(WGPMT) Lúc 09g30 sáng Chúa Nhật, ngày 29.12.2024 Đức Cha Phêrô đã chủ tế và giảng lễ trong thánh lễ khai mạc Năm Thánh 2025 tại Nhà thờ Chính Toà Mỹ Tho.
BÀI GIẢNG LỄ KHAI MẠC NĂM THÁNH 2025
Đêm Giáng Sinh vừa qua, Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chính thức mở Cửa thánh và cử hành Lễ Khai mạc Năm Thánh 2025, và ngài truyền cho các Giáo phận trên toàn thế giới cử hành Lễ Khai mạc Năm Thánh vào Chúa nhật 29/12. Chúa nhật này lại là lễ Thánh Gia và bài Tin Mừng trong Thánh Lễ (Lc 2,41-52) gợi ý cho chúng ta nhiều điều về việc sống Năm Thánh.
1.Hành hương
Thánh Luca kể: “Hằng năm, cha mẹ Đức Giêsu trẩy hội đền Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”. Trong cả nước Do Thái, chỉ có một Đền Thờ ở Giêrusalem, còn tại các làng chỉ có hội đường. Vì thế vào những dịp lễ lớn, nhất là lễ Vượt Qua, người ta hành hương về Giêrusalem. Thánh Gia cũng vậy và năm nào cũng trẩy hội lên đền.
Trong Năm Thánh cũng thế, một trong những việc đạo đức chúng ta làm là hành hương. Trong những thế kỷ trước, các tín hữu phải đi hành hương Rôma mới được lãnh ân xá; sau này Hội Thánh mở rộng, trong các Năm Thánh, chúng ta được ân xá khi hành hương đến những nơi được chỉ định tại mỗi Giáo phận. Tại Giáo phận Mỹ Tho, có những nhà thờ được chỉ định: Nhà thờ chính tòa và Trung tâm hành hương Ba Giồng trong tỉnh Tiền Giang; Nhà thờ Tân An tỉnh Long An; Nhà thờ Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp. Mục đích là để các tín hữu dễ đến nơi hành hương. Hi vọng rằng trong Năm Thánh, tất cả anh chị em trong Giáo phận đều có cơ hội đi hành hương đến các nhà thờ đã được chỉ định.
2.Việc hành hương nói với chúng ta điều gì?
a) Hành hương và mục đích cuộc đời. Thánh Gia hành hương lên đền thánh Giêrusalem, người Công giáo hành hương về Rôma, hoặc những nhà thờ được chỉ định. Tất cả đều chung một điều: hành hương là đi lên Nhà của Chúa. Đó chính là mục đích tối hậu của cuộc đời chúng ta và Chúa Giêsu chính là người dẫn đường, chính vì thế Ngài là “niềm hi vọng không làm thất vọng”. Đặt hi vọng vào bất cứ ai và bất cứ cái gì trong cuộc đời này, thì cuối cùng cũng sẽ thất vọng trước cái chết. Kể cả chúng ta, “Nếu chúng ta đặt hi vọng vào Chúa Kitô chỉ vì những sự đời này mà thôi thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người” (1Cr 15,19). Nhưng niềm hi vọng của chúng ta là niềm hi vọng vượt qua cả ranh giới sự chết, và chính Chúa Kitô là sự bảo đảm cho chúng ta.
b) Hành hương để tìm lại Chúa Giêsu. Thánh Luca kể rằng sau kỳ lễ, Đức Mẹ và Thánh Giuse trở về Nazareth, còn trẻ Giêsu ở lại. Đức Mẹ và Thánh Giuse cứ nghĩ là Chúa Giêsu đi chung với đoàn hành hương, đến khi không thấy mới quay lại Giêrusalem để tìm. Cũng thế, dù chúng ta đã tin vào Chúa, nhưng nhiều khi chúng ta quên mất và bị lạc đường.Chúng ta có thể bị lạc mất Chúa Giêsu bằng nhiều cách và vì nhiều lý do: như Adam và Eva tin theo lời dụ dỗ của ma quỷ hơn là tin vào Lời Chúa; chạy theo lối sống thế gian để tìm hạnh phúc rồi thất vọng… Năm Thánh và việc hành hương là cơ hội để tìm lại Chúa Giêsu trong đời, làm mới lại đời sống đạo.
c) Hành hương để Chúa Giêsu lớn lên trong ta.
Trong bài Tin Mừng, thánh Luca viết về trẻ Giêsu “ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”. Cũng vậy trong Năm Thánh, hãy để Chúa Giêsu được lớn lên trong ta về mọi mặt: trí khôn (suy nghĩ trong ánh sáng Lời Chúa), tình cảm (mang lấy tâm tư của Chúa), hành động (cư xử như Chúa dạy). Bằng cách đó, chúng ta cộng tác với ơn Chúa để Năm Thánh trở thành cơ hội giúp chúng ta nên thánh, nên giống Chúa hơn. Đó chẳng phải là mục đích chính của Năm Thánh hay sao?
Giám mục Phêrô Nguyễn Văn Khảm