22/07/2022
1644
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XVII TN năm C 2022: GÕ CỬA TRÁI TIM CHÚA






 










 

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN

St 18,2-32; Cl 2,12-14; Lc 11,1-13

GÕ CỬA TRÁI TIM CHÚA

 

1. Thiên Chúa quyết định trừng phạt dân Sodoma và Gomorra vì “tiếng kêu trách Sodoma và Gomorra quá lớn, tội lỗi chúng quá nặng nề” (St 18,20). Tổ phụ Abraham can gián Chúa nhân danh sự công bằng: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt cả người lành lẫn kẻ dữ sao?” (St 11,23). Chúa muốn trừng phạt kẻ tội lỗi là tùy Chúa nhưng chẳng lẽ người vô tội cũng bị vạ lây sao? Quả là một lập luận thuyết phục. Và Abraham không chỉ dừng lại ở sự công bằng mà còn tiến xa hơn, ông nài nỉ lòng nhân lành của Chúa: “Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó vì năm mươi người lành trong thành đó sao?” (11,24). Rồi sau khi Chúa chấp nhận, ông lại tìm cách hạ giá từ từ: 50 còn 45, 40, 30, 20… cuối cùng là 10 người lành. Nhưng ngay cả 10 người cũng không có!

 

2. Tác giả sách Sáng Thế kể lại câu chuyện này để bày tỏ dung nhan Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn, từ bi nhân hậu, muốn cứu thoát hơn là hủy diệt. Xa hơn nữa, trong ánh sáng của Tân Ước, mầu nhiệm Nhập thể-cứu độ được hé mở. Hãy nghe Đức Bênêđitô XVI giải thích: “Cần phải đến chính Thiên Chúa tự làm người công chính. Đó chính là mầu nhiệm Nhập Thể: Thiên Chúa đã làm người để bảo đảm có được một người công chính. Người công chính sẽ luôn hiện diện ở đó vì người đó là chính Chúa. Chính Chúa trở thành người công chính. Tình yêu vô biên và tuyệt vời của Chúa được biểu lộ trọn vẹn nơi Con Thiên Chúa làm người, làm Đấng Công chính chung cuộc, Đấng hoàn hảo không tì vết, Đấng sẽ mang lại cho toàn thế giới ơn cứu độ khi Ngài chịu chết trên thập giá và tha thứ, chuyển cầu cho những kẻ không biết việc mình làm (x. Lc 23,34)” (Cầu nguyện trên nền tảng Kinh Thánh).

 

Ở đây mở ra cho chúng ta mặc khải về Thiên Chúa, Đấng không chỉ tha thứ tội lỗi cho cả thành vì 10 người công chính, nhưng còn hơn thế nữa: chính Ngài làm người và nên giống chúng ta trong mọi sự, chỉ trừ tội lỗi; Ngài là người công chính duy nhất trong thế giới này và nhờ Ngài mà chúng ta được cứu: “Đức Kitô không hề phạm tội, chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối… Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính” (1Pr 2,21-24).

 

3. Nếu Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót như thế thì cầu nguyện là gõ cửa trái tim thương xót của Chúa. Chúa Giêsu dùng hình ảnh người cha để nói về Thiên Chúa. Ngài dạy các môn đệ gọi Chúa là abba, tiếng của trẻ thơ gọi “ba ơi”, hàm trong đó là sự thân tình, gần gũi, tín thác tuyệt đối. Rồi Chúa Giêsu nói tiếp: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy con rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,11-13). Cũng vì thế Chúa Giêsu dạy chúng ta: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Lc 11,9).

 

Thật là an ủi! Thế nhưng phải chăng chúng ta lại có kinh nghiệm ngược lại: xin mỏi miệng cũng không được, tìm mỏi mắt cũng chẳng thấy, gõ mòn tay cũng không mở? Chính kinh nghiệm ấy thúc đẩy chúng ta phải suy nghĩ thêm. Đúng là không có người cha nào mà con xin cá lại cho nó con rắn, xin trứng lại cho bò cạp; thế nhưng nếu nó xin con rắn thì sao, có cho không? Nếu nó xin bò cạp thì sao, có cho không? Chắc là không, vì những thứ nó xin là những thứ nguy hiểm cho mạng sống của nó! Đứa con còn nhỏ, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm, nên nó xin những gì theo sở thích tự nhiên, nhưng người cha thấy trước những nguy hiểm nên không cho. Tình thương của người cha đi đôi với sự khôn ngoan, nhưng nhiều khi đứa con không hiểu, lại nghĩ rằng cha không thương mình.

 

Tại sao chúng ta không nghĩ như thế về Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và cũng là Đấng khôn ngoan thượng trí, biết rõ điều gì là ích lợi thực sự và lâu dài cho con cái của Ngài? Vì thế hãy đến với Chúa với trọn niềm tín thác và kêu lên với Chúa: abba – cha ơi. “Nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,11-13). Đây chính là điều chúng ta phải cầu xin vì Thánh Thần là ánh sáng giúp ta thấy được đâu là ích lợi tốt đẹp, lâu dài và bền vững nhất cho mình; và Thánh Thần cũng là sức mạnh giúp ta sống theo thánh ý Thiên Chúa.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm