
Thánh Phêrô (Tiếng Hy Lạp: Πέτρος, Pétros "Đá", có khi tiếng Latin viết là Kephas hoặc thỉnh thoảng là Cephas) là một trong số mười hai Tông đồ của Chúa Giêsu. Thánh Phêrô được Chúa trao cho quyền cai quản Hội Thánh. Ông là con trai của Gio-na và là anh em ruột của Anrê, một vị Thánh khác trong 12 Tông đồ của Chúa Giêsu. Thử gõ chữ Pierre, Peter, thấy trong phiên bản tiếng Anh và tiếng Đức của chữ Phêrô là "Peter" (Pitơ), tiếng Pháp là "Pierre" (Pie), tiếng Ý là "Pietro" (Piêtrô), tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha là "Pedro" (Pêđrô), tiếng Ba Lan và tiếng Nga là "Piotr" (Piốt). Các phiên bản (giống cái) của từ "đá" (petra) cũng tương đối khá giống nhau trong nhóm ngôn ngữ Rôman: tiếng Tây Ban Nha là piedra, tiếng Ý là pietra, tiếng Pháp là pierre, và tiếng Bồ Đào Nha là pedra.
Tân ước nhắc đến Phêrô khoảng 154 lần, dưới danh xưng Hy Lạp Petros, thường gắn liền với tên Do Thái Simêon (đọc theo kiểu Hy Lạp là "Simon"). Tên khai sinh của ông là Simon, và tên của cha là Gioan. Danh xưng tiếng Hy Lạp "Petros" gốc từ "petra" có nghĩa là "đá", do Chúa Giêsu đặt cho ông; trong tiếng Aram là Kêpha (xuất hiện trong các thư của Thánh Phaolô).
Khi kể lại cuộc gặp gỡ đầu tiên với Simon, anh của Anrê, thánh sử Gioan ghi nhận sự kiện độc đáo: Đức Giêsu “nhìn ông và nói: anh là Simon con ông Giôna? Anh sẽ được gọi là Cephas, nghĩa là đá” (Ga 1,42). Đức Giêsu không có thói quen đổi tên các môn đệ. Ngoại trừ biệt danh “con của sấm sét” Người gán cho các con ông Giêbêđê trong hoàn cảnh đặc biệt và không bao giờ dùng lại (x. Mc 3,17), Người không ban cho bất cứ môn đệ nào tên gọi mới. Chúa Giêsu tôn trọng căn tính thể hiện qua tên gọi của các môn đệ. Thế nhưng, Người đã ban cho Simon tên gọi mới là Cephas, đây không còn chỉ là một tên gọi nhưng là “bài sai” mà Phêrô lãnh nhận từ nơi Chúa. Tên gọi Phêrô được nhắc đến nhiều lần trong các sách Tin Mừng và việc thay đổi tên gọi này khiến cho một ngư phủ Simon làm quen với việc được trao ban sứ mệnh.
Sứ mệnh của Simon - Phêrô được Tin Mừng tái diễn khi Chúa Giêsu đến bờ biển Giênêsareth và ngồi trong thuyền của Phêrô để “giảng dạy cho đám đông”, quá đông nên phải dùng cách nầy. Thánh Luca đã lưu ý sự hiện diện của một số trong Nhóm Mười Hai mà chẳng bao lâu nữa sẽ nhận tên gọi là Tông Đồ (x. Lc 6,13). Ở trung tâm, Simon-Phêrô giữ vai trò chủ chốt. Simon đã đón nhận Chúa lên thuyền của mình, khác với thái độ từ khước trước khía cạnh quá con người của “con ông Giuse” mà các đồng hương Nazaret của Người chủ tâm làm. Chính thế, khiến họ tự gạt mình ra khỏi Nước Trời. Simôn đón Chúa lên thuyền, chiếc thuyền ấy là ngai vàng của Thiên Chúa trên sóng nước Giênêsareth, Simon là người chèo – một hình ảnh rất mang tính ngôn sứ về sứ mệnh lèo lái con thuyền Hội Thánh trọng tâm là Lời Chúa và Thánh Thể, biến cố có một không hai trong lịch sử Hội Thánh.
Trên chiếc thuyền hôm ấy, Simon không xưng mình là ông chủ, cũng vậy, Vị Giáo hoàng này không tự nhận mình là người quản lý hoặc là cấp trên của Giáo Hội. Như tiên tri Isaia (x. Is 6,7), không tìm cho mình chức vụ, Thánh Phêrô tự xưng là người có tội trước Chúa Giêsu trên chính con thuyền này, và người ta sẽ gặp lại thường xuyên trong phần tiếp theo của Phúc Âm Thánh Luca. Như người phục vụ các môn đệ khác, sứ mệnh của Ngài là thể hiện Chúa Kitô – Người Tôi Tớ về mặt bí tích. Khi Đấng Mêsiah nói với Simon: “Đừng sợ, từ nay con sẽ thành kẻ lưới người”, thì hàm ẩn lời ẩn dụ liên kết con thuyền với sứ mệnh Đấng Cứu Độ của Người: vai trò của Giáo Hội sẽ là con thuyền, mà Simon mà Người gọi là Kephas sẽ có “sự bổ nhiệm” cứu con người thoát khỏi những vực thẳm sự chết.
Thật vậy, khá nhiều dấu hiệu bên cạnh việc bước lên thuyền ngư phủ cho thấy Chúa Kitô muốn trao cho Phêrô vị trí đặc biệt trong Tông đồ đoàn. Trong những dịp quan trọng, khi thực hiện phép lạ có tính cách riêng tư thì Đức Giêsu chỉ đem theo ba môn đệ, trong đó Phêrô luôn là cái tên đầu tiên được nhắc đến, chẳng hạn khi Người cho con ông Giairô sống lại, khi Người biến hình, hoặc trong cơn hấp hối ở vườn Cây Dầu. Thêm nữa, khi những người thu thuế Đền thờ yêu cầu, Đức Giêsu chỉ trả thuế cho Người và Phêrô; cũng chính Phêrô là người đầu tiên được rửa chân trong Bữa Tiệc Ly; cũng chỉ có Phêrô mới được Chúa cầu nguyện cho vững lòng tin để ông có thể làm cho anh em được vững tin.
Thánh Phêrô là người môn đệ “nói nhiều” nhất trong Tin Mừng. Vậy nên, ngài thường nói thay cho những anh em khác, khi phải xin Chúa giải thích một dụ ngôn khó hiểu, giải thích ý nghĩa chính xác của một huấn lệnh hoặc lời hứa chính thức về phần thưởng (x. Mt 19,27). Cũng chính Tông đồ “nhiều chuyện” này là người đã thay mặt anh em để đứng ra giải quyết một vài hoàn cảnh khó khăn. Khi Đức Giêsu buồn phiền vì bị đám đông hiểu lầm sau bài giảng về Bánh hằng sống, Người hỏi “Cả anh em cũng bỏ đi chứ?”, Phêrô đã trả lời thay cho anh em, câu trả lời kinh điển mà toàn thể Hội Thánh sau này xác tín và trả lời đúng y như vậy khi xảy ra những cơn bắt bớ gắt gao: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con theo ai? Chỉ có Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (x. Ga 6,67-69).
Hay như lời tuyên xưng đức tin ở Cêsarê Philipphê. Đức Giêsu nhân cơ hội người ta đàm luận về thân thế Chúa, đã đặt câu hỏi để sát hạch lòng tin của môn đệ Người: “Anh em nói Thầy là ai?”, thì cũng là Phêrô đã trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (x. Mt 16,15-16). Chính qua sự xác tín mạnh mẽ trong Thánh Thần của Thiên Chúa Cha, Thánh Phêrô đã được Đức Kitô đề cao trước mặt Tông đồ đoàn và long trọng trao cho Thánh nhân vai trò nền tảng Hội Thánh: “Thầy bảo anh, anh là Phêrô (nghĩa là Đá Tảng) và trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” và rồi Chúa trao “bài sai” cho Thánh Phêrô: “Thầy sẽ ban cho anh chìa khóa Nước Trời, bất cứ điều gì anh cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, điều gì anh cởi mở dưới đất thì trên trời cũng cởi mở”.
Đức Kitô là phiến đá góc tường, Phêrô sẽ là Đá nền trên đó Thiên Chúa xây nhà của Chúa; Phêrô sẽ nắm chìa khóa Nước Trời – Chìa khóa của Lòng Thương Xót để mở hoặc đóng cho những ai biết kêu cầu đến Lòng Thương Xót và biết sống lòng thương xót. Phêrô có thể cầm buộc hay cởi mở, nghĩa là thiết lập hay ngăn cấm những gì ngài thấy cần thiết cho đời sống Hội Thánh. Nhưng Hội Thánh đó là Hội Thánh của Chúa Kitô chứ không phải của Phêrô. Phêrô không đứng ở vị trí tối thượng, hay làm chúa tể Hội thánh như những vị bá vương nhưng phải là người canh giữ sự hiệp thông với Chúa Kitô ở mọi thời đại, Chúa Kitô ở vị trí trung tâm và cao nhất trong đời sống Hội Thánh. Phêrô nhận “ủy nhiệm thư” với nội dung phải dẫn dắt Dân Chúa đến sự hiệp thông với Chúa Kitô; ngài phải giữ gìn sao cho tấm lưới ngư phủ không bị rách, cho con thuyền Hội Thánh mãi căng buồm ra khơi chứ không phải một thuyền nhà hàng đậu dọc bờ sông đón khách vãng lai. Một sự ra đi dứt khoát, mạnh mẽ và khôn ngoan. Nhờ Đá Tảng này, sự hiệp thông phổ quát được tồn tại vững bền trong nhiệm thể Đức Kitô.
Chúng ta hãnh diện vì thánh Phêrô có trách nhiệm bảo đảm mối hiệp thông với Chúa Kitô bằng tình yêu dành cho Chúa Kitô, hướng dẫn Dân Chúa sống tình yêu này trong cuộc sống hằng ngày. Như vậy, chúng ta hãy cầu nguyện để vị trí ưu tuyển của thánh Phêrô, được trao phó cho những những đấng kế vị ngài hôm nay, luôn được thi hành như lòng Chúa mong muốn, và xin cho ý nghĩa đích thực của Tối thượng quyền Phêrô này cũng được nhìn nhận bởi những anh chị em chưa hoàn toàn hiệp thông với chúng ta.
Xin Chúa chúc phúc lành cho Hội Thánh, cho mỗi chúng ta nhờ lời cầu nguyện của Thánh Giáo Hoàng Phêrô. Amen.
Cù Lao Thới Sơn 22.02.2016
Lm. PX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho