
Bước theo Chúa Kitô là một con đường hẹp bởi lẽ nó định hướng chúng ta đến điều cốt lõi sống còn và, bởi thế, làm cho chúng ta sống những chặng đường khó khăn. Khi can đảm dấn bước trên con đường hẹp ấy, cánh cửa sẽ mở ra cho những chiều sâu, rộng và cao không ngờ đến của cuộc sống. Thánh Phaolô quả quyết: “anh em sẽ nhận ra được tình yêu của Chúa Kitô vượt trên tất cả những gì mà người ta có thể nhận biết được” (x. Ep 3,19). Nhờ Chúa Thánh Thần, đời sống tu trì cho phép tình yêu dần dần đầu tư toàn bộ con người chúng ta để bước theo Chúa Kitô. Trên con đường hẹp ấy, Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta một chiều sâu tình yêu có thể đảm nhận tất cả giới tính của chúng ta, tình cảm của chúng ta, và vén mở một sự phong nhiêu không thể ngờ được.
Người nữ hay người nam trong đời sống tận hiến cũng là những con người bình thường như bao người. Có một trái tim để yêu và được yêu. Con tim họ rạo rực và thổn thức yêu một Đấng vô hình, Đấng mà họ chỉ nghe nói về Ngài. Kể cũng lạ, lời yêu của Thiên Chúa trong tim người tu sĩ quá thầm kín riêng tư mà cũng mãnh liệt làm sao! Để đáp trả tiếng mời gọi ấy là cả một quá trình chiến đấu nội tâm liên tục. Chỉ vì mong muốn toàn hiến mình cho Thiên Chúa tình yêu, họ đã dấn mình bước vào con đường hẹp và chẳng mấy ai đi.
Mỗi người trong chúng ta phải tự mở cho mình lối đi riêng trong cuộc đời. Không có thủ bản chỉ nam, không có công thức tiền chế, không có bất cứ câu trả lời dễ dàng nào. Con đường đúng đắn cho người này có thể là con đường sai lạc cho người kia. Chúa chỉ nói vắn gọn: “Hãy theo thầy!”, hoặc “hãy đến mà xem!”. Vậy mà hàng triệu triệu con người lại thấy thu hút và đam mê. Hành trình tình yêu dâng hiến đó không được trải nhựa êm ru, không được thắp đèn chiếu sáng, cũng không có biển báo giao thông. Nó là một con đường đá sỏi xuyên qua sa mạc hoang vu. Chỉ có một ngọn nến sáng duy nhất từ trái tim. Họ vẫn tiến bước, gập ghềnh và khúc khuỷu, chỉ có Thiên Chúa biết.
Tình yêu Thiên Chúa qua ngàn gian truân của cuộc sống này là những ánh sao sáng giúp ích nhiều cho bước chân tận hiến trong cuộc hành trình dò dẫm qua sa mạc đời mình. Có những vấp ngã, có những va đập vào đá, ngã dúi dụi vào cát nóng sa mạc, đôi chân vẫn bước đi vững chải giữa cuộc đời, mà tâm trí cầm giữ hướng về thượng giới. Nhân gian như những khán giả thương cảm muốn đánh đổi cho người tu những niềm vui, tiện nghi, tình cảm, ảnh hưởng và lợi danh nhưng Thiên Chúa vẫn gọi họ âm thầm thúc bách họ bằng tình yêu để họ lướt tới. Niềm vui chân thật và vĩnh cữu đang chờ đợi phía trước.
Bơi ngược dòng đời, chấp nhận một cuộc sống không bị ràng buộc bởi lòng tham và tư lợi khó lắm thay. Người tu chẳng bao giờ được vun vén hay dành dụm chút của cải nào để phòng thân. Với niềm trông cậy và phó thác, họ tin tưởng Thiên Chúa sẽ đảm bảo sự sống còn cho họ. Chấp nhận khoét rỗng cái có của mình để Thiên Chúa và tha nhân chiếm trọn con tim của họ. Khách lữ hành sống trong thế giới hữu hạn, khả vong mà lại vận hành cuộc đời theo Đấng vô biên, bất vong bất hoại để làm gì đây? Trục mình ra khỏi những lùng nhùng thế tục thì đúng là việc làm nghịch lưu với dòng đời; cho nên, thật là một điều vô cùng khó khăn, trắc trở. Làm sao có thể nếu không có một tình yêu đủ mạnh trong tim, không có một lý trí đủ sáng để soi đường?
Vào trưa ngày 23 tháng 06, Đức Thánh Cha Phanxicô đã lấy cảm hứng từ Kinh Thánh “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (x. Lc 9,24) để nói lên một lời tóm kết sứ điệp của Chúa Kitô như một lối diễn tả đầy nghịch lý gây ấn tượng sâu sắc. Nhưng “đánh mất mạng sống vì Đức Kitô” nghĩa là gì? Các vị tử đạo là những mẫu gương tuyệt vời nhất về việc liều mất mạng sống vì Đức Kitô. Liều mất mạng sống chỉ vì tình yêu Thiên Chúa và tha thiết với ơn Cứu độ. Trong hai ngàn năm qua, có biết bao nhiêu người nam và nữ đã hy sinh mạng sống vì sự trung tín với Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài bằng một tình yêu không chia sẻ, trọn vẹn và thanh khiết. Và hôm nay, tại nhiều nơi trên thế giới, có rất nhiều, rất nhiều – nhiều hơn những thế kỷ trước – các vị tử đạo, những người trao ban chính mạng sống mình vì Đức Kitô một cách quả cảm và vô danh mà sử sách không nhắc tới, giới truyền thông không ưa nói tới. Họ chấp nhận cái chết để không phải khước từ Đức Kitô, để không phản bội tình yêu.
Tình yêu mãnh liệt xây dựng những hình tượng tử đạo trong đời sống thường ngày. Họ không chết nhưng đã “liều mất mạng sống” vì Đức Kitô ngang qua việc vuông tròn những trách vụ với tình yêu, theo luận lý của Đức Giêsu, luận lý của quà tặng và của sự thánh hiến cách nhưng không và triệt để. Hãy nghĩ về biết bao nhiêu linh mục, nam nữ tu sĩ đã quảng đại dấn thân cho nước Thiên Chúa trong công việc phục vụ của mình. Có biết bao nhiêu người trẻ dám từ bỏ niềm vui riêng để dâng hiến cho trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, người tàn tật và già không chỗ tựa nương. Đây cũng là những vị tử đạo, tử đạo trong đời sống thường ngày, tử đạo mỗi ngày. Và rồi cũng có biết bao nhiêu người, Kitô hữu cũng như không phải Kitô hữu, đã “liều mất mạng sống mình” vì dám lên tiếng bênh vực cho sự thật, chống đối bất công xã hội.
Đời sống tu trì chỉ có thể là dấu chỉ tình yêu thực sự khi nó là một thực tại nhân linh, một lối sống giữa đời thường nhưng quy chiếu nội tâm về những thực tại vô hình. Đời sống toàn hiến của bậc tu trì phải tốt đẹp và chiếu tỏa đến mức độ người ta thấy được nơi đó sự hiện diện của ân sủng của Thiên Chúa vô hình. Khi nói về ý nghĩa của đời sống độc thân thánh hiến cho tình yêu. Trở thành dấu chỉ của Nước Chúa, đó là một niềm vinh hạnh và cũng là một đòi hỏi lớn lao đối với đời sống dâng hiến. Điều này giả thiết đời dâng hiến phải sáng ngời giữa lòng Hội Thánh. Tuy nhiên, trong thực tế, đời dâng hiến không luôn là một dấu chỉ rạng ngời. Có những vùng ánh sáng nhưng cũng có những miền tăm tối. Hay nói cách đơn giản, là có những bất toàn, khiếm khuyết trong đời tu, làm cho sự dâng hiến không được trọn hảo. Và một khi sự dâng hiến bị tì tích thì dấu chỉ có sáng mấy cũng thành ra mờ nhạt.
Người dấn thân sống đời tận hiến trước tiên là “người của Tình Yêu”; là người cảm nghiệm được Thiên Chúa Tình Yêu hiện diện trong và với lịch sử. Nếu thử đi tìm cội rễ sâu xa nhất và nguồn mạch của đời sống đạo, chúng ta sẽ thấy không gì khác hơn đó chính là một cảm nghiệm sâu xa về chính Thiên Chúa. Không có điều này không thể hiểu được những tác động trái khuấy trong cuộc đời có khi làm chùn bước chân tu. Ơn gọi của người sống đời thánh hiến đòi hỏi việc làm chứng về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử cuộc đời mình, lịch sử của tình yêu. Nơi những con người tận tâm hiến tế cho Nước Thiên Chúa cho ta thấy Nước Thiên Chúa vượt trên mọi sự trần thế và những đòi hỏi của Nước ấy cao cả biết bao; nó cũng cho mọi người thấy quyền lực cao trọng tuyệt vời của Chúa Kitô Vua và quyền năng vô cùng của Chúa Thánh Thần đang hoạt động cách kỳ diệu trong Giáo Hội – một Giáo hội xây dựng bằng giá máu của Tình Yêu tuyệt đối, sống động và thân thương.
Antonio Machado (1875 – 1939), nhà thơ Tây Ban Nha, một trong những gương mặt dẫn đầu trong phong trào văn Chương xứ Catalan mệnh danh “Thế hệ ’98”, nói thật chí lý: “Khi ta đang đi, không có con đường, nhưng con đường hình thành dưới bước chân ta” (Viandante, non c’è strada, si fa strada camminando). Khi Chúa gọi, chưa có con đường rõ nét cho cá nhân. Những con đường chung chung được trình bày trong các học thuyết, các suy tư của những bậc tiền bối cũng như những la bàn trong hành lý đời sống dâng hiến phòng khi lạc bước mà thôi. Con đường tình như thế tất nhiên bắt nguồn từ Thiên Chúa qua các dấu chỉ giao ước của Người. Vì thế, khi nói đến sự trung tín trong tình yêu, cũng có nghĩa là nói đến sự trung tín mang tính giao ước với Thiên Chúa.
Khi bước theo tiếng gọi của tình yêu thì đương nhiên thần tượng của đời mình chính là người mình yêu và khát vọng chính đáng là trọn đời gắn bó nên một. Cũng thế, khi dấn thân bước theo tiếng gọi tu trì, điều chắc chắn là phải xác định cho mình đâu là thần tượng đích thực và người yêu duy nhất của đời mình; khi khấn dâng trọn đời thì thần tượng của mình phải mang tính bền vững. Thần tượng của bậc tu trì không ai khác chính là Đức Kitô, một thần tượng tuyệt hảo và bền vững, là mẫu gương của mọi mẫu gương và là lý tưởng của mọi lý tưởng. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em tuân giữ các lệnh truyền của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy vâng lời Cha Thầy nên lưu lại trong tình yêu của Người” (x. Ga 15, 9).
Thật ra, không thiếu những người bước vào đời tu với những lý do có tính tiêu cực, nhưng Chúa có cách huấn luyện họ đến một tình yêu nhưng không – yêu như Chúa yêu. Tình yêu nhưng không này được Đức Kitô thể hiện cách trọn hảo nơi Bí Tích Thánh Thể - Tình yêu trao hiến cho đến tận cùng.
Trong sa mạc nhân loại ngày nay với các chuẩn giá trị thiết định võ đoán bởi thị trường toàn cầu, đa nguyên, đa tôn giáo và việc tôn thờ chủ thuyết tương đối duy ngã độc tôn, người tu trì dễ bối rối khi chọn lựa đi trên con đường của Thiên Chúa. Để triển nở như một con bướm, không chỉ cần một định nghĩa đẹp đẽ mà cần một bối cảnh sinh thái làm cho trứng trở thành con sâu, và từ tổ kén trở thành con bướm. Ngày hôm nay Chúa Kitô vẫn còn mời gọi những người nam và người nữ bước đi theo Ngài. Lời mời gọi bước theo Ngài được biểu lộ ra nơi nhiều hình thức khác nhau: đời sống hôn nhân, lựa chọn sống độc thân, đời sống thánh hiến. Tất nhiên, đời sống thánh hiến trong cuộc sống tu trì là một hình thức đặc biệt để bước theo Chúa Kitô, nó nhất thiết bao gồm “sự lựa chọn một sự trao hiến trọn ven cho Thiên Chúa trong Chúa Kitô” (Thượng Hội Đồng về Đời sống thánh hiến, Gioan Phaolô II), bước theo Chúa Kitô theo cách thức này là cảm nghiệm một Tình Yêu không ngừng làm cho chúng ta có khả năng từ bỏ tất cả để “hiến dâng cuộc sống của mình” cho Tình Yêu, mà trao ban và hiến thân sáng tạo không ngừng.
Đã dấn thân để bừng cháy lửa yêu mến, và tuyên thệ đi tới đâu đốt lên lửa mến Thiên Chúa tới đó; và thật sự ước mong và làm hết sức cho mọi người bừng cháy lửa yêu mến, người ấy chính là tình nhân của Lửa Mến Kitô Giêsu. Người ấy sẽ không sờn lòng nản chí trước bất cứ chuyện gì, vui mừng khi bị thiếu thốn, dấn thân vào công việc, chấp nhận gian nan, hân hoan khi bị nhục nhã, vui mừng lúc bị hành hạ. Người ấy không nghĩ gì khác ngoài việc đi theo và bắt chước Đức Kitô. Tình Yêu trong khi cầu nguyện, làm việc và chịu đựng, luôn luôn chỉ tìm vinh danh Thiên Chúa và cứu các linh hồn. Nói khác đi, người sống trong tình yêu dâng hiến là người mang trong mình niềm hy vọng bất diệt.
“…để sự sống của Ðức Giêsu cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi.” (x. 2Cr 4,7-10).
Lm FX. Nguyễn Văn Thượng
Gp. Mỹ Tho