29/07/2020
2570
Các Gx: Chánh Tòa, Nữ Vương Hòa Bình, Chợ Cũ, Bình Tạo, An Đức, Giáo họ Thới Sơn.




















 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO

(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.



Các Giáo xứ: Chánh Tòa, Nữ Vương Hòa Bình, Chợ Cũ, Bình Tạo, An Đức, Giáo họ Thới Sơn.





 

GIÁO XỨ CHÁNH TÒA

- Giáo xứ Chánh Tòa Mỹ Tho nằm ở trung tâm thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ Nhà thờ: 32 Hùng Vương, phường 7, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 3.250 người

Số gia đình công giáo: 972 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Trước năm 1861 chưa có cộng đoàn công giáo Mỹ Tho. Trong năm 1861 có rất nhiều người công giáo ở các tỉnh đồng bằng tìm về Mỹ Tho để sinh sống và để tránh khỏi những bách hại. Cha Régnier ghi nhận: tính đến ngày 28 tháng 01 năm 1862, vùng Mỹ Tho có 1.986 giáo dân.

- Năm 1881-1882, cộng đoàn Mỹ Tho có 3.651 người bao gồm 330 người Âu Châu và 3.321 người Việt Nam. Cần lưu ý là cụm từ “vùng Mỹ Tho” lúc bấy giờ được hiểu là một vùng rộng lớn, gồm các họ đạo: Mỹ Tho, Bình Tạo, Điều Hoà, Vĩnh Tường, Thạnh Trị, Mỹ Chánh, và mở rộng đến cả Kinh Điều, Bình Đại.

- Cũng theo cha Régnier, năm 1864 là năm đầu tiên các nữ tu Thánh Phaolô thành Chartres có mặt tại Mỹ Tho. Sự hiện diện của các nữ tu đã góp phần vào sự phát triển của cộng đoàn họ đạo Mỹ Tho, với các hoạt động phong phú như thành lập trường học, cô nhi viện, viện dưỡng lão, và giúp việc mục vụ giáo xứ.

- Năm 1868, Mỹ Tho lại có được sự hiện diện của các sư huynh Lasan. Cũng trong năm này, một trường học đã được thành lập để giáo dục giới trẻ. Các sư huynh Lasan cũng đã để lại nhiều dấu ấn nơi cộng đoàn Mỹ Tho qua việc giáo dục đức tin cho giới trẻ.

- Từ năm 1866-1960: trong gần 100 năm, giáo xứ được sự hướng dẫn chăm sóc của hơn 80 linh mục, trong đó có khoảng 30 linh mục thừa sai.

Nhà thờ Mỹ Tho đã trải qua 3 lần xây dựng

- Đầu tiên chỉ là một nhà nguyện với mái tranh lá. Năm 1866, Đức Cha Michel long trọng đặt viên đá xây dựng nhà thờ mới kiên cố. Sau gần 10 năm thi công, năm 1876 Đức Cha Colombert, giám quản Tông Toà Tây Đàng Trong, đã long trọng làm phép ngôi nhà thờ mới có tên gọi là nhà thờ Vĩnh Tường. Nhà thờ Mỹ Tho hiện nay là nhà thờ thứ ba, do cha Régnier khởi công năm 1906 và hoàn tất năm 1910.

Ngày 24-11-1960, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã ban hành sắc chỉ Venerabilium Nostrorum, trong đó có việc thiết lập Giáo phận Mỹ Tho. Cũng theo sắc chỉ này, nhà thờ Mỹ Tho được nâng lên thành nhà thờ Chánh Tòa Mỹ Tho với tước hiệu “Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Năm 2006, dịp mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng, cha Giacôbê Hà Văn Xung cùng với giáo xứ trùng tu và nới rộng thêm hai bên hông của nhà thờ, mỗi bên 4 mét để đáp ứng nhu cầu cho các cử hành phụng vụ trọng thể.

 

GIÁO XỨ NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH

 

- Giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình nằm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ Nhà thờ: 23 Lý Thường Kiệt, phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 2.301 người

Số gia đình công giáo: 670 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Khoảng năm 1957, ngoài một thiểu số người địa phương, chừng năm bảy gia đình công giáo, thì phần chính cộng đồng tín hữu nguồn gốc giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình là gia đình các quân nhân thuộc sư đoàn 7 di chuyển về đây và cư ngụ tại cư xá Nguyễn Thái Học.

Khoảng năm 1970, cộng đồng tín hữu nơi này được coi là một giáo xứ chính thức với tên gọi là giáo xứ Nữ Vương Hoà Bình. Nhà thờ toạ lạc ngay góc ngã tư đường Rạch Gầm và đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa hiện nay.

Đến năm 1983 nhà thờ được lệnh chính quyền phải di dời đi nơi khác. Vì thế, nhà thờ Nữ Vương Hoà Bình được di dời về Nhà Chung Mỹ Tho (lúc đó còn mang danh Chủng viện Gioan 23). Giai đoạn đầu giáo xứ phải tạm thời mượn phòng hội của Chủng viện để làm nguyện đường.

Đến tháng 8 năm 1993, giáo xứ khởi công xây dựng nhà thờ trong khuôn viên Nhà Chung và hoàn thành ngày 22 tháng 8 năm 1994, mang tước hiệu Nữ Vương Hoà Bình .

 

GIÁO XỨ CHỢ CŨ

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Chợ Cũ nằm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ Nhà thờ: 23/14 Học Lạc, khu phố 01, phường 08, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

- Số giáo dân: 2.091 người

- Số gia đình công giáo: 650 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

Từ năm 1861 đã có các tín hữu đến sinh sống ở khu vực mà ngày nay gọi là Chợ Cũ. Lúc bấy giờ các tín hữu ấy thuộc họ đạo Mỹ Tho.

- Từ năm 1961, nhiều dân quê trốn chiến tranh, lên thành thị lập nghiệp, khiến số giáo dân công giáo khu vực chợ Cũ tăng lên. Vì lý do đó, Tòa Giám Mục Mỹ Tho dự định tách cộng đoàn tín hữu nơi này khỏi họ đạo Mỹ Tho để lập thành họ đạo mới.

Thế là ngôi nhà thờ được khởi công xây dựng. Ngày 05-01-1964, Nhà Thờ được khánh thành và được dâng kính Thánh Giuse Lao Công.

- Tháng 7 năm 1965, Đức Cha Giuse Trần Văn Thiện tuyên bố tách khu vực Chợ Cũ khỏi giáo xứ Chánh Tòa Mỹ Tho và đặt thành giáo xứ Chợ Cũ, cũng được gọi là giáo xứ Thánh Giuse Lao Công.

- Với thời gian, số tín hữu gia tăng, nhà thờ lại xuống cấp. Ngày 28-11-2012, ngôi nhà thờ mới được khánh thành.

 

GIÁO XỨ BÌNH TẠO

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Bình Tạo nằm trên địa bàn thành phố Mỹ Tho, gần cầu Rạch Miễu.

- Địa chỉ Nhà thờ: 90/4 Lê Hồng Gấm, khóm Bình Tạo, khu 2, Phường 6, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 615 người

Số gia đình công giáo: 180 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Lúc khởi đầu bà con giáo dân nơi đây là những thành phần thuộc gia đình đốc phủ Mầu. Sau đó khoảng từ năm 1950, một số bà con giáo dân từ Bà Bèo (nay thuộc huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang) đã di dời tới đây để lánh nạn chiến tranh. Số giáo dân lúc này chỉ khoảng 60 người. Nơi đây cũng có được một nhà nguyện do đốc phủ Mầu xây dựng từ năm 1935 để bà con giáo dân qui tụ tham gia việc đạo đức.

- Từ năm 1954, Bình Tạo được coi như một họ đạo lẻ thuộc Giáo xứ An Đức.

- Năm 1979, Bình Tạo được nâng lên giáo xứ. Số giáo dân thời điểm này khoảng 400 người.

Cho đến nay, nhà nguyện nhỏ ban đầu đã được nới rộng hai lần. Lần thứ nhất vào năm 2003; lần thứ hai vào năm 2018.

 

GIÁO XỨ AN ĐỨC

VỊ TRÍ

- Giáo xứ An Đức thuộc xã Bình Đức, thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ: số 74, tổ 3 Khu 3, ấp Chợ, xã Bình Đức, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 2.655 người

Số gia đình công giáo: 580 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Năm 1884, họ đạo An Đức được thành lập và Đức Cha Isidore Colombert (Mỹ) tạm giao quyền cho cha sở nhà thờ Mỹ Tho là linh mục Moulins (Linh) coi sóc. Vì công việc quá nhiều, cha nhờ linh mục Ritter phụ trách và nhờ dòng Cái Nhum cho một tu sĩ về tiếp giúp.

- Ngày 12 tháng 02 năm 1884, cha Phanxicô Xaviê Khoa được đặt làm cha sở chính thức của nhà thờ An Đức, cha đảm nhiệm Giáo xứ từ năm 1884 đến 1888 thì được bề trên đổi đi nơi khác.

Giáo xứ An Đức cũng đã từng ghi dấu sự hiện diện của Dòng Thầy Giảng. Năm 1882, cha Ritter Giáo lập tổ chức Thầy Giảng tại Cái Nhum như là một ngành phụ của chủng viện Cái Nhum. Năm 1885, sau khi Chủng viện Cái Nhum được sáp nhập vào Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn, tổ chức Thầy giảng chính thức được nâng lên thành Dòng Thầy giảng Cái Nhum. Tuy nhiên, dòng này không thể phát triển, mà trái lại suy yếu dần đến mức gần như tan rã. Tháng 10 năm 1891, Dòng Thầy Giảng Cái Nhum được tái lập tại An Đức. Dòng này hiện diện và hoạt động dưới sự cố vấn của cha Moulins. Ngày 20-7-1906, hội Dòng lại rời khỏi An Đức để trở về cơ sở trước đây ở Cái Nhum.[1]

 

HỌ ĐẠO THỚI SƠN

VỊ TRÍ

- Họ đạo Thới Sơn nằm giữa cù lao Thới Sơn, gần cầu Rạch Miễu, thuộc địa bàn thành phố Mỹ Tho.

- Địa chỉ Nhà thờ: ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 281 người

Số gia đình công giáo: 90 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Họ đạo Thới Sơn được hình thành khoảng năm 1890, lúc bấy giờ chỉ có khoảng 20 giáo dân, nhà nguyện bằng cây và mái lá. Họ đạo này được các cha sở của giáo xứ Kinh Điều ở tỉnh Bến Tre coi sóc.

- Năm 1938, cha Hưng xây dựng ngôi nhà thờ mới dài 15 mét, ngang 6 mét, tường gạch và lợp ngói âm dương. Lúc bấy giờ, họ đạo có trường học do hai nữ tu Mến Thánh Giá Chợ Quán đảm trách.

- Năm 1960, Giáo phận Mỹ Tho được thành lập, họ đạo Thới Sơn được giao về cho Giáo phận Mỹ Tho, vì về phương diện hành chánh khu vực Thới Sơn thuộc tỉnh Mỹ Tho. Kể từ đó họ đạo Thới Sơn trở thành họ đạo nhánh của Giáo xứ An Đức.

 
[1] Xem 75 Năm Giáo Phận Vĩnh Long 1938-2013, Kỷ yếu Giáo phận Vĩnh Long, Nhà xuất bản Tôn Giáo, năm 2014, tr. 498.