của chúng ta do lòng tôn sùng này gợi lên (DN 205).

- Chúng ta không được nghĩ sứ vụ là một cái gì chỉ liên quan với Chúa Giêsu và chúng ta. Sứ vụ phải được kinh nghiệm trong cộng đoàn (DN 212).

- Tình thương của Thánh Tâm lan rộng qua tầm truyền giáo của Hội Thánh (DN 207).

- Sứ vụ cần các nhà truyền giáo biết ở lại trong tình thương với Chúa Kitô và ước muốn chia sẻ tình thương ấy (DN 209).

- Đây không phải là chiêu dụ tín đồ, bởi vì những người đang yêu không đặt ra đòi hỏi hay bó buộc, mà với sự tôn trọng tự do và phẩm giá của người khác, thương yêu chờ đợi họ hỏi về tình thương đã khiến đời sống của mình tràn ngập niềm vui, làm cho người khác kinh ngạc trước tình thương như thế (DN 210).

- Ai không thi hành sứ vụ của mình trên trần gian sẽ không tìm thấy hạnh phúc, vì thế chúng ta phải mở ra, rời bỏ vùng yên ổn của mình mà đi truyền giáo, theo cách riêng của mỗi người (DN 215).

Nguồn: wherepeteris.com

Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo


[1] “Vì vậy phải nhấn mạnh rằng một thế giới bị chia cắt thành khối, bị chi phối bởi những ý thức hệ cứng ngắc với những hình thức đế quốc khác nhau, thay vì tương tùy và liên đới, thì chỉ có thể là một thế giới bị các “cơ cấu tội lỗi” thống trị. Tất cả các yếu tố tiêu cực đã đi ngược với ý thức đích thực về lợi ích chung của nhân loại, và về bổn phận cổ võ ích chung đó, những yếu tố này đã tạo nên nơi người ta, cá nhân cũng như các định chế – cái cảm tưởng như thể chúng là những trở ngại mà mới nhìn thì thấy rất khó vượt qua.

Nếu tình trạng hiện nay phát xuất từ nhiều khó khăn khác nhau, thì không phải vô ích nếu nói tới những “cơ cấu tội lỗi”, những cơ cấu này, như tôi đã cho thấy trong Tông Huấn “Hòa giải và Sám hối” (Reconciliatio et Penitentia), bắt nguồn từ tội cá nhân, và do đó luôn luôn được liên kết với những hành vi cụ thể của những con người làm nẩy sinh ra chúng, củng cố chúng và gây trở ngại cho việc diệt trừ chúng. Như vậy, những cơ cấu ấy củng cố lẫn nhau, lan tràn ra và trở thành nguồn gốc của những tội khác và chúng chi phối cách sống của con người.

“Tội” và “cơ cấu tội lỗi” là những phạm trù ít được áp dụng vào tình trạng thế giới hiện nay. Tuy nhiên, không dễ mà hiểu được cách thật sâu sắc cái thực tại xuất hiện dưới mắt chúng ta, nếu không vạch rõ gốc rễ những tai họa đang tác hại nơi chúng ta […]”.