CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN
Hc 3,17-18.20.28-29; Hr 12,18-19.22-24a; Lc 14,1.7-14
MẦU NHIỆM TỰ HẠ CỦA CON THIÊN CHÚA
1. Một gia đình Công giáo tổ chức tiệc cưới cho con và mời cha xứ đến chung vui. Giả như cha xứ lại chọn ngồi chỗ cuối, đợi người ta năn nỉ mãi mới chịu lên ghế danh dự… liệu hành động đó có được coi là khiêm tốn hay chỉ là giả vờ khiêm tốn? Nếu thế, phải chăng Chúa Giêsu dạy chúng ta sống giả hình khi Ngài nói: “Khi anh được mời, thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh phải đến nói ‘Xin mời ông bạn lên trên cho’. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn” (Lc 14,10). Hoặc hơn một chút, phải chăng Chúa muốn dạy một bài học xã giao theo lẽ khôn ngoan ở đời: đừng ngồi chỗ danh dự để rồi bị mời xuống, nhưng chọn chỗ cuối để được mời lên? Chẳng lẽ Thiên Chúa đến trần gian chỉ để dạy những bài học như thế?
2. Những câu hỏi ấy mời gọi chúng ta suy nghĩ sâu hơn về dụ ngôn Chúa Giêsu kể. Xin đề nghị một cách đọc khác, là đối chiếu dụ ngôn Chúa kể với thánh thi về mầu nhiệm Chúa Kitô trong thư thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Lc 14,7-14 |
Pl 2,6-11 |
Khi anh được mời thì hãy ngồi vào chỗ cuối, để người đã mời anh phải đến nói: xin mời ông bạn lên trên cho. Thế là anh sẽ được vinh dự trước mặt mọi người đồng bàn. |
Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phảm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. |
Đối chiếu như thế để thấy dụ ngôn Chúa Giêsu kể về việc dự tiệc không chỉ đơn thuần là bài học xã giao ở đời nhưng diễn tả chính mầu nhiệm nhập thể-cứu độ: khi đến trong bàn tiệc cuộc đời này, Thiên Chúa đã chọn chỗ rốt hết, “hủy mình ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế”. Nhờ đó Ngài được Thiên Chúa tôn vinh và nâng cả nhân loại sa ngã lên.
Đối chiếu như thế còn để thấy lối sống của Chúa Giêsu: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay tối, thì đừng mời bạn bè, anh em, hay bà con hoặc láng giềng giàu có, kẻo họ cũng mời lại ông, và như thế, ông được đáp lễ rồi. Trái lại, khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại” (Lc 14,12-14). Những lời này chẳng phải là sự minh họa chính cách sống của Chúa sao? Chúa gần gũi với những người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội, những người bị kết án là kẻ tội lỗi, và vì thế bị người Pharisêu và các kinh sư lên án: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng” (Lc 15,2). Nhưng chính bằng cách đó, Chúa công bố dung nhan Thiên Chúa Tình Yêu và Tin Mừng Nước Trời: “Trên trời, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” (Lc 15,7).
3. Nếu Chúa Giêsu đã chọn cách sống như thế để công bố Tin Mừng Nước Trời, thì Hội Thánh của Chúa có thể chọn con đường nào khác để rao giảng Phúc Âm?
Nếu Chúa Giêsu đã chọn cách sống như thế thì đâu là mô hình Hội Thánh mà Chúa mong muốn nơi các môn đệ Ngài?
“Giáo Hội của người nghèo”, “Giáo Hội ưu tiên phục vụ người nghèo” là những cụm từ quen thuộc trong Hội Thánh, thế nhưng để biến những khẩu hiệu ấy thành hiện thực vẫn luôn là một thách đố lớn, bởi lẽ khuynh hướng tìm chỗ nhất về nhiều mặt vẫn ẩn sâu trong ước muốn thầm kín của mỗi chúng ta. Chính vì thế, lời mời gọi hoán cải là lời mời gọi thường xuyên cần được lắng nghe và thực hiện trong cách làm mục vụ cũng như loan báo Tin Mừng. Quả thật, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45); vì thế “Phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (Lc 14,11).
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm