QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO
(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
Các Giáo xứ: Trinh Vương (Vàm Kinh), Rạch Cầu, Cồn Bà, Hoà Bình, và họ đạo Hoà Đồng
GIÁO XỨ VÀM KINH (TRINH VƯƠNG)
VỊ TRÍ
- Họ đạo Vàm Kinh thuộc địa bàn ấp Vàm Kinh, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
- Địa chỉ: ấp Vàm Kinh, xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 303 người
Số gia đình công giáo: 94 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Họ đạo Vàm Kinh được tách ra từ họ Giuse (thị xã Gò Công). Ngược dòng thời gian, vào năm 1973, nhận thấy họ đạo Giuse đất chật người đông, nên cha Gioan Baotixita Trần Quang Trình có ý định thu xếp đưa một số giáo dân ra miền quê sinh sống.
- Cha đã mua 50 mẫu đất thuộc ấp Vàm Kinh, xã Tân Thành, rồi khuyến khích giáo dân đi khai phá. Hưởng ứng lời kêu gọi của cha, có 8 gia đình (ở họ Thánh Giuse) tình nguyện ra đi đầu tiên, sau đó tăng lên được 21 gia đình.
- Ban đầu nhà thờ Vàm Kinh được dựng tạm bằng tre lá. Năm 1979, khi chuẩn bị tiến hành công trình trùng tu nhà thờ thì cha Trình lâm bệnh và qua đời. Kể từ đó họ đạo Vàm Kinh trở thành giáo họ của Giáo xứ Thánh Tâm - Gò Công. Công trình trùng tu nhà thờ được thực hiện và hoàn thành. Trãi qua các thời phục vụ của các cha, nhà thờ tiếp tục được sửa chữa và nâng cấp để có được diện mạo khang trang như hiện nay.
Ngày 17.3.2015, giáo họ Vàm Kinh được nâng lên thành giáo xứ.
GIÁO XỨ RẠCH CẦU
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Rạch Cầu nằm giữa cù lao Lợi Quang cách biển Đông (Gò Công) khoảng 25 cây số, nằm giữa hai sông Cửa Tiểu và Cửa Trung.
- Địa chỉ: ấp Tân Định, xã Tân Thới, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 2.100 người
Số gia đình công giáo: 723 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Giáo xứ bắt đầu hình thành từ năm 1870 do một bổn đạo ở họ Bình Đại đến Rạch Cầu dạy học muốn tìm sang miếng đất để lập họ đạo, nhưng tìm không được. Sau đó không lâu, cha Bổn và thầy Đoài qua Rạch Cầu mua được thửa đất để lập họ đạo và thầy ở tại nhà ông hương quảng Chu mà lo dạy chầu nhưng”.
- Giai đoạn đầu (1870-1895) có các thầy lần lượt đến giúp. Lúc này nhà thờ được dựng lên bằng cột cây và mái lá, và số giáo dân khoảng 106 người.
- Giai đoạn 1895-1959 có các linh mục ở phục vụ. Năm 1953, nhà thờ được xây dựng lại bằng bêtông và mái ngói.
- Giai đoạn 1959-1975 là thời kỳ phát triển của giáo xứ, có trường học và các hội đoàn sinh hoạt rất sinh động, có cả phong trào hướng đạo.
- Thập niên 1990, giáo xứ tiến hành xây lại nhà thờ. Sau khi hoàn thành, nhà thờ được cung hiến vào ngày 04 tháng 02 năm 1999, và được dâng kính “Thánh Tâm Chúa Giêsu”.
GIÁO XỨ CỒN BÀ
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Cồn Bà nằm trên Cù Lao Cồn Bà, ở giữa sông Cửa Đại, cách cửa biển Bình Đại khoảng 10 km.
- Địa chỉ: ấp Tân Thành 2, xã Tân Thành, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 1.523 người
Số gia đình công giáo: 534 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Vào thời Văn Thân, gia đình ông Antôn Nguyễn Ngọc Châu và bà Maria Nguyễn Thị Nỡ gốc tại miền Phú Yên trốn vào miền Nam để lánh cuộc bách hại đạo. Ông bà đến vùng cù lao này khai khẩn và thiết lập cộng đoàn tín hữu; riêng bà được kể đến như người đại diện mọi người, tranh đấu cho quyền lợi của dân trên cù lao. Vì lý do đó, cù lao này mang tên cồn Bà Nỡ. Nhưng theo thói quen kỵ huý nên dân chúng chỉ gọi là Cồn Bà.
- Từ gia đình đầu tiên này, cộng đoàn dân Chúa hình thành và bắt đầu quy tụ các anh chị em từ nhiều nơi khác đến, cộng đoàn cũng có nhà nguyện thô sơ bên cạnh nhà ông bà Châu Nỡ.
- Từ 1907, đã có các linh mục đến phục vụ. Năm 1930, nhà thờ theo kiến trúc Tây Phương được khởi công xây dựng, và được khánh thành vào ngày 01 tháng 10 năm 1933, chọn Thánh Tâm Chúa Giêsu làm tước hiệu nhà thờ.
- Năm 2008, Giáo xứ khởi công xây dựng nhà thờ mới, và đã cung hiến vào tháng 4 năm 2010.
GIÁO XỨ HOÀ BÌNH
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Hoà Bình nằm ven sông Tiền, gần cửa Tiểu.
- Địa chỉ: ấp Khương Ninh, xã Long Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 540 người
Số gia đình công giáo: 132 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Giáo xứ Hoà Bình thành lập năm 1860 và có thể tạm chia quá trình hình thành của giáo xứ thành 3 giai đoạn.
- Giai đoạn1 (1860-1895): ban đầu tại xã Bình Luông Đông có khoảng 10 bổn đạo. Theo báo Nam Kỳ Địa Phận (1919) thì vào năm 1895 có một thầy bói xin theo đạo, nên cha Bổn (MEP) đến dạy giáo lý ở nhà ông, và cho xây dựng một nhà thờ bằng cây lá thô sơ bên cạnh.
- Giai đoạn 2 (1895-1926): cha Chánh (trước đây là một thầy giúp xứ cho cha Bổn tại Tân Phước) cho xây dựng lại một nhà thờ bằng cây, mái lá. Số giáo dân trong thời kỳ này là khoảng 100.
- Giai đoạn 3 (1926-1932): cha Giuse Lương Qui Thiên khởi công xây một nhà thời bằng vách tường mái ngói cho đến hiện nay. Từ năm 1966, họ Bình Luông Đông được đổi thành họ đạo Hoà Bình.
HỌ ĐẠO HOÀ ĐỒNG
VỊ TRÍ
- Họ đạo Hoà Đồng nằm trên địa bàn thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây.
- Địa chỉ: ấp Hạ, thị trấn Vĩnh Bình, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 304 người
Số gia đình công giáo: 102 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Năm 1958-1959, có thầy Hai và thầy Năm đến đây truyền giáo. Khởi đầu, các thầy cất một nhà nguyện đơn sơ với mái và vách bằng lá.
- Năm 1963, ngôi nhà thờ mới được xây dựng với vách tường và mái thiếc như hiện nay. Cũng trong thời gian đó, núi Đức Mẹ được xây dựng trước mặt tiền nhà thờ.