10/09/2022
2304
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XXIV TN năm C 2022: THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT























 

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN

Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32

THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 

Các bài đọc Kinh Thánh trong Thánh Lễ đều nêu cao lòng thương xót của Thiên Chúa, và cảm nghiệm được lòng thương xót ấy sẽ dẫn lối cho đời sống người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu.

1.Lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện trước hết qua sự tha thứ. Bài đọc 1 kể chuyện bê vàng. Lúc ấy, ông Môsê lên núi gặp Chúa. Dân chờ mãi không thấy ông xuống nên họ đề nghị với ông Aaron: “Xin ông đứng lên, làm cho chúng tôi một vị thần để dẫn đầu chúng tôi vì chúng tôi không biết chuyện gì đã xảy ra với ông Môsê là người đã đưa chúng tôi lên từ đất Ai Cập”. Thế là ông Aaron quyên góp vàng của dân, rồi đúc một con bê, và dân Israel hò reo: “Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai Cập” (Xh 32,1-5).

Quả là một tội rất lớn! Chính Thiên Chúa đã can thiệp mạnh mẽ để giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập, vậy mà bây giờ họ lại phủ nhận công ơn trời biển của Ngài! Thay vào đó, họ tung hô, thờ phượng một ngẫu tượng vì chính họ đã nói với ông Aaron: “Hãy làm cho chúng tôi một vị thần”. Thần thánh họ tôn thờ là ngẫu tượng do họ làm nên chứ đâu phải Đấng dựng nên và giải thoát họ! Hãy tưởng tượng xem, nếu trong một gia đình mà con cái phủ nhận cha mẹ và tôn một người khác lên thay thì sao? Cha mẹ sẽ đau khổ thế nào?

Không lạ gì Thiên Chúa nổi giận và phán với ông Môsê: “Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng” (Xh 32,10). Thế nhưng cuối cùng Chúa đã thương, không giáng phạt dân như Người đã đe dọa. Thiên Chúa là thế, lòng thương xót của Ngài lớn hơn mọi tội lỗi của chúng ta.

2. Không chỉ tha thứ, Thiên Chúa còn bày tỏ lòng thương xót của Ngài qua việc tìm kiếm tội nhân. Tin Mừng Luca chương 15 là một tập hợp các dụ ngôn về lòng thương xót, và thánh Luca cho biết lý do tại sao Chúa Giêsu kể những dụ ngôn này: “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người Pharisêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau: Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng. Chúa Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này” (15,1-3). Như thế các dụ ngôn ở đây đều có mục đích bày tỏ dung nhan đích thực của Thiên Chúa và thái độ của Ngài với các tội nhân. Thiên Chúa không xa tránh kẻ tội lỗi như những người Pharisêu và các kinh sư lầm tưởng, nhưng Ngài lên đường tìm kiếm tội nhân để chữa lành.

Động từ được nhắc đến nhiều trong các dụ ngôn ở đây là động từ “tìm” và “chung vui”. Thiên Chúa không chỉ ngồi chờ tội nhân đến để tha thứ nhưng chính Thiên Chúa đi tìm tội nhân. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, dù vậy, mỗi người chúng ta đều là trân quý trước mặt Chúa, và vì thế, Ngài đi tìm chúng ta, không phải để tra vấn và lên án nhưng để tha thứ và chữa lành. Niềm vui của Thiên Chúa là ở đó, là niềm vui của người chăn chiên tìm được chiên lạc, niềm vui của người phụ nữ nghèo tìm được đồng xu bị mất, niềm vui của người cha tìm lại được đứa con tưởng chừng đã mất!

3. Điều quan trọng là tôi có cảm nghiệm được lòng thương xót ấy trong đời mình không, hay lòng thương xót chỉ là một khái niệm thuần túy lý thuyết? Hơn ai hết, thánh Phaolô (bài đọc 2) là mẫu gương điển hình cho chúng ta chiêm ngắm và noi theo. Đọc lại cuộc đời của thánh nhân, rõ ràng là Thiên Chúa đi tìm Phaolô qua biến cố Damas (x. Cv 9,1-9). Thánh Phaolô đã cảm nhận được lòng thương xót của Chúa và khiêm tốn nhìn nhận mình là kẻ có tội: “Trước kia tôi là kẻ nói lộng ngôn, bắt đạo và ngạo ngược, nhưng tôi đã được Người thương xót vì tôi đã hành động một cách vô ý thức” (1Tm 1,13); “Đức Kitô Giêsu đã đến thế gian để cứu những người tội lỗi, mà kẻ đầu tiên là tôi”. Từ đó ngài thay đổi hoàn toàn hướng đi đời sống và chấp nhận mọi hệ lụy của sự thay đổi ấy: bị thân hữu trước đây kết án là phản bội, bị các môn đệ Chúa nghi ngờ. Và khỏi phải nói, ngài hoàn toàn dấn thân cho sứ mạng Chúa trao phó nên được gọi là Tông đồ dân ngoại.

Cuộc đời của thánh Phaolô là tấm gương cho chúng ta soi bóng chính mình. Nhiều lần lạc lối, Chúa vẫn đi tìm chúng ta qua những con người, biến cố trong đời…và chúng ta đáp ứng ra sao: chấp nhận thay đổi hướng đi hay vẫn như cũ? Điều gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa? Vì tự mãn, sợ mất quyền lợi, tình cảm, địa vị? Lòng thương xót của Chúa là chân lý khách quan, nhưng bao lâu chưa trở thành cảm nghiệm cá nhân thì e rằng lòng thương xót ấy vẫn vô ích và vô nghĩa, như nước đổ vào chén đã đầy nước và chỉ tràn ra ngoài!

 

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm