CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
Gr 38,4-6.8-10; Hr 12,1-4; Lc 12,49-53
TÍNH TRIỆT ĐỂ CỦA TIN MỪNG
1. Có ai đau khổ đến mức nguyền rủa cả ngày sinh nhật của mình chăng? Tiên tri Giêrêmia đã mang tâm trạng như thế: “Thật đáng nguyền rủa ngày tôi được sinh ra. Ngày mẹ tôi sinh ra tôi không đáng được chúc lành… Tại sao tôi đã không chết ngay trong lòng mẹ, để mẹ tôi nên nấm mồ chôn tôi, và lòng bà cưu mang tôi mãi mãi? Tôi đã lọt lòng mẹ để làm chi? Phải chăng chỉ để thấy toàn gian khổ, buồn sầu, và thấy cuộc đời qua đi trong tủi hổ?” (Gr 20,15-18).
Sở dĩ vị tiên tri có giọng điệu bi quan như thế là vì cuộc đời ông phải đối diện quá nhiều thử thách và nghịch cảnh. Câu chuyện trong bài đọc 1 hôm nay là một minh họa. Nhà tiên tri bị người ta bắt, cột vào dây thừng rồi thả xuống hầm nước sâu, lại không có gì ăn nên chẳng khác gì bị chôn sống! Hình phạt ấy dành cho ông vì ông dám rao giảng theo lệnh Chúa truyền. Dù là Lời Chúa đi nữa nhưng lại là những lời chói tai, đi ngược lại những tính toán chính trị của nhà vua và các quan chức lúc bấy giờ. Người ta gán cho nhà tiên tri tội gây rối: “Con người ấy chẳng mưu hòa bình cho dân này mà chỉ gây tai họa”, và phải bị diệt trừ!
2. Tiên tri Giêrêmia xung đột với nhà cầm quyền, Chúa Giêsu còn đẩy sự xung đột này đi xa hơn, không chỉ là giữa người rao giảng Lời Chúa với những người cầm quyền, mà ngay cả với những người thân trong nhà: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng” (Lc 12,51-53).
Chính cuộc đời Chúa Giêsu cho thấy sự xung đột ấy: xung đột với các lãnh đạo tôn giáo đương thời, nên Thượng Hội Đồng Do Thái quyết định giết Chúa, vì “thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt” (Ga 11,49); xung đột với những người cầm quyền trong xã hội, như với vua Hêrôđê: “Xin ông đi khỏi đây vì vua Hêrôđê đang muốn giết ông!” (Lc 13,31); xung đột với các môn đệ: “Satan, lui lại đằng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16,23); xung đột với những người thân trong gia đình “vì họ nói rằng Người đã mất trí” (Mc 3,21).
Nếu Chúa Giêsu đã trải nghiệm sự xung đột ấy thì các môn đệ chân chính của Chúa đâu thể trốn tránh được. Chân phước John Henry Newman đã cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng khi quyết định xin gia nhập Hội Thánh Công giáo. Gần chúng ta hơn, Scott Hand, một mục sư Tin Lành quyết định xin gia nhập Hội Thánh Công giáo kể lại nỗi đau khổ ông phải chịu khi quyết định: “Bạn bè xa lánh. Người thân trong nhà giữ im lặng và ngoảnh mặt đi… Tôi có cảm giác mình là kẻ phong cùi… Tôi thấy mình như kẻ đã làm điều sai trái. Liệu cuộc hôn nhân của chúng tôi có vượt qua nổi những thử thách và cơn hấp hối này chăng?” (x. Rome Sweet Home. Our Journey to Catholicism).
3. Sự xung đột ấy làm nổi bật tính triệt để của Tin Mừng. Chúa Giêsu được gọi là “Hoàng tử hòa bình” (Is 9,6) nhưng sứ điệp Tin Mừng Ngài loan báo đòi hỏi mỗi người phải chọn lựa, tin hay không tin, theo hay không theo. Vì thế sống theo các đòi hỏi của Tin Mừng cách triệt để, không thể tránh được những xung đột. Thật thế, “Làm sao sự công chính lại liên kết được với sự bất chính? Làm sao ánh sáng lại dung hòa được với bóng tối? Làm sao Đức Kitô lại hòa hợp được với Bêlia? Làm sao người tin lại chung phần được với người không tin? Làm sao đền thờ Thiên Chúa lại đi đôi với tà thần được? Vì chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống như lời Người phán” (2Cr 6,14-16). Phải chăng vì thế mà sống đời sống Kitô hữu cách triệt để là phải chấp nhận lội ngược dòng thời đại?
Cũng vì thế, Tin Mừng tra vấn những chọn lựa của chúng ta, có khi là những chọn lựa được ca tụng là khôn ngoan, thức thời: Liệu chúng ta có thể nhân danh Tin Mừng bình an mà phủ nhận những đòi hỏi triệt để của Tin Mừng? Có thể nhân danh Tin Mừng hòa hợp hòa giải mà bào mòn những đòi hỏi của Tin Mừng?
Bao lâu còn làm dấu Thánh giá trên mình, bao lâu Thánh Giá còn treo ở nhà thờ và bàn thờ gia đình, bao lâu còn ngước nhìn lên ảnh Chúa chuộc tội để cầu nguyện, bấy lâu không thể phủ nhận tính triệt để của Tin Mừng mà chỉ có thể cầu xin ơn can đảm sống theo Tin Mừng và chấp nhận những xung đột phải có, đồng thời giải quyết xung đột không phải bằng bạo lực và gian dối nhưng bằng chân lý và tình thương như Chúa Giêsu đã làm.
+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm