QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
CỦA MỖI GIÁO XỨ TRONG GIÁO PHẬN MỸ THO
(WGPMT) Tiếp theo bài giới thiệu tổng quát những chuyển biến của các giáo xứ trong Giáo phận Mỹ Tho qua dòng thời gian từ ngày thành lập giáo phận cho đến nay, đề mục này sẽ trình bày rất sơ lược về quá trình hình thành và phát triển của mỗi giáo xứ trong giáo phận. Nội dung chính yếu trong phần trình bày này được sao chép hoặc biên soạn lại từ quyển kỷ yếu 50 Năm Giáo Phận Mỹ Tho và dựa vào quyển Sưu Tập Gốc Tích Các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho do linh mục Phaolô Đặng Tiến Dũng sưu tập từ báo Nam Kỳ Địa Phận, báo Les Missions Catholiques và báo của Hội nghiên cứu Đông Dương. Ngoài ra, một ít thông tin của các giáo xứ trong những năm gần đây cũng được thêm vào để cập nhật cho nội dung. Mặc dù với chủ ý trình bày rất sơ lược về mỗi giáo xứ, nhưng nội dung vẫn còn nhiều giới hạn vì sự hiếm hoi về tài liệu tham khảo. Hy vọng những nội dung này sẽ được bổ sung hoàn chỉnh hơn trong tương lai.
GIÁO XỨ LONG ĐỊNH 2
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Long Định 2 tọa lạc cạnh quốc lộ 1, ngay ngã ba đường số 9 dẫn vào huyện mới Tân Phước, thuộc ấp Mới, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
- Địa chỉ nhà thờ: ấp Mới, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019:
Số giáo dân: 640 người
Số gia đình công giáo: 230 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Trong cuộc di cư của các cộng đoàn tín hữu miền Bắc năm 1954, có một số cộng đoàn đã đến định cư dọc theo kinh Bàu Bèo, gần khu vực trung tâm huyện Tân Phước hiện nay, và đã hình thành nên các họ đạo: Mỹ Phát, Kênh 3, Hiệp Thuận. Sau một thời gian định cư tại đây, các tín hữu này lại phải di tản đến các nơi khác vì lý do vì chiến tranh.
- Trong lần di tản này, một số giáo dân họ đạo Mỹ Phát đã đến sinh sống tại ngã ba Long Định, dọc theo quốc lộ 4 và hương lộ 9. Thế nên ngày 02 tháng 06 năm 1963, Đức Giám Mục Giuse Trần Văn Thiện đã ủy thác cho linh mục Gioan Baotixita Trần Văn Huyến xây dựng một ngôi nhà thờ tạm tại Long Định để chăm sóc mục vụ cho các tín hữu. Ngày 20 tháng 05 năm 1964 nhà thờ tạm được khởi công xây dựng. Đúng một tháng sau, tức là ngày 20 tháng 06 năm 1964, Thánh Lễ đầu tiên được cử hành tại nhà thờ này.
- Sau đó, vì số giáo dân ngày càng qui tụ đông hơn, nên tháng 8 năm 1966, linh mục chánh xứ và anh em giáo dân đã bắt đầu xây dựng nhà thờ mới, khang trang và rộng rãi hơn. Ngày 25 tháng 12 năm 1967 đúng ngày lễ Chúa Giáng Sinh, Đức Giám Mục giáo phận đã về dâng Thánh Lễ đồng tế, làm phép trọng thể và khánh thành ngôi nhà thờ mới với thánh bổn mạng là Đức Mẹ Mân Côi.
GIÁO XỨ CÁI BÈ
VỊ TRÍ
- Giáo xứ Cái Bè trải rộng trên 4 khu thị trấn Cái Bè, các xã lân cận trong huyện Cái Bè và Cai Lậy.
- Địa chỉ nhà thờ: 171 khu III, thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 2.428 người
Số gia đình công giáo: 661 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Trước năm 1828, tại Cái Bè đã có các tín hữu và ngôi nhà thờ đơn sơ gần cầu thị trấn Cái Bè (Cầu Sắt) hiện nay. Tuy nhiên, do chiếu chỉ bách hại đạo của vua Minh Mạnh, năm 1828 giáo dân di tản đến Cái Mây là nơi hẻo lánh hơn để tránh cho an toàn, nhà thờ bị phá hủy. Do đó, không còn tín hữu nào ở Cái Bè.[1]
- Sau này, khi nghe tin có bắt đạo ở Châu Đốc, một giáo dân ở Cù Lao Giêng là ông Giuse Trần Bá Phước đưa gia đình đi lánh nạn ở Mỹ Tho. Về sau, ông Trần Bá Lộc là con ông Phước, được thăng quan tiến chức làm Đốc Phủ Sứ, cai quản vùng Cái Bè, nên cả gia đình ông Phước (khoảng 15 người) đến định cư tại Cái Bè. Đó là số giáo dân đầu tiên của giáo xứ Cái Bè hiện nay.
- Lúc đó, cộng đoàn Cái Mây và Cái Thia trực thuộc giáo xứ Cái Nhum do cha sở Thu (cha P.Tournier) cai quản. Dịp cha Thu đến dâng Lễ Giáng Sinh năm 1868 ở Cái Mây và Cái Thia, ông Phước đến gặp và xin cha lập họ đạo Cái Bè. Hôm sau Cha Thu gởi thầy Sáu Phêrô Nguyễn Đức Nhi đến ở tại nhà ông Phước để qui tụ những người dự tòng, dạy giáo lý cho họ.
- Cuối năm 1869, cha Thu rửa tội cho 338 dự tòng. Đây được coi là thờ điểm chính thức thành lập họ đạo Cái Bè. Cùng với gia đình ông Phước, tổng cộng giáo dân lúc đó khoảng 350 người.
GIÁO XỨ CÁI MÂY
VỊ TRÍ
- Họ đạo Cái Mây thuộc địa hạt Cái Bè, cách Cái Bè chừng ba cây số.
- Địa chỉ nhà thờ: ấp Hoà Quí, xã Hoà Khánh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 1.236 người
Số gia đình công giáo: 290 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Do lệnh bách hại đạo của vua Minh Mạng, năm 1828 các Kitô hữu ở Cái Bè đã trốn vào Cái Mây định cư. Họ sống đạo âm thầm, không có linh mục đến viếng thăm.
- Đến năm 1861, sau khi sau khi cha Phêrô Lựu và 27 tín hữu ở họ Ba Giồng bị trảm quyết, con cháu các vị tử đạo chạy về Cái Mây ẩn thân, vì biết nơi này có những gia đình Công giáo.
- Khoảng năm 1862, cha Quí (P. Getnot) là cha sở họ đạo Mỹ Tho nghe nói có một số giáo dân sống ở Cái Mây, nên cha đến thăm rồi nhờ một thầy giảng đến giúp và cất một nhà nguyện nhỏ.[2] Cha Quí lo cho họ này được ít lâu thì giao cho cha Thu (Tournier) cha sở Cái Nhum (Vĩnh Long) coi sóc, vì từ Mỹ Tho tới Cái Mây quá xa.
- Năm 1869, họ Cái Bè được thành lập, và từ đó họ Cái Mây thuộc về họ đạo Cái Bè. Năm 1885, cha Greset (Hoà) di dời nhà thờ đến vị trí nhà thờ ngày nay.
- Nhà thờ hiện tại là nhà thờ thứ IV, được cung hiến và khánh thành ngày 10.01.2007, đặt dưới sự bảo trợ của “Đức Mẹ Mông Triệu”.
HỌ ĐẠO THUỘC NHIÊU
VỊ TRÍ
- Họ Thuộc Nhiêu thuộc xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Nằm phía sau chợ Thuộc Nhiêu, cách quốc lộ I khoảng 1 km.
- Địa chỉ nhà thờ: xã Dưỡng Điềm, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 400 người
Số gia đình công giáo: 90 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Năm 1929, thầy Léon Tạ Thái Sơn thuộc dòng Thầy Giảng Cái Nhum đến giảng đạo ở Nhị Quí. Thầy đã tìm gặp những cụ già ở làng Hữu đạo và ghi lại lời kể của những cụ đã trực tiếp chứng kiến cuộc tra tấn 17 Kitô hữu ở làng Hữu Đạo năm 1861. Theo lời các cụ thì 17 tín hữu này bị quan quân Annnam bắt từ các họ đạo khác nhau, trong đó có họ đạo Dưỡng Điềm (Thuộc Nhiêu).[3]
Như vậy, muộn nhất là năm 1861 đã có cộng đoàn Kitô hữu hiện diện tại Thuộc Nhiêu. Tiếc rằng, không có tài liệu nào khác ghi lại quá trình tồn tại của cộng đoàn này trong thời gian đầu này.
- Giáo dân Thuộc Nhiêu ngày nay chỉ còn biết đôi điều về họ đạo mình từ thời cha Giuse Đặng Ngọc Linh, tức là khoảng năm 1940 đến nay. Khoảng năm 1950, do chiến tranh, giáo dân tản mát đi các nơi, một số lên Cai Lậy, một số xuống Mỹ Tho, nhà thờ bị tàn phá. Trong thời gian này đất nhà thờ, nhà xứ bị lấn chiếm.
- Sau năm 1975, giáo dân trở về canh tác trên phần đất quê nhà, nhưng phải đi lễ tại nhà thờ Nhị Bình, cách xa 5km.
- Năm 1995, cha sở Long Định II mua được một miếng đất ngay trên nền nhà thờ cũ, và kiên trì liên hệ với chính quyền để xin phép phục hồi lại họ đạo và xây dựng nhà thờ.
- Mãi đến ngày 7 tháng 11 năm 2005, chính quyền mới chấp thuận cho xây dựng nhà thờ. Cha sở cùng với giáo dân tiến hành xây dựng ngôi nhà thờ mới và ngày Chúa nhật 10 tháng 12 năm 2006, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám Mục Giáo phận Mỹ Tho, đã làm phép nhà thờ, đài Đức Mẹ, trong sự hân hoan sung sướng của toàn thể giáo dân.
GIÁO XỨ BẰNG LĂNG
VỊ TRÍ
- Bằng Lăng là một giáo xứ nằm trong vùng đất cạnh Đồng Tháp Mười, thuộc xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
- Địa chỉ nhà thờ: ấp Mỹ Chánh 5, xã Hậu Mỹ Bắc A, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.
- Theo báo cáo mục vụ năm 2019
Số giáo dân: 2.412 người
Số gia đình công giáo: 525 gia đình
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
- Năm 1926, ông bà Simon Lê Văn Nghi và Matta Nguyễn Thị Đồ từ họ đạo Cầu Kho, Sài gòn, đến khai thác vùng đất hoang vu tại vùng kinh Bằng Lăng. Với lòng đạo đức và ước muốn lập một họ đạo tại vùng đất này, ông bà đã quy tụ bà con tại nhà riêng để đọc kinh và rước thầy giáo Trịnh dạy chữ và giáo lý; đôi tháng ông đón rước cha Châu từ họ đạo Ngũ Hiệp đến dâng Lễ và ban các Bí tích.
- Năm 1929 nhà thờ đầu tiên được cất tại vàm kinh Bằng Lăng. Về sau, Cha Adolphe Keller dự định xây nhà thờ, nhà xứ và nhà các dì ở ngã ba kinh Tổng Đốc Lộc nay là kinh Nguyễn Văn Tiếp. Tuy nhiên, chiến tranh nổi lên, nên không thể thực hiện dự án được.
- Đến năm 1943, nhà thờ được dời về ngã ba kinh Nguyễn Văn Tiếp. Nhưng năm 1946, giặc giã nổi lên đốt nhà thờ cháy rụi. Hai năm sau, bà con giáo dân cùng nhau cất lại nhà thờ thứ II bằng tre lá, lúc này có cha Huỳnh Kim Đức, cha Luật và cha Kính thường xuyên thay phiên nhau dâng lễ và cử hành các bí tích. Chiến tranh ngày càng khốc liệt, vì thế ba cha này phải vào chiến khu.
- Năm 1950 nhà thờ bị cháy lần thứ hai, rồi Hoà Hảo nổi lên chiếm đất khuôn viên nhà thờ. Bổn đạo phải cất nhà thờ thứ III ở đất thánh của họ đạo. Nhưng năm sau lại bị đốt cháy.
- Năm 1952, cha Tađêô Võ Thành Tích, ở Cái Bè vào và cất nhà thờ thứ IV tại nền đã bị Hòa Hảo chiếm trước đó. Năm 1965, nhà thờ lại bị bom đạn phá sập.
- Từ năm 1966, họ đạo Bằng Lăng được cha Anrê Nguyễn Văn Nam, chánh sở họ đạo Bình Trưng, đến giúp các Bí tích.
- Năm 1967, cha Antoine Pezeu, thấy bổn đạo Bằng Lăng côi cút đáng thương, nên từ Cai Lậy cha vào cất lại nhà thờ cũng bằng tre lá. Và một lần nữa, ngôi nhà thờ thứ V lại bị chiến tranh tàn phá năm 1971, đa số giáo dân phải tản cư.
- Năm 1975, khi hòa bình được tái lập, bà con giáo dân mới trở về. Từ đó, cha Phaolô Nguyễn Văn Hoàng được bổ nhiệm làm chánh sở. Ngôi nhà thờ thứ VI bằng tre lá được dựng lên. Thời gian này cuộc sống đạo ổn định, giáo dân ngày càng phát triển.
- Đầu năm 1990 giáo xứ đã khởi công xây dựng nhà thờ thứ VII tương đối kiên cố để thay thế nhà thờ tre lá bị mục nát.
- Với thời gian, nhà thờ trở nên nhỏ hẹp và xuống cấp. Ngày 07.10.2014, Đức Cha Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự Thánh Lễ đặt viên đá khởi công xây dựng nhà thờ mới. Chưa đầy một năm sau, công trình còn đang dang dỡ thì cha sở Phêrô Nguyễn Văn Vĩnh qua đời. Cha sở mới Phaolô Nguyễn Văn Tuấn tiếp tục công trình, hy vọng sẽ hoàn thành trong năm 2020.
[1] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 32.
[2] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 36.
[3] Xem Lm. Phaolô Đặng Tiến Dũng, Sưu Tập Gốc Tích các Họ Đạo Cổ Xưa Trong Giáo Phận Mỹ Tho, tr. 44-46.