04/10/2012
984

CẢM NHẬN NỖI LÒNG NGƯỜI THA PHƯƠNG

 

Anh tôi làm công việc cắm hoa ở vùng Hố Nai, tỉnh Đồng Nai. Tha phương cầu thực nơi xứ người. Quê anh ở Chợ Gạo, Tiền Giang. Xa quê. Nhớ nhà. Năm ấy, anh phải làm tới ngày 30 tết mới được về quê. Anh tâm sự với tôi: “Anh thấy nhớ nhà mỗi lần nhìn xe cộ đông đúc và người ta tấp nập vào Nam ra Bắc để chuẩn bị ăn tết. Xót xa cảnh tha phương nơi xứ người. Giữa biết bao sự ồn ào tấp nập mà lòng anh cảm thấy ngậm ngùi nỗi nhớ quê. Ước gì được về quê sớm chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, đi chợ dịp tết gần đến.” Nghe những lời trần tình của anh, tôi cảm thấy chạnh lòng. Năm ấy tôi cũng xa quê, đang học đại học những năm đầu ở làng đại học Thủ Đức, Tp. Hồ Chí Minh. Tôi chỉ lo việc học hành. Còn anh phải vất vả vì kế sinh nhai. Tôi và anh sống kiếp độc thân tha phương nơi xứ người.

Bạn thân mến, người ta xa xứ vì nhiều lý do. Người đi lấy chồng hoặc xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Người lên Sài Gòn đi học. Người làm công nhân hay mua bán kinh doanh. Tất cả cũng chỉ vì hoàn cảnh của cuộc sống. Vì đồng tiền. Vì miếng cơm manh áo. Vậy có bao giờ bạn và tôi biết nỗi lòng của những người xa xứ như thế nào không?

Bi kịch không gọi được tên của những người lao động nơi xứ người

Trên tờ báo “Tuổi Trẻ và Đời Sống”, số 121 ngày 27.09.2012, có đăng bài viết với tựa đề “Nỗi lòng người xa xứ và bi kịch không gọi được tên”. Bài báo viết về cái chết của 14 công nhân may người Việt Nam, đang lao động ở Nga. Tác giả bài báo viết: “… Các công nhân may này làm việc trong căn phòng nhỏ, bị ông chủ khóa cửa ngoài và chỉ được cung cấp thức ăn, nhu yếu phẩm mỗi ngày một lần.” Thật xót xa. Thiếu tình người. Tác giả còn viết thêm: “14 người làm thuê xấu số này lặn lội ra ngoài biên giới đều là người nghèo và họ là những người cần cù, chăm chỉ, năng động. Nếu họ không có ước mơ đổi đời thì cũng mong lao động vài năm gửi tiền về quê xây cái nhà cái cửa, hoặc trả nợ nóng một món tiền nào đó còn đang treo lơ lửng.” Thật cảm động biết bao bởi nỗi lòng của những người con xa xứ như thế. Bởi vậy, nhà văn Sương Nguyệt Minh, tác giả bài báo này đã viết như sau: “Những người con xa xứ trở về trong hình hài cháy đen không còn nguyên vẹn, đau đớn xót thương… Có ai biết rằng:… Còn bao nhiêu người con tha hương đang lầm lũi trên cát nóng sa mạc, đang dầm mình trong tuyết trắng buốt lạnh mưu sinh nơi xứ lạ chưa biết đến ngày nào hồi hương.”

Tối thứ tư tuần này, người anh con ông bác của tôi lên máy bay đi Nhật để lao động. Cách đây bốn năm tôi có đến phi trường Tân Sơn Nhất tiễn anh đi. Cảnh tiễn đưa bao giờ cũng nghẹn ngào trong nước mắt. Cha mẹ anh khóc. Anh chị em khóc. Anh cũng rớt nước mắt vì phải đợi tới ba năm sau mới gặp lại những người thân trong gia đình. Còn nhớ vụ sóng thần xảy ra ở Nhật năm ngoái, hai bác của tôi đã khóc cả mấy đêm liền vì sợ anh không còn sống sau cơn sóng thần kinh hoàng. Cũng may chỗ anh làm việc cách xa nơi xảy ra sóng thần. Anh bình an thoát nạn. Người thân thở phào nhẹ nhõm. Lần này anh đi chắc cũng lâu lắm mới về. Nhớ cha mẹ. Nhớ anh em. Nhớ quê hương…

