17/09/2022
1931
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXV TN năm C 2022: Làm tôi Thiên Chúa























 

CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN

(Am 8,4-7; 1Tm 2,1-8; Lc 16,1-13)

LÀM TÔI THIÊN CHÚA

 

1. “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền của được” (Lc 16,13). Khẳng định quyết liệt này của Chúa Giêsu cho thấy Thiên Chúa và Tiền của không đội trời chung! Sở dĩ Chúa Giêsu quyết liệt như thế là vì Ngài thấy rõ mối nguy hiểm của Tiền của trong đời sống con người cũng như cho vận mệnh đời đời của chúng ta.

Tiền của có thể len lỏi vào mọi lãnh vực của đời sống, kể cả những lãnh vực được coi là cao cả và đáng quý nhất như y tế, giáo dục, và cả tôn giáo! Buôn thần bán thánh (simonia) là tội mua hoặc bán các thực tại thiêng liêng và đã được cảnh báo rõ ràng trong Giáo Luật cũng như trong Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo.

Tiền của có thể phá hủy mọi quan hệ nhân sinh tốt đẹp, không những trong các tương giao xã hội mà cả những quan hệ sâu xa, mật thiết nhất như tình cảm cha mẹ và con cái, tình nghĩa vợ chồng, tình cảm thầy trò, tình cảm anh chị em cùng huyết thống. Đồng thời, Tiền của cũng có thể phá hủy mọi giá trị nhân bản và đạo đức như liêm chính, công bằng, liên đới, yêu thương…

Chắc chắn Chúa Giêsu không phủ nhận tầm quan trọng của tiền vì tiền là phương tiện cần thiết cho cuộc sống con người. Ở Nazaret, Chúa Giêsu đã làm việc vất vả để kiếm tiền lo cho cha mẹ nên ngài biết rõ giá trị đồng tiền. Điều Chúa muốn nhấn mạnh ở đây là hai từ “làm tôi”: “Các con không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được”. Làm tôi Tiền của là để cho Tiền của chiếm vị trí tối thượng – vốn là vị trí của Thiên Chúa, trong tâm hồn và đời sống chúng ta, là tự nguyện biến mình thành nô lệ của nó, để rồi làm mọi sự theo sai khiến của nó!

2. Thay vì làm tôi Tiền của thì chọn lựa nền tảng của Kitô hữu phải là làm tôi Thiên Chúa. Lời cảnh cáo của Chúa Giêsu về tiền bạc liên quan đến điều răn thứ nhất: “Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,2). Để mình làm tôi Tiền của là phạm tội thờ ngẫu tượng. Đừng nghĩ rằng chỉ khi chúng ta dựng bàn thờ trong nhà để thờ Satan hay thần thánh nào đó thì mới là phạm tội thờ ngẫu tượng, vì “thờ ngẫu tượng là khi con người tôn thờ và kính bái một thụ tạo thay vì Thiên Chúa, cho dù đó là thần linh hay ma quỷ, quyền lực, khoái lạc, chủng tộc, tổ tiên, Nhà nước, tiền bạc…” (SGLHTCG 2113). Vì thế chọn lựa nền tảng của người môn đệ Chúa Giêsu chỉ có thể là “làm tôi Thiên Chúa”.

Chính chọn lựa nền tảng này xác định tương quan của chúng ta với Thiên Chúa, là tương quan giữa người quản lý và ông chủ: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia” (16,1). Những gì chúng ta có đều là tài sản Chúa giao phó cho ta quản lý, và quản gia không thể làm theo ý mình nhưng phải theo ý chủ, đồng thời sớm hay muộn sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về tài sản được giao phó: “Ông chủ gọi anh ta đến mà bảo: Tôi nghe người ta nói gì về anh đó! Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi” (16,2). Mỗi người cũng sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa như thế.

Cũng chính chọn lựa “làm tôi Thiên Chúa” xác định tương quan của chúng ta với tiền của: chúng ta là chủ chứ không là nô lệ, và tiền bạc phải là tôi tớ chứ không là chủ. Nếu để cho tiền của làm chủ mình, ta sẽ rơi vào lối sống tham lam, gian dối, bất nhân, thất đức: “Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ, sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ;cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán” (Bài đọc 1, Am 8,5-6). Ngược lại, nếu chúng ta là chủ và tiền bạc chỉ là tôi tớ thì chúng ta sẽ có thể hành xử như Chúa dạy: “Hãy dùng Tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu” (Lc 16,9).

3. Sau khi kể dụ ngôn Người quản lý bất lương, Chúa Giêsu kết luận: “Ông chủ khen tên quản lý bất lương đã hành động khôn khéo” (Lc 16,8). Chắc chắn Chúa Giêsu không có ý khen sự bất lương của tay quản lý, nhưng Ngài khen sự nhanh nhậy trong ứng biến của anh ta khi phải đối diện với tình huống nguy hiểm đe dọa cuộc sống của anh: mất việc, ăn mày, cày cuốc! Liệu chúng ta – những môn đệ của Chúa, có được sự ứng biến nhanh nhậy đó chăng để trung thành làm tôi Chúa trong mọi hoàn cảnh, để bảo vệ sự sống thiêng liêng và đời đời Chúa hứa ban? Lời hỏi vẫn còn đó như lời nhắc nhở cho từng người môn đệ mỗi ngày trong suốt hành trình theo Chúa.

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm