03/12/2013
169

Chờ đợi

 

Một năm phụng vụ đã đi qua, năm phụng vụ mới lại đến theo chu kỳ phụng vụ của Giáo hội bắt đầu với mùa Vọng. Mùa vọng, mùa chờ đợi. Nhưng ai chờ đợi ai và chờ đợi điều gì? Con người chờ đợi Thiên Chúa hay Thiên Chúa chờ đợi con người? Những câu hỏi như thế đáng để mỗi Kitô hữu chúng ta suy nghĩ trong hành trình đời sống đức tin, nhất là khi mùa Vọng bắt đầu?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành hương tham dự buổi đọc Kinh Truyền Tin tại quãng trường Thánh Phêrô (vào trưa Chúa Nhật 3.11.2013) thế này: “Thiên Chúa là Cha luôn đợi chờ con người hoán cải trở về với Ngài. Hãy để cho Chúa Giêsu gọi tên chúng ta. Hãy lắng nghe tiếng của Ngài nói với chúng ta: “Ngày hôm  nay Ta phải dừng lại tại nhà con”, nghĩa là trong tim con, trong cuộc sống con. Và chúng ta hãy tươi vui tiếp đón Ngài! Ngài có thể giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ và làm cho đời sống chúng ta trở thành một quà tặng của tình yêu.” Qua đó chúng ta thấy, Thiên Chúa luôn đi bước trước, Ngài luôn chờ đợi chúng ta. Tiếng nói cuối cùng của Ngài là tiếng nói của tình yêu chờ đợi ta. Điều này đã được minh chứng rõ ràng qua dòng lịch sử cứu độ thời Cựu Ước. Biết bao lần dân Israel bất trung phản bội Thiên Chúa, chạy theo tà thần, dục vọng, nhưng Thiên Chúa vẫn chờ đợi dân sám hối quay trở về với nẻo chính đường ngay. Mặc dù Thiên Chúa đã dùng miệng các ngôn sứ để cảnh tỉnh, nhắc nhở dân, nhiều lần đánh phạt để răn đe dân, nhưng Ngài đánh phạt rồi lại xót thương dân. Bởi vậy, niềm tin của dân Israel xác tín mạnh mẽ rằng: Thiên Chúa là Đấng rất nhân từ và bao dung rộng lượng tha thứ. Ngài luôn sẵn sàng chờ đợi con người sám hối và hoán cải.

Quả thật, Thiên Chúa chờ đợi ta vì ngay từ thuở ban đầu, ý muốn cứu độ của Ngài đã tiền định cho cuộc đời của mỗi Kitô hữu chúng ta. Ngài không loại trừ bất kỳ ai, đồng thời, Ngài luôn tin tưởng và kiên nhẫn để chờ đợi con người. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khẳng định: “Không có nghề nghiệp nào, không có điều kiện xã hội nào, không có lỗi lầm hay tội phạm thuộc bất cứ loại nào có thể xóa bỏ khỏi ký ức và con tim của Thiên Chúa một người trong các con cái của Ngài. Thiên Chúa luôn nhớ, Ngài không quên bất cứ ai Ngài đã tạo dựng. Ngài là Cha, luôn luôn tỉnh thức và yêu thương đợi chờ trông thấy tái sinh nơi con tim của người con ước muốn trở về nhà. Và khi Ngài nhận ra ước muốn đó, cả khi nó chỉ đơn sơ được nhắc, và biết bao lần nó hầu như vô thức, thì ngay lập tức Ngài ở bên cạnh, và với ơn tha thứ của Ngài, Ngài khiến con đường hoán cải và trở về của con người được nhẹ nhàng hơn.” Vậy, mỗi Kitô hữu chúng ta cảm nhận như thế nào về những suy tư thần học này, qua chính những gì chúng ta cảm nghiệm nơi đời sống thường nhật, và đặc biệt là nơi khuôn mặt nhân từ và hiền lành của Đức Giêsu?

Thánh sử Luca đã khắc họa rất tinh tế dung mạo của Thiên Chúa về sự nhân từ, tha thứ và kiên nhẫn chờ đợi con người hoán cải qua dụ ngôn “Đứa Con Hoang Đàng” hay còn được gọi là dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” (Lc 15,11-32). Người con trai út đã vô tình bất hiếu với cha khi người cha còn sống mà bắt ông chia tài sản. Có quá nhiều tiền, người con trai út ăn chơi sa đọa, không lo làm ăn, suốt ngày trác táng. Một ngày nọ, anh ta trắng tay và đói khổ, phải đi chăn heo, ngay cả những thứ mà heo ăn anh cũng không được phép dùng. Anh hồi tâm, suy nghĩ về những tháng ngày còn ở bên cha, và anh quyết định trở về với người cha đang mỏi mòn chờ đợi con trở về nhà: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa… Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.”

Vì yêu con người nên Thiên Chúa đã chờ đợi và tha thứ; vì yêu nhân loại mà Đức Giêsu đã xuống thế làm người, sống kiếp người nghèo khổ, bị người đời nhục mạ, cuối cùng chết trên thập giá nơi đỉnh đồi Gongôtha; vì yêu nhân loại nên Chúa Giêsu mới chọn nhóm Mười Hai, mới lập nên Giáo hội, để qua các bí tích đặc biệt là Bí tích Hòa Giải, Thiên Chúa ban ơn hoán cải và tha thứ, Thiên Chúa chờ đợi con người sám hối ăn năn. Thiên Chúa sẵn sàng chờ đợi con người, nhưng chỉ sợ rằng con người dễ quên lãng và dễ nản lòng trước những thử thách mà thôi. Bởi vậy, một bài hát của linh mục Thái Nguyên đã nói lên điều này: “Con tìm Chúa hay Chúa tìm con trên muôn vạn nẻo đường. Con chờ Chúa hay Chúa chờ con qua canh dài đêm trường. Con chọn Chúa hay Chúa chọn con giữa muôn người dương thế. Chúa ở trong con. Chúa chờ đợi con…” (Bài hát Thao Thức Một Đời).

Tóm lại, con người chờ đợi và kỳ vọng rất nhiều thứ trong cuộc sống này. Thế nhưng, có mấy ai chờ đợi Thiên Chúa nâng đỡ, giúp sức, làm biến đổi tâm hồn và cuộc đời? Phần đông nhân loại đang chờ đợi quá nhiều thứ, nhưng những thứ đó không phải là Thiên Chúa và không thuộc về Thiên Chúa, để rồi cuối cùng từ chỗ hy vọng biến thành thất vọng, tâm hồn họ cảm thấy trống rỗng vì thiếu vắng sự hiện diện của Thiên Chúa.

Raphael Trần Dương Tuyển