Nỗi lòng của những xa xứ lấy chồng nước ngoài

Chị tôi lấy chồng xa quê đã mươi mấy năm nay. Mười mấy năm chị sống ở nơi đất khách quê người. Lúc thì ở Mỹ, khi thì ở Singapore. Chị lấy chồng lớn tuổi hơn mình. Chênh lệch tuổi tác. Xung đột quan điểm. Vì thương cha mẹ, anh em nên chị bóp bụng chấp nhận những éo le của cuộc đời. Có bao nhiêu tiền chị đều lo cho cha mẹ, anh chị em: xây nhà, sắm sửa này kia. Chị là người con gái hiếu thảo với cha mẹ và hết tình với anh chị em. Chị là người có quả tim yêu thương và tấm lòng nhân hậu thật đáng trân trọng. Không phải người phụ nữ nào cũng có được những tố chất như chị: vừa đẹp vừa giàu tình cảm, xử sự yêu thương và chan hòa với hết mọi người. Chị rất thương và hay giúp đỡ người nghèo. Nhưng nhiều lúc, chị thấy xót xa cho số phận nghiệt ngã đời mình. Sống trong sự đầy đủ vật chất mà lòng vẫn thấy thiếu một điều gì đó mình thật sự khao khát. Đôi khi chị thầm trách: “Sao cuộc đời chị lại cứ phải kéo lê trong những điều giả tạo như thế?”

Vì vậy, nhà thơ Nguyễn Du đã viết chí lý: “Hồng nhan bạc mệnh.” Chị tôi sống vì người khác chứ không vì mình. Nhiều lúc chị muốn sống thật với con người và quả tim của chị: không muốn lệ thuộc ai; không muốn ai kiểm soát, chửi mắng. Có lần chị  nói với tôi rằng: “Có những cô gái đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc phải sống thật đau khổ. Phải chiều chuộng, hầu hạ một ông chồng đáng tuổi ba mình, bị cụt chân. Phải chấp nhận ăn ở với cả mấy người anh em của chồng. Thật nghiệt ngã. Tất cả cũng vì tiền. Vì tiền mà nhiều khi ba mẹ không nghĩ đến chuyện con gái mình đang muốn cái  gì, đang sống như thế nào?”

Thế nhưng, vẫn có những người con xa xứ luôn canh cánh bên lòng nỗi trăn trở giúp đỡ quê hương. Mới đây tivi có đề cập đến những kiều bào đầu tư nhiều dự án cho quê hương Việt Nam. Số tiền không phải ít. Tấm lòng của những người con xa xứ như thế thật cảm kích biết bao. Họ nhớ nhà. Họ xót xa với cảnh đời tha hương lữ thứ. Bởi vậy, một bạn trẻ đã cảm nhận như sau: “Sống ở nơi đất khách quê người, khi con người ta no đủ, hạnh phúc, nỗi khắc khoải sẽ nguôi ngoai phần nào. Nỗi buồn, nỗi nhớ lại càng da diết khôn nguôi nếu ai đó chẳng may không được thành đạt trong cuộc sống, lại bị người dân bản xứ khinh miệt, hắt hủi. Điều tủi hổ đó cứ ám ảnh con người ta, và người xa xứ tự dưng thèm khát một miền quê yên tĩnh của mình, một mái ấm mà nơi đó có những người thân của mình đang chờ đợi.”

Vậy nỗi lòng của mỗi Kitô hữu chúng ta là gì?

Một linh mục Việt Nam đang sống ở Úc rất quan tâm đến đời sống bà con giáo dân ở giáo phận miền Tây sông nước. Ngài lên trang web giáo phận theo dõi tin tức, bài viết mỗi ngày. Có lần ngài đã giúp đỡ cho một giáo xứ của giáo phận xây một giếng nước cho người nghèo. Phải chăng, nỗi lòng xa xứ của vị linh mục ấy cũng chính là nỗi lòng yêu thương Chúa Giêsu muốn cho mỗi Kitô hữu chúng ta?

Bạn thân mến, chúng ta mỗi người một hoàn cảnh. Người thành đạt. Người thất bại.Người giầu. Người nghèo. Cuộc đời mỗi người khác biệt nhiều thứ. Vì thế, phải chăng Chúa Giêsu muốn chúng ta cảm thông và chia sẻ cho nhau? Vậy bạn và tôi cần phải làm gì để biến những nỗi lòng của những người xa xứ trên đây thành nỗi lòng yêu thương, chia sẻ như Chúa muốn?

Raphael Trần Dương Tuyển