
Khi tiếp xúc với những anh chị em không cùng niềm tin tôn giáo, khó khăn cơ bản nhất vẫn là vấn đề về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói với người Công giáo thì dễ vì họ đã sẵn niềm tin, còn nói với thế giới, nhất là với giới trí thức làm sao có thể thuyết phục được?
Lần đọc lại những tài liệu Hội Thánh mới thấy con đường sáng để xác tín, tuyên tín và trung tín về một Thiên Chúa Hiện Hữu ngoại tại, tất toàn và vượt trên tất cả những khái niệm. Chân lý liên quan đến Thiên Chúa và loài người vượt hẳn lãnh vực có thể nghiên cứu và chứng nghiệm bằng các phương tiện vật thể hóa sinh. Chứng nghiệm chân lý tối hậu về Thiên Chúa và cùng đích nhân loại đòi hỏi con người phải xả thân và quên mình khi muốn hành động và sống theo chân lý đó. Lại nữa, nắm bắt những chân lý về Thiên Chúa tự hữu, tinh thần con người phải chịu nhiều khó khăn do giác quan và trí tưởng tượng, cũng như bị chi phối xuyên tạc do ham muốn xấu xa làm nên những cản lực tự nhiên ngăn cách bước suy tư và niềm tin tiến đến một Thiên Chúa Nhân Từ, Toàn Năng, Tự Hữu.
Khi được hỏi làm sao để chứng minh sự hiện hữu của Chúa Trời, các tín đồ Thiên Chúa giáo thường mở Kinh Thánh ra và bảo rằng: “Kinh Thánh bảo Chúa Trời hiện hữu, thì Ngài phải hiện hữu thôi.” Vấn đề là nếu chúng ta hỏi một người Ấn Độ giáo, một người Hồi giáo, người đạo Sikh hay Do Thái giáo cùng một câu hỏi đó, thì tín đồ các tôn giáo này lại cũng sẽ chỉ vào Kinh Thư, Giáo Lý tương tự của họ như là bằng chứng về sự hiện hữu của Thương đế của họ. Họ lại hỏi ngược lại người Công giáo: tại sao quý vị tin vào Kinh Thánh Thiên Chúa giáo mà không tin vào Thánh thư của những tôn giáo khác? Làm sao biết Thánh sử nào của tôn giáo nào là thật? Là giả? Là vị ngã hay vị chân lý? Lúc đó có phải chúng ta, những người mang dòng máu Đấng Cứu Thế Kitô Giêsu chẳng hóa ra lúng túng cực độ đó sao? Giáo hội nhận ra rằng: “trong những lãnh vực đó, những điều mà con người không muốn là có thật, thì họ dễ dàng tự thuyết phục mình rằng chúng chỉ là điều dối trá hay mơ hồ” ( x. Pi-ô XII, enc. Humani Generis: DS 3875).
Trong các nỗ lực biện thuyết hộ giáo, viện lý vực giáo để chứng minh sự hiện hữu của Đức Chúa, đôi lúc, những tín hữu bị cật vấn sẽ nói rằng “Vũ trụ đã không thể tự nhiên mà có được, phải do ai đó đã tạo ra, và vậy thì phải có một Chúa Trời đấng tạo hoá”. Luận cứ này có một điều thiếu sót rất lớn. Khi đánh đổi một chân lý khoa học lấy một luận cứ cho sự hiện hữu của Thiên Chúa thì đôi khi chúng ta lại rơi vào bẫy của chính chúng ta. Có thể, người ta sẽ cho rằng khi trời bắt đầu mưa, ai cũng biết rằng mưa do nhiệt năng thay đổi, quá trình bốc hơi và ngưng tụ của nước tạo nên những đám mây hơi nước, gặp điều kiện thuận lợi, sức nặng của nước bị trọng lực “tóm lấy” rơi xuống tạo thành mưa v.v. Những hiện tượng tự nhiên có những quy luật sẵn, qua một quá trình va chạm theo những định luật nhất định sẽ tạo nên hiện tượng mà Thiên Chúa không trực tiếp “động tay” vào như kiểu chúng ta lý luận “Lạy Trời mưa xuống/ có nước tôi uống/ có ruộng tôi cày…” của ca dao Việt Nam. Tương tự, khi chúng ta thấy các viên sỏi trơn nhẵn trong một dòng sông, chúng ta sẽ không hỏi “Ai đã đánh bóng các viên sỏi đó?” vì chúng ta biết rằng bề mặt trơn tru của các viên sỏi đó không do một ai gây ra cả mà do một cái gì khác – các nguyên nhân thiên nhiên như tác động bào mòn của nước và cát.
Những dữ kiện trên quả thật gây khó khăn không ít cho cả những thừa tác viên thánh có trình độ thần học căn bản khá, huống hồ chi những người tín hữu bình dân. Kitô hữu quá “nhiệt thành” kiểu ông “Giuđa thuộc nhóm quá khích” sẽ cứ cãi rằng vũ trụ không thể hiện hữu cách tự nhiên khơi khơi theo nguyên lý nào đó được mà sự hiện hữu của nó là một thiết kế hoàn hảo, Thiên Chúa là nhà thiết kế. À phải, họ cố chứng tỏ Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên của tất cả những sự kiện, hiện tượng. Nói cách khác: Thiên Chúa sáng tạo nên vật chất, hóa chất và sinh chất cũng như thiết kế cho chúng những quy luật tất định như nhà thiết kế phần mền vi tính chế ra một chương trình tin học ứng dụng, anh ta thiết kế xong và “bàn giao” không bao giờ trực tiếp động vào nhưng chương trình ấy vẫn chạy theo đúng “thiết kế”. Người Kitô hữu bình dân cũng có thể nói rằng chính trật tự và một sự cân bằng hoàn hảo định luật và vật chất miệt mài hàng tỷ năm như thế đã chứng tỏ rằng vũ trụ phải được thiết kế bằng một trí thông minh cao hơn, và sự thông minh cao hơn đó là Chúa Trời. Nhưng, luận cứ này lại vấp phải một số vấn đề.
Trước hết, “bản quyền sáng tạo” là của “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacob” ( x. Xh 3,14.15) tổ phụ chúng ta, hay của Thượng Đế của các tôn giáo, hay của một “tập thể quần thần” của đỉnh Ôlympia? Nhiều người đã lớn lên trong một niềm tin nhất định và được giáo dục về một định nghĩa có thể chấp nhận được sự hiện hữu của một “Thiên Chúa” hay “Ông Trời”, thường dựa trên Kinh Thánh của họ hoặc những câu chuyện thần thoại đặc biệt xuyên qua tôn giáo của họ. Đây không phải là một sự hiểu biết giá trị bởi vì nó không dựa trên kinh nghiệm cá nhân mà với những được truyền lại theo kiểu dân gian: “Ngày xửa ngày xưa…” hoặc “lúc sinh thời, nội tôi có kể lại rằng…” hoặc “Người xưa có nói thế này…”
Tôn giáo truyền thống, giáo phái hiện đại hậu khoa học, pháp môn tâm linh nào đó đều dựa trên một lý thuyết phổ biến. Có một điều gì đó đáng chú ý xảy ra phía sau hoặc phía trên các cấp độ của ý thức con người. Chân lý bất biến duy nhất đã được thành thương hiệu và “dán nhãn” là Thiên Chúa (đối với người Công giáo), Brahma, Vishnu,
Vấn nạn thứ hai, làm sao người Công giáo biết rằng chỉ mỗi Thiên Chúa là “nhà thiết kế” ra mọi thứ? Thực ra, vì vũ trụ quá rắc rối và phức tạp nên chúng ta nghi rằng có thể phải cần sự thông minh của nhiều, có thể hàng tá, thần linh để thiết kế và tạo dựng ra vũ trụ. Do đó, điều mà luận cứ về khả năng thiết kế chứng tỏ được là phải cần đến nhiều thần chứ không phải chỉ có một Thần như Thiên Chúa giáo khẳng định. Điều này đánh trực tiếp vào niềm tin “độc thần” không chỉ dân Công giáo mà toàn thể những người tin vào “Một Ông Trời” là chúa tể sáng tạo vũ trũ tam tài.
Xét theo quan niệm tập thể tính thì rất có thể có những “tiểu thần” đã góp sức sáng tạo nên toàn thể. Theo kinh nghiệm dân gian, các hiện tượng thiên nhiên hay từ cảm tính về cái thiêng của một vật thể nào đó, con người gán cho nó một vị thần cai quản: sơn thần, thủy thần, hỏa thần, tài thần, địa thổ thần, thần hoàng, thần mưa, thần gió v.v. Những thần thoại thuộc các dân tộc trên thế giới mô tả rất nhiều nhân vật có hình tướng lạ thường, tính cách phi thường, có sức mạnh siêu phàm. Những thần này đặc trách cai quản và phò hộ cho một lãnh vực đời sống thế gian. Có thể đơn cử hệ thống các vị thần của đỉnh núi
Kế tiếp, chúng ta sẽ bị cật vấn rằng liệu vũ trụ có được thiết kế một cách hoàn hảo không? Nếu Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo thì thiết kế và sáng tạo ra vũ trụ tất nhiên cũng phải hoàn hảo. Vậy, tỷ dụ mưa cho chúng ta giọt nước trong lành để uống nhưng đôi lúc mưa tạo nên những tai ương cùng cực cho con người và sinh vật lúc nhúc. Cũng có lúc mưa không đủ nước, hàng triệu người đã bị chết vì hạn hán và đói kém. Mưa là thiết kế hoàn hảo hay vẫn còn khuyết về điều kiện, cường độ và tỷ lệ phân phối nước? Núi non cho chúng ta niềm vui khi thấy chúng vươn lên bầu trời cao. Nhưng những vụ lở đất và núi lửa phun trào từ hàng thế kỷ nay đã gây ra tàn phá và chết chóc. Đó là thiết kế hoàn hảo sao? Những cơn gió nhẹ thổi mát chúng ta nhưng cũng có những cơn giông bão liên tục gây ra chết chóc và tàn phá. Đó là thiết kế hoàn hảo sao?
