
Thứ Tư, ngày 30/11/2022
Bài 10
Sự an ủi thật
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Khi chúng ta tiếp tục suy niệm về phân định, và cách riêng về kinh nghiệm thiêng liêng được gọi là “an ủi”, mà chúng ta đã nói vào thứ tư trước, chúng ta hỏi: làm sao nhận ra sự an ủi thật? Đó là câu hỏi rất quan trọng để giúp phân định được tốt, hầu không bị lừa dối khi tìm kiếm sự thiện đích thực của mình.
Chúng ta có thể tìm được vài tiêu chuẩn trong một đoạn trích từ cuốn Linh thao của thánh Ignatiô Loyola. Thánh Ignatiô nói: “Cần chú ý nhiều về diễn biến của tư tưởng. Nếu điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối đều tốt, hướng thẳng về đường lành, là dấu hiệu của thần lành. Nhưng nếu diễn biến của tư tưởng đưa ta tới điều xấu hoặc lo ra, hay không được tốt như điều trước đó linh hồn đã định làm, hoặc làm giảm sút, khiến ta lo lắng, bối rối, mất sự bình an, yên tĩnh đã có từ trước, đó là dấu hiệu rõ ràng điều ấy bởi thần dữ, kẻ thù của sự tiến tới và phần rỗi ta” (số 333). Vì đúng vậy: có sự an ủi thật, nhưng cũng có sự an ủi dối trá. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ diễn tiến của sự an ủi: nó đến thế nào và nó dẫn tôi đi đâu? Nếu nó dẫn tôi đến chỗ sai lầm, thì không tốt, sự an ủi đó không thật, nó “giả trá”, chúng ta hãy nói như thế.
Và đây là những chỉ dẫn có giá trị, đáng giải thích một chút. Khi thánh Ignatiô nói về sự an ủi tốt lành, thì điểm khởi đầu hướng thẳng về đường lành nghĩa là gì? Ví dụ, tôi có ý tưởng là phải cầu nguyện, và tôi thấy rằng nó đi kèm với tình cảm hướng về Chúa và người thân cận, nó gợi lên những cử chỉ quảng đại, bác ái: nó là một khởi đầu tốt. Ngược lại có thể xảy ra là một ý tưởng như thế nổi lên nhằm trốn tránh một công việc hoặc nhiệm vụ đã được uỷ thác cho tôi: mỗi lần tôi phải rửa chén hoặc lau nhà, tôi lại thấy được thúc đẩy mạnh mẽ phải đi cầu nguyện! Chuyện này có thật đấy, nó xảy ra trong các tu viện. Nhưng cầu nguyện không phải là trốn tránh nhiệm vụ; ngược lại, nó giúp chúng ta nhận ra điều tốt chúng ta cần làm, ở thời gian và không gian hiện tại. Đó là điểm khởi đầu.
Rồi đến điểm giữa: thánh Ignatiô nói rằng điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối phải tốt. Điểm khởi đầu là: Tôi muốn cầu nguyện để khỏi phải rửa chén: đi rửa chén rồi hãy đi cầu nguyện. Rồi đến điểm giữa: đáng nói tới chuyện xảy ra về sau, cái tiếp theo sau ý tưởng. Vẫn với ví dụ trước, nếu tôi bắt đầu cầu nguyện và, như người Pharisêu trong dụ ngôn (x. Lc 18,9-14), tôi có khuynh hướng tự hãnh diện và khinh chê người khác, có lẽ với một tinh thần bực bội và chua chát, rồi có những dấu hiệu là thần dữ đã dùng tư tưởng đó làm chìa khoá xâm nhập tâm hồn tôi và truyền cảm xúc của nó cho tôi. Nếu tôi đi cầu nguyện, và trí tôi muốn làm như người Pharisêu nổi tiếng – “Con cảm tạ Chúa, vì con đã cầu nguyện, con không giống những người khác, họ không chịu tìm Chúa, họ không chịu cầu nguyện” – việc cầu nguyện kết thúc cách tệ hại như thế. Sự an ủi nhờ cầu nguyện là cái cảm giác như con công ở trước mặt Thiên Chúa. Làm vậy là sai cách rồi.
Rồi đến điểm cuối: điểm khởi đầu, điểm giữa và điểm cuối. Điểm cuối là một khía cạnh chúng ta đã nói tới, đó là: tư tưởng ấy đưa tôi đến đâu? Ví dụ, ý tưởng cầu nguyện đưa tôi đến đâu? Chẳng hạn, có thể tôi vất vã làm việc theo một bổn phận tốt và xứng đáng, nhưng việc này buộc tôi ngừng cầu nguyện, bởi vì tôi bận làm nhiều chuyện; tôi thấy mình càng ngày càng dễ nóng giận, tôi thấy mọi thứ đều tuỳ thuộc vào tôi, đến mức mất luôn sự tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ở đây, rõ ràng, có hoạt động của thần dữ. Tôi bắt đầu cầu nguyện, nhưng rồi khi cầu nguyện tôi cảm thấy mạnh mẽ, rằng mọi sự phải ở trong tầm kiểm soát của mình bởi vì tôi là người duy nhất biết cách làm được việc: rõ ràng thần lành không có ở đó. Cần phải xét kĩ đường đi của các cảm xúc, của sự an ủi, khi chúng ta muốn làm việc gì; tại điểm khởi đầu, tại điểm giữa, và tại điểm cuối.
Đặc điểm của kẻ thù –khi chúng ta nói đến kẻ thù là chúng ta nói đến ma quỷ, bởi vì có ma quỷ, nó đang có mặt! – chúng ta biết đặc điểm của nó – nó tỏ mình ra một cách quanh co, che đậy: nó bắt đầu từ chỗ thân thuộc với chúng ta nhất và rồi, từng chút một, nó khuynh đảo chúng ta: ma quỷ xâm nhập một cách bí mật, không để người ta biết. Và với thời gian, sự nhẹ nhàng biến thành cứng cỏi: đến độ tư tưởng phơi bày bản chất thật của nó.
Do đó việc kiểm thảo nguồn gốc và sự thật trong các tư tưởng của mình là điều hết sức quan trọng, cần kiểm thảo một cách kiên nhẫn nhưng không được bỏ qua; nó mời gọi hãy học biết từ kinh nghiệm, từ những chuyện đã xảy ra cho chúng ta, để không tiếp tục lặp lại sai lầm. Càng biết mình, chúng ta càng cảm nhận được nơi thần dữ xâm nhập, “mật khẩu” của nó, lối vào tâm hồn mình, đó là những điểm nhạy cảm với chúng ta nhất, hầu chú ý tới những chỗ đó trong tương lai. Mỗi người trong chúng ta có những nơi nhạy cảm hơn, đó là những điểm yếu trong tính cách của chúng ta: đó là nơi thần dữ xâm nhập, và kéo chúng ta vào đường lầm, hoặc đưa chúng ta ra khỏi đường ngay chính. Tôi đi cầu nguyện nhưng nó dẫn tôi ra khỏi lời cầu nguyện của mình.
Còn rất nhiều ví dụ, phản ánh ngày sống của chúng ta. Đây là lí do tại sao việc kiểm thảo lương tâm hàng ngày thật quan trọng: trước khi kết thúc một ngày, hãy dừng lại đôi chút. Chuyện gì đã xảy ra? Không phải trên báo, không phải trong cuộc sống: mà chuyện gì đã xảy ra trong tâm hồn tôi? Lòng tôi có chú ý không? Nó có lớn mạnh không? Nó có đi mà không biết chuyện gì đang diễn ra? Chuyện gì đã xảy ra trong lòng tôi? Xét mình là việc quan trọng, đáng cố gắng đọc lại kinh nghiệm từ một góc nhìn đặc biệt. Chú ý đến những chuyện đang xảy ra là việc quan trọng, đó là dấu hiệu ân sủng của Chúa đang hoạt động trong chúng ta, giúp chúng ta trưởng thành trong tự do và nhận thức. Chúng ta không đơn độc: Chúa Thánh Thần ở cùng chúng ta. Vậy chúng ta hãy xem các sự việc đã diễn ra thế nào.
Sự an ủi thật là một kiểu xác định chúng ta đang làm điều Chúa muốn, rằng chúng ta đang đi trên đường của Ngài, nghĩa là, trên đường sự sống, hoan lạc và bình an. Thật vậy, phân định không chỉ liên quan đến điều tốt hay khả thể tốt nhất, mà liên quan đến điều tốt cho tôi lúc này và tại đây: đây là điều tôi được gọi phải lớn lên từ đó, đặt giới hạn cho các đề nghị khác, dù hấp dẫn nhưng không thật, để không bị lừa gạt khi tìm kiếm sự thiện chân thật.
Anh chị em thân mến, cần phải hiểu, phải thêm hiểu biết điều đang xảy ra trong lòng mình. Và đó là lí do cần kiểm thảo lương tâm, để thấy điều đã xảy ra hôm nay. “Hôm nay tôi nóng giận, tôi đã không làm điều kia…”: Nhưng, tại sao? Đi xa hơn “cái tại sao đó” để tìm cho được nguồn gốc các sai lầm này. “Ngược lại, hôm nay tôi hạnh phúc nhưng tôi thấy chán vì tôi phải giúp mấy người kia, nhưng cuối cùng tôi thấy việc giúp đỡ đó tràn ngập tôi” – và đó là Chúa Thánh Thần. Học cách đọc điều đã xảy ra trong ngày nơi quyển sách tâm hồn chúng ta. Hãy làm như vậy: chỉ cần hai phút thôi, nhưng sẽ có ích cho anh chị em, tôi bảo đảm với anh chị em.
Nguồn: Vatican.va
Chuyển ngữ: Nhục Tâm