09/07/2022
1503
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XV TN năm C 2022: YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG


 














 

CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN

Đnl 30,10-14; Cl 1,15-20; Lc 10,25-37

YÊU THƯƠNG BẰNG HÀNH ĐỘNG

 

1. Tin Mừng Chúa Giêsu không những độc đáo về đạo lý mà còn độc đáo trong cách giảng dạy. Tính độc đáo ấy được thể hiện rõ nét trong dụ ngôn Người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37). Trước hết là cách đảo ngược vấn đề. Người thông luật hỏi Chúa Giêsu: “Ai là người thân cận của tôi”? Ngài không trả lời bằng một định nghĩa nhưng bằng cách kể câu chuyện về người Samari nhân hậu, rồi Ngài hỏi lại người thông luật: “Theo ông nghĩ, trong ba người đó (thầy tư tế, thầy Lêvi, người Samari), ai đã tỏ ra là người thân cận với người bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Đương nhiên người thông luật phải trả lời: “Chính là người đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy”; khi đó Chúa Giêsu mới nói: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy”. Bằng cách đó, Chúa Giêsu đảo ngược cách đặt vấn đề: thay vì hỏi một câu hỏi lý thuyết: “Ai là người thân cận của tôi?” thì nên hỏi: “Tôi phải làm gì để trở nên người thân cận của người khác?”. Đặt câu hỏi ngược lại như thế là lời mời gọi người ta thay đổi cách nhìn, cách nghĩ về người khác, cũng như cách hành xử của chính mình.

 

Ngoài việc đảo ngược cách đặt vấn đề, Chúa Giêsu còn có cách nói gây shock cho người nghe. Nếu đặt mình vào trong bối cảnh xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ, chúng ta sẽ thấy giáo huấn của Chúa Giêsu gây shock rất lớn. Người trực tiếp được nghe dụ ngôn của Chúa là người thông luật, rất giỏi về Lề luật. Trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể, có ba nhân vật nhìn thấy nạn nhân nằm ngoài đường, nửa sống nửa chết. Trong ba nhân vật ấy, có hai nhân vật tôn giáo là thầy tư tế và thầy Lêvi, nhưng cả hai khi nhìn thấy nạn nhân đều “tránh qua bên kia mà đi” (10,31-32). Còn người Samari không những không phải là nhân vật tôn giáo mà còn là kẻ ngoại giáo, bị người Do Thái ghét cay ghét đắng! Ấy thế mà trong dụ ngôn Chúa Giêsu kể, người Samari lại là người có lòng chạnh thương, chăm sóc nạn nhân đến nơi đến chốn, và được Chúa Giêsu nêu gương cho người thông luật: “Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (10,37). Hãy tưởng tượng người Công giáo ngày nay nghe kể dụ ngôn trong đó hai nhân vật tôn giáo là giám mục và linh mục, còn người Samari lại là người Hồi giáo… thì họ bị shock ra sao? Bằng cách gây sốc như thế, Chúa Giêsu đánh động tâm trí người nghe, mời gọi họ nhìn lại cách nghĩ và cách sống của mình.

2. “Hãy đi và cũng hãy làm như vậy” (10,37). “Đi” và “Làm” là hai từ diễn tả hành động chứ không phải định nghĩa lý thuyết. Trước mặt Chúa, giá trị thật của con người không phải là nhãn mác bên ngoài nhưng là hành động, cuộc sống thật. Người thông luật, thầy tư tế, thầy Lêvi, đều là những người có nhãn mác tôn giáo cao cấp, nhưng trước mặt Chúa, các thứ nhãn mác ấy thành vô nghĩa, điều quan trọng là hành động thực thi tình yêu và lòng thương xót (x. Lc 10,37). Carlo Carretto có một ghi nhận nhói lòng: “Tôi đã gặp những nữ tu sẵn sàng chịu tử đạo để bảo vệ đức khiết tịnh nhưng lại không sẵn lòng giao hảo với một tu viện khác gần đó. Tôi đã biết có những đôi vợ chồng hi sinh rất nhiều để lo cái ăn cái mặc cho con cái nhưng lại không chịu nhượng bộ nhau dù là một chút, và cứ làm khổ nhau mãi” (In Search of the Beyond).

 

Tất cả chúng ta đều có thể rơi vào tình trạng đó. Trong bài đọc 1, ông Môsê nói với dân: “Lời đó ở rất gần anh em, ngay trong miệng, trong lòng anh em, để anh em đem ra thực hành” (Đnl 30,14). Trong thực tế, Lời Chúa ở trên môi miệng và trong lòng chúng ta nhưng vẫn chưa biến thành hành động. Có lẽ chúng ta cũng giống người thông luật, thích suy tư và lý luận hơn là thực hành; hoặc giống thầy tư tế và thầy Lêvi, lo chu toàn việc tế tự nhưng lại ngại sắn tay giúp đỡ người khác. Dụ ngôn là lời nhắc nhở cụ thể: hãy tập yêu thương bằng hành động, dù là nhỏ bé, và hãy bắt đầu ngay vì “Hành trình ngàn dặm bắt đầu bằng bước đi đầu tiên” (Lão Tử).

 

3. Cùng với giáo huấn về yêu thương bằng hành động, từ rất lâu trong Hội Thánh đã có một cách đọc thiêng liêng về dụ ngôn này, qua đó mỗi người nhìn thấy chính mình nơi người bị nạn và nhìn thấy Chúa nơi người Samari nhân hậu. Thật thế, chúng ta thấy mình là người bị nạn “bị đánh nhừ tử, nửa sống nửa chết”. Bản tính ích kỷ, văn hóa hưởng thụ, lối sống buông thả… như những tên cướp đánh gục con người thiêng liêng nơi ta, làm cho ta không sống đúng với ơn gọi cao cả của con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Chỉ có Chúa mới là người Samari nhân hậu, chạnh lòng thương, băng bó thương tích và chữa lành bằng các bí tích, đưa về quán trọ là Hội Thánh để chăm sóc. Đấng ấy vẫn đang hiện diện và sẵn lòng đến với chúng ta nếu ta chịu mở lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót chúng con”.

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm