01/10/2022
1972
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXVII TN năm C 2022: Đức Tin























 

CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN

Kb 1,2-3. 2,2-4; 2Tm 1,6-8;13-14; Lc 17,5-10

 


ĐỨC TIN

 

  1. “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Các môn đệ không xin tiền của hay địa vị, danh vọng, cũng chẳng xin thêm ơn khôn ngoan, nhưng xin đức tin! Tại sao lại xin đức tin? Nếu đặt đoạn Tin Mừng này trong văn cảnh của Luca thì các môn đệ xin đức tin vì đòi hỏi của Chúa quá cao: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã! Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã”, và “Nếu người ta xúc phạm đến anh một ngày đến bảy lần, rồi bảy lần trở lại nói với anh ‘tôi hối hận’ thì anh cũng phải tha cho nó” (Lc 17,1-4). Làm sao có thể giữ nỗi những yêu cầu khắt khe đến thế!

Nếu đọc thêm bài đọc 1 thì lại thấy thêm một lý do lớn nữa khiến các môn đệ phải xin thêm lòng tin, đó là khi đối diện với sự dữ: “Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách bạo tàn, chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ”; khổ nỗi là dường như Thiên Chúa cũng chẳng đoái hoài: “Cho đến bao giờ, lạy Chúa, con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe, con la lên ‘Bạo tàn’ mà Ngài chẳng cứu vớt. Sao Ngài cứ bắt con phải chứng kiến tội ác hoài, còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?” (Kb 1,2-3). Những tâm tình này lại chẳng làm cho chúng ta nhớ đến lời thân thưa của Chúa Giêsu trên Thánh giá sao: “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ con” (Mt 27,46)? Và bản thân chúng ta lại chẳng có lúc cũng muốn kêu lên như thế sao?

2. Đối diện với lời cầu xin của các môn đệ, Chúa Giêsu đưa ra một khẳng định: “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải, thì dù các con có bảo cây dâu này: hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc; nó cũng sẽ vâng lời các con” (17,6). Khẳng định này vừa cho thấy quyền năng vĩ đại của đức tin vừa bộc lộ sự yếu ớt trong niềm tin của các môn đệ.

Rồi sẽ đến lúc các tông đồ cảm nghiệm được cách sống động chân lý ấy khi họ đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa. Từ một nhóm nhỏ những con người vừa ít học vừa không có địa vị gì trong xã hội, lại còn bị đàn áp và bách hại nặng nề, các môn đệ Chúa, với sức mạnh của đức tin, đã làm cho Tin Mừng lan rộng khắp đế quốc Rôma. Và lịch sử Hội Thánh tiếp tục chứng kiến quyền năng lạ lùng ấy ở nhiều nơi và bằng nhiều cách khác nhau.

3. “Nếu các con có lòng tin bằng hạt cải…”. Dùng hình ảnh hạt cải để diễn tả đức tin cho thấy đức tin là một sự sống chứ không phải một vật thể thủ đắc một lần là xong. Sự sống ấy có thể lớn lên và cũng có thể chết đi, tăng trưởng mạnh mẽ hay èo uột, vì thế điều quan trọng là phải cộng tác với ơn Chúa để làm tăng trưởng đức tin. Việc đầu tiên là cầu nguyện như các tông đồ xưa: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con” (Lc 17,5). Phải cầu nguyện vì đức tin là một ơn ban chứ không phải là kết quả của hoạt động tri thức hoặc nỗ lực của ý chí: “Để có được đức tin, cần có ân sủng Thiên Chúa đến trước giúp đỡ và sự trợ giúp bên trong của Chúa Thánh Thần: Ngài đánh động và quy hướng con tim về cùng Thiên Chúa, Ngài mở mắt lý trí và cho mọi người cảm thấy dịu ngọt khi ưng thuận và tin vào chân lý” (Dei Verbum, số 5).

Kế đến là sự đồng hành với cộng đoàn. Một sinh viên khi ra trường hỏi cha tuyên úy: con sẽ đến một nơi khác, không còn gặp gỡ các bạn trong nhóm và được cha hướng dẫn, con phải làm gì để vun trồng đời sống đức tin của mình? Câu trả lời của vị linh mục giàu kinh nghiệm là hãy tham gia vào một nhóm trẻ Công giáo nhiệt thành ở nơi con làm việc. Liên kết với những người sống đức tin, nói cách khác là đời sống cộng đoàn sẽ giúp ta thêm đức tin, cũng như trong mỗi Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta tuyên xưng đức tin: mỗi người đều đọc “Tôi tin kính một Thiên Chúa…” nhưng mọi người cùng đọc. Vì thế đừng tưởng rằng khi tham gia vào công việc chung của cộng đoàn là ta giúp đỡ cộng đoàn, vì chính lúc ấy, ta không chỉ giúp đỡ mà còn đón nhận rất nhiều từ cộng đoàn.

Ngoài ra, phải tập hành động theo đức tin. Theo Pascal, đừng nói rằng tôi sẽ sống luân lý tốt khi tôi có đức tin mạnh, nhưng phải nói tôi sẽ cố gắng sống luân lý tốt và đức tin của tôi sẽ mạnh hơn. Kinh nghiệm mục vụ cho thấy nhiều khi đức tin sa sút nơi một người là vì người ấy đang muốn sống buông thả, chiều theo cơn cám dỗ, và âm thầm dùng nhiều lý lẽ để biện minh cho lối sống buông thả của mình. Chính vì thế, phải để cho Lời Chúa soi sáng và hành động theo Lời Chúa, nhờ đó sự sống đức tin ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm