30/07/2022
1543
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVIII TN năm C 2022: LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA






 










 

CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN

Gv 1,2.2,21-23; Cl 3,1-5.9-11; Lc 12,13-21

LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA

  

1. Thánh Luca kể chuyện có người đến xin Chúa Giêsu can thiệp để anh ta có được phần gia tài nhưng Ngài từ chối: “Ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh?” (Lc 12,14). Chúa đến trần gian không phải để thực hiện một sứ mạng kinh tế hay chính trị, nhưng là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa, Tin Mừng ấy giúp cho người ta nhìn và làm mọi sự theo viễn tượng Nước Thiên Chúa.

 

Cũng thế, Hội Thánh của Chúa không có sứ mạng kinh tế hay chính trị nhưng là sứ mạng đạo đức: “Chúa Kitô đã ủy thác cho Hội Thánh của Người một sứ mạng riêng, không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: Người đã ấn định cho Hội Thánh một mục tiêu mang tính tôn giáo” (GS 42). Sẽ thật đáng buồn nếu thay vì gắn bó với sứ mạng tôn giáo này, Hội Thánh – cụ thể là những người lãnh đạo Hội Thánh, lại sa đà vào chuyện thế gian và hành động theo những tính toán thế gian! Khi ấy, chắc chắn thẩm quyền đạo đức và uy tín đích thực của Hội Thánh sẽ giảm sút trầm trọng, cho dù bên ngoài có vẻ thành công theo thang giá trị của thế gian.

 

2. Chúa Giêsu không làm trọng tài kinh tế nhưng Ngài chỉ cho người ta thấy đâu là cội nguồn của những tranh chấp kinh tế đó. Cội nguồn ấy là lòng tham, vì tham lam mà sinh ra tranh chấp giữa anh em trong nhà. Theo luật thừa kế Do Thái (x. Đnl 21,15-17; Ds 27,1-11), nếu gia đình có hai người con thì người con lớn được hưởng 2/3 gia sản, còn lại dành cho người em. Nếu gia đình đông con thì người anh cả được nhận gấp đôi những người khác. Trong trường hợp tranh cãi này, có thể người con lớn muốn chiếm hết nên người em mới xin Chúa can thiệp. Ngày nay cũng thế, chỉ vì lòng tham mà sinh ra tranh chấp đến nỗi ngay cả tình nghĩa cha mẹ và con cái, anh chị em trong cùng gia đình cũng bị phá vỡ. Biết bao câu chuyện đau lòng chúng ta được nghe được thấy hằng ngày về vấn đề này. Đúng là “Tiền giống như nước biển, càng uống càng khát”!

 

Ẩn sâu trong lòng tham ấy là sự tin tưởng rằng cứ có nhiều của cải thì cuộc sống sẽ được bảo đảm, giống như nhà phú hộ thu được nhiều hoa lợi nên tự nhủ: “Hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã” (Lc 12,19). Khi đó tiền bạc của cải trở thành thần thánh và con người làm nô lệ cho nó, đó là lý do thánh Phaolô nói trong bài đọc 2: “Anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng” (Cl 3,5). Có bao giờ chúng ta ý thức điều này chăng: tham lam là thờ ngẫu tượng?

 

Niềm tin tưởng ấy mạnh mẽ và hấp dẫn hơn bao giờ hết trong thời kinh tế thị trường. Đây cũng là lý do sâu xa nhất dẫn đến những vụ án rất lớn trong xã hội những năm qua, không chỉ là gian trá, lừa đảo, tham nhũng, mà còn cả giết người vô tội! Sẵn sàng làm mọi sự chỉ vì tham! Thế nhưng niềm tin tưởng ấy không có cơ sở: “Đồ ngu! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, vậy những gì ngươi đã sắm sẵn sẽ về tay ai?” (12,20). Ngày nay chúng ta có thể mua nhiều thứ bảo hiểm (y tế, nhân thọ, nhà, xe…) nhưng có thứ bảo hiểm nào bảo đảm cho chúng ta khỏi phải chết không? Thế nên tác giả sách Giảng Viên mới kêu lên: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân” (Gv 1,2).

 

3. Khám phá tính bấp bênh của cuộc sống và tính vô thường của vạn vật sẽ giúp chúng ta hiểu được lời cảnh báo của Chúa Giêsu: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm đâu”; và “Kẻ nào thu tích của cải cho mình mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế” (12,15.21). Nhưng thế nào là làm giàu trước mặt Thiên Chúa?

 

Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là ý thức và sống trong sự hiện diện của Chúa, Đấng cầm quyền sinh tử, như tác giả Thánh Vịnh diễn tả trong bài Đáp ca: “Ngàn năm Chúa kể là gì, tựa hôm qua đã qua đi mất rồi, khác nào một trống canh thôi. Ngài cuốn đi, chúng chỉ là giấc mộng, như cỏ đồng trổi mọc ban mai, nở hoa vươn mạnh sớm ngày, chiều về ủ rũ tàn phai chẳng còn”. Chỉ có Chúa mới là sự bảo đảm tối hậu cho chúng ta.

 

Làm giàu trước mặt Chúa còn là làm giàu tình yêu thương vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Chúng ta đón nhận của cải và tất cả những gì mình có như quà tặng của Tình Yêu, và vì thế cũng biết chia sẻ quà tặng ấy cho những ai cần đến. Khi đó việc sử dụng của cải trần thế mang một ý nghĩa mới và có giá trị đến vận mệnh đời đời của chúng ta.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm