12/08/2020
2661
Các Gx: Trung Lương, Thánh Antôn, Thánh Tâm, Giáo họ Thánh Giuse, và Tân Phước.




















 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO

(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.



Các Giáo xứ: Trung Lương, Thánh Antôn, Thánh Tâm, Giáo họ Thánh Giuse, và Tân Phước.






 

GIÁO XỨ TRUNG LƯƠNG

 

VỊ TRÍ

- Họ đạo Trung Lương nằm trên địa bàn phường 10, xã Trung An, thành phố Mỹ Tho và các xã Long An thuộc huyện Châu Thành và xã Đạo Thạnh thuộc thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ Nhà thờ: khu phố 2, phường 10, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 355 người

Số gia đình công giáo: 97 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Ngày 20 tháng 05 năm 1971, Đức cha Giuse Trần Văn Thiện, Giám mục tiên khởi Giáo phận Mỹ Tho đã ủy nhiệm cho tu viện MTG Chợ Quán một thửa vườn cây ăn trái với diện tích hơn một mẫu tây, để canh tác, lập các cơ sở lo việc bác ái xã hội và phục vụ.

- Ngày 12 tháng 01 năm 1972, một dãy nhà 10 phòng dùng làm ký nhi viện “Bình Minh” và nhà nguyện đã được khánh thành. Nhà thờ giáo họ Trung Lương được hình thành từ đó.

- Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, ký nhi viện Bình Minh ngưng hoạt động và năm 1984, cơ sở này được trao cho nhà nước quản lý.

- Và ngày 22 tháng 10 năm 1992, các nữ tu khởi công xây dựng lại nhà nguyện. 

- Tháng 01 năm 2000, Giáo họ Trung Lương trở thành họ lẻ thuộc Tòa Giám Mục và các cha thư ký Tòa Giám Mục phụ trách việc mục vụ. 

 




GIÁO XỨ THÁNH ANTÔN

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Thánh Antôn nằm trên địa bàn các phường 2, 8, 9 và xã Tân Mỹ Chánh, thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ: 227/4 Đinh Bộ Lĩnh, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 630 người

Số gia đình công giáo: 185 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giáo xứ Thánh Antôn được thành lập năm 1962 để chăm lo đời sống đức tin cho các gia đình quân nhân công giáo. Cơ sở đầu tiên là một nhà nguyện nhỏ bé. Năm 1964, giáo dân đã tổ chức quyên góp và tự tay xây cất lên ngôi nhà thờ.

- Khoảng tháng 5 năm 1970, các quân nhân công giáo cùng với gia đình ở khu vực nhà thờ thánh Antôn phải di chuyển lên căn cứ Đồng Tâm, nên giáo dân chỉ còn lại chừng một nửa so với con số khoảng 400 người trước đó.

- Tháng 10 năm 1972, kho đạn bên cạnh nhà thờ phát nổ làm cho nhà thờ bị sụp đổ. Mãi đến ngày 28 tháng 04 năm 1974 Giáo xứ mới hoàn thành được ngôi nhà thờ mới.

- Với sự phát triển của thành phố và do nhu cầu sinh hoạt của giáo xứ, ngày 22 tháng 06 năm 2009, Giáo xứ khởi công xây dựng lại nhà thờ. Lễ cung hiến được cử hành vào ngày 13.06.2013.

 



GIÁO XỨ THÁNH TÂM

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Thánh Tâm nằm trên địa bàn 5 phường của thị xã Gò Công và các xã ven như: Bình Xuân, Bình Đông, Bình Nghị, Bình Ân, Bình Tân, Bình Cách, Tân Trung, Tân Tây, Tân Đông, Tân Điền, Tân Hoà.

- Địa chỉ: 49 Nguyễn Trãi, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 1.214 người

Số gia đình công giáo: 345 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Trước đây, vùng Gò Công được gọi là huyện Tân Hoà. Cho đến năm 1868 chưa có người công giáo nào sinh sống nơi này.

- Khi Pháp thống trị Nam Kỳ, có nhiều thông ngôn có đạo và mấy người giúp việc cho các quan tây ở tại Gò Công, nên các cha ở các họ đạo chung quanh thường lui tới làm việc bác ái và dâng lễ cho họ.

- Từ năm 1868 đến năm 1890 có các cha tới giảng đạo và lo lập họ đạo.

- Ngày 14 tháng 01 năm 1891, cha Bổn được bổ nhiệm về làm chánh sở Gò Công. Lúc bấy giờ có khoảng 50 giáo dân, không kể những người đã bỏ đạo.

-  Một điều khá đặc biệt cần ghi nhận để minh chứng cho lòng nhiệt thành của họ đạo Gò Công là cho dù trong các thời kỳ khó khăn nhất, người giáo dân Gò Công vẫn có các linh mục được sai đến phục vụ.

 




GIÁO HỌ THÁNH GIUSE

 

VỊ TRÍ

- Họ đạo Thánh Giuse nằm trên địa bàn phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

- Địa chỉ: khu phố 3, phường 2, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

- Số giáo dân: 379 người

- Số gia đình công giáo: 129 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Tháng 05 năm 1961, do hoàn cảnh sống gặp nhiều khó khăn, linh mục Gioan Baotixita Trần Quang Trình và một số giáo dân ở miền Bắc di cư vào Nam, định cư ở xã Phước Lệ, quận Châu Thành, tỉnh Phước Tuy (nay là Bà Rịa, Vũng Tàu) đã phải dìu dắt nhau đến sinh sống tại Gò Công.

- Năm 1973, nhận thấy họ đạo Giuse đất chật người đông, cha Trình mua khu đất ở Vàm Kinh và khuyến khích khoảng 21 gia đình giáo dân họ Giuse chuyển đến đó sinh sống và lập họ đạo mới.

- Năm 1975, một số trong những giáo dân còn lại ở họ Giuse lại dời đi nơi khác làm ăn. Đến tháng 04 năm 1977, chính quyền địa phương đã tiếp quản ngôi nhà mà giáo dân đang mượn làm nơi thờ phượng. Cộng đoàn phải mượn tạm nhà của tư nhân làm nơi thờ phượng. Tháng 12 năm 1979 cha Trình qua đời, từ đó họ đạo Giuse trở thành họ lẻ của giáo xứ Thánh Tâm - Gò Công.

- Ngày 18 tháng 06 năm 1982, cha sở và giáo dân đã dồn hết sức mình để tân tạo ngôi nhà thờ mới. Và năm 2007, một lần nữa, nhà thờ Thánh Giuse lại được tái thiết, nới rộng khang trang để có nơi thờ phượng xứng đáng.

 




GIÁO XỨ TÂN PHƯỚC

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Tân Phước nằm trên địa bàn 5 xã: Tân Phước, Gia Thuận, Tân Tây, Kiểng Phước, Vàm Láng thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

- Địa chỉ: nhà thờ Tân Phước, ấp 7, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 828 người

Số gia đình công giáo: 227 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Theo tài liệu để lại thì vào khoảng tháng 6 năm 1891, khi nghe biết có nhiều người chịu theo đạo ở Tân Phước, cha sở Gò Công lúc ấy là cha Bổn (P. Abonnel) đích thân đến vùng này để tìm hiểu và rồi quyết định lập một họ đạo tại đây.

- Buổi đầu, cha Bổn dựng một căn nhà nhỏ vừa làm nơi thờ phượng vừa làm nơi dạy giáo lý.

- Năm 1910, một đại điền chủ ở Tân Phước là ông cả Quyền và con của ông là Hương Hài cùng theo đạo. Lúc này, họ đạo Tân Phước được khoảng 200 giáo dân.

- Khoảng 1911, cha Bổn dựng một nhà thờ bằng lá thay cho căn nhà trước kia đã trở nên quá chật hẹp.

- Nhận thấy ngôi nhà thờ lá mỗi ngày mỗi xuống cấp nên hai cha con ông cả Quyền và Hương Hài đã dâng cúng đất đai và tiền của để xây dựng nhà Chúa cho kiên cố và khang trang rộng rãi hơn. Đó là ngôi Nhà thờ Tân Phước hiện nay. Nhà thờ này đã được khởi công xây dựng vào ngày 03 tháng 02 năm 1936 và hoàn thành ngày 01 tháng 01 năm 1937.