Tưởng cũng nên nhắc lại, thiên nhiên cung cấp cho mọi sinh thể và vô sinh thể những quy luật và nhiệm vụ riêng để chu toàn. Tuy nhiên, thiên nhiên cũng cực kỳ tàn nhẫn. Để sống sót, mỗi sinh vật đều phải ăn các sinh vật khác và tranh đấu để tránh bị các sinh vật khác ăn mình, giết chóc, tan xương nát thịt trong giới tự nhiên có phải định luật đến từ thiết kế hoàn hảo? Vì, Thiên Chúa là Đấng nhân từ xót thương mà trong thiên nhiên chẳng có thì giờ để thương xót, yêu thương hay nhân từ thì thiết kế đó có thật là do Thiên Chúa? Mỗi năm, có hàng triệu trẻ sơ sinh bị sinh ra trong điều kiện thể chất và tinh thần khiếm khuyết, chết non hay chết ngay sau khi vừa mới sinh ra. Định luật nào trong bản thiết kế lại nhức nhối lương tâm nhân loại như vây? Điều này có vẻ khẳng định cho luận điểm cốt tủy nghìn đời của những nhân vật không công nhận vũ trụ đã được sáng tạo bởi một Thiên Chúa nhân từ và hoàn hảo.
Vấn nạn phát sinh trong thực tại hiện hữu của giới tự nhiên và xã hội là vấn đề hiện sinh luôn làm cho tâm trí con người bối rối, cả về phương diện siêu nhiên lẫn tự nhiên. Mặc dầu người ta thường bảo Công giáo có một hệ thống thần học và niềm tin rất chặt chẽ, mạch lạc, hợp lý, nhưng đứng trước vấn đề sự dữ và đau khổ đó, cảm giác chông chênh khó tả. Phản ứng lại trước những gai chướng của sự ác diễn ra mỗi ngày trong quá trình tồn tại, tiến hóa của tự nhiên và xã hội, đã hình thành một thái độ phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa vốn được cho là một thực tại toàn năng, toàn thiện. Vấn nạn trình bày phía trên là minh chứng cho suy tư đau đáu đó. Rất thực tế giản đơn mà đánh trực diện vào niềm tin một Thiên Chúa giàu lòng thương xót.
Các Linh mục được đào tạo tại chủng viện tin rằng:
Có hai loại sự ác: sự ác sinh - hóa và sự ác về đạo đức hay luân lý. Sự ác sinh - hóa phát sinh độc lập, không có liên hệ với hành vi lương tâm như thiên tai, sinh vật ăn thịt lẫn nhau, sát hại nhau, những dị - khuyết tật bẩm sinh v.v… Tất cả xảy ra nơi chính cấu trúc vật chất của sự vật hiện tượng. Sự ác luân lý phát sinh từ tâm địa gian ác, nghĩa là do ý muốn quay lưng lại với những luật đạo đức của Thiên Chúa, lương tâm hay xã hội. Khiếm khuyết, lệch lạc, hư đốn ấy làm phát sinh nhưng thiệt hại về tâm lý, thể lý của tha nhân hoặc nền tảng nào đó của xã hội. Những hành vi trái với lương tâm, trái với thiên lý hay nguyên lý đạo đức. Hai loại sự ác này thường diễn ra đan xen.
Con người dựa vào các sức mạnh tiến bộ kỹ thuật, khoa học hay kỹ nghệ mà không chịu đắn đo suy nghĩ xem nó tác động ra sao đối với môi sinh, nhất là đối với những con người nhân bản (x. Laudato Si, số 109); Chủ nghĩa tiêu thụ cực đoan không cưỡng lại được trước bất cứ thứ gì thị trường đặt trước mặt họ, khiến trái đất bị bóc lột và hàng tỷ người trở thành nghèo khổ (x. LS, số 203). Sự ác hoành hành không phải ngay từ đầu nó là những “điểm lỗi kỹ thuật” trong bản thiết kế hoàn hảo của Thiên Chúa. Có một điểm phải luôn nhớ: Thiên Chúa phú sự tự do cho toàn thể các sinh vật, riêng con người, ngoài tự do, họ còn có trách nhiệm với thụ tạo của Thiên Chúa. Chính những quy luật được tạo nên cho thế giới đã chi phối và giúp thế giới cân bằng cách hài hòa. Con người, tham lam và độc đoán đã khiến thụ tạo suy vi mà không phải do Thiên Chúa đã ấn định như thế. Độc tố thải vào môi sinh, thói quen vô độ, thiếu ý thức trách nhiệm vệ sinh cộng đồng trong chê biến thực phẩm và phân phối hài hòa dịch vụ y tế công cộng dẫn tới dị tật, dị dạng, bệnh trạng và cái chết non. Đó có phải do Thiên Chúa trực tiếp đi vào can thiệp, xúi giục hay tạo nên nó từ trước cho nó đau khổ và oán trách mình? Thế giới tự nhiên có những cách giúp cân bằng hệ sinh thái.
Con người ở vị trí trung tâm của vũ trụ, tồn vong của họ mới là thước đo lòng nhân từ, vì lòng nhân từ đòi hỏi một lương tri, một linh hồn nhận thức của con người. Giữa súc vật, không phải như thế, nên sự ăn thịt lẫn nhau của súc sinh không phải phạm trù của lòng thương xót, nhưng thuộc quy luật sinh tồn và cân bằng hệ sinh thái mà nhà khoa học nào cũng phải nhìn nhận.
Còn rất nhiều luận cứ xưa cũ tương tự như thế. Nhưng khi nêu lên thì tự nó đã phản bác lại chính nó, vì nếu mọi thứ đều không có nguyên nhân đầu tiên, thì con không cần có cha, tổ tiên không cần hiện diện và không có khái niệm biết ơn, uống nước nhớ nguồn, ăn trái nhớ kẻ trồng cây. Biết bao vấn nạn khác với luận cứ nguyên nhân đầu tiên nầy. Chẳng có lý do hợp lý nào để phủ nhận mọi thứ đều chỉ có một nguyên nhân đầu tiên độc nhất.
Khoa học, tâm lý, sinh học, hóa học, thần học, tất cả đều nói lên sự khao khát đạt tới hiểu biết, tri giác được đến cái vô biên. Nhưng, sẽ không bao giờ đạt tới vô biên chỉ bằng tầm nhìn hạn hẹp và bốn bức tường của hàng tỷ phòng thí nghiệm trên thế giới. Thiên Chúa không đi ra từ phóng thí nghiệm, Ngài bước ra từ con tim những kẻ khiêm tốn với lòng tri ân: “mọi sự bởi Chúa mà đến, không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành và hiện hữu…” (x. Cl 1,15-16-17.19-20a). Đừng tranh luận nhiều với người vô tín tri thức về Thiên Chúa, nhưng hãy sống niềm tin!
Đêm nay, khi lang thang trên bậc tiền đường thánh điện Thiên Chúa, tôi vẫn nghe bà cụ trên tám mươi tuổi nhà gần bên nhà thờ “huấn giáo” cho đứa cháu ngoại lên mười: “chúng ta là con nhà có đạo, ai cũng có hồn có xác, phải biết phụng thờ Thiên Chúa bằng việc siêng năng đi lễ nhà thờ, chịu khó lần hạt để thể hiện niềm tin của mình vào Chúa.” Giữa thinh không tĩnh mịch của đêm nghe sao ấm áp lạ thường. Bà lão ấy có cần đọc những suy tư này mới hiểu Thiên Chúa không? Hoàn toàn không, xác tín đến từ những bài giáo lý thiếu thời và niềm tin từ con tim đơn sơ dung dị. Có từng trải trong cuộc sống, va vấp trường đời mới khám phá ra rằng: tin không phải chỉ có chuyện đi lễ nhà thờ, đọc năm ba câu kinh, lần một vài tràng chuỗi Mân côi là xong. Ngày nay, hành vi sống đạo với hình thức đạo đức bình dân xưa khó hòa nhập cuộc sống nhiều biến động, quay cuồng. Niềm tin Thiên Chúa đòi hỏi sự hy sinh, sống niềm tin và đào sâu niềm tin với con tim chân thành, tha thiết với chân lý và muốn phục vụ cho chân lý hơn là tin cách vô tư không cần hiểu. Tuy nhiên, Giáo hội xác nhận: “có sự hiệp nhất sâu xa giữa hành vi tin tưởng và nội dung đức tin mà chúng ta chấp nhận” (x. Bênêđictô XVI, Tự sắc Cánh cửa đức tin, số 10.) “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,26).
Thiên Chúa của tôi, nhà thiết kế của linh hồn và ơn cứu độ tôi, Ngài cần niềm tin, tình yêu và niềm tri ân hơn là một nỗ kiến giải thần học. Sống sẽ hiểu, hiểu sẽ sống…
Lm FX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho