20/01/2021
2970
60 năm GPMT: Các Gx: Nhật Tân, Lương Hoà Thượng, Lương Hoà Hạ, và Lập Điền















 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO

(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
 

Các Giáo xứ: Nhật Tân, Lương Hoà Thượng, Lương Hoà Hạ, và Lập Điền





 

GIÁO XỨ NHẬT TÂN

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Nhật Tân nằm trên địa bàn Ô. 5, khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

- Địa chỉ nhà thờ: 182/18 , Ô. 5 , khu B, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 1.022 người

Số gia đình công giáo: 360 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giáo xứ Nhật Tân được thành lập vào năm 1955.

- Năm 1954 Cha Giuse Vũ Tiền Tiến là người sinh trưởng tại miền Bắc, đã cùng một số giáo dân từ các xứ đạo khác nhau ở miền Bắc di cư vào Nam, đến vùng Hậu Nghĩa và thành lập giáo xứ mới lấy tên là Nhật Tân.

Trước đây giáo xứ còn có 2 tên gọi khác là Bào Trai và Hậu Nghĩa.

 

 

 

 

 

GIÁO XỨ LƯƠNG HÒA THƯỢNG

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Lương Hoà Thượng nằm trên địa bàn ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.  Nhà thờ nằm bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Đông.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp 4, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 3.841 người

Số gia đình công giáo: 1.060 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Năm Quí Dậu 1873, là năm thứ 26 đời vua Tự Đức, cha Phaolô Điện đưa khoảng 5 tín hữu từ Hựu Thạnh (Đức Hòa) đi tìm đất khai hoang. Khi đến làng Lương Điền, cha thấy đất nơi đây màu mỡ có thể qui tụ dân đến sống, nên cha đi Chợ Quán gặp cha Đoan bàn việc lập họ đạo. Sau khi đến khảo sát, hai cha quyết định lập họ đạo, tìm địa điểm dựng nhà thờ. Cha Điện xin nhà nước cho khẩn hoang lập làng cho dân, rồi sau đó cha cũng được phép nhà nước cho đổi tên làng Lương Điền thành làng Lương Hòa. Lương Hoà lúc đó là rừng hoang, có cả thú dữ nên không ai dám tới. Trong những tín hữu đến đây sống, có ông Lý bị cọp tấn công đang khi hái rau nơi bụi cây; đến khi dân trong xóm chạy đến cứu thì ông đã bị cọp cắn đứt một đùi, nên tử vong.[1]

- Lập xong họ đạo, cha Phaolô Điện yếu sức phải về Chợ Quán dưỡng bệnh, vài ngày sau cha qua đời năm 1875.

- Cha Tôma Nguyễn Biểu Đoan đến Lương Hoà tiếp tục công việc. Cha khởi công cất nhà thờ tạm, khẩn hoang thêm đất gần rạch An Thạnh và vàm Rạch Nổ để làm huê lợi chung cho họ đạo và để cất nhà thờ mới trong tương lai.

Thời kỳ này, nhiều bổn đạo ở miệt Búng, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, Rạch Đào, Vạn Phước, Đồng Môn trốn cuộc bắt đạo, tìm đến Lương Hòa khẩn hoang sinh sống. Dần dần Lương Hòa trở thành khu canh tác trồng trọt sung túc, có rất nhiều thứ cây trái.

Số giáo dân thêm đông, cha Đoan cùng với ban quới chức quyết định cất nhà thờ mới và lập trường học. Cha còn mở lớp dạy chữ nho cho vài người, rồi dạy họ cách phân mạch để hốt thuốc trị bệnh cho dân làng.

Năm 1895, cha Đoan xin nghỉ hưu, cha Bửu được bổ nhiệm thay thế. Cha nhờ các dì phước Chợ Quán đến dạy chữ cho trẻ để chúng có thể học giáo lý. Ngoài ra, một số chủng sinh cũng được gởi đến giúp dạy giáo lý Thêm Sức. Theo sổ họ đạo, năm 1905 Lương Hòa đã có 1500 giáo dân.

Năm 1915, cha Quờn được bổ nhiệm coi sóc họ Lương Hòa, cha đã cất thêm một trường học. Cho đến thời điểm này, Lương Hòa đã trở thành họ đạo đông đúc với số ơn gọi nhiều và phong phú: chủng viện, dòng Cái Nhum, nhà kín, dòng Phaolô, dòng Mến Thánh Giá…

PHÂN CHIA HỌ ĐẠO

- Năm 1917, nhà nước bắt đầu đào kinh l’Helgouach (kinh Xáng Lớn). Kinh đào này chia cắt họ đạo thành hai khu vực phân cách, các trẻ đến trường hoặc đến nhà thờ phải qua cầu hoặc đi đò nguy hiểm. Khi được trình báo sự việc, Đức Cha Tôn (Mgr Quinton) đã đích thân đến Lương Hòa thị sát, rồi cho cất thêm một nhà thờ và đặt tên là Lương Hòa Thượng, nhà thờ cũ được gọi là Lương Hoà Hạ. Sự phân chia họ đạo là nỗi buồn cho cha sở và bổn đạo, nên Đức Cha giải thích thêm, mặc dù hai nhà thờ, nhưng cùng một họ đạo duy nhất. Khi nhà thờ được cất xong, cha sở Gia Định cho tiền để cất 2 trường học.

- Ngày 14.04.1920, Đức Cha chỉ định cha Quờn coi Lương Hòa Hạ, và bổ nhiệm cha Tròn ở Giồng Rùm về làm cha sở Lương Hòa Thượng. Như vậy, họ đạo Lương Hòa chính thức được phân thành hai họ đạo riêng biệt. Vào thời điểm này, số giáo dân họ Lương Hòa Thượng là 1500, Lương Hòa Hạ là 1050.

HỌ ĐẠO LƯƠNG HÒA THƯỢNG

- Năm 1929, cha Tròn đi Lái Thiêu, cha Antôn Luật về và năm 1930 cha khởi công xây dựng nhà thờ Lương Hoà Thượng trên nền nhà thờ hiện nay.

- Với năm tháng dài gần 60 năm và chiến tranh tàn phá ngôi nhà thờ này đã rệu rã xuống cấp trầm trọng. Năm 1991, cha Antôn Nguyễn Văn Đức khởi công xây dựng nhà thờ mới. Công trình sắp hoàn thành thì cha phải đi dưỡng bệnh. Năm 1996, cha Lêô Trần Văn Thanh xây thêm hai dãy hành lang nhà thờ.

- Tháng 4 năm 1997, cha Gioan Nguyễn Huy Muôn về làm cha sở. Cha tu chỉnh lại gian cung thánh và tổ chức lễ làm phép và khánh thành nhà thờ mới ngày 15 tháng 4 năm 1998.

 

 

 

 

 

GIÁO XỨ LƯƠNG HÒA HẠ

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Lương Hoà Hạ nằm trên địa bàn ấp 7, xã Lương Hoà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp 7, xã Lương Hoà, huyện Bến Lức, tỉnh Long An.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 4.000 người

Số gia đình công giáo: 1.187 gia đình

 

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Giai đoạn đầu của họ đạo Lương Hòa Hạ, từ năm 1873 đến năm 1920, đã được trình bày trong phần lược sử họ đạo Lương Hòa Thượng, đó là thời kỳ hai họ đạo chưa phân tách.

- Từ năm 1920, khi Lương Hòa chính thức được phân thành hai họ đạo riêng biệt, thì số giáo dân của họ Lương Hòa Hạ là 1050 người.

- Vào năm 1927, cha sở Anrê Nguyễn Văn Diên đã tiến hành xây nhà thờ mới với diện tích khá rộng, ngang 14m, dài 45m, khung sườn bằng gỗ, vách xây, mái ngói, nền lót gạch bông. Rất tiếc, nhà thờ này đã bị bom đạn chiến tranh phá sập hoàn toàn vào năm 1965 cùng với tất cả cơ sở khác của họ đạo như nhà xứ, trường tiểu học, nhà quý dì phước...

- Do chiến sự ngày càng khốc liệt, từ năm 1963-1964, giáo dân lần lượt di tản đến các nơi Bến Lức, Chợ Quán, Thị Nghè, Hạnh Thông Tây… bỏ lại tất cả vườn thơm, ruộng lúa. Từ đó, mọi sinh hoạt của họ đạo bị ngưng trệ, chỉ có những lúc chiến tranh lắng dịu một chút, các cha ở Lương Hòa Thượng mới có thể xuống giúp cử hành các Bí tích cho số ít bổn đạo còn ở lại.

- Từ năm 1972, bổn đạo bắt đầu trở về quê nhà, các cha phó ở Lương Hòa Thượng đến giúp đều đặn, một ngôi nhà nguyện được cất lên tại địa điểm khu nhà thờ hiện nay. Năm 1973, một ký nhi viện khá lớn được thành lập và Đài Đức Mẹ cũng được xây dựng, nhưng năm 1976 nhà ký nhi viện đã bị phá bỏ.

- Năm 1976, cha Gioan Trần Phước Cương được bổ nhiệm làm cha sở. Thời kỳ này, chiến tranh không còn, số giáo dân trở về xứ ngày càng đông. Đầu thập niên 1990, cha đã cùng với bổn đạo xây dựng nhà thờ mới, rồi nhà xứ, và sau cùng là nhà sinh hoạt giáo lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các sinh hoạt và phát triển giáo xứ.

- Trước đây, Lương Hòa Hạ và Lương Hòa Thượng nằm trong số những họ đạo sản sinh nhiều ơn gọi linh mục và tu sĩ. Từ khoảng 10 năm trở lại đây, khi các khu công nghiệp phát triển mạnh ở vùng này, ơn gọi tu trì gần như không còn.

 

 

 

 

 

 

GIÁO XỨ LẬP ĐIỀN

 

VỊ TRÍ

- Giáo xứ Lập Điền nằm trên địa bàn xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

- Địa chỉ nhà thờ: ấp Lập Điền, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.

- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:

Số giáo dân: 500 người

Số gia đình công giáo: 172 gia đình

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

- Theo báo Nam Kỳ Địa Phận mà cha Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập thì họ đạo Lập Điền bắt đầu hình thành thời cha Bổn đang coi sóc họ đạo Rạch Thiên (1897-1899). Nguồn gốc họ đạo Lập Điền được báo này ghi lại như sau: Ông hương Trận là người Công giáo, quê ở Thủ Dầu Một. Ông bị rối hôn nhân, nên bỏ đạo và đến sống giữa vùng ngoại giáo. Sau đó ông đưa vợ con đến sống ở ấp Bàu Công. Thời cha Bổn coi sóc họ đạo Rạch Thiên, ông Trận mới trở lại đạo và đưa tất cả vợ con cháu chắc theo đạo, hết thảy hơn 40 người. Những người này trở thành những tín hữu đầu tiên hình thành nên họ đạo Bàu Công (Lập Điền).[2]

- Tuy nhiên, ông Cao Đình Thường, nay 83 tuổi (năm 2020), đang sống ở họ đạo Lập Điền, là cháu cố của ông hương Trận; ông Thường nói rằng từ năm 1868 đã có họ đạo Lập Điền với ngôi nhà thờ bằng vách đất mái tranh. Lúc đầu giáo dân rất ít và không ai rõ họ đạo đã phát triển như thế nào.

- Giữa hai thông tin trên, thông tin nào chính xác? Chưa thể xác định được.

- Đến khoảng thập niên 1950-1960, nhà thờ được tu sửa lại với vật liệu chắc chắn: tường gạch và mái ngói âm dương, bổn đạo phát triển dần theo thời gian với hai dòng họ chính là Cao và Hồ.

- Trải qua hai thời kỳ chiến tranh, giáo dân di tản nhiều nơi, một số lánh nạn ở Hiệp Hoà, một số chuyển về Sài Gòn. Nhà thờ hiu quạnh và với thời gian mưa nắng đã hư hại rất nhiều.

- Năm 1998, nhà thờ đã được xây mới với khung bêtông cốt thép mái tôn và tồn tại đến ngày hôm nay.

- Từ ngày thành lập đến năm 2004, họ đạo Lập Điền được các cha sở và phó của Giáo xứ Hiệp Hoà và Rạch Thiên đến dâng Thánh Lễ và ban các Bí tích.

- Ngày 05 tháng 03 năm 2010, Đức Cha Phaolô đã nâng họ đạo Lập Điền lên giáo xứ và đặt cha Đôminicô Nguyễn Thanh Liêm làm cha sở giáo xứ.

 


[1] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 69-70.

[2] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 86-90.

Vp. TGM Mỹ Tho