
Để chia sẻ đức tin
Tác giả: Đức Cha Robert Barron
Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Lê Tấn Bảo
HỎI: Hôm nay chúng ta nói về bảy phẩm chất của một nhà truyền giáo mới. Chúng ta hãy bắt đầu với phẩm chất thứ nhất. Phẩm chất thứ nhất là người loan báo Tin Mừng ngày nay cần có lòng mến Chúa Giêsu Kitô.
ĐỨC CHA BARRON: Đúng vậy, quan trọng là hiểu việc loan báo Tin Mừng lớn hơn việc chia sẻ thông tin nhiều. Dù bạn không thể nào bắt lỗi tôi hạ giá đời sống trí thức của Hội Thánh, nhưng phẩm chất trước hết và trên hết của một nhà truyền giáo có liên quan tới tình bằng hữu. Một nhà truyền giáo phải có tình bạn với Con Thiên Chúa. Nếu bạn không có tình bạn ấy bạn không thể chia sẻ tình bạn đó được. Có thể bạn có đầy đủ các loại thông tin. Có thể bạn sắc sảo về thần học nhưng điều bạn cần chia sẻ cuối cùng không phải là thông tin mà là một tình bằng hữu. “Ở đây có người tôi muốn bạn gặp. Đây là người tôi biết, thật vậy đấy, tình bạn này là tương quan quan trọng nhất trong đời tôi và tôi cũng muốn bạn chia sớt tình bạn ấy”.
Tôi muốn bạn gặp Chúa Giêsu. Nemo dat quod non habet là một châm ngôn có nghĩa là: “Không ai có thể cho cái mình không có”. Nếu bạn, chính bản thân bạn, không có tình bạn với Chúa, bạn không thể chia sớt tình bạn ấy với ai khác. Thần học có phần trong tình bạn ấy, cũng như phụng vụ, cầu nguyện, v.v, nhưng cuối cùng tất cả đều đóng góp cho một tình bạn. Truyền giáo là chia sẻ tình bạn đó. Sau khi dùng mọi phương thế có thể, nhưng cuối cùng phải đi đến một tương quan. Nếu bạn không có tương quan ấy, bạn không thể cho đi được: đó là lí do mà tôi nghĩ nó là phẩm chất quan trọng nhất.
HỎI: Đây có lẽ là câu hỏi cơ bản nhưng rất thiết yếu; chúng ta làm cách nào để vun đắp tình bạn với Chúa Giêsu Kitô?
ĐỨC CHA BARRON: Tình bạn đó có được nhờ vào Hội Thánh. Ngày nay, Chúa có thể tạo nên tình bạn bằng bất cứ cách nào Người muốn nhưng tôi nghĩ, theo nhãn quan Công giáo, phương tiện thông thường là Hội Thánh. Tình bạn ấy có được nhờ phụng vụ, nhờ Thánh Lễ, nhờ các bí tích. Tình bạn đó có được qua cầu nguyện; qua chứng từ của các Kitô hữu khác. Tình bạn ấy có được qua sự hướng dẫn đời sống. Nó đến qua việc sửa lỗi. Bạn hãy nghĩ đến tất cả các cách bạn phát triển một tình bạn với cha mẹ của mình, với các thành viên gia đình, với trẻ em ở trường học. Bạn làm cách nào để biết một người nào đó?
Hội Thánh ngày nay biết được Chúa Giêsu qua tất cả phương tiện chúng ta đã nhận được qua Hội Thánh suốt hàng thế kỉ. Hội Thánh là Thân Mình mầu nhiệm của Chúa Giêsu và ta biết được một người qua thân xác của người ấy, cũng như bây giờ bạn không biết tôi nếu tôi không có thân xác. Bạn biết tôi vì có sự hiện diện của tôi, nhờ giọng nói truyền tải những xác tín sâu xa nhất của tôi, v.v. Chúng ta không biết Chúa Kitô nếu không có Hội Thánh. Tất cả các phương tiện này đến từ Thân Mình mầu nhiệm ấy, đó là cách chúng ta biết Chúa Giêsu.
HỎI: Vậy, chìa khoá đầu tiên để chia sẻ Chúa Kitô một cách hiệu quả là biết Người, làm bạn với Người. Phẩm chất thứ hai mà Đức Cha nhấn mạnh là người loan báo Tin Mừng ngay nay phải là một người có nhiệt huyết. Qua đó Đức Cha muốn nói lên điều gì?
ĐỨC CHA BARRON: Triết gia Hi Lạp Aristote nói người ta chỉ lắng nghe người nào nói cách hào hứng. Đó là một trong những nét quan trọng nhất đối với người tham gia truyền thông. Cái gì khiến chúng ta ngồi thẳng lưng mà nghe? Nếu người ấy hứng thú về điều anh ta đang chia sẻ thì không có nghĩa là anh đang đóng kịch và không nhất thiết phải múa tay múa chân, nhưng bạn có thể cảm nhận không chỉ là anh ta tin điều mình nói, mà anh còn lấy làm thú vị nữa. Anh ấy muốn tôi biết bởi vì anh nghĩ tôi cũng được hưởng lợi từ điều ấy.
Tôi hay nhắc tới văn hoá quảng cáo, khi có người quảng cáo thứ gì đó cũ rích như một cái máy tập thể dục mới. Anh ta hết sức nhiệt tình đến độ bạn cũng tự nhủ: “OK, tôi cũng sẽ mua cái máy đó!”. Chẳng lạ sao khi chúng ta có thể lấy làm hứng thú đối với một cái máy tập thể dục vớ vẩn hơn cả Chúa Giêsu Kitô và sự sống đời đời. Nếu bạn giảng cách buồn ngủ ở toà giảng, thì bạn không loan báo được gì nhiều. Nếu bạn nói về Chúa Kitô một cách lung tung, như thể bạn có khả năng khơi lên mọi thứ năng lực, thì sẽ không gây hứng thú cho ai khác. Bạn cần lửa, hăng hái, năng lượng và nhiệt tâm. Và bạn cần cho người ta thấy được điều đó. Nếu họ không thấy, có lẽ bạn sẽ không truyền giáo hiệu quả.
HỎI: Thế còn lằn ranh cân bằng giữa việc tràn đầy nhiệt tình với sự quá hăng hái. Con biết nhiều người Công giáo lo lắng về điều đó. “Tôi không muốn làm phiền người ta. Tôi không muốn tiếp tục một cách quá sức”. Đức Cha đặt lằn ranh đó ở đâu?
ĐỨC CHA BARRON: Có một lằn ranh. Anh nói đúng. Đây là vấn đề cần sự phán đoán khôn ngoan nhưng tôi muốn nói điều này dựa theo kinh nghiệm sống của tôi, tôi nghĩ chúng ta quá phóng đại khi nói rằng: “Thế bạn quyết định ra sao. Tôi là ai lại đi nói với bạn phải làm gì? Tôi sẽ không mang đức tin của mình trên cánh tay áo”, và những lời giống như vậy. Tôi nghĩ một chút nhiệt tình, thậm chí hơi nhiều một chút, thì không phải là xấu. Tôi thích những người Công giáo tỏ nhiệt tâm và hăng hái ra cách rõ ràng và công khai hơn một chút mà không xấu hổ vì điều đó. Tôi nghĩ chúng ta có thể học nhiều nơi các người tin lành không sợ tỏ nhiệt tâm của mình đối với Chúa ra ngoài. Vâng, đó là lằn ranh. Bạn có thể vượt quá lằn ranh đó. Nhưng ở đây, tôi muốn nói chỉ cần đạt đến đó, bởi vì tôi nghĩ đã quá lâu rồi chúng ta đánh giá thấp điều đó. Tôi muốn nói hãy để lửa bừng lên.
HỎI: Phẩm chất đầu tiên của nhà truyền giáo ngày nay là họ phải có tình mến đối với Chúa Giêsu Kitô. Phẩm chất thứ hai là họ cần một người nhiệt thành. Phẩm chất thứ ba là họ phải biết câu chuyện vĩ đại hay như Đức Cha trước đây thường gọi là lịch sử Israel. Xin nói cho chúng con về câu chuyện đó.
ĐỨC CHA BARRON: Câu chuyện đó rất đỗi quan trọng. Việc truyền giáo thật sự có nghĩa là loan báo Chúa Giêsu là chóp đỉnh của lịch sử vĩ đại đó. Nếu bạn không biết câu chuyện đó, Chúa sẽ bị hạ xuống thành một bậc thầy tôn giáo, một gương mẫu luân lí khôn ngoan, xem ra thì vẫn tốt. Có một phần chân lí trong đó nhưng bạn sẽ không có được sự đam mê, không có được toàn bộ chân lí. Đây, sự đam mê hay nhiệt huyết bốc lên nhờ biết lịch sử vĩ đại của Israel đã đạt đến đỉnh điểm. Lịch sử Israel là gì? Hãy nhìn vào Kinh Thánh. Lịch sử ấy bắt đầu với việc sáng tạo, Thiên Chúa làm nên một thế giới tốt lành. Rồi do con người sa ngã, tội lỗi đã xâm nhập thế gian. Tội làm tổn thương bản tính nhân loại của chúng ta. Bằng nhiều cách nó đã làm tổn hại thế giới. Chỉ cần xem chương trình Tin tức là bạn sẽ hiểu tôi đang nói gì.
Tội lỗi làm tổn hại vẻ đẹp và tình trạng nguyên tuyền nơi những sự Thiên Chúa đã sáng tạo. Biết được hai điều ấy là rất cần thiết. nếu bạn hiểu sai điều này hay điều kia, thì cả lịch sử đi lệch khỏi đường. Rồi, Thiên Chúa đáp ứng thế nào? Cách Ngài đáp ứng là huấn luyện một dân tộc, đó là dân Israel. Một dân tộc được nắn đúc theo tâm trí của chính Ngài để nghĩ như Ngài nghĩ, muốn điều Ngài muốn, biết cách thờ phượng Ngài, đi đúng đường lối của Ngài. Đâu là ý nghĩa của dân Israel? Dân này có ý nghĩa khi hướng tới mục đích hình thành một dân tộc thật hấp dẫn trong cách suy nghĩ, ước muốn và thờ phượng đến độ lôi kéo được cả thế giới. Bằng cách đó Israel sẽ thành cục nam châm lôi cuốn cả thế giới trở về với Thiên Chúa.
Bây giờ, xin đọc lịch sử Israel trong Kinh Thánh. Bạn nghe được gì? Bạn nghe được tất cả những sự ấy. Bạn nghe thấy mục đích, lí do dành cho Israel, nhưng bạn cũng thấy Israel sa ngã. Hết lần này đến lần khác, các ngôn sứ phải kêu gọi Israel trở về. Họ được ban lề luật nhưng họ không theo lề luật. Họ được dạy cách thờ phượng Thiên Chúa nhưng lại thờ các thần giả tạo, vân vân và vân vân. Israel cứ liên tục sa ngã. Các đại ngôn sứ, thầy chiêm và tổ phụ của họ bắt đầu mơ về một Đấng Mêsia, một Đấng được xức dầu, một Đavid mới sẽ là Israel ở mức tốt nhất, Đấng sẽ là Giavê trung tín gặp gỡ Israel trung tín. Tột đỉnh của lịch sử này – mà bạn nghe được trong từng trang Tân Ước – là Người đã đến. Chóp đỉnh đó đã xuất hiện.
Chóp đỉnh đó đã xảy ra, Đấng Mêsia được mong đợi từ lâu đã đến. Người đã dạy dỗ Israel vì Người đi đúng đường lối của Giavê. Người là sự thờ phượng đúng nghĩa. Người thanh tẩy Đền thờ. Người đối đầu với các kẻ thù của Israel. Bằng cách nào? Bằng cách chịu đau khổ trên thập giá. Giavê trung tín và Israel trung tín thật sự đã gặp nhau và bây giờ nơi sự phục sinh của Đấng Mêsia, của Chúa Giêsu từ cõi chết, chúng ta nhìn thấy chiến thắng vĩ đại đó. Chúng ta thấy sự hoà giải giữa Thiên Chúa và con người. Trong sự phục sinh họ thấy lịch sử ấy đã đạt đến đỉnh điểm và bây giờ hãy nhìn một con người như Phaolô, một người Israel trung tín biết lịch sử ấy, biết niềm mong đợi ấy, khi ngài gặp Chúa Giêsu Phục sinh đã nhận ra chóp đỉnh ấy đã xảy ra. Tôi muốn cả thế giới biết về điều ấy.
Vì thế, Phaolô đi khắp thế giới nói rằng: “Iesous Kurios, Đức Giêsu là Chúa. Người là vua”. Đó là loan báo Tin Mừng. Chứ không phải: “Vị này có nhiều ý tưởng tôn giáo hay, hoặc ông dạy chúng ta cách làm người tốt”. Ý của tôi là nói như vậy thì đúng nhưng vô vị. Truyền giáo là công bố Tin Mừng rằng lịch sử Israel đã đạt đến chóp đỉnh và bây giờ, giờ này đây, chúng ta đều có phần trong đó. Tất cả chúng ta đều được thu hút vào trong đó. Đến đi, xin trở thành một thành viên trong cộng đoàn của Người, trong Thân Mình Mầu Nhiệm của Người, tức là Hội Thánh. Đó là lí do tại sao hiểu biết lịch sử ấy lại quan trọng đến thế, không thể thiếu được.
Cũng như nếu người ta chỉ đọc cho bạn nghe chương cuối cùng của truyện Chúa tể các chiếc nhẫn [The Lord of the Rings của J. R. R. Tolkien]. Bạn không biết được câu chuyện, bạn chưa bao giờ đọc, bạn chưa bao giờ nghe mà bạn chỉ đọc chương cuối cùng. Rồi bạn nhận xét: “Ô, tôi nghĩ chuyện hay. Nhưng dù sao tôi không biết từng phần chuyện ấy muốn nói gì”. Hãy kể toàn bộ câu chuyện và rồi bạn thấy làm sao Frodo có khả năng đến được ngọn núi nằm giữa vùng đất xấu xa, Mordor. Anh có khả năng làm cho chiếc nhẫn bị quẳng vào nơi đã làm ra nó. Nếu bạn không biết câu chuyện ấy bạn sẽ hỏi: “Vậy thì sao?”. Còn khi bạn biết câu chuyện, bạn thấy mọi sự đều được giải quyết. Mọi sự được đưa đến chỗ hoàn tất. Đó là lí do việc biết Kinh Thánh, biết Israel là điều không thể thiếu cho việc loan báo Tin Mừng.
HỎI: Tự bản chất việc đọc Kinh Thánh là cách tốt nhất để làm quen với lịch sử Israel nhưng Đức Cha còn đề nghị cách nào khác để biết về lịch sử vĩ đại ấy nhiều hơn không?
ĐỨC CHA BARRON: Ngày nay có nhiều điều hay cho bạn biết thời gian biểu, cho bạn cái nhìn tổng thể câu chuyện Kinh Thánh. Tôi muốn nói: “Hãy ngồi xuống đọc từ sách Sáng thế đến sách Khải huyền”, nhưng có nhiều thứ giúp ta hiểu xuyên suốt bản văn. Scott Hahn cũng như Jeff Cavins đã có những bài chú giải rất tốt. Hãy đọc một tác giả như N. T. Wright, hãy đọc Matthew Levering, hai người này đã nối kết lịch sử đó với hình thức căn bản. Tôi nghĩ đó là một cách thật sự tốt, nhưng cuối cùng, vâng, hãy đọc ngay bản văn Kinh Thánh. Cũng vậy, khi bạn hiểu được đường nét cơ bản, thì Thánh Lễ bắt đầu mở ra cho bạn bởi vì chúng ta đọc các bài đọc trong Thánh Lễ. Phần đông người Công giáo hỏi: “Ngôn sứ Isaia có liên hệ gì với Chúa Giêsu? Làm sao tôi nối kết được bài đọc 1 với bài Tin Mừng?”. Tôi muốn nói rằng hãy bắt đầu với một trong những sách khái quát về Kinh Thánh và sau đó thật sự chú ý khi dự Lễ. Cuối cùng, được lôi kéo vào mọi chi tiết và tính năng động của câu chuyện Kinh Thánh.
HỎI: Sự hiểu biết lịch sử Israel là chìa khoá thứ ba để trở thành một người loan báo Tin Mừng ngày nay. Chìa khoá thứ tư là hiểu biết nền văn hoá. Biết Kinh Thánh hay giáo huấn của Hội Thánh chưa đủ sao, tại sao chúng ta cũng phải đặt ngón tay cảm nhận nhịp đập của nền văn hoá?
ĐỨC CHA BARRON: Chúng ta hãy trở lại hình ảnh vĩ đại của Karl Barth về người rao giảng. Barth nói người rao giảng phải một tay cầm cuốn Kinh Thánh và tay kia cầm tờ báo: ý là phải kéo thế giới vào trong lịch sử Israel. Bạn phải biết lịch sử Israel nhưng cũng phải biết những sự đang xảy ra ngày nay. Sự gì đang xảy ra ngày nay? Cái gì đang ngăn cản người ta đi vào lịch sử đó? Các cơ hội nằm ở đâu? Đâu là âm vang của Kinh Thánh trong văn hoá ngày nay? Nếu bạn không làm điều này, bạn đưa ra câu trả lời nhưng bạn không khơi lên được vấn đề. Có rất nhiều vấn đề ẩn tàng trong văn hoá ngày nay. Những vấn đề đó là gì? Đâu là những khao khát trong tâm hồn con người? Đâu là những căng thẳng chưa giải quyết ngày nay? Rồi nếu tôi có thể gắn kết các vấn đề ấy với các câu trả lời trong Kinh Thánh, bấy giờ, tôi đã thật sự bắt đầu rao giảng hay truyền giáo. Đó là lí do tôi làm nhiều tác phẩm bằng phim ảnh, sách vỡ và các trào lưu đang diễn ra trong nền văn hoá phổ thông và nền văn hoá cao, bởi vì không thể bỏ qua công việc gắn kết vấn đề và giải pháp.
HỎI: Con nghĩ nhiều người nhìn vào nền văn hoá, cách riêng vào thế giới phim ảnh, và con nghĩ nó hoàn toàn xấu, chúng ta cần phản bác nó, nó hoàn toàn đi ngược với Kitô giáo. Như Đức Cha nói, Đức cha dành nhiều thời gian tìm kiếm cái gọi là “các hạt giống lời Chúa” trong các bộ phim này, và Đức Cha đã nói rằng chủ nghĩa tục hoá (một ý thức hệ xấu tự bản chất) có thể là cơ hội bởi vì nó tạo ra nhiều người khao khát Tin Mừng. Nó chuẩn bị họ có được cái nhìn hướng về Kitô giáo. Chuyến viếng thăm của thánh Phaolô ở đồi Arêôpagô là nơi đức tin và văn hoá lần đầu lâm vào cảnh căng thẳng. Xin nói về cảnh Kinh Thánh nổi tiếng đó.
ĐỨC CHA BARRON: Một trong những đoạn nổi bật trong sách Công vụ Tông đồ là khi Phaolô đến thủ phủ văn hoá của thời đại là Athens. Arêôpagô là quả đồi đá này. Ngay dưới Acropolis, đền thờ Parthenon vĩ đại, ngài đối mặt với trung tâm tri thức, tôn giáo và văn hoá của nền văn hoá cao thời ấy. Phaolô đi thẳng vào trong đó. Trước hết ngài thường xuyên đi đến các hội đường vì ngài cho rằng người Dothái có cơ hội tốt hơn để hiểu lịch sử vĩ đại này. Chủ yếu Ngài hình dung thế này: “Tôi đã hiểu được chóp đỉnh của lịch sử ấy. Anh em đồng bào cũng biết. Tôi sẽ khởi sự với anh em”. Tuy nhiên, ngài không sợ đi ra ngoài thế giới Dothái. Điều ngài đã làm khi đến đồi Arêôpagô là nói thẳng đến tính tôn giáo ẩn tàng trong nền văn hoá này. Cơ bản ngài nói thế này: “Tôi đi vòng quanh thành phố của quý vị và nhìn tất cả các đền thờ của quý vị, rồi tôi nhận ra rằng quý vị là những người rất sùng đạo”.
Ngài khen họ nhưng không khen theo kiểu sùng bái hay tâng bốc. Ngài chỉ ghi nhận một nét trong nền văn hoá ấy, một khát vọng hướng tới Thiên Chúa. Rồi ngài chủ yếu nói với họ: “Tôi hiểu điều quý vị đang tìm kiếm. Tôi biết lịch sử tỏ bày Thiên Chúa thật. Quý vị đều quan tâm đến Ngài. Quý vị đang tìm kiếm Ngài một cách tiềm ẩn. Thật ra, tôi biết quý vị có một bức tượng dâng hiến cho “Thần vô danh”. Vị thần quý vị thực sự không biết rõ, còn tôi thì biết rõ. Xin cho tôi nói kể ra câu chuyện của Ngài”. Đây không phải là phương pháp đối đầu. Không phải kiểu tôi đúng còn quý vị sai hoặc tất cả quý vị đều nhầm lẫn. Không phải, thay vào đó Phaolô nhận ra có nhiều yếu tố trong nền văn hoá của quý vị có tính Kitô giáo một cách tiềm ẩn. Tôi muốn diễn tả điều đó một cách rõ ràng.
Tôi nghĩ đó vẫn còn là một chiến lược tốt cho người loan báo Tin Mừng ngày nay: đó là quan sát chung quanh. “Những gì trong phim ảnh, sách báo và bài hát của quý vị rút ra từ Tin Mừng cho thấy một sự khao khát. Xin cho tôi nói về niềm khao khát ấy. Có lẽ bạn không rõ việc bạn đang làm nhưng xin để tôi giúp bạn làm cho sáng sủa dễ hiểu”. Việc ấy tôi nghĩ vẫn còn là một chiến lược rất tốt và ít có khả năng khiến người ta cáu tiết, khó chịu. Tôi đã cố gắng dùng chiến lược này. Tôi sẽ nói nhanh với những người cảm thấy quá nhiều phim đáng chê trách về luân lí, vân vân. Tôi biết một cuốn sách chứa những vụ giết người, hãm hiếp, loạn luân, thủ dâm, bạo lực và tàn sát, cuốn đó được gọi là Kinh Thánh.
Nếu bạn đọc Kinh Thánh bạn sẽ thấy ở trong đó có mọi sự ấy. Nếu bạn làm một bộ phim về các câu chuyện Kinh Thánh, thì ít nhất nó sẽ được xếp vào loại cấm trẻ dưới 17 tuổi. Điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta không thể chịu được thứ nhặng xị và đạo đức nghiêm khắc đó. Tôi không thể không xem một bộ phim vì có trình chiếu chuyện thiếu đạo đức. Rất thường điều nhà làm phim muốn nói là hãy nhìn điều xảy đến cho những con người ấy lúc họ có những hành vi vô đạo đức. Hãy nhìn con người họ hoá nên buồn khổ và lạc lỏng đến thế nào. Theo kinh nghiệm của tôi họ rất ít khi nói: “Nào, chúng ta nên sống như vậy hết đi”. Không, theo kinh nghiệm của tôi phần đông nói rằng: “Nhìn đi. Đây không phải là cách để sống theo”.
Có vẻ một bộ phim trái luân lí thường có một mục đích luân lí sâu xa. Chúng ta thậm chí nói rằng đây là một bộ phim không có nhiều mục đích luân lí nghiêm túc nào. Chúng ta vẫn có thể tìm ra một cái gì đó bên trong vẫn đáng sử dụng. Tôi nói điều này với người loan báo Tin Mừng. Không phải mọi sự đều có tác dụng với mọi người. Nếu bạn đang cố gắng loan báo Tin Mừng cho một người rất trong sáng, rất khó tính về giới tính và bạo lực, có lẽ bạn không nên dùng phương pháp này. Hãy dùng phương pháp khác đối với họ. Bạn cũng phải uyển chuyển về văn hoá. Bạn phải có khả năng đáp ứng các loại cá tính khác nhau. Đó là nguyên nhân nền văn hoá phải là trung tâm trong công việc này.
HỎI: Để ôn lại, chúng ta đang xem xét bảy phẩm chất của Đức Cha Barron dành cho người loan báo Tin Mừng ngày nay, là những điều cần thiết để chia sẻ Tin Mừng cho thế giới hôm nay. Đến giờ chúng ta đã xem bốn phẩm chất trong số đó. Phẩm chất đầu tiên là yêu mến Chúa Giêsu Kitô. Phẩm chất thứ hai là bạn phải có lửa – bạn là một người đam mê và nhiệt huyết. Phẩm chất thứ ba là bạn biết lịch sử vĩ đại, tức lịch sử Israel. Rồi phẩm chất thứ tư, mà chúng ta vừa nói đến là bạn phải hiểu nền văn hoá. Phẩm chất thứ năm là bạn cần có hồn truyền giáo. Điều đó có nghĩa thế nào?
