05/08/2022
1928
Đức Cha Phêrô suy niệm CN XIX TN năm C 2022: QUẢN GIA TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN






 










 

CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN

Kn 18,6-9; Hr 11,1-2.8-19; Lc 12,32-48

QUẢN GIA TRUNG TÍN VÀ KHÔN NGOAN

 



 

1. Trong Tin Mừng Luca, tiếp theo giáo huấn đừng thu tích của cải cho mình nhưng hãy làm giàu trước mặt Thiên Chúa (Lc 12,13-21), Chúa Giêsu kêu gọi mọi người hãy tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa (12,22-32), và sau đó trong bài Tin Mừng hôm nay, Ngài lại nhấn mạnh đến việc sử dụng của cải thế nào cho đúng (Lc 12,32-48).

 

Của cải ở đây không chỉ là tiền bạc nhưng là tất cả những gì chúng ta sở hữu, cũng không chỉ là những sở hữu vật chất mà còn là sức khỏe, tài năng, địa vị, và ở nền tảng mọi sự là hiện hữu của mỗi người trong cuộc đời này. Câu hỏi căn bản được đặt ra là tất cả những sở hữu ấy từ đâu mà có? Trả lời cho câu hỏi này là điều quan trọng vì nó sẽ chi phối cách sử dụng của cải và cách sống ở đời của mỗi người.

 

Câu trả lời thông thường và quen thuộc nhất là tất cả những sở hữu ấy đều do tôi làm ra: do tôi học hành chăm chỉ, do tôi lao động vất vả, do tính toán kỹ lưỡng, do tôi lên kế hoạch chu đáo… nên mới có mọi sự như thế. Mà bởi vì mọi sở hữu đều do tự tay tôi làm nên, đương nhiên tôi có quyền hưởng thụ những thành quả ấy và sử dụng chúng thế nào tùy ý.

 

2. Chúa Giêsu lại mời gọi các môn đệ có cái nhìn hoàn toàn khác. Trước hết là nhìn nhận rằng những gì chúng ta sở hữu là do Thiên Chúa ban. Chúng ta chỉ là quản gia, Chúa mới là chủ sở hữu. Thật vậy, ở nền tảng mọi sở hữu của chúng ta là hiện hữu như ta vẫn đọc trong Kinh Cảm Ơn: “Con cảm ơn Đức Chúa Trời là Chúa lòng lành vô cùng, chẳng bỏ con ‘không’ đời đời”! Không hiện hữu thì những thứ khác có nghĩa gì? Trên nền tảng hiện hữu ấy còn là biết bao những vận may, chẳng hạn những con người tốt lành, những cơ hội bất ngờ, những biến cố… góp phần làm nên sở hữu của chúng ta. Cách nhìn này không phủ nhận nỗ lực của mỗi người nhưng giúp chúng ta thấy đúng sự thật về mình: nỗ lực của chúng ta không phải là tất cả. Vì sở hữu đến từ Thiên Chúa nên chúng ta không phải là chủ sở hữu mà chỉ là người quản lý: “Ai là người quản gia trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở trong nhà?” (12, 42). Đồng thời người quản lý đúng nghĩa là người trung tín và khôn ngoan: trung tín với chủ, làm theo ý chủ chứ không phải ý riêng mình; khôn ngoan phát huy tài sản của chủ và sử dụng tài sản ấy cách hiệu quả nhất.

 

Cùng với cách nhìn mới về sở hữu, Chúa Giêsu còn mời gọi mọi người ý thức điều này: chúng ta phải trả lời trước mặt Chúa về việc sử dụng của cải Chúa trao cho mình: “Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít”. Cũng đừng tự hào vì mình có nhiều của cải, nhiều tài năng, được nhiều người ca ngợi, vì “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi nhiều hơn” (Lc 12,47-48). Hơn thế nữa, vì “chủ của tên đầy tớ sẽ đến vào ngày hắn không ngờ” (12,46) nên lúc nào cũng phải chu toàn nhiệm vụ cách tốt đẹp nhất.

 

3. Như thế, Tin Mừng Chúa Giêsu mời gọi hoán cải, nghĩa là thay đổi cách nhìn về của cải, về những gì chúng ta sở hữu. Việc thay đổi cách nhìn sẽ dẫn chúng ta đến chỗ thay đổi cách sử dụng của cải, không chỉ làm theo bản năng ích kỷ và ý muốn kiêu căng của mình nhưng làm theo thánh ý Thiên Chúa.

 

Cách nhìn mới ấy không chỉ liên quan đến việc sử dụng của cải cá nhân mà còn liên hệ đến những trách nhiệm của chúng ta trong gia đình, xã hội, Giáo hội. Cha mẹ là chủ sở hữu con cái hay là người cộng tác với Thiên Chúa trong việc truyền sinh và chăm sóc sự sống của con cái; nếu thế, tôi phải chăm sóc và giáo dục con cái ra sao? Cha xứ là chủ sở hữu giáo xứ hay chỉ là người quản lý giáo xứ và phải trả lẽ trước mặt Chúa; nếu thế, tôi phải thi hành nhiệm vụ cách nào cho xứng hợp?

 

Làm đúng chức năng quản lý của mình cách trung tín và khôn ngoan chính là “sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó” (Lc 12,33).

+ Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm