12/05/2020
4756
Các Giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho  từ 1960 đến nay

 

 

 

(WGPMT) Nếu sự phát triển của một giáo xứ được đặt trên nền tảng đời sống đức tin của mỗi gia đình thì sự phát triển của một giáo phận được đặt nền trên sự tiến triển của các giáo xứ. Trải qua 60 năm, từ ngày Giáo phận Mỹ Tho được thành lập, các giáo xứ trong Giáo phận đã trải qua những chuyển biến theo từng giai đoạn của lịch sử dân tộc.

Giai đoạn 1960-1975

Được thành lập năm 1960, giữa thời kỳ đất nước bất ổn vì chiến tranh, Giáo phận Mỹ Tho phải đối diện với những khó khăn ngay từ buổi đầu.

Khó khăn nội tại: số linh mục ít ỏi so với số giáo xứ và giáo họ. Khi mới thành lập, giáo phận có 86 họ đạo lớn nhỏ, trong khi chỉ có 43 linh mục.[1] Hầu hết các họ đạo thuộc vùng quê, hệ thống giao thông còn kém cỏi và phương tiện đi lại thì thiếu thốn và thô sơ, vì thế các linh mục cố gắng hết khả năng cũng không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu mục vụ của cộng đoàn dân Chúa. Có những họ đạo một tháng hoặc nhiều tháng mới có linh mục đến thăm và dâng lễ một lần.

Khó khăn do hoàn cảnh bên ngoài: Đa số các giáo xứ của Giáo phận Mỹ Tho nằm trong vùng chiến tranh, vì vậy phải gánh chịu nhiều thiệt hại; nhiều nhà thờ bị đốt phá hoặc bị bom đạn hủy hoại, giáo dân phải di tản; thậm chí có những giáo xứ phải chứng kiến nhiều lần nhà thờ bị cháy sập, cứ xây lên rồi lại bị phá hủy.

Từ năm 1960 đến 1975 có ít nhất 25 họ đạo chứng kiến nhà thờ của mình bị phá hủy, 17 họ đạo và giáo điểm bị xóa sổ: Giồng Keo, Pháo Đài, Bà Bèo, Mỹ Phát, Kênh 3, Hiệp Thuận, Mỹ Lợi, Gò Dung, Hòa Khánh, Phước Xuyên, Dưỡng Điền, Vàm Láng, Xóm Mới, Tân Thành, Tân Trạch (Long An), Ngã Ba (Đồng Tháp), Cầu Bắc (Cao Lãnh). Năm 1978, chiến tranh biên giới Tây Nam khiến cho Giáo phận mất thêm 5 họ đạo ở tỉnh Long An, vùng giáp biên giới Campuchia, đó là các họ đạo Long Châu, Long Khốt, Trung Liêm, Trung Môn, Hòa Bình.

Trong những cuộc chạy lánh nạn chiến tranh, nhiều giáo dân di tản đến những họ đạo khác trong địa bàn Giáo phận Mỹ Tho, nhưng cũng không ít tín hữu chạy đến những nơi xa hơn như Sài Gòn, Đồng Nai, Vũng Tàu… Trong số những người chạy khỏi Giáo phận thì đa số họ định cư lại nơi họ lánh nạn, rất ít người trở về xứ cũ của mình, điều này cũng có nghĩa là số tín hữu của Giáo phận bị giảm đi.

Những tín hữu nào có thể bám trụ lại nơi họ đạo của mình thì hầu như phải chịu thiếu thốn về phương diện thiêng liêng, các linh mục không thể hoặc chỉ thỉnh thoảng mới đến giúp các bí tích cho họ được. Ở nhiều họ đạo, vì nhà thờ không còn hoặc vì số giáo dân còn lại ít ỏi và rải rác, nên không thể duy trì các sinh hoạt phụng vụ; đời sống đạo chỉ thu gọn vào việc đọc kinh trong gia đình và cầu nguyện riêng. Cha mẹ và ông bà là những người truyền đạt lại những hiểu biết giáo lý và dạy kinh nguyện cho con cháu mình. Tình trạng này để lại những hệ quả lâu dài: lòng đạo của nhiều tín hữu ngày càng nguội dần, các trường hợp rối hôn nhân gia tăng, khiến cho thế hệ kế tiếp không còn biết đến đạo là gì.

Ở những họ đạo nằm ngoài vùng chiến tranh hoặc những nơi tương đối bình yên hơn, người ta nhận thấy một sắc thái khác hẳn. Các sinh hoạt được tổ chức rất sống động. Cộng tác đắc lực với các Cha sở trong việc điều hành họ đạo là Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (Ban Quới Chức). Hỗ trợ cho các cử hành phụng vụ thì có các Ca Đoàn và Lễ Sinh. Ngoài ra còn có các hội đoàn cộng tác trong các việc đạo đức và công tác tông đồ như Legio Mariae, Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ, Dòng Ba Phanxicô, Các Dòng Ba Carmêlô, Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Con Đức Mẹ, Nghĩa Binh, Thanh Niên Thánh Nghiệp, Hội Bác Ái Vinh Sơn, Hướng Đạo, Thiếu Nhi Thánh Thể… Các hội đoàn này góp phần làm cho đời sống đức tin và các sinh hoạt của mỗi họ đạo trở nên sống động. Ngoài ra cũng phải kể đến hoạt động giáo dục, mỗi họ đạo đều có trường học bên cạnh nhà thờ. Như thế, nhà thờ trở thành trung tâm sinh hoạt của họ đạo, và nhiều khi là trung tâm của cả khu vực.

Đa số giáo dân trong thời kỳ này duy trì được lòng đạo rất sốt sắng, siêng năng dự Lễ và các Bí tích, giữ kinh nguyện gia đình đều đặn. Đi ngang xóm đạo vào buổi tối, người ta nghe vang lên những lời kinh ở mỗi gia đình Công giáo.

Năm 1971, giáo phận có khoảng 47 địa điểm truyền giáo, bao gồm tất cả những họ đạo mới thành lập, những họ nhánh và những nơi mới xây trường Công giáo mà chưa có nhà thờ.[2]

Trong giai đoạn 1960-1975, có 23 họ đạo mới được thành lập: Hòa Đồng, Thánh Giuse (Gò Công), Vàm Kinh, Giuse Lao Công (Chợ Cũ), Thánh Antôn, Nữ Vương Hòa Bình, Tân Long (Cồn Rồng), Trung Lương, An Thái Trung, Long Định II, Nhị Bình, Tân Phong, Bình Quân, Thận Cần, Thánh Giuse (gần Bắc Hòa), Mộc Hóa, Giồng Vảy Ốc, Bến Lức, Long Kim, An Long, Thiên Phước (Tràm Chim), Thánh Tâm (Cà Dâm), Hòa Bình (H. Tam Nông). Ngoài ra còn có họ đạo Fatima được tách khỏi họ đạo Tân Quới để trở thành họ đạo riêng biệt.[3]

Giai đoạn 1975 - 1993

Từ năm 1975, đất nước thống nhất, hòa bình được tái lập, lẽ ra đây là thời kỳ thuận lợi cho các sinh hoạt tôn giáo, nhưng trái lại, đời sống đức tin của người Kitô hữu phải đối diện với những khó khăn mới, bị giới hạn về nhiều phương diện. Năm 1974, giáo phận có 41 giáo xứ, 45 giáo họ; số linh mục đã tăng lên được 71 nhưng vẫn thiếu so với nhu cầu mục vụ. Sau biến cố 1975, nhiều linh mục vì hoàn cảnh đã phải rời khỏi Giáo phận hoặc không được phép làm việc mục vụ, những vị được làm việc mục vụ thì cũng bị hạn chế trong phạm vi nhất định. Trong khi đó, các chủng viện lại bị buộc đóng cửa, không còn nơi đào tạo linh mục. Nguy hại hơn còn phải kể đến chính sách kiểm soát các sinh hoạt tôn giáo và ngăn trở các hội đoàn với chủ trương: chỉ có chính quyền mới có quyền tổ chức các đoàn thể. Những sự việc này mở ra một giai đoạn đầy khó khăn đối với sinh hoạt của các họ đạo.

Những họ đạo bị thiệt hại trong thời chiến tranh cần được sự chăm sóc mục vụ để khôi phục hoặc củng cố lại đời sống đức tin thì giờ đây phải tiếp tục chịu sự thiếu vắng linh mục, họ như đàn chiên không người chăn dắt. Nhiều họ đạo phải chịu tình trạng này trong thời gian lâu dài, làm cho đời sống đức tin bị ảnh hưởng nghiêm trọng: lòng đạo nguội dần, rối hôn nhân, lạc đạo,… Tệ hại hơn, tình trạng ngưng trệ các sinh hoạt tôn giáo vì thiếu vắng linh mục trở thành lý do khiến nhà thờ và đất đai trong khuôn viên bị trưng dụng làm trường học; có ít nhất 4 trường hợp như thế: Hòa An, An Thạnh Thủy, Bà Nhan, Phú Ninh (gần đò chợ Tân Quới).

Đối với những họ đạo đã từng tổ chức các sinh hoạt rất sinh động, thì sau năm 1975 không thể duy trì như vậy được nữa. Trong số các đoàn thể hầu như chỉ còn lại Hội Đồng Mục Vụ và Ca Đoàn, mà số thành viên cũng rất ít ỏi và danh sách các thành viên cũng phải được đăng ký với chính quyền. Các hội đoàn khác nếu còn duy trì được thì cũng phải sinh hoạt âm thầm, kể cả việc dạy giáo lý. Điển hình một sự việc sau đây để có thể hình dung sự kiểm soát gắt gao như thế nào, đó là giáo xứ phải xin phép hoặc đăng ký giờ cử hành phụng vụ.

Là một Kitô hữu trong giai đoạn này, người tín hữu còn phải chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội, từ học hành cho đến công ăn việc làm. Không ít giáo dân đã rời khỏi Giáo phận trong giai đoạn này.

Dù bị giới hạn và cấm cách, đa số các tín hữu vẫn duy trì được đức tin mạnh mẽ, lòng đạo sốt sắng. Chính trong giai đoạn thử thách này mà vai trò của giáo dân đã thể hiện rõ nét. Một số nơi không có linh mục, giáo dân tự đảm nhận các sinh hoạt của cộng đoàn. Qui tụ nhau đọc kinh cầu nguyện tại nhà thờ, nhắc nhở nhau để biết các ngày lễ.  Nếu có Linh mục đến dâng lễ, họ chuẩn bị mọi thứ cần thiết cho việc cử hành. Anh chị em giáo dân, nhất là những ông bà biện âm thầm đảm trách việc dạy giáo lý hôn nhân, dự tòng, và cả giáo lý cho thiếu nhi. Những buổi dạy này phải thực hiện lén lút nơi các tư gia. Tại mỗi gia đình, các bậc cha mẹ được mời gọi trở thành những mẫu gương sống đức tin và truyền đạt giáo lý cho con cái. Khuyến khích duy trì các giờ kinh hôm mai. Có thể nói, các gia đình trở thành những trường dạy đời sống đức tin cho con cái.

Giai đoạn 1993 – 2020

Từ khoảng giữa thập niên 1990, khi chính sách về tôn giáo thông thoáng hơn, nhiều họ đạo từng bước tổ chức lại việc dạy giáo lý cho thiếu nhi và dần dần tái lập các hội đoàn. Từ năm 1993, Giáo phận mở ra những khóa huấn luyện giáo dân, đầu tiên là những khóa cho thành viên Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ và các ca viên. Nội dung giảng dạy bao hàm cả giáo lý và những kỹ năng sinh hoạt. Những khóa huấn luyện này nhằm gầy dựng nhân sự nòng cốt cho các giáo xứ để dần dần khởi động lại các sinh hoạt, đặc biệt là cho thiếu nhi và thiếu niên. Theo thời gian, Giáo phận từng bước mở thêm các khóa huấn luyện cho giáo lý viên, cho thành viên các đoàn thể và các ban, để giúp các giáo xứ phát triển các sinh hoạt phong phú hơn và sinh động hơn.

Dịp tĩnh tâm linh mục năm 1997, Giáo phận đưa ra hướng mục vụ cho các giáo xứ là xây dựng nếp sống đạo và phục vụ mọi người. Những việc làm cụ thể được đề nghị bao gồm:

Củng cố lòng đạo:

- Lo liệu cho các lớp tuổi được học giáo lý, hỗ trợ và nâng đỡ các gia đình trong việc giáo dục lòng đạo cho con cái.

- Tổ chức chu đáo các lễ nghi phụng vụ, đặc biệt lễ Chúa nhật, lễ trọng.

- Quan tâm giúp đỡ gia đình rối, người khô đạo, bỏ đạo, tìm học đạo…

- Quan tâm cổ võ và bảo trợ ơn gọi.

Thể hiện tinh thần phục vụ

- Quan tâm đến những gia đình thiếu ăn, thất nghiệp, có con bỏ học, thất học, có liên lụy đến tệ nạn xã hội, và hợp lực yểm trợ sản xuất, khuyến học, lành mạnh hóa đời sống gia đình và xã hội.

- Quan tâm và hợp lực trợ giúp gia đình nghèo đói, túng quẫn, người bệnh tật, ốm liệt, già yếu, neo đơn…

- Hợp tác với tổ chức địa phương, tôn giáo bạn, trong việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.

Thời gian này cũng đánh dấu sự gia tăng số các linh mục trong Giáo phận vì Đại chủng viện đã được mở cửa lại từ năm 1986. Sau khi 6 linh mục của khóa I được phong chức linh mục vào năm 1992, thì từ năm 1998, cứ mỗi 2 năm Giáo phận có thêm khoảng 10 tân linh mục. Bên cạnh đó còn phải kể đến số các đại chủng sinh và các tu sĩ giúp xứ. Tất cả những yếu tố này tạo nên sự thuận lợi cho tiến trình khôi phục và phát triển các họ đạo. Những họ đạo thiếu vắng sự chăm sóc mục vụ giờ đây cũng được các linh mục hoặc chủng sinh đến thăm viếng và từng bước tổ chức lại đời sống đạo. Dần dần có thêm những giáo họ được nâng lên giáo xứ và có những giáo điểm mới được gầy dựng. Những số liệu thống kê dựa trên các báo cáo mục vụ sau đây có thể biểu lộ một phần nào đó về tiến triển số giáo xứ, giáo họ và giáo điểm trong Giáo phận.

 

Năm

Số giáo xứ

và giáo họ

Giáo điểm

1994

94

Không có số liệu

1998

98

Không có số liệu  

2010

109

23

2019

115

24

 

Từ năm 1975 đến 2019 có 6 họ đạo mới được thành lập (Tràm Mù, Ấp Đông Hòa, Vĩnh Hưng, Đức Huệ, Cần Giuộc, Cả Nổ) và một họ đạo được tách ra từ họ đạo lớn, đó là họ đạo Thánh Anrê.  Trong vòng 20 năm, từ năm 1999 đến 2019, có 25 giáo họ được nâng lên giáo xứ. Theo đúc kết mục vụ năm 2010, ngoại trừ những giáo xứ có số giáo dân quá ít, đa số các giáo xứ còn lại đều có sinh hoạt của một hoặc một số trong các hội đoàn: Thiếu Nhi Thánh Thể, Gia Trưởng, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, Khôi Bình, Mến Thánh Giá Tại Thế, Legio Mariae, Phan Sinh Tại Thế, Dòng Ba Camêlô, Bác Ái Vinh Sơn, Hội Huynh Đệ Chúa Quan Phòng, Nhóm Lòng Chúa Thương Xót. Mỗi họ đạo đều có người hoặc nhóm đặc trách truyền giáo và đặc trách việc bác ái xã hội.

Tuy nhiên, song song với những thuận lợi trên là những khó khăn mới phát sinh. Chính sách đổi mới về kinh tế, mở ra cho thời kỳ công nghiệp và mở ra với thế giới đã bắt đầu cho nhiều thay đổi trong đời sống cá nhân, gia đình và giáo xứ. Người dân ngày càng ý thức hơn về tầm quan trọng của học tập. Trong khi đó hệ thống giáo dục còn nhiều khiếm khuyết, khiến cho học sinh vừa phải học chính thức ở trường, vừa phải học thêm, không còn nhiều giờ cho các sinh hoạt khác. Những khu công nghiệp mở ra nhiều việc làm cho người dân. Từ cuối thập niên 1990 đã bắt đầu làn sóng người trẻ ở vùng quê rời khỏi xứ để đến thành thị học tập và làm ăn sinh sống. Những sự việc này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của các giáo xứ. Ở các họ đạo vùng quê, sinh hoạt giới trẻ trở nên khó khăn và việc đào tạo nhân sự tương lai gặp nhiều trở ngại. Ở vùng thành thị thì giáo dân không còn nhiều thời giờ để cộng tác trong những việc chung của họ đạo.

Những tiêu cực nêu trên chỉ ảnh hưởng ở bình diện tổ chức đời sống đạo của các giáo xứ. Nguy hại hơn là những ảnh hưởng ở chiều sâu đức tin. Thời đại khoa học kỹ thuật và công nghiệp hóa đã phô trương một sự phong phú về các tiện nghi cho cuộc sống, khơi gợi lòng ham muốn của mọi người đến nỗi lấn át lòng đạo nơi các tín hữu. Đối với người trẻ, lòng đạo của họ còn bị tác động bởi những hình thức giải trí đầy hấp dẫn và bởi mạng lưới truyền thông mà thời đại công nghệ cung cấp cho họ; những phương tiện này chuyển tải những lối sống, lối suy nghĩ và những trào lưu văn hóa đối nghịch với đức tin và nhân đức Kitô giáo.

Trước những khó khăn này, Giáo phận đã đề nghị các giáo xứ đổi mới phương thức mục vụ để có thể đạt hiệu quả tốt hơn: củng cố và phát triển các hội đoàn, tổ chức những nhóm nhỏ người trẻ thay vì qui tụ theo tiêu chuẩn số đông, liên kết mục vụ giữa các ban và giữa các xứ trong hạt.

Văn phòng Tòa Giám mục

Gp. Mỹ Tho


[1] Việt Nam Công Giáo Niên Giám 1964, trg 375.

[2] Theo số liệu của văn phòng Tòa Giám Mục Mỹ Tho, được đăng trong Toàn Thể Dân Chúa Đến Cùng Lương Dân, do Văn phòng Trung ương UBGM.TBPA thu tập và in ấn năm 1971, nhằm chuẩn bị cho việc Truyền Giáo năm 1972.

[3] Các số liệu này được đúc kết dựa theo lịch sử các họ đạo trong quyển kỷ yếu “50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho”.