ĐỨC CHA BARRON: Có nghĩa là đức tin lớn thêm khi bạn cho đi đức tin. Mục đích của việc làm Kitô hữu không phải là được an nghỉ trong đạo Kitô của bạn mà nói: “Tôi đã tìm được giải pháp. Tôi hiểu rằng Chúa Giêsu là chóp đỉnh, là lịch sử vĩ đại. Tôi đã dâng cho Người cuộc sống của tôi, rồi thôi”. Không phải! Mọi Kitô hữu do bí tích Rửa tội là một nhà truyền giáo. Bởi bí tích Rửa tội bạn được sai đi với tư cách tư tế, ngôn sứ và vương đế. Bạn được sai đi chia sẻ đức tin. Luật này không có ngoại lệ. Trong Kinh Thánh, không có người nào nhận được một kinh nghiệm về Thiên Chúa mà lại không được sai đi.
Thử tìm một thí dụ có người nào gặp được Chúa, Chúa nói với cuộc đời của người đó mà Chúa không sai người đó đi thực hiện một sứ vụ. Không có ngoại lệ! Đạo theo Kinh Thánh không giống một chương trình chiêm niệm, bạn đến đó để nhận biết chân thiện mỹ rồi bây giờ bạn chỉ việc nghỉ yên trong đó. Có lẽ đó là những người giống Plotinus, có lẽ là những người Ngộ đạo. Đó không phải là tôn giáo theo Kinh Thánh. Bất cứ ai được ban cho một sự hiểu biết Chúa Kitô đều được sai đi. Ai loan báo Tin Mừng? Mọi người. Phải là mọi người. Đó là điều tôi nhắm tới khi nói rằng phải có tâm hồn của người được sai đi. Đức Mẹ vội vã đi lên miền núi khi Mẹ nhận được sứ điệp từ thiên thần. Simon Phêrô nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con ra, vì con là kẻ tội lỗi”, Chúa tha thứ cho ngài rồi nói: “Từ nay con sẽ là kẻ chày lưới người”.
Khi Phaolô gặp Chúa Giêsu thì sau đó được rửa tội và sai đi. Ngài biết ngài là một chiếc bình sành được tuyển chọn. Hết lần này đến lần khác, trong Cựu và Tân Ước, những người được chọn là những người truyền giáo, họ được sai đi. Ngày nay vẫn vậy. Không ai nhận được kinh nghiệm về Thiên Chúa mà lại không được trao sứ vụ. Tôi mê cách nói của Hans Urs von Balthasar là theo Kinh Thánh chúng ta thật sự không biết mình là ai cho đến khi chúng ta tìm ra sứ vụ của mình. Chúng ta có thể được định danh bằng gia đình và bằng xã hội của chúng ta khi chúng ta được đặt tên, vân vân. Bạn không biết bạn thật sự là ai cho đến khi bạn được trao cho sứ vụ dành riêng bạn, đó là lí do trong Kinh Thánh người ta thường nhận được một tên mới khi họ hiểu sứ vụ của họ, khi họ đi theo sứ vụ đó. Saul thành Phaolô. Simon thành Phêrô. Giacob thành Israel, vân vân. Thật là hay. Abram thành Abraham. Khi nào bạn biết được sứ vụ của bạn, bạn sẽ biết tên thật của bạn là gì.
HỎI: Nhiều anh chị em Tin Lành có nhiệt tình truyền giáo rất lớn và con nghĩ một phần là do họ quan tâm đến sự sống đời đời cho gia đình và bè bạn của mình. Họ nói: “Nếu tôi không nói cho người này biết Chúa Giêsu thì sau khi chết họ sẽ sa hoả ngục hay gì đó”. Đức Cha đã nhấn mạnh rằng lòng nhiệt thành truyền giáo, chia sẻ đức tin được thúc đẩy không chỉ bởi vận mệnh đời đời của con người mà còn bởi chính cuộc sống hiện tại của họ. Bởi cuộc sống buồn thảm do xa cách Thiên Chúa ngay từ bây giờ. Xin cho chúng con biết tại sao việc có hồn truyền giáo lại là điều khẩn thiết.
ĐỨC CHA BARRON: Anh đã nói ra rồi đó. Hoả ngục, như anh nói, là sự xa cách Thiên Chúa. Không cắm rễ nơi Thiên Chúa. Tôi muốn nói, hoả ngục bắt đầu ở đây. Tất cả chúng ta một cách nào đó đều ở trong hoả ngục. Tôi cuốn vào trong điều mà thánh Augustinô gọi là “vùng đất biến dạng”. Khi bạn không còn giống Thiên Chúa, khi bạn lang thang vào vùng xa cách Thiên Chúa, nó sẽ gây đau đớn. Nó kinh khiếp. Nó có những hậu quả kinh khủng cho đời sống của bạn và đời sống của những người chung quanh bạn. Tôi muốn người ta ra khỏi đó ngay bây giờ. Vì thế, tôi hăm hở chia sẽ điều tôi đã tìm thấy ngay lúc này. Quỹ đạo cuối cùng của điều đó là điều Hội Thánh gọi là hoả ngục, là sự vĩnh viễn xa cách Thiên Chúa.
Dĩ nhiên tôi muốn đưa người ta ra khỏi tình trạng đó và tôi hăm hở chia sẻ sứ điệp để đạt mục đích đó. Như anh đã nói rất đúng, tôi muốn đưa người ta ra khỏi tình trạng ấy ngay bây giờ bởi vì nó đưa đến nỗi bất hạnh vô cùng. Cứ nhìn quanh thế giới trần tục này. Đó là nơi bạn thấy nhiều nỗi bất hạnh sâu xa, sự sống tàn lụi. Tôi muốn người ta ra khỏi đó ngay bây giờ. Tôi có nhiệt tình truyền giáo để làm điều đó ngay bây giờ.
HỎI: Phẩm chất thứ sáu của nhà truyền giáo mới là có hiểu biết và tình mến đối với các truyền thống của Hội Thánh. Chúng ta không có ý nói đến các thực hành đạo đức truyền thống. Những truyền thống đó có tính tốt lành. Ở đây Đức Cha đang nói về tất cả những cái quý giá là nghệ thuật, văn chương và kiến trúc được tìm thấy trong truyền thống của chúng ta. Tại sao lại quan trọng? Tại sao chúng ta không thể chỉ nói đến Kinh Thánh và tương quan cá vị với Thiên Chúa? Tại sao chúng ta cần truyền thống của Hội Thánh?
ĐỨC CHA BARRON: Tại sao lại tự giới hạn theo lối đó? Dĩ nhiên Kinh Thánh có vị trí trung tâm trong truyền thống. Tất cả các truyền thống anh nhắc tới từ kiến trúc đến nghệ thuật, đến đời sống các Thánh, đến phụng vụ, vân vân, tất cả cuối cùng đều trở lại với Kinh Thánh. Thật sự như vậy. Kinh Thánh là linh hồn của thần học. Chúng ta nghe được điều đó tại Công đồng Vatican II. Nhưng, tại sao lại giới hạn các cách chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa chỉ trong Kinh Thánh? Tại sao lại bỏ qua vương cung thánh đường Chartres, tác phẩm Divine Comedy (Thần Khúc) của Dante, các bài viết của Chesterton, các tác phẩm của C.S. Lewis, của Tôma Aquinô, các tuyệt tác của Michelangelo? Thật vậy, Chẳng phải bạn yêu mến tất cả các mảng truyền thống này vì bạn nhận ra hết thảy đều bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô hay sao?
Nó tuôn chảy từ nơi Người và vì thế bạn yêu thích những gì được Người gợi hứng. Bạn mê những gì nói về Người. Nếu bạn yêu một người, bạn yêu các tấm ảnh của người đó. Bạn mê các tấm ảnh. Bạn mê các câu chuyện về người ấy. Ở đây cũng giống như vậy. Ở giữa Thần Khúc là Chúa Giêsu, Đấng đã chiếm hữu Dante, đã cứu độ Dante. Ông kể cho chúng ta câu chuyện vĩ đại về nó. Trần nhà nguyện Sistine đều liên quan đến Kinh Thánh và cuộc gặp gỡ sống động của Michelangelo với Chúa Giêsu. Tại sao chúng ta lại bỏ qua? Có lẽ có những yếu tố, được đưa bừa vào đi quá xa hoặc bị sửa đổi, tôi chắc chắn có chuyện đó. Việc sửa đổi một số không nên khiến bạn chối bỏ cả truyền thống. Tôi mê truyền thống ấy. Nó tốt lành, chân thật và đẹp đẽ.
Truyền thống cũng rất hiệu quả cho việc truyền giáo. Tôi cho rằng không dùng nó là chuyện ngớ ngẩn. Vậy hãy nhìn cách các nhà truyền giáo lớn đã dùng nó. Trong các bài giảng các ngài đã dùng đời sống của các thánh. Họ dùng nhiều tác phẩm nghệ thuật để loan báo Chúa Giêsu. Đối với tôi đó là việc không cần phải đắn đo. Tôi hiểu qua sự tự ý thêm thắt có những sai lệch và việc ấy có thể khiến người ta nói: “Bỏ hết đi mà quay lại từ đầu”. Ở đây tôi đồng ý với câu nói của John Henry Newman: khởi đầu của các sự vật thường là điều ít thú vị nhất giống như hạt giống so với cái cây. Cái cây lớn lên từ hạt giống thì hấp dẫn hơn nhiều, hoặc lấy ví dụ con sông của Newman.
Tôi có thể nhảy qua nguồn của sông Missisippi. Rồi đến cửa sông Missisippi. Chỗ đó vượt qua hàng ngàn dặm, và nhận các sông nhánh và cứ tiếp tục vậy. Nó càng lúc càng sâu và rộng ra theo thời gian bạn đến New Orleans. Tôi muốn nói sông Missisippi thú vị, xinh đẹp, tuyệt vời, nguy hiểm, lạ lùng hơn nhiều, và những sự lớn lao như vậy khi nó lớn lên từ nguồn của nó, truyền thống Công giáo cũng vậy. Chính việc con sông mở rộng và đào sâu đã bắt đầu với các môn đệ của Chúa Giêsu. Giống như cái cây bây giờ đã lớn lên từ cái quả ấy, từ cái hạt ấy. Đó là truyền thống và tôi nghĩ đó là lí do chúng ta nên sử dụng truyền thống đó.
HỎI: Phẩm chất thứ bảy và cũng là phẩm chất cuối cùng của nhà truyền giáo là bạn nên thành thạo trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông mới. Tại sao nó lại quan trọng?
ĐỨC CHA BARRON: Như tôi đã nói, trước đây nó là một cuộc cách mạng chỉ có thể so sánh với cuộc cách mạng Gutenberg về phương diện truyền thông. Phaolô đã dùng phương tiện truyền thông thịnh hành là chữ viết trên mãnh da được thông truyền qua các con đường Lamã. Đối với chúng ta nó dường như thô sơ nhưng đó là “kĩ thuật mới nhất” vào lúc ấy. Nếu Phaolô ở đây ngài có dùng Facebook và Youtube không? Ngài sẽ dùng podcast chứ? Đối với tôi những câu hỏi đó tự có câu trả lời. Ngài muốn cả thế giới biết Chúa Giêsu Kitô là Chúa. Ngài lên thuyền và ngài đi trên các con đường Lamã. Ngài muốn đi tới Tây Ban Nha, nghĩa là tới tận cùng thế giới đối với ngài. Ngài nói, ngài viết, ngài dùng bất cứ thứ gì ngài có trước mặt.
Tất nhiên ngài sẽ dùng các phương tiện truyền thông mới. Tôi nghĩ các nhà truyền giáo ngày nay cũng nên thế, như Gioan Phaolô nói: “mới về nhiệt tình”. Mới trong cung cách nhưng cũng mới về phương pháp. Chúng ta có các phương pháp nào? Đây, ngay cả một người nổi tiếng như Fulton Sheen cũng sẽ mong muốn các phương pháp chúng ta có ngày nay. Hãy đưa lên Youtube một cái gì đó rồi nó có giá trị toàn cầu suốt 24 giờ trong một tích tắc. Làm một podcast khiến cho bài giảng được khắp thế giới nghe được. Theo suy nghĩ của tôi, không dùng các phương tiện truyền thông mới là hoàn toàn ngược với trực giác vì Chúa Giêsu nói: “Hãy đi loan báo cho mọi nước”. Đâu là cách thực hiện điều đó cách tốt nhất? Dùng Worldwide Web. Nó cũng cho các cá nhân cơ hội loan báo Tin Mừng. Bạn không cần phải đi vô đài NBC hay đài phát thanh địa phương. Bạn có thể làm một việc có tính Tin Mừng ngay bây giờ, một mình với internet.
Thiên Chúa biết các phương tiện truyền thông có thể bị lạm dụng như bất cứ thứ gì khác. Tin Mừng có thể được trình bày một cách hời hợt hay đại loại như vậy không? Dĩ nhiên, có thể, nhưng tôi nghĩ lại: Để loại bỏ một thứ có tầm vĩ mô bởi vì nó có khả năng sai lạc là chuyện buồn cười. Hãy học biết kĩ thuật và hãy sử dụng nó. Bây giờ tôi nói với tư cách là một người đã từng trải. Các bạn trẻ ngày nay đã lớn lên với tất cả các kĩ thuật này trên đầu ngón tay, thấm nhập tận xương tuỷ, cho nên dĩ nhiên các bạn nên sử dụng nó. Chớ gì nó được ủng hộ nhờ sự hiểu biết mạnh mẽ truyền thống này. Vâng, thật vậy, sách phải củng cố mọi thứ nhưng bỏ phương tiện truyền thông hoàn toàn là trái với trực giác.
HỎI: Đó là bảy phẩm chất của một nhà loan báo Tin Mừng ngày nay. Chúng ta hãy nhanh chóng trang bị các phẩm chất ấy. Phẩm chất thứ nhất là bạn phải yêu mến Chúa Giêsu Kitô, bạn phải có tình bằng hữu với Người. Phẩm chất thứ hai là bạn phải là một con người nhiệt huyết, bạn phải có đam mê và nhiệt tình. Thứ ba là biết lịch sử vĩ đại của Israel và biết cách Chúa Kitô đi vào lịch sử đó. Thứ tư là hiểu nền văn hoá xung quanh bạn. Thứ năm là có hồn truyền giáo, có lòng nhiệt thành lôi kéo người ta đến gặp gỡ Thiên Chúa. Thứ sáu là biết các truyền thống của Hội Thánh. Và thứ bảy, như chúng ta vừa nghe, là thông hiểu các phương tiện truyền